Đến với vùng đất thiêng

.

Ở Đà Nẵng, thành Điện Hải hay Nghĩa trủng Hòa Vang, Nghĩa trủng Phước Ninh… là những vùng đất thiêng, lưu dấu lòng dũng cảm và đức hy sinh của người Đà Nẵng nói riêng, người Việt Nam nói chung trong các cuộc chiến tranh vệ quốc. Các di chỉ Chăm trên địa bàn thành phố như Phong Lệ, Nam Ô… hay cả Bảo tàng Điêu khắc Chăm, cũng được xem là những vùng đất thiêng vừa mang ý nghĩa lịch sử vừa mang tính chất tâm linh.

Ông Huỳnh Trung bên giếng Chăm rêu phong nằm trong quần thể di tích Nghĩa trủng Khuê Trung. Ảnh: Q.T
Ông Huỳnh Trung bên giếng Chăm rêu phong nằm trong quần thể di tích Nghĩa trủng Khuê Trung. Ảnh: Q.T

Sống trên cổ vật

Theo sơ đồ khảo sát của Bảo tàng Điêu khắc Chăm (đơn vị chủ quản khai quật di tích), Đà Nẵng có 7 địa điểm tồn tại di tích Chăm gồm An Sơn, Cấm Mít, Khuê Trung, Ngũ Hành Sơn, Phong Lệ, Quá Giáng, Xuân Dương, cùng một số địa điểm khác có phát hiện những dấu vết ít ỏi của kiến trúc Chăm. Tuy nhiên, muốn biết người Chăm xưa sống như thế nào, tín ngưỡng thờ cúng của họ ra sao… thì di tích khảo cổ Phong Lệ có thể là câu trả lời xác đáng nhất.

Làng Phong Lệ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) nằm sát trung tâm thành phố, ngay cạnh quốc lộ 1A và bến sông Cầu Đỏ. Nằm cạnh di tích có miếu Bà (được xây dựng từ thời vua Tự Đức), đình Thần Nông làng Phong Lệ vẫn được nhân dân thờ cúng.

Từ ngày quần thể di tích Chăm làng Phong Lệ được khai quật (lần đầu năm 2011), người dân địa phương mới ngỡ ngàng nhận ra họ đang sống trên nền móng khu di tích Chăm rộng lớn, có niên đại khoảng thế kỷ X-XI.

Có lẽ vì sống trên phế tích ngàn năm tuổi, người Phong Lệ bao đời nay lưu truyền nhiều câu chuyện bí ẩn xoay quanh ma Hời, vàng Hời (Hời chỉ người Chăm-PV). Ông Lê Văn Tục (65 tuổi, người Phong Lệ Bắc) kể, không biết thật giả thế nào nhưng vài người trong làng từng thấy có con gà trống đi ăn đêm từ hướng di chỉ đi ra. Toàn thân nó dát vàng sáng rực, nó rất lanh, chỉ cần thấy bóng người là chạy mất hút…

Đi đến đâu trên vùng đất Phong Lệ cũng gặp những lão niên thông thuộc địa thế, sử làng. Cụ Ông Văn Tồn (85 tuổi) bảo, khu vực phổ cổ (bao gồm đình thờ tiền hiền, miếu Bà, di tích Chăm) là khu đất thiêng. Từ xưa đến nay, chỉ những bậc cao niên của làng mới được lui tới đây để hương khói, cúng kiếng; phụ nữ, trẻ em tuyệt đối không được ra vào.

Dù không có luật lệ hay sử sách nào quy định như vậy nhưng con cháu Phong Lệ bao đời nay đã theo nếp ấy. Lễ hội mục đồng của làng Phong Lệ cũng là một trong những lễ hội độc đáo nhất cả nước. Người đứng cúng chính tại lễ hội này phải sạch sẽ cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nếu không, thần sẽ không chứng và năm đó, dân làng ắt gặp nhiều chuyện không hay. Sống đến từng tuổi này, ông đã chứng kiến biết bao nhiêu chuyện kỳ lạ xảy ra trên mảnh đất này…

Nghĩa trủng Hòa Vang (còn gọi là Nghĩa trủng Khuê Trung) nằm ở phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ với hàng nghìn ngôi mộ nghĩa sĩ được xếp đặt cân phân, thẳng tắp. Ngôi mộ của tướng được đặt chính giữa, mộ lính bao bọc xung quanh. Trung tâm của quần thể là phần đất được xây dựng như một căn phòng để tướng và lính bàn chuyện chính sự.

Dù trời có nắng hạn bao nhiêu, quần thể này vẫn mát mẻ bởi đã được cây mù u to lớn có niên đại hàng trăm năm tỏa bóng. Trong quần thể nghĩa trủng còn có đình thờ tiền hiền làng Khuê Trung và giếng Chăm rêu phong. Một người nắm rõ lịch sử làng Khuê Trung, ông Huỳnh Trung, bảo rằng cây mù u, giếng Chăm và cả khu Nghĩa trủng Hòa Vang là nơi linh thiêng.

Bởi đó là nơi yên nghỉ của hàng nghìn nghĩa sĩ, những người đã vì nước quên thân, xông pha giữa hòn tên mũi đạn. Người dân Khuê Trung nói chung, các khu dân cư quanh nghĩa trủng nói riêng, mỗi khi đến Lễ tế Nghĩa sĩ Đà Nẵng và Hội làng Khuê Trung là quay về, long trọng dâng lễ phẩm, dâng hương tưởng nhớ công đức người xưa, cầu nguyện nghĩa sĩ “sống khôn thác thiêng” chứng giám lòng thành của người dân và phù hộ người dân được bình yên trong cuộc sống.

“Tôi nghe ông cố nội tôi kể lại, ngày trước, dân làng Khuê Trung xây mộ cho âm linh, sĩ tử từ đóng góp công điền. Bởi đất này do tiền hiền khai phá, con cháu làm ăn trên đất này phải có nghĩa vụ đóng góp. Nhà có ruộng nhiều góp nhiều, người có ít góp ít.

Đến khi không đóng góp được nữa thì ông bà cho xây mộ tập thể. Những tiền nhân nằm đây đều hy sinh vì nước nên từ xưa nhân dân đã rất tôn kính. Với mỗi người dân Khuê Trung, hội làng có ý nghĩa rất quan trọng. Ngày xưa, mỗi khi đến ngày hội làng, tôi cùng với vài vị cao niên khác thậm chí trải chiếu nằm tại đình để giữ đình cũng như thắp hương sáng đêm. Ngày nay, con cháu Khuê Trung cũng thuận theo ông bà, làm ăn ở đâu thì không biết nhưng cứ đến 16-3 Âm lịch là tụ về”, cụ Huỳnh Bá Phụng, một cao niên của làng, cho biết thêm.

Ứng xử với di tích

Cụ Trần Song, chánh bái làng Khuê Trung tự hào, hầu như ngày nào cũng có người ra vào quần thể di tích này hương khói. Đó có thể là người dân địa phương, hoặc người dân từ các vùng lân cận. Những năm gần đây, các tiểu thương của chợ Đầu mối Hòa Cường cũng thường đến hương khói vào các buổi tối trong ngày hoặc ngày rằm, mồng một hằng tháng.

Mỗi năm, nơi này đón hàng trăm đoàn khách từ các nơi đến thăm viếng. Nhiều nhất là các đoàn học sinh, sinh viên. Sự thăm viếng thường xuyên của người dân đem đến cho di tích luồng sinh khí mới, không hoang lạnh, vắng vẻ mà ấm áp, linh thiêng. Ở nghĩa trủng này, những câu chuyện, sự quả cảm của những tử sĩ “nón dấu, đai vàng, khiên mang, đạn vác” vẫn còn được kể mãi, dấu xưa về nơi này vì vậy vẫn được nhân dân gìn giữ.

Từ khi ngành văn hóa thành phố xác định chọn di chỉ Chăm Phong Lệ là địa điểm duy nhất để tập trung giữ gìn, bảo tồn, làm cơ sở cho hoạt động tham quan, nghiên cứu, người dân Phong Lệ càng ý thức hơn về di chỉ nơi mình đang sống.

Hiện tại, công cuộc khảo cổ di chỉ Chăm Phong Lệ đã có phương án mở rộng diện tích thêm 4 hecta. Một số hộ dân sống tại khu vực khảo cổ đã nhận được đền bù và đang thực hiện công tác di dời. Những người dân sinh sống tại đây cho biết, trước khi di tích được khảo quật, khi đào móng làm nhà hay các công trình phục vụ dân sinh, họ thường phát hiện gạch ngói, vết tích của tháp Chăm.

Họ cũng biết có di tích Chăm ở đây nhưng không hình dung đang sống trên một khu di tích ngàn năm tuổi và lớn như vậy. Thậm chí, trước đây, trong làng có ai bị phong thấp thì lấy gạch Hời về nấu nước thật nóng, thả gạch, ngâm chân vào để chữa bệnh. Những năm sau này, các đoàn khảo cổ về, thấy các nhà khảo cổ nâng niu từng viên gạch vỡ, nói đến giá trị lịch sử, văn hóa của di tích này, dân làng mới bỏ hẳn thói quen ấy.

Cụ Tồn bảo, từ ngày di chỉ được khảo quật, những lần “trà dư tửu hậu” với các bậc lão niên trong làng, các ông hay đàm đạo về gốc gác tổ tiên. Chẳng ai giải thích được liệu con cháu trên vùng đất này là người Chăm hay Việt? Nói rồi ông khoát tay: Chăm hay Việt  không quan trọng bởi người Chăm cũng là một trong đại gia đình 54 dân tộc anh em Việt Nam. Và như vậy, hậu thế có trách nhiệm giữ gìn những tài sản, giá trị vật thể, phi vật thể mà cha ông để lại.

Theo ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng, sống tại những vùng đất thiêng như trên, người dân bản địa cần có thái độ ứng xử đúng mực, vừa góp phần gìn giữ vẻ tôn nghiêm vốn có, không xâm phạm vào địa giới bảo tồn của di sản, cũng không tùy tiện “thiêng hóa” làm mất đi ý nghĩa thực sự của vùng đất thiêng.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.