Dáng mới La Châu

.

Chiều cuối tháng 6, đứng trên chiếc cầu bắc qua sông Yên vừa mới hợp long, ông Trà Sinh chỉ tay xuống rặng tre bên tả ngạn nói rằng, ngày ấy bên dưới những lũy tre này có rất nhiều thông hào che giấu cán bộ cách mạng. Cũng tại bờ sông này, hình ảnh người mẹ La Châu bồng con nhỏ hiên ngang đứng cản đầu xe tăng của địch vào “bình định” các thông hào của ta đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước và ý chí ngoan cường của người dân ở “vành đai trắng” La Châu…

Cầu mới qua sông Yên khi hoàn thành sẽ tạo nhiều cơ hội cho La Châu phát triển.Ảnh: TG
Cầu mới qua sông Yên khi hoàn thành sẽ tạo nhiều cơ hội cho La Châu phát triển.Ảnh: TG

“Vành đai trắng”

Ông Sinh vừa thả bộ trên cây cầu mới, hóng từng cơn gió nồm mát rượi từ mạn tây sông Yên thổi xuống vừa thư thái kể chuyện với phóng viên. Ông bảo, có lẽ ít có vùng đất nào như nơi đây, khi đó chỉ có gần 80 nóc nhà mà nay có đến 42 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Theo ông Sinh, từ thời kháng Pháp cho đến thời chống Mỹ, người dân La Châu (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) luôn ngoan cường xây hầm bí mật, nuôi giấu cách mạng mà một thời quân địch ví là vùng đất bất trị.

Với địa thế hơn 3 cây số bờ sông, nhân dân La Châu đã đào giao thông hào gần kín, mỗi khi có “động tĩnh” là quân ta rút lui qua bờ sông bên kia. Chính vì vậy mà bao lần bọn giặc đánh úp các cơ sở cách mạng của ta đều đắng cay nhận lấy thất bại. Sau khi phát hiện vai trò của dòng sông Yên, quân đội Mỹ điên cuồng dùng các phương tiện hiện đại như xe tăng, phi pháo, máy bay, tàu chiến và tăng cường bộ binh càn quét hai bên bờ sông cũng như bắn phá các “địa chỉ đỏ” của La Châu như: xóm Mùn, Cẩm An, gò Miếu Trắng, xóm Giữa, xóm Trên, đồi Gò Thông, bãi Giá, đình La Châu. Ngoài ra, chúng còn biến nơi đây thành “vành đai trắng” khi thực hiện chiến dịch dồn dân lập ấp, hòng cô lập các căn cứ cách mạng ở phía tây bắc của huyện Hòa Vang cũng như cắt đường chi viện lương thực, đạn dược cho quân ta. Dù vậy, người dân La Châu vẫn bám trụ giúp cách mạng.

Ông Sinh nhấn mạnh, lúc bấy giờ, 100% gia đình trong thôn La Châu đều tham gia cách mạng. Hình ảnh một người phụ nữ trong thôn La Châu bồng con nhỏ hiên ngang ra chặn đường đàn xe tăng của Mỹ đang tiến về hòng “bình định” các thông hào của ta ở ven sông Yên đã lan truyền trong cả nước.
Hòa bình lập lại, toàn thôn La Châu có 276 gia đình liệt sĩ, 42 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; trong đó gia đình bà Lê Thị Qua có đến 2 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Người dân thôn La Châu tích cực hiến đất, góp tiền của làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: T.G
Người dân thôn La Châu tích cực hiến đất, góp tiền của làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: T.G

Sức sống mới La Châu

Phát huy những chiến tích trong thời chiến, ngày nay nhân dân La Châu ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng nông thôn mới và đạt nhiều thành tích nổi bật.

Cách đây hơn 3 năm, chúng tôi có dịp về ghi nhận phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn ở La Châu theo tiêu chí nông thôn mới. Lúc bấy giờ, Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Cửu tiên phong hiến gần 50m2 đất mặt tiền để mở rộng lòng đường từ 3m lên 5,5m. Mẹ Cửu bộc bạch: “Ngày xưa chúng tôi không quản hy sinh để quê hương được giải phóng. Thì ngày nay có xá gì vài mét đất để cho quê hương thêm đẹp, giàu”.

Theo ông Trà Đức, Trưởng thôn La Châu, phần lớn các gia đình trong thôn đều có công với cách mạng nên ai cũng cảm nhận rằng có được giá trị của cuộc sống hôm nay là phải đánh đổi biết bao xương máu.

Vì thế, trong tất cả các phong trào thi đua yêu nước của thôn nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng, tất cả các gia đình chính sách không những tiên phong tham gia mà còn tích cực vận động con cháu, người dân xung quanh hưởng ứng. Nhờ đó đến nay, đường bê-tông đã phủ khắp toàn thôn.

Chiều về La Châu, tia nắng cuối ngày nhạt nhòa, xuyên nhẹ qua lũy tre làng tạo thành những vệt sáng yếu ớt dưới chân các bác nông dân đang ngồi nghỉ ngơi sau khi kết thúc việc đồng áng trong ngày. Ông Phùng Tạo, nguyên Bí thư Chi bộ thôn La Châu vừa cầm nón lá khẽ quạt vừa cho biết, vùng đất nơi đây khá yên bình. Người dân quanh năm bám ruộng đồng, vài hộ tận dụng nguồn nguyên liệu rơm rạ để phát triển nghề nấm rơm, số còn lại phát triển chăn nuôi. Các cháu thanh niên đều có việc làm dưới phố nên đời sống người dân cơ bản ổn định.

Bây giờ, La Châu đổi thay vóc dáng từng ngày, nhịp sống mới đang hối hả. Ngước nhìn lên chiếc cầu đang thi công ở phía cuối thôn, ông Tạo phấn chấn: “Rồi đây, tuyến đường vành đai phía Nam thành phố nối với chiếc cầu mới xây bắc qua sông Yên sẽ tạo nhiều thuận lợi để vùng đất một thời là “vành đai trắng” này phát triển trong tương lai không xa.

THANH GIANG

;
.
.
.
.
.