Hò khoan hát dở, hố dòn cũng hay

.

Khoan là không dồn dập, trái với nhặt là nhịp độ âm thanh liền nhau và dồn dập. Với nghĩa này, hò khoan là điệu hò dân gian không dồn dập, có nhịp “lơi”. Hò khoan Quảng Nam luôn bắt đầu với giai điệu “à ơ... ơ... ớ... khoan... ơ... hố hợi... là hò... khoan”.

Nếu câu hò dạo đầu này có thể kéo dài tùy ý theo làn hơi của mỗi người cốt để “câu giờ” tìm lời hò đối đáp thì hố có thể do một người hoặc nhiều người cùng xướng nhằm tạo thêm hứng thú, sắc màu cho buổi hát: Gốc tre khéo nấu cũng ngon/ Hò khoan hát dở, hố dòn cũng hay...

Một tiết mục Hò khoan trong chương trình Giai điệu miền Trung được DVTV ghi hình tại đình làng Túy Loan năm 2008. Ảnh: V.T.L
Một tiết mục Hò khoan trong chương trình Giai điệu miền Trung được DVTV ghi hình tại đình làng Túy Loan năm 2008. Ảnh: V.T.L

Hò khoan và mối tình dang dở

Quảng Nam có 3 thể loại dân ca được người dân ưa chuộng nhất: Hát Bài chòi, Hò khoan, Hát Bả trạo. Trong khi hai loại hình kia có nhiều nơi ở miền Trung thì hò khoan Quảng Nam chỉ độc có một Quảng Nam, theo nhận định của nhạc sĩ Trần Hồng (người quê Quảng Ngãi), Trưởng ban Kiểm tra Hội Văn nghệ Dân gian Đà Nẵng. Sau khi Bài chòi Đà Nẵng được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ông cho rằng Hò khoan Quảng Nam cũng xứng đáng được “ngồi chung chiếu”.

Nhạc sĩ Trần Hồng lần đầu tiên biết đến hò khoan Quảng Nam khi công tác ở Đoàn Ca kịch Liên khu 5, về sau là Đoàn Ca kịch Bài chòi Quảng Nam. Lúc ở Hà Nội, ông học hát hò khoan với NSƯT Huỳnh Thủ người Quế Sơn, Quảng Nam. Khi về miền Trung, ông học thêm bằng cách nghe các mẹ, các chị vùng Duy Xuyên hát hò khoan dưới hầm.

Ông từng theo các đoàn từ biển đưa cá lên nguồn, các ghe đi song song với nhau, hát hò khoan đối đáp cả đêm. Từ đó, ông nghiệm ra một điều là hò khoan hát trên sông nước bao giờ cũng mênh mang trữ tình, nam nữ thỏa sức nhấn nhá câu hò nhặt khoan theo ý của mình chứ không theo một nhịp điệu nào cả. Đi cấy hay gặt lúa trên đồng cũng thế. Chỉ có hát khi giã gạo là phải có nhịp điệu theo nhịp chày. Ví dụ: Ngó lên/ Hòn Kẽm/ Đá Dừng/ Thương cha/ nhớ mẹ/ quá chừng/ bậu ơi/... Ớ khoan/ hố hợi/ là hò khoan...

Năm 1983, khi là Trưởng phòng Văn nghệ của Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ), ông làm giám khảo Liên hoan Hát Hò khoan do sở tổ chức tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, 84 Hùng Vương, Đà Nẵng. Sau phần giới thiệu từng đơn vị tham gia, ông bất ngờ khi thấy hai người một nam một nữ đến từ Duy Xuyên và Hòa Vang ôm nhau khóc như mưa.

Xem danh sách thì đó là bà Diên người Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang), thời son trẻ bà thường hay đi hát hò khoan ở các vùng Túy Loan, Cẩm Lệ. Trong một hội hát, bà gặp một người đối đáp với mình ngang tài ngang sức. Đó là ông Dương, cũng người Hòa Nhơn. Thế là cả hai như hình với bóng, xa gần có hát hò khoan là có mặt hai người. Họ thành một “cặp đôi hoàn hảo” với tình yêu đẹp như làn điệu hò khoan nhưng phải ngậm ngùi xa nhau vì lệ làng bấy giờ không cho phép giới hát hò khoan được lấy nhau. Ông buồn bã bỏ vào sống ở Duy Xuyên, bỏ hát hò khoan một thời gian vì sợ sẽ không lấy được người cùng hát với mình.

Tình cờ gặp lại nhau khi cả hai đã ngoài 50 tuổi. Họ lên sân khấu, hát với nhau cả đêm, toàn những câu hát xưa, để lại ấn tượng khó quên từ ban giám khảo đến khán giả ở liên hoan năm đó.

Nhạc sĩ Trần Hồng (trái) trong một lần trao đổi với cố Nghệ nhân Dân gian Nguyễn Châu (Tư Châu) về âm nhạc dân gian. Ảnh: V.P.Q
Nhạc sĩ Trần Hồng (trái) trong một lần trao đổi với cố Nghệ nhân Dân gian Nguyễn Châu (Tư Châu) về âm nhạc dân gian. Ảnh: V.P.Q

Phai nhạt dấu xưa

Nhạc sĩ Trương Đình Quang cũng từng được chòng chành trên sông nước khi ông từ quê nhà Hội An theo thuyền lên Quảng Huế (nay thuộc xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc). Ngày đó thuyền chạy bằng buồm, mỗi lần chờ gió lên là rủ nhau hát hò khoan để... giết thời giờ. Nhiều câu hò trên sông nước đã đi vào ký ức nhà nghiên cứu văn hóa - văn nghệ dân gian như ông. Người Quảng xưa mê hát bộ và cũng say hát hò khoan, mê say đến nỗi cải biên vở hát bộ nổi tiếng thành bài hát hò khoan.

Đó là trường hợp của Ngũ hổ bình Tây - một trong những vở nổi tiếng của nhà soạn tuồng Nguyễn Diêu (người Bình Định, thầy của nhà soạn tuồng Đào Tấn). Vở nói về nguyên soái Địch Thanh nhà Tống cùng 4 tướng đi đánh nước Tây Liêu, lạc đường sang nước Đơn, bị công chúa Trại Ba nước này bắt giữ. Địch Thanh phải kết hôn với Trại Ba. Vua Tống nghe gian thần tấu trình bèn bắt giam mẹ Địch Thanh. Được tin dữ, chàng trốn vợ để đi đánh Tây Liêu.

Một nhóm bạn đất Hội An đã biến vở tuồng 3 hồi này thành 20 bài hò khoan với những câu đượm sắc thơ xưa, như bài số 2 Trại Ba tiễn chồng về Tống để cứu mẹ, được nhạc sĩ Trương Đình Quang chép lại theo trí nhớ người em rể của ông là Lê Ngọc Trân (ông này cũng người Hội An, lúc nhỏ hay theo mẹ nghe hò khoan đối đáp): Rượu nồng một chén lưng vơi/ Chân lần dò bước đưa người biệt ly/ Đau lòng kẻ ở người đi/ Chân đi một bước lệ li bì bấy nhiêu/ Trăm năm cũng quyết cũng liều/ Gương hồng quyết để mai chiều cùng soi...

Theo các nhà nghiên cứu, hò khoan, nói theo ngôn ngữ hiện nay, là một buổi giao lưu giữa hai “đối tác” nam và nữ, bao giờ cũng bắt đầu bằng hát chào, giới thiệu về nhau và kết thúc ở hát hẹn/hát tiễn. Phần giữa là các nội dung khác như hát đố, hát xạo, hát ghẹo, hát huê tình,...

Nói về hò khoan, ông Nguyễn Hải Triều, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đại Lộc, không thể kể những câu hát loại này đang tồn tại trong kho tàng văn nghệ dân gian đất Quảng và tỏ ý tiếc nuối: “Chỉ biết rằng các thế hệ trước chúng ta đã quá thông minh tài giỏi trong việc sáng tạo ra những câu hò khoan để biểu đạt ý tứ của mình bằng trí tuệ tuyệt vời. Điều chắc chắn rằng giá trị của nó sẽ vĩnh hằng trong đời sống tinh thần của thế hệ chúng ta hôm nay. Rất cần sự bảo lưu gìn giữ”.

Gần 10 năm trước, nhạc sĩ Trần Hồng có viết một số lời mới cho các tiết mục hò khoan trong chương trình Giai điệu miền Trung phát sóng trên Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng (DVTV), sau đó ngừng hẳn. Giữa thời đại khoa học - kỹ thuật lên ngôi, thật khó lòng gìn giữ các di sản văn hóa dân gian!

Nhạc sĩ Trần Hồng: Hò khoan đậm chất Quảng

Khi hát hò khoan, người “nghệ sĩ của nhân dân” đưa làn điệu lên cao hay xuống thấp theo lượn sóng, không nhảy quãng xa (như lên tới quãng 7), nhiều lắm là lên tới quãng 6. Do đó, giai điệu của hò khoan lên bổng xuống trầm rất êm dịu, không có cao trào như các làn điệu khác.

Lời hát hò khoan thường là thơ lục bát; nhưng hay nhất vẫn là lục bát biến thể. Ví dụ như: Em có chồng từ thuở mười lăm. Chồng chê còn nhỏ không ăn nằm với em. Đến chừng mười tám đẹp xinh. Em nằm dưới đất chồng rinh lên giường. Một rằng thương, hai rằng thương, ba bốn anh cũng nói rằng thương. Quớ anh ơi, anh thương chi hung rứa để bốn cái cẳng giường nó rung rinh.

Câu thơ của hò khoan bao giờ cũng đậm chất Quảng. Trong bài nói trên, các từ rinh, quớ, hung, cẳng là phương ngữ Quảng Nam. Tiếc rằng, có một số người khi đưa vô hát bài chòi (để nói về quân bài Tứ Cẳng), đã sửa lại mấy chỗ làm mất đi giá trị câu thơ: Đến chừng mười tám đẹp tươi. Em nằm dưới đất chồng lôi lên giường!

V.P.Q (ghi)

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.