Đôi cánh chuồn chuồn

.

Nghỉ hè, tôi cho con về quê ngoại chơi. Về quê, đó là niềm mong mỏi của hầu như những đứa trẻ ở thành phố. Bởi về quê tức là được nghỉ hè một cách tuyệt đối không hề vướng bận sách vở. Lâu lâu mới về một lần nên được ông bà, dì cậu chiều chuộng, quan tâm. Và hơn thế, ở quê có nhiều trò chơi sinh động hơn bốn bức tường nhà cùng với ti-vi và ipad như ở thành phố.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Cô con gái sáu tuổi của tôi thường đòi mẹ dắt ra đồng mỗi chiều. Bởi ở đó, lũ trẻ đang thi nhau thả những cánh diều để xem diều ai sẽ bay cao hơn. Dưới những thửa ruộng còn trơ gốc rạ là những con chuồn chuồn mơ màng đậu trên đó. Tôi xắn quần, rón rén đi bắt chuồn chuồn, nhưng lũ chuồn chuồn rất thính. Tưởng là nó đang ngủ đấy mà khi bàn tay vừa khẽ chạm đến như tóm được đuôi nó rồi thì nó vụt bay. Hóa ra loài chuồn chuồn rất tinh, có khi nó đứng yên nhưng hai mắt lớn đã liếc thấy tai họa rình rập ở đằng sau rồi.

Dĩ nhiên là không phải con chuồn chuồn nào cũng may mắn bay kịp. Sau mấy lần bắt hụt thì tôi đã bắt được một con chuồn chuồn ngô. Con gái tôi hò reo vỗ tay. Nhưng ngay khi tôi vừa ngắt đôi cánh chuồn chuồn thì con bé bỗng hét lên: “Tại sao mẹ lại cắt đôi cánh của con chuồn chuồn đi?”. Tôi bảo rằng làm vậy để con có thể chơi với nó mà không sợ nó bay mất. Nhưng con bé không hài lòng với câu trả lời đó. Nó nhẹ nhàng đón lấy con chuồn chuồn từ tay tôi rồi thả xuống đất. Con chuồn chuồn cứ bò xoay vòng, đôi cánh đã bị ngắt đi một nửa cố đập yếu ớt nhưng không còn tác dụng gì nữa. Con tôi nhìn tôi hờn dỗi: “Đấy, mẹ thấy chưa, nó không bay được nữa rồi”. Và tôi chợt hối hận nhận ra mình vừa làm một việc thật độc ác. Với những loài biết bay, đôi cánh là quan trọng nhất. Chúng mất đi đôi cánh khác nào giống mình mất đi đôi chân đâu.

Tôi nhớ lại những ngày tôi còn bé, giữa trưa nắng gắt vẫn hay đầu trần chân đất cùng lũ bạn đi bắt chuồn chuồn. Và sau những lần không nhốt cẩn thận để chúng bay đi mất, chúng tôi phát hiện ra chỉ cần ngắt bốn chiếc cánh mỏng của chúng ngắn đi thì chúng nó sẽ không bay đi nữa. Những con chuồn chuồn sau đó chỉ có thể bò quanh bất lực. Chúng tôi thường hái đọt lá tre nhét vào mồm chúng cho chúng ăn, chúng có cắn nhưng không ăn. Chỉ trong vòng một ngày chúng sẽ chết. Và lũ chúng tôi sẽ làm nghi lễ chôn cất cho chúng ở trong vườn, đào một hố nhỏ, quấn chúng vào một chiếc lá và đắp thành một nấm mồ. Mấy ngày sau sẽ tổ chức đám giỗ rồi cất mộ. Chúng tôi đã xem đó như trò vui. Giờ nghĩ lại tôi thực sự không biết những con chuồn chuồn nhanh chóng chết đi không biết là vì lý do gì: Vì đói, vì đau, hay vì cuộc sống quá đỗi buồn chán khi không còn có thể bay lượn.

Có lần mẹ tôi thấy chúng tôi bắt chuồn chuồn, mẹ bảo không nên làm thế vì chuồn chuồn đối với con người là vô hại. Thậm chí nó còn có ích cho chúng ta, bởi thức ăn của nó thường là muỗi, ruồi, kiến... Người nông dân cũng thường xem cách chuồn chuồn bay mà đoán thời tiết. Ví dụ như đang gặt lúa ở đồng mà thấy đàn chuồn chuồn bay sà xuống thì vội vàng về kẻo mưa, thấy nó bay vút trên cao thì cứ yên tâm là trời sẽ nắng. Từ đó tôi không còn thấy trò bắt chuồn chuồn làm vui, vả lại khi lớn dần chúng tôi có nhiều trò chơi khác thú vị hơn.

Tôi làm mẹ, vẫn luôn dạy con mình phải biết yêu thương những sinh vật khác nếu như nó không làm hại chúng ta. Vậy mà hôm nay, trước mặt con gái, tôi đã không ngần ngại ngắt đi đôi cánh của con chuồn chuồn, việc đó chẳng khác gì tước đoạt đi sự sống của nó.

Nhân chuyện này tôi lại nhớ mấy ngày trước chồng mình đưa con đi ăn sáng. Chồng hỏi con có ăn trứng vịt lộn không. Con gái thấy bố chỉ quả trứng thì gật đầu. Nhưng khi bố đập trứng ra bát thì nhất định không ăn cứ đòi về. Bố bực mình quát con “không ăn sao lại gật đầu”. Hôm đó con về kể với tôi và hỏi rằng  trong trứng đã có con vịt bé rồi, sao không để cho quả trứng nở ra thành con vịt mà họ lại luộc lên. Tôi ngắc ngứ mất mấy giây không biết giải thích làm sao cho con đỡ tổn thương. Tôi không thể nói với con là vì người ta cho rằng ăn vịt từ trong trứng như vậy thì bổ dưỡng, vì thấy giải thích như vậy cũng nhẫn tâm. Tôi đành nói dối con là vì người ta không biết trong quả trứng đó đã có một con vịt đã thành hình.

Và bây giờ để xoa dịu nỗi buồn của con, tôi bảo rằng chúng tôi sẽ thả con chuồn chuồn xuống vạt cỏ, nó sẽ ăn cỏ rồi dần sẽ mọc thêm đôi cánh mới, rồi chúng sẽ lại bay lượn trên bầu trời kia. Ánh mắt cô con gái đang rầu rĩ chợt ánh lên bảo mẹ phải chọn chỗ nào cỏ xanh tươi nhất.

Tôi lúc nào cũng dạy con mình phải thật thà, phải biết yêu thương, nhưng chính mình lại đi nói dối con từ những điều nhỏ nhặt như vậy, nghĩ cho cùng thật xấu hổ. Nhưng trong lòng tôi vẫn thầm cảm ơn con gái. Không phải tôi dạy con mà chính là con đã dạy tôi cách yêu thương bằng chính trái tim bé nhỏ nhưng không hề chật chội của mình.

LÊ GIANG

;
.
.
.
.
.