Đời vậy là vui

.

Hình ảnh ông Trần Văn Nam sáng sáng chạy xe đạp điện đưa cháu nội 4 tuổi đi nhà trẻ, chiều lại đến đón về đã trở thành quen thuộc đối với bà con thôn Quang Châu, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang. Ông nay 65 tuổi, công nhân xây dựng nghỉ hưu, con cái đã thành đạt. Ông đón nhận việc này như một niềm vui không thể thiếu trong cuộc sống. Đón cháu, ông chưa đưa về nhà ngay mà chạy xe dạo một vòng quanh các đường làng, ghé người này thăm người kia cho cháu biết bà con lối xóm.

Cô Trần Thị Minh Chung chăm sóc thương yêu các cháu như ngày xưa chăm lo cho các con mình.
Cô Trần Thị Minh Chung chăm sóc thương yêu các cháu như ngày xưa chăm lo cho các con mình.

Thôn Thạch Bồ, xã Hòa Tiến, có cô Trần Thị Minh Chung, nguyên giáo viên, Chủ tịch Công đoàn Trường tiểu học số 1 Hòa Tiến. Năm 2015, cô nghỉ hưu, ban giám hiệu nhà trường đề nghị cô hợp đồng làm việc thêm một thời gian nữa, nhưng cô còn “gánh nặng” gia đình nên đã từ chối.

Vợ chồng cô có 3 người con (hai trai, một gái) với 5 đứa cháu nội, ngoại. Ở chung với vợ chồng cô, gia đình đứa con trai thứ hai có con chỉ mới 17 tháng tuổi. Tuy cô đã có “kinh nghiệm” chăm 2 đứa cháu ngoại rồi, nhưng chăm đứa bé chưa đến 2 tuổi này quá vất vả. “Đi dạy lớp 1 ngó vậy mà dễ, chứ chăm trẻ con cỡ đó còn cực hơn chi. Ngày trước tôi nuôi ba mẹ chúng khỏe re, tới bữa là chúng nó lăn xả vô ăn. Chừ cho con tụi nó ăn một chén cháo thôi cũng mất đến cả tiếng đồng hồ”, cô chia sẻ.

Con trai và con dâu cô đều là cán bộ Nhà nước, chỉ thứ bảy, chủ nhật mới ở nhà. Thành thử, cô là người gần gũi, chăm bẵm cháu nội hơn cả con dâu. Hai bà cháu, một già một trẻ lui cui ở nhà. Bà thỉnh thoảng vừa hát mấy khúc hát trẻ con như “Ba thương con vì con giống mẹ…”, “Bà ơi bà cháu yêu bà lắm…”, “Cháu lên ba cháu đi mẫu giáo…”, vừa cầm tay cháu vỗ tay giữ nhịp. Có bữa cô và con dâu cùng về nhà một lần, cháu bé lon ton chạy ra chỉ đòi bà nội mà “lơ” mẹ. Cực mà vui là thế.

Cùng “cảnh ngộ” cháu nội, cháu ngoại đùm đề với cô Chung là nhạc sĩ Phương Tài hiện trú ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Con cái đi làm cả, chỉ chủ nhật mới nghỉ. Thế là ông đóng vai tài xế sáng đưa chiều đón cháu đi học mẫu giáo. Chuyện bếp núc ông chỉ biết giao phó cho bà nội.

Những ngày hè, các bãi biển du lịch ở Đà Nẵng cho phát nhiều bài hát của ông Phương Tài: Tình biển, Tình em, Hoa muống biển, Hoàng hôn Đà Nẵng... Mỗi khi ngồi lẩm nhẩm một nét nhạc nào đó làm giai điệu chính để phát triển thành bài hát mới, ông vừa bế cháu vừa lên bổng xuống trầm. Cái máu âm nhạc trong ông giúp ông biết cách trò chuyện với cháu bằng ngôn ngữ của tình thương yêu. Đời vậy là vui rồi!

Hàng xóm của nhạc sĩ Phương Tài là ông Nguyễn Công Chi, Bí thư Chi bộ Hòa Mỹ 6 (gồm các tổ dân phố từ 232 đến 239). Ông Chi có 4 cháu nội từ 5 tháng tuổi đến 9 tuổi. Vợ chồng ông ở chung với gia đình đứa con trai thứ hai với cháu nội hết hè này vô lớp 1. Bận bịu công tác địa phương nhưng ông vẫn dành thời gian chơi với cháu, thỉnh thoảng mỗi khi đứa con dâu bận việc ông kiêm luôn việc đưa đón cháu. Cháu học tiểu học, mỗi khi được cô giáo khen ngoan hoặc được điểm 10, đi học về chưa kịp cất cặp vở đã chạy đi khoe với ông bà nội. Cháu đi mẫu giáo thì khoe Phiếu bé ngoan. Vừa rồi, nó khoe được cô giáo mời lên hát trong khi cả lớp không ai đưa tay...

Về hưu giữ cháu, hầu hết ai cũng cảm thấy thương và lo cho cháu y như ngày trước lo cho con mình. Xưa vất vả, kinh tế khó khăn, kinh nghiệm nuôi con chưa có nên các bậc cha mẹ chỉ chằm hăm vào chuyện mưu sinh. Chừ rảnh tay rảnh chân, đời sống vật chất khá giả hơn, nuôi dạy trẻ theo phương pháp giáo dục mới... những cha mẹ xưa giờ đã lên ông bà ngoại, được gần gũi cháu nên có cảm giác như được làm cha làm mẹ thêm lần nữa. Xa cháu một chút là nhớ. Đang họp hành mà tới giờ đón cháu là nôn nao, đứng ngồi không yên.

Không hẳn dành tất cả thời gian cho cháu, bởi họ còn được con cái tạo điều kiện để tham gia sinh hoạt các hội, đoàn thể tại địa phương, cùng bạn bè đi tham quan, dã ngoại. Nhạc sĩ Phương Tài tuy bận rộn làm “ông nuôi dạy trẻ”, nhưng vẫn được các nơi mời đi sáng tác. Như vừa rồi, nhận lời mời của huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, ông viết bài “Duy Xuyên quê tôi”, được ca sĩ Anh Thơ hát. Cô Trần Thị Minh Chung thì hôm tôi đến, cô đang tham dự Đại hội Chi bộ thôn Thạch Bồ. “Ai đến nhà chơi cũng nghĩ tôi không rảnh tay. Thực tế thì tôi còn tham gia công tác phụ nữ, nông dân ở địa phương. Vừa giữ cháu, vừa gần gũi với cộng đồng dân cư. Về hưu vậy là vui quá rồi!”, cô Chung bày tỏ.

NHƯ HẠNH

;
.
.
.
.
.