Còn sức còn gánh vác

.

Thật khó có thể nói hết sự đóng góp của những người đã dành thời gian nghỉ hưu của mình sau mấy chục năm công tác cho công việc của hội, đoàn thể. Họ làm việc với tất cả sự gắn bó và mê say, đầy tinh thần trách nhiệm và xốc vác dù đôi khi sức khỏe ngăn bước chân đầy nhiệt huyết. Dù cho câu nói vui “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” có đúng hay không thì họ cũng đã sống, làm việc hết mình với vai “hàng tổng”.

Ông Trần Đình Liễn, Chủ tịch Hội Khuyến học Đà Nẵng, cho biết về hưu ông vẫn làm dân vận.(Ảnh nhân vật cung cấp)
Ông Trần Đình Liễn, Chủ tịch Hội Khuyến học Đà Nẵng, cho biết về hưu ông vẫn làm dân vận.(Ảnh nhân vật cung cấp)

Còn “duyên” với công việc

Ông Trần Đình Liễn, Chủ tịch Hội Khuyến học, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố bảo rằng, công việc của mình trước khi nghỉ hưu là dân vận, và bây giờ vẫn đang tiếp nối công việc dân vận.

Bởi công việc của Hội Khuyến học là vận động nhân dân hưởng ứng phong trào khuyến học, khuyến tài và học tập suốt đời, xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố học tập. Trong gần 40 năm công tác của mình, ông có 24 năm làm việc trong ngành giáo dục nên làm công việc khuyến học hiện nay cũng là gắn bó với nghề dạy học mà mình đã một thời cống hiến.

Khi còn làm việc, nhiều người vẫn nghĩ là khi về hưu, mình sẽ là “tỉ phú thời gian” sau khi hoàn thành trách nhiệm với xã hội. Ông Liễn từng hình dung mình có thể cùng vợ con chăm sóc mẹ già, chơi với cháu, đi thăm thú đây đó cùng người thân và bạn bè, và có thể nghỉ ngơi sau một thời gian dài công tác bận bịu, thậm chí sau nhiều năm liền “tham công tiếc việc” không nghỉ phép.

Nhưng rồi đúng vào thời điểm ông chuẩn bị nghỉ hưu năm 2013, lãnh đạo thành phố, Ban Thường vụ Hội Khuyến học và đặc biệt là ý kiến đề nghị của người có 22 năm làm Chủ tịch Hội Khuyến học Phạm Đình Hảo mong muốn ông là người kế nhiệm. Những lời động viên của người thân và đặc biệt là tấm gương của người thủ trưởng cũ cả cuộc đời tận tụy với công việc giáo dục và khuyến học, ông Liễn nhận lời: “Coi như mình còn duyên với giáo dục!”.

Hơn 25 năm qua, Hội Khuyến học Đà Nẵng có nhiều hoạt động mang lại  hiệu quả cao cho xã hội, đóng góp với công tác an sinh xã hội của thành phố, giúp cho hơn 30.000 học sinh có gia cảnh khó khăn tiếp tục đi học và có trên 1.000 em học lên đại học, cao đẳng, thay đổi số phận của mình; động viên kịp thời hơn 40.000 học sinh học tập xuất sắc, học sinh vượt khó học giỏi.

Những năm gần đây, Hội Khuyến học tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị trong toàn thành phố; không chỉ khuyến khích trẻ em di học mà còn khuyến khích người lớn phải học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Hội Khuyến học cũng nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng của lãnh đạo thành phố, người dân trong từng gia đình, tộc họ để thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài.

Cũng mới đó mà đã hơn 10 năm “Nhóm tự học Hán Nôm” của 3 cán bộ hưu trí, sinh hoạt định kỳ mỗi tháng 2 lần (vào mồng một và ngày rằm hàng tháng) do Đại tá Huỳnh Phương Bá (nguyên Phó Cục trưởng Cục Chính trị, Cục Kinh tế Quân khu 5) làm nhóm trưởng được thành lập.

Từ nhóm, các cụ nâng lên thành Câu lạc bộ Hán Nôm trực thuộc Hội Khuyến học quận Hải Châu, sau khi gây “tiếng tăm” bằng cách tặng cho các trường học trên địa bàn các tác phẩm “Nam quốc sơn hà”, “Chiếu dời đô”, “Hịch tướng sĩ” bằng cả chữ Hán, phần phiên âm và dịch nghĩa do các học viên viết. Năm 2012, Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng ra đời, ông Huỳnh Phương Bá làm giám đốc, đẩy mạnh việc học tập, nghiên cứu, biên dịch....

Nhiều năm sau gặp lại, người cựu chiến binh vẫn giữ vẻ nho nhã, từ tốn, và nét buồn còn phảng phất trên gương mặt ông sau khi người bạn đời đi trước cách đây gần hai năm. Nhưng nói về việc học, việc phát triển Trung tâm Hán Nôm thì ông vẫn giữ tình yêu bền bỉ, bởi từ niềm đam mê khám phá những bí ẩn đằng sau những ký tự, những trang viết, những tấm bia đá; từ nhu cầu cần học, ông đã quy tụ được những người cùng chung chí hướng và tổ chức bài bản lớp học. 30 học viên thường xuyên của Trung tâm đã học xong 400 chữ, các bộ thủ, thứ tự cách viết của năm thứ nhất và đang học năm thứ hai.

Những năm qua, các ông bà đã cùng nhau dịch miễn phí hàng trăm gia phả, chúc thư, sắc phong, chiếu dụ của các tộc họ ở khắp các tỉnh thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; dịch 12 tài liệu về cụ Phạm Phú Thứ và gia đình cụ. Trung tâm cũng đã hoàn thành việc phiên âm, dịch nghĩa quyển thứ 5 của Đại Nam nhất thống chí cho Bảo tàng Đà Nẵng, phiên âm dịch nghĩa quyển Hòa Vang địa chí…

Tuổi đời đã là hai con số 8, ông Bá vẫn đến lớp Hán Nôm cùng học, cùng nghiên cứu với các học viên. Ông vẫn tham gia dịch thuật, viết bài tập san Hán Nôm, và mê đọc thơ tình của Pháp, của các nhà thơ Việt Nam.

Lớp học từ 3 người tóc bạc, nay tăng lên gấp 10 lần và có lẫn nhiều người tóc xanh, ngoài ra còn có hai câu lạc bộ ở quận. Hơn 10 năm qua, ông Huỳnh Phương Bá và những người bạn của mình không biết thế nào là lương bổng, không kể đến danh lợi, để giải mã và giữ gìn di sản của cha ông để lại.

Ông Huỳnh Phương Bá (thứ 2 từ trái sang) tại gian hàng của Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng, nhân Ngày hội giao lưu Ngôn ngữ tháng 1-2017. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Ông Huỳnh Phương Bá (thứ 2 từ trái sang) tại gian hàng của Trung tâm Hán Nôm Đà Nẵng, nhân Ngày hội giao lưu Ngôn ngữ tháng 1-2017. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Những cánh tay đắc lực

Hàng trăm người từ ngày về hưu vẫn làm công việc của hội, đoàn thể ở địa phương, họ trở thành cánh tay đắc lực của chính quyền, để mỗi chính sách, nghị quyết được triển khai đến từng người dân. Chức danh tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, bí thư chi bộ, trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư; rồi Hội Cựu chiến binh, Nông dân, Chữ thập đỏ… cấp phường xã, do nhiều người là cán bộ về hưu đảm trách. Nếu không có những con người nghĩ đến cái chung, hy sinh lợi ích, bỏ qua những chữ “an nhàn” sau một thời gian cống hiến, thì khó có được những khu dân cư yên bình, người dân tin tưởng vào chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước.

Và khi đã tham gia công việc xã hội cấp cơ sở, nhiều người sẽ được nghỉ hưu lần 2.

Ông Trương Văn Loan, Tổ trưởng tổ 33, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà nghĩ đơn giản rằng, nghỉ hưu thì với trách nhiệm của người dân là phải xây dựng địa phương, nên chuyện ông làm tổ trưởng cũng bình thường như những người phải gánh trên vai nhiệm vụ khác. Nghe kể chuyện mới biết ông Loan làm tổ trưởng dân phố nhiều năm.

Hồi trước năm 2008 ông làm tổ trưởng tổ 12 được chừng 5 năm. Rồi vệt đất ven sông giải tỏa cho dự án Azura, ông và bà con chuyển sang bên này đường Ngô Quyền, ông làm tổ phó gần hai năm rồi sang Libya làm quản lý nhân sự theo sự điều động của Vinaconex.

Được 3 năm thì chiến sự nổ ra, ông lên chuyến tàu cuối cùng về nước. Về ít lâu thì nghỉ hưu. Tính từ 2012 đến nay, ông Loan đảm nhận chức tổ trưởng 2 nhiệm kỳ, ông định từ chối ở nhiệm kỳ tiếp theo để toàn tâm cho việc điều hành công ty riêng, nhưng chắc “khó thoát” như lời ông Nguyễn Tri, Trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư nói.

Ông Đặng Ngọc Đình, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn vốn là sĩ quan biên phòng, từng đóng ở biên giới Quảng Nam, ở các đồn dọc biển Đà Nẵng. Khi về hưu mang cấp bậc thượng tá, mới 54 tuổi, ông làm Phó Bí thư chi bộ Khái Tây 2A kiêm Chi hội trưởng CCB. Từ năm 2012 ông làm Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường, và  kiêm thêm nhiều việc khác.

Cũng giống như những người ở các hội, đoàn thể khác, người kế thừa luôn nhắc đến công lao của người đi trước. Hình như đó là đặc điểm dễ nhận thấy khi người ta có tuổi. Ông Đình cho biết, từ hơn 10 năm trước, mỗi hội viên đã thống nhất đóng quỹ 350.000 đồng/người/năm để tạo nguồn vốn, giúp đỡ trở lại anh em CCB.

Hiện nay 16 chi hội có khoảng 90 triệu đồng tiền quỹ, cho hội viên mượn để phát triển kinh tế trong 2 năm. Trong câu chuyện của mình, ông Đình thường nhắc đến người tiền nhiệm-CCB Hồ Sỹ Lượng, giờ là Chủ tịch Hội Cựu tù yêu nước, gánh vác trách nhiệm chăm sóc Nghĩa trang phường Hòa Quý.

Từ thời ông Lượng làm Chủ tịch Hội CCB, các ông đề ra quy định viếng hương mỗi tháng 2 lần cho các liệt sĩ. Ngoài làm lễ, thắp hương cho 980 ngôi mộ (có khoảng 20% mộ liệt sĩ chưa biết tên), ông Lượng còn chăm sóc hoa, cây cảnh, giúp nghĩa trang này được xếp vào hàng đẹp nhất so với các nghĩa trang cùng cấp của thành phố.

Viết đến đây, tôi nhớ đến người đàn ông cao gầy, qua tuổi 80, người phát triển và giúp đỡ tích cực hàng trăm em bé được chữa tim bẩm sinh. Ông là Trần Chí Thành, nguyên Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng. 14 năm sau ngày về hưu, không biết ông đã đặt chân đến nhà bao nhiêu gia đình ở khắp Đà Nẵng và Quảng Nam.

Hồi còn khỏe ông đi xe máy, sau thì nhờ anh em chở, đi để xem hoàn cảnh từng em, rồi sau khi các cháu mổ ông còn đi thăm, để xem sức khỏe các cháu có tốt hơn không, có thiếu thốn gì không. Có nhiều em nhà nghèo ở các nơi khác về đây, để được hưởng chính sách bảo trợ mổ tim của thành phố, ông nhờ mấy anh công an giúp các em tạm trú ở nhà mình, cho có cái địa chỉ.

Chưa hết, nhiều em bé ngoài bệnh tim có thể còn bị down, ông đã nhận hồ sơ và tìm cách giúp gia đình các em có cơ hội chữa trị. Từ hỗ trợ phẫu thuật tim, Hội chủ động phối hợp với ngành y tế tổ chức khám sàng lọc để phát hiện bệnh tim ngay từ cơ sở, và đưa các cháu đến các bệnh viện để khám xác định phác đồ điều trị. Mới đây, Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng kỷ niệm 15 năm thành lập, công bố con số 860 em được phẫu thuật tim, với số tiền trên 37 tỷ đồng, mới nhận ra công lao không nhỏ của bao người, trong đó không thể không kể đến ông.

Khác với những người nghỉ hưu có lương hưu, tại Hòa Vang, rất nhiều người trưởng thành từ những người nông dân, làm trưởng thôn, trưởng ban công tác Mặt trận của nhiều thôn… cống hiến cho công việc chung 10 năm, 20 năm. Khi còn làm việc họ được nhận khoản phụ cấp nhỏ bé, nhưng khi được “nghỉ hưu” thì không có lương hưu. Có hề gì, nói như ông Trần Đình Liễn là những ai đã có trách nhiệm với công việc của mình thì đều phải động não vì công việc, nặng nhẹ thì tùy theo năng lực, cách nghĩ và cách làm của mỗi người.

Ghi chép của Hoàng Nhung

;
.
.
.
.
.