Chinh phục giấc mơ du học

.

12 năm liền là học sinh giỏi, Hồ Minh Đức, chàng trai Cơ dong mồ côi cha ở thôn 3, xã Trà Don (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) vừa được Quỹ học bổng Vừ A Dính tiếp tục trao tặng học bổng để du học ngành Vật lý kỹ thuật-Trường Đại học Kỹ thuật quốc gia Moskva Bauman (Nga).

Hồ Minh Đức - chàng trai Ca dong nghèo khó học giỏi vừa nhận học bổng du học Nga.  Ảnh: T.L
Hồ Minh Đức - chàng trai Ca dong nghèo khó học giỏi vừa nhận học bổng du học Nga. Ảnh: T.L

Tôi tình cờ gặp Hồ Minh Đức một ngày tháng bảy, khi em đang theo khóa học tiếng Nga cấp tốc tại Đà Nẵng để chuẩn bị hành trang du học ở xứ sở Bạch dương. Ba năm qua, Đức theo học Trường THPT Quốc Văn  ở TP. Hồ Chí Minh, vẫn không làm mất đi nét rắn rỏi trong đôi mắt và làn da rám của chàng trai vùng núi cao. Hành trình đến với giấc mơ du học của Đức là một câu chuyện dài với nghị lực và niềm tin.

Đức sinh ra ở xóm núi thuộc thôn 3, xã Trà Don, trong một gia đình nghèo có 2 anh em. Cuộc sống dựa hoàn toàn vào hạt lúa trên nương rẫy, con cá bắt được dưới suối. Dù bữa đói bữa no nhưng Đức vẫn ham học chữ.

Những năm tiểu học, nhà cách trường hơn 2 cây số đường rừng, có hôm ba mẹ lên rẫy về muộn, không ai trông em nhỏ giùm để đi học nên Đức cõng em theo tới lớp luôn. Ngày mưa hay ngày nắng, trong khi thầy cô giáo luôn phải đến tận từng nhà nhắc nhở, vận động các bạn khác tới trường thì Đức vẫn đều đặn tự giác không bỏ buổi học nào. Cuộc sống cứ êm đềm trôi trong niềm vui được tới trường thì một ngày giữa năm 2008, khi Đức đang học lớp 5, một vụ sạt lở đất đã cướp đi người cha trụ cột gia đình. Đức kể:

“Lúc đó em chưa ý thức hết nỗi đau mất mát, nhưng nhìn mẹ khóc ngất, em rất thương và buồn lắm”. Sau đận ấy, đôi lần bà Lê Thị Nguyệt - mẹ Đức, tưởng chừng không gượng dậy được, nhưng nhìn các con, không còn cách nào khác bà buộc phải nuốt nước mắt. Bà bảo, lúc đó Đức mới hơn 10 tuổi, các em sau còn quá nhỏ. “Tui cứ tưởng sẽ không thể tiếp tục được nhưng cứ mỗi lần định bảo Đức nghỉ học để trông em giúp mẹ mà thấy Đức cứ vân vê tập vở lại không đành lòng. Thương con đành gắng gượng”.

Hơn 10 tuổi, những ngày làm điểm tựa cho mẹ là động lực thôi thúc Đức tiếp tục học hơn bao giờ hết. Lên lớp 6, Đức khăn gói đến Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trà Don học 4 năm và năm nào cũng là học sinh giỏi. Năm 2014, được thầy cô đề xuất, Đức trở thành cậu học trò miền núi duy nhất của Nam Trà My được nhận học bổng Vừ A Dính, khăn gói rời quê vào học ở Trường THPT Quốc Văn Sài Gòn.

Từ xóm núi về thành phố hoa lệ với bao lạ lẫm, cậu trò nghèo phải mò mẫm từng thứ một để hòa nhập, làm quen. “Ngày nhập trường, có các thầy cô đưa đi. Nhưng đến một môi trường mới có nhiều lạ lẫm lắm. Trường mới, bạn mới, thầy cô mới rồi cả nơi sinh sống cũng mới. Ban đầu em phải tập làm quen dần mọi thứ. Nhiều đêm nằm nhớ mẹ, nhớ em đến ứa nước mắt. Nhưng không thể để con đường học của mình đứt đoạn, em vừa cố gắng học để không bị tụt lại vừa mạnh dạn hơn trong giao tiếp để làm quen với các bạn, tham gia các phong trào văn nghệ lớp, trường. Lâu dần rồi thành quen và thích nghi được”, Đức kể.

Ba năm học phổ thông ở nơi xa nhà cả ngàn cây số với bao nỗi nhớ quê, nhớ mẹ, Đức vẫn duy trì thành tích học tập của mình với điểm số tổng kết hằng năm 8.6 điểm, dù không biết đến một lớp học thêm nào trong suốt thời gian ấy. “Em chủ yếu chỉ nghe thầy cô giảng trên lớp rồi tranh thủ buổi tối làm thêm bài tập chứ không có điều kiện đi học thêm. Cái gì chưa hiểu thì đem ra hỏi thầy, hỏi bạn để bồi bổ thêm kiến thức”, Đức nhớ lại.

Tốt nghiệp THPT với thành tích 12 năm liền học sinh giỏi, tháng 6 vừa qua, Đức tiếp tục được Quỹ học bổng Vừ A Dính trao học bổng du học Nga. Đức nói: “Được nhận học bổng em khá bất ngờ và hạnh phúc.

Em sẽ cố gắng học thật tốt để trở thành kỹ sư ngành Vật lý Kỹ thuật, sau này có điều kiện trở về góp chút công sức mình cho quê hương, giúp đỡ mẹ và em có cuộc sống ổn định hơn”. Trong câu chuyện về hành trình chinh phục giấc mơ du học của mình, Đức bày tỏ:

“Để có được ngày hôm nay và cả điểm khởi đầu cho con đường tương lai phía trước, bên cạnh em luôn có sự đồng hành, dõi theo và giúp đỡ của thầy cô giáo Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trà Don, đặc biệt là thầy giáo Võ Đăng Chín, Hiệu trưởng nhà trường. Thầy luôn động viên kịp thời và hỗ trợ tiền tàu xe đi lại cho em trong những kỳ lễ, Tết trong 3 năm học THPT. Với em thầy như một người cha vậy!”.

Tôi hỏi Đức đã chuẩn bị gì cho chuyến đi du học xa, Đức bảo: “Có lẽ cũng như lần đến với Trường THPT Quốc Văn. Nơi đó mỗi bạn đến từ một miền quê khác nhau, một giọng nói và tính cách khác nhau. Điều quan trọng là mình phải cố gắng bắt nhịp và dung hòa để cùng nhau đi tới phía trước”. Tôi đọc được trong đôi mắt của chàng trai xóm núi Hồ Minh Đức một nghị lực kiên cường. Ở đó có khát vọng cháy bỏng luôn hướng về phía tương lai tươi sáng nhưng vẫn luôn giữ thần thái, sự đau đáu với quê hương, không bị mờ nhòa sau những tháng năm xa quê trọ học.

THANH LAM

;
.
.
.
.
.