Nhân ngày giỗ lần thứ 47 liệt sĩ Đặng Thùy Trâm (22-7-1970 - 22-7-2017)

Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm - Người đã ra đi, nhưng chưa hề khuất bóng...

.

Đã có quá nhiều bài viết về Nhật ký Đặng Thùy Trâm, thậm chí có cả sự chuyển thể thành kịch bản và dựng thành phim Đừng đốt của NSND Đặng Nhật Minh, nhà điện ảnh tài năng hàng đầu của nước ta. Sau tất cả những công trình, những bài viết, những xưng tụng của người thưởng thức trong nước và quốc tế, cái còn lại được tôn vinh là hình tượng nguy nga tráng lệ, đẹp rực rỡ như một tượng đài: chân dung người anh hùng - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Bài viết nhỏ này chỉ là sự ngưỡng vọng về chân dung một con người, một thế hệ đã từng có một thời sống đẹp.

Tượng bán thân liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm trong phòng trưng bày tư liệu, hiện vật tại Khu di tích Đặng Thùy Trâm nằm trên địa bàn huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: MINH TRÍ
Tượng bán thân liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm trong phòng trưng bày tư liệu, hiện vật tại Khu di tích Đặng Thùy Trâm nằm trên địa bàn huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: MINH TRÍ

Sức sống của người anh hùng trước hết là cuộc sống của một con người khi biết tạo cho mình một số phận / định mệnh, một con người bằng xương bằng thịt theo đúng nghĩa của từ này, bất chấp lịch sử về sau muốn huyền thoại hóa hay phi huyền thoại hóa. Trong Lời giới thiệu cuốn sách, người bạn từng học với chị ba năm cuối cấp thời phổ thông, là nhà phê bình văn học tài danh Vương Trí Nhàn, từng lý giải rằng, thế hệ của họ, có “một niềm tin tưởng như chỉ có ở tôn giáo – thứ niềm tin mang đầy cảm giác thánh thiện – chi phối hành động mọi người. Lao vào chiến tranh lúc ấy không phải chỉ là nghĩa vụ mà còn là niềm ao ước, là vinh dự mà nhiều anh chị em chúng tôi cảm thấy phải giành lấy bằng được (…). Không phải ngẫu nhiên, hai người lính thám báo Mỹ hôm qua, trong bức thư gửi người mẹ của liệt sĩ, khẳng định một cách chắc chắn như đinh đóng cột: “Trên bất cứ nước nào trên thế giới, điều đó đều được gọi là anh hùng”.  Họ muốn nói tới cái sự việc từng ám ảnh họ một thời gian dài người bác sĩ này đã đứng ra cầm súng bảo vệ cho những thương binh, và đã ngã xuống như một người lính vừa rời tay súng …” (tr. 6-7).

Cái chất người thiên lương tràn đầy trong chị không chỉ mang vẻ đẹp lấp lánh vàng ròng của lý tưởng  thời đại / thế hệ là khát vọng tự do, thống nhất đất nước, luôn ý thức về bổn phận, muốn trở thành một người tốt, thể hiện trong tình yêu thương mọi người, đau nỗi đau của người bệnh, sẵn sàng sẻ chia và gánh vác mọi bất hạnh và nhọc nhằn, mà còn có cuộc sống riêng tư, có tình yêu đôi lứa, yêu thiên nhiên cây cỏ, đồng lúa ruộng vườn… Một con người toàn vẹn của một thời quá khứ, sống có lý tưởng, lấy lý tưởng làm mục đích lẽ sống, biết sẻ chia đùm bọc, nhận lãnh trách nhiệm khó khăn gian khổ cùng với mọi người, nồng nàn yêu thương cuộc sống, nhưng cũng sẵn sàng hy sinh cuộc sống của mình vì khát vọng chung của nhân dân. Tất cả đều diễn ra một cách thanh thản, chứ không nặng nề, u uất, cũng tự nhiên như vẻ đẹp tâm hồn lộng lẫy và cao thượng của một thế hệ thanh niên. Điều đó còn tiềm ẩn một nội dung mỹ cảm căn cốt trong chị, bắt nguồn từ truyền thống gia đình, dòng họ, thổ ngơi nơi chị sinh ra và trưởng thành, là bản lĩnh văn hóa của người trí thức đích thực, luôn trong tư thế sẵn sàng vượt qua thử thách khắc nghiệt, với vóc dáng mỏng mảnh của một thiếu nữ mới bước qua ngưỡng tuổi đôi mươi.

Trong bức thư đầu tiên gửi về miền Bắc cho một người bạn, Đặng Thùy Trâm viết rằng: “Thùy đã về đến cơ quan độ một tuần nay, những ngày đầu tiên về công tác thật đáng ghi nhớ. Thùy được phân công về Đức Phổ... Về đến nơi cơ quan bị oanh tạc cách đó một tuần, thiệt hại về người rất ít nhưng cơ sở tan tành. Thùy về, vác ba lô đi giữa những căn nhà sập nát, đồ đạc dụng cụ còn vương vãi trên sân. Không một bóng người. Trước cảnh đó Thùy không khóc nhưng lòng rướm máu, Thùy lang thang đi thăm từng buồng bệnh cũ, từng chiếc giá treo áo blouse còn bỏ ngổn ngang… Tất cả chưa hề biết nhưng với Thùy đã trở thành thân thiết biết chừng nào… Lẽ ra Thùy sẽ cùng những đồng chí mới, cùng sống và làm việc nơi đây trong những căn nhà bé nhỏ xinh xắn này… giờ đây chỉ còn là một đống đất đá nát vụn! Có cách nào nói hết nỗi đau xót của Thùy? Nỗi đau như bằng xương bằng thịt chứ không phải bằng cảm giác nữa / Về gặp những người trong cơ quan, Thùy bình tĩnh lại ngay. Trong gian khổ họ vẫn vui cười, vẫn hát. Họ đạp qua gian khổ trong tiếng cười trong trẻo của tuổi thanh niên. Trước đây đi trên đường Thùy vượt qua tất cả vì có những người đồng đội, thì bây giờ trong gian khổ mới chắc họ cũng sẽ là người dìu dắt động viên Thùy vượt lên phía trước.” (Nhiều tác giả, Văn nghệ sĩ Liên khu Năm-lý tưởng, nhân cách, sáng tạo, NXB Hội Nhà văn 2009, tr. 1207).

Trong nhật ký, chị ghi hầu hết những cảm xúc, những cung bậc tình cảm của mình, chỉ để cho mình, những trải nghiệm không chỉ để nghiệm sinh mà dường như cố tìm sự cân bằng trong tâm hồn trước hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh. Ý nghĩ về cái chết thỉnh thoảng có thoáng qua, dù dưới góc độ tự nguyện chấp nhận, nhưng nó luôn hiện diện trong tâm tưởng những người tham chiến, như một khả hữu tất yếu. Chính sự đối diện với cái chết / sự mong manh của sự sống, cũng là một phần của nội dung cuộc sống. Người anh hùng trước hết phải là con người hành động, thì cái chết là hành động cuối cùng của người anh hùng. Cũng không phải ngẫu nhiên mà trong vùng sinh quyển của quê hương khu Năm, nơi có những cái chết thơm danh muôn thuở như những Hoàng Diệu, Nguyễn Duy Hiệu, Thái Phiên, Trần Cao Vân… và cả Nguyễn Văn Trỗi, thì chính cái chết của chị càng đáng trân trọng, khi nó nhằm bảo vệ sự sống như chính công việc chi phối suốt cuộc đời ngắn ngủi của chị. Chị Nguyễn Thị Kim Liên, người công tác cùng cơ quan với Đặng Thùy Trâm, người chứng kiến cái chết của chị kể lại với nhà thơ Thanh Thảo như sau: “Có lẽ bọn biệt kích Mỹ nghe giọng nói của hai chị em chúng tôi. Chúng đã phục lại chờ ngay đỉnh dốc. Mải chuyện, tới lúc đột nhiên một tên biệt kích Mỹ đen nhô ra, gần như nó đã nắm được tay chị Trâm. Tôi chỉ kịp hét lên: “Chị Hai, Mỹ!” và vùng chạy. Tôi đi sau chị Trâm, lúc ấy thành ra ở phía trước. Hai chị em không có vũ khí, mà có vũ khí lúc ấy cũng không đối phó kịp. Tôi lao mình xuống dốc, và nghe phía sau mình một loạt tiểu liên đanh gọn. Chúng đã hạ sát chị Trâm ở một khoảng cách quá gần, chỉ chừng một mét. Cái chết của chị Trâm và cây rừng cứu tôi thoát chết”. Nhà thơ hình dung và phân giải: “Không chủ định, nhưng bằng cái chết của mình, chị Thùy Trâm không chỉ cứu sống chị Liên mà còn báo động cho cả bệnh xá biết sự hiện diện của bọn biệt kích Mỹ. Bệnh xá đã dời đi an toàn.” (Thanh Thảo, Buổi chiều cuối cùng của một thiên thần, Sđd, tr.1210).

Lần lại từng con chữ còn ấm nóng và tuôn tràn cảm xúc của chị, không chỉ là để nhận diện vóc dáng tâm hồn của một thế hệ, mà còn như một lời nhắc nhủ trí nhớ bội bạc của con người: xin hãy đừng quên! Nhà văn Tô Hoàng từng quay lại với ký ức thời chiến tranh, lính pháo binh phải vượt qua đỉnh Chưmomray gập ghềnh dưới mưa dầm, cả bọn đã ước ao và thề nguyền, nếu ngày hòa bình còn sống sẽ đi bộ mười cây số trên đường bằng cho sướng. Ấy thế mà, “yên hàn, thanh bình rồi, tàu xe thuận tiện, nhưng cũng phải hai, ba năm những đứa sống sót mới tụ họp nhau một lần… Và cứ mỗi lần như thế, nhắc lại lời thề trên đỉnh Chưmomray năm nào, chúng tôi sượng sùng không dám nhìn mặt nhau. Hóa ra, càng sống, càng về già, càng nhiều ham muốn, thèm thuồng. Chỉ có những thằng bạn chết trẻ của chúng tôi là mãi mãi giữ trọn lời thề năm xưa”. (Nỗi buồn lâu quên, NXB Hội Nhà văn 2014, tr.79). Là người thuộc thế hệ cuối cùng bước ra từ cuộc chiến tranh, đôi khi lục lại trí nhớ của mình, tôi bỗng thấy hoang mang…!

PHẠM PHÚ PHONG

;
.
.
.
.
.