Nghĩ

Để lịch sử là một "món quà"

.

Tranh thủ thời gian em gái nghỉ hè, tôi dẫn em đi tham quan Đại Nội (Huế) để hiểu hơn về nét đẹp của một giai đoạn lịch sử nước nhà. Hai chị em vừa đi tham quan, vừa nghe “ké” thuyết minh viên của các đoàn du lịch.

Khi đến khu vực Thế Tổ Miếu, nơi thờ các vị vua triều Nguyễn, chúng tôi bất chợt bị thu hút bởi sự “lạ” của một anh thuyết minh viên. Cái sự “lạ” đầu tiên của anh khiến chúng tôi tò mò là có câu chuyện gì đó thật khác biệt về cuộc đời của Thế tổ Cao Hoàng đế (vua Gia Long) so với lời kể cũng của thuyết minh viên mà chúng tôi đang nghe. Từ sự tò mò ban đầu, anh hấp dẫn chúng tôi trong từng câu chuyện kể về cuộc đời của 13 vị vua triều Nguyễn.

Sự “lạ” của anh chính là lối kể chuyện mộc mạc, chân phương, như tâm tình với người bạn phương xa. Thay vì làm đúng nhiệm vụ của mình là giới thiệu sơ nét về cuộc đời của các vị vua, anh lại nhiệt tình kể cho khách tham quan nghe cả về những giai thoại của từng vị vua. Tưởng chừng như, bao nhiêu điều anh biết, anh đều dốc lòng với người nghe. Bên cạnh đó, anh còn rất kiên nhẫn với từng câu hỏi của khách tham quan.

Hiếm thấy thuyết minh viên nào nhiệt tình như anh. Trong buổi trò chuyện, một số vị khách bày tỏ lo lắng anh sẽ mệt mỏi. Nghe vậy, anh cười vui vẻ, hóm hỉnh bảo: “Nếu cả nhà mình không mệt thì con luôn sẵn lòng nói tiếp…”.

Cũng vì thế, nếu những đoàn khách tham quan khác chỉ dừng bước tại Thế Tổ miếu lâu nhất là 30 phút thì chúng tôi lại say mê với câu chuyện của anh đến tận hơn 3 tiếng đồ, quá 12 giờ trưa mà chẳng ai muốn rời đi.

Cô em gái của tôi vốn không thích môn lịch sử, nhưng hôm ấy lại không một lời than vãn hay nằn nì chị gái di chuyển sang nơi khác để tham quan hoặc nghỉ ngơi. Lắng nghe say mê, thảng hoặc, cô em gái tôi lại không giấu được niềm thích thú khi trầm trồ:  “Cái ni mới nè chị hai, em chưa từng nghe kể…”.

Kết thúc phần thuyết minh tại Thế Tổ miếu, anh thuyết minh viên thật tình chia sẻ, bản thân anh không thể nhớ hết tất cả các ngày tháng lịch sử để giới thiệu với du khách. Nhiều người trong đoàn tham quan vội nói, họ không bận tâm lắm đến các mốc ngày tháng cụ thể, điều mà họ quan tâm là những câu chuyện lịch sử.

Cạnh bên, cô em gái của tôi nói nhỏ: “Em cũng ưng học lịch sử kiểu như ri, đừng bắt học sinh nhớ nhiều ngày tháng năm. Nếu mà thầy, cô giáo nào cũng giảng bài như anh ấy thì em cũng ưng tiết nào cũng là tiết lịch sử…”.

Sự hứng thú của em gái khiến tôi quyết định tốn tiền vé thêm lần nữa để đến với chương trình “Đại Nội về đêm” ngay hôm ấy. Không chỉ mê mẩn trước cảnh sắc lung linh của Hoàng cung Huế khi nắng tắt, chị em tôi còn vô cùng thích thú khi lần đầu tiên được chứng kiến nghi thức đổi gác tại cổng Ngọ Môn, thưởng thức Nhã nhạc cung đình Huế, các bài múa cung đình, các hoạt động diễn xướng như cấm vệ quân luyện võ…; trải nghiệm những trò chơi dành cho quan lại cấp cao trong hoàng cung xưa… Cứ thế, những nét tinh hoa của một giai đoạn lịch sử vàng son hiển hiện đầy sống động trong tâm thức của chúng tôi!

Khác với dáng vẻ chán nản khi nghe chị tặng “món quà lịch sử” cho dịp hè, cô em gái chẳng đợi tôi mở miệng nằn nì như những lần trước, chủ động rủ chị cùng trải nghiệm các di tích lịch sử-văn hóa ở Đà Nẵng. Rõ ràng, cũng là lịch sử, nhưng lịch sử trong những tiết học khô khan lại không hấp dẫn cô học sinh lớp 10 bằng lịch sử bình dị trong các câu chuyện kể hay lịch sử đặc sắc được tái hiện một cách sinh động.

Lịch sử chỉ có một nhưng phương thức truyền tải lịch sử lại rất phong phú. Chúng ta vẫn thường hay trách học sinh khi các em không hứng thú với quá khứ hào hùng của đất nước nhưng chưa bao giờ thử tặng các em “món quà lịch sử” gần gũi và hấp dẫn.

GS. TSKH Vũ Minh Giang cũng từng nói: “Học lịch sử để biết mình sinh ra trong một đất nước có truyền thống như thế nào để khi ra thế giới có những khác biệt gì. Học lịch sử để trưởng thành, để hiểu dân tộc mình mới là cách làm tiên tiến…”.

Sự đổi thay trong cách học lịch sử chẳng nằm đâu xa. Đà Nẵng hiện có 18 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 49 di tích xếp hạng cấp thành phố, 3 di sản phi vật thể trong danh mục Di sản quốc gia mang nhiều giá trị lịch sử to lớn.

Thế nhưng, điều đáng tiếc là rất nhiều di tích lịch sử-văn hóa vẫn còn là điểm đến bỏ ngỏ, chưa trở thành sản phẩm du lịch ấn tượng; thậm chí, vẫn còn xa lạ với người dân và học sinh địa phương. Hy vọng, trong thời gian không xa, học sinh Đà Nẵng sẽ có thêm nhiều cơ hội tham quan di tích lịch sử-văn hóa ở địa phương để hiểu biết lịch sử nơi mình sinh ra và gắn bó. Và, cũng là để lịch sử trở thành món quà đầy thi vị…

KHA MIÊN

;
.
.
.
.
.