Đà Nẵng bảo tồn di sản văn hóa

.

1. Trong Chương trình hành động của UBND thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2016-2021 dài 16 trang mới vừa được ban hành kèm theo Quyết định số 3481/QĐ-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2017, có một câu làm nức lòng những người hằng quan tâm đến ký ức đô thị:

“Triển khai Đề án Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa di sản văn hóa dân tộc trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020”. Và không chỉ có vậy, Chương trình hành động còn nêu cụ thể: “Trùng tu, tôn tạo di tích quốc gia thành Điện Hải; chuyển đổi vị trí Bảo tàng Đà Nẵng về địa điểm mới 42 Bạch Đằng”, qua đó đề cập cùng lúc cả hai di sản văn hóa vật thể cần được bảo tồn ngay trong nhiệm kỳ này: Thành Điện Hải và trụ sở HĐND thành phố - tiền thân là Tòa Đốc lý Tourane/Tòa Thị chính Đà Nẵng/trụ sở UBND thành phố.

Súng thần công được quân dân ta sử dụng để giữ thành Điện Hải, chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm lược năm Mậu Ngọ (1858).  Ảnh: VĂN THÀNH LÊ
Súng thần công được quân dân ta sử dụng để giữ thành Điện Hải, chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm lược năm Mậu Ngọ (1858). Ảnh: VĂN THÀNH LÊ

Thật ra trùng tu di tích quốc gia thành Điện Hải và chuyển đổi vị trí Bảo tàng Đà Nẵng về địa điểm mới là hai trong một - thậm chí ba trong một: dời Bảo tàng Đà Nẵng với kiến trúc không tương thích ra khỏi khuôn viên thành Điện Hải cũng là góp phần trùng tu tôn tạo một trong những vùng đất thiêng của thành phố bên sông Hàn; dời Bảo tàng Đà Nẵng về trụ sở HĐND thành phố còn là cách để bảo tồn tốt hơn nữa một trong những công trình kiến trúc thời thuộc địa, cũng là một trong những vùng đất thiêng từng hai lần chứng kiến lá cờ cách mạng tung bay trên nóc tòa nhà: một lần vào tháng 8 năm 1945 và một lần vào tháng 3 năm 1975.

2. Thời buổi này khó mà bảo tồn toàn vẹn những di sản văn hóa cha ông xưa để lại, chẳng hạn khó mà giữ được từng viên gạch của Hải Vân quan hay của thành Điện Hải… Cho nên cần thấy thành Điện Hải vừa là di sản văn hóa vật thể lại vừa là di sản văn hóa phi vật thể - nghĩa là phải làm sao để thành Điện Hải mãi mãi sừng sững trong ký ức người Đà Nẵng như là biểu tượng của lòng yêu nước và đức hy sinh, và quan trọng hơn là biểu tượng của niềm tự hào về quyết tâm đánh bại âm mưu xâm lược nước ta qua cửa ngõ Đà Nẵng cách đây gần một trăm sáu mươi năm về trước.

Bảo tồn di sản văn hóa vật thể đã khó, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể càng khó hơn nhiều. Chỉ cần sơn màu sơn đậm hơn trước như trường hợp Nhà hát lớn Hà Nội năm 2015 hay thậm chí mới sơn chống thấm khác với màu cổ kính vốn có như trường hợp Văn Miếu - Quốc tử giám năm 2017 là đã phải hứng chịu “cơn bão” dư luận…

Những bất cập sai lầm trong bảo tồn di sản văn hóa vật thể dễ nhận ra hơn so với những sai lầm bất cập trong bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Đâu phải ai cũng có thể nhận ra những lễ hội dân gian sân khấu hóa - tức là những lễ hội không xuất phát từ nhu cầu tín ngưỡng thực tế của dân làng mà chỉ xuất phát từ nhu cầu tham quan của du khách thập phương, đâu phải ai cũng hiểu rằng việc phục dựng lễ hội mục đồng làng Phong Lệ là để nghiên cứu bảo tồn một di sản văn hóa dân gian một thời vang bóng chứ không phải để phục vụ cho công nghiệp không khói.

3. Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể ở Đà Nẵng đang nổi lên vấn đề bảo tồn nghệ thuật Tuồng. Chính nhờ nỗ lực bảo tồn nghệ thuật Tuồng của nhiều thế hệ người Đà Nẵng nói chung và của nhiều thế hệ nghệ sĩ Tuồng ở Đà Nẵng nói riêng mà tháng 6 năm 2015, nghệ thuật Tuồng xứ Quảng tại Đà Nẵng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tuy nhiên mặc dầu được vinh danh như vậy nhưng nghệ thuật Tuồng xứ Quảng tại Đà Nẵng đang còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình bảo tồn và phát triển, chẳng hạn như khán giả vẫn chưa mặn mà với sân khấu Tuồng, như phải đưa Tuồng xuống phố, chấp nhận đi ngược lại sự phát triển: xưa từ dưới đất đi lên sân khấu, bây giờ từ sân khấu bước xuống đất…

Cần phải nói ngay rằng việc khán giả quay lưng với sân khấu không chỉ là câu chuyện riêng của nghệ thuật Tuồng mà còn là câu chuyện chung của các nghệ thuật truyền thống, cũng không chỉ là câu chuyện riêng của Đà Nẵng mà còn là câu chuyện chung của nhiều địa phương.

Cũng cần phải nói ngay rằng việc đưa Tuồng xuống phố chung quy chỉ là một giải pháp tình thế chứ không phải là định hướng phát triển lâu dài, chỉ là một hình thức quảng cáo/tiếp thị nhằm thu hút người xem đến với sân khấu của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Nếu ngộ nhận rằng đưa Tuồng xuống phố là định hướng phát triển lâu dài thì việc bảo tồn nghệ thuật Tuồng như một thứ hương hỏa cha ông truyền lại sẽ lâm vào bế tắc.

4. Sở dĩ nói bế tắc là vì nếu không quan niệm đây chỉ là giải pháp tình thế thì chính quyền thành phố có thể xem việc đầu tư đưa Tuồng xuống phố là liều thuốc an thần, xem như vậy là đã bảo tồn được nghệ thuật Tuồng, từ đó không đầu tư đúng mức cho bản thân sân khấu Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh; là vì khán giả ngộ nhận Tuồng chỉ có vậy - một vài trích đoạn và chủ yếu là thuộc dòng Tuồng dân gian - nên không thấy hết tinh túy của Tuồng; là vì nghệ sĩ Tuồng do diễn dưới phố không đòi hỏi cao về chất lượng nghệ thuật nên dễ nảy sinh tâm lý thỏa mãn không chịu tiếp tục rèn luyện học hỏi trong nghề, từ đó không bảo đảm được chất lượng nghệ thuật tối thiểu của một thương hiệu.

Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Trần Ngọc Tuấn từng so sánh việc diễn Tuồng dưới phố chỉ là trận đấu tập - chứ không phải trận đấu thật - của một đội bóng nổi tiếng. Hẳn là khó có thể đánh giá đúng tài năng của một đội bóng qua trận đấu tập, nhưng những cú chuyền bóng/sút bóng/bắt bóng khi đấu tập của một đội bóng chân giày phải bộc lộ được một đẳng cấp khác hẳn so với một đội bóng chân đất.

Đương nhiên cầu thủ đấu tập hay đấu thật thì vẫn là ở trên sân bóng, và trái bóng thì vẫn tròn, khác với đường phố với tư cách là không gian diễn xướng không thực sự phù hợp với một loại hình nghệ thuật hàn lâm như Tuồng, vì thế đòi hỏi nghệ sĩ diễn Tuồng dưới phố phải thể hiện đúng đẳng cấp của mình là một điều không hề đơn giản.

5. Làm nghề gì cũng phải qua đào tạo để có một trình độ tay nghề nhằm đáp ứng được yêu cầu tác nghiệp, làm nghề bảo tồn di sản văn hóa cả vật thể lẫn phi vật thể lại càng phải như vậy. Ở trên vừa đề cập đẳng cấp nghề nghiệp của các diễn viên Tuồng.

Ai cũng biết cái hấp dẫn của Tuồng có liên quan đến nội dung tuồng tích, nhưng quan trọng hơn là tùy thuộc vào tài nghệ của diễn viên. Cùng một tích tuồng, một tình tiết nghệ thuật, một nhân vật… nhưng diễn viên này được tán thưởng còn diễn viên khác lại không được tán thưởng, hoặc đêm diễn này được tán thưởng còn đêm diễn khác lại không được tán thưởng.

Đà Nẵng có nhiều diễn viên Tuồng tài năng đủ để tỏa sáng và được tán thưởng trên sân khấu, nhưng Đà Nẵng đang thiếu những người am hiểu sâu sắc lý luận và thực hành sân khấu để tham gia giảng dạy ở trung tâm đào tạo nguồn nhân lực ngành sân khấu do Hiệp hội Sân khấu thế giới ITI dự kiến thành lập tại thành phố bên sông Hàn sau khi Đà Nẵng tổ chức thành công Đại hội Sân khấu thế giới lần thứ 36 vào năm 2018.

Đà Nẵng cũng đang thiếu những chuyên gia dịch thuật Hán Nôm đủ để tự mình vượt qua hàng rào ngôn ngữ của quá khứ - hơn thế nữa đủ để “đọc” được, thậm chí “giải mã” được quá khứ - nhằm nghiên cứu các di sản văn hóa có yếu tố Hán Nôm trên địa bàn thành phố; càng thiếu hơn những chuyên gia về trùng tu di sản đủ khả năng không để xảy ra tình trạng phá hoại hương hỏa cha ông truyền lại nhân danh trùng tu di sản…

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.