Những cộng đồng công nghệ

.

Có thời, “dân” công nghệ thông tin (CNTT) bị “dính chặt” với hình ảnh những “con mọt” cắm cúi ngày đêm bên máy tính, ít giao tiếp, ít cả kỹ năng mềm. Hình ảnh ấy nay dần “đi vào dĩ vãng”, bởi dù vẫn… cắm cúi bên máy tính, “dân” CNTT ở Đà Nẵng đã phát triển thành những cộng đồng năng động, sử dụng tiếng Anh thành thạo, nhanh nhạy với những xu hướng công nghệ mới, đủ sức cạnh tranh với bạn bè quốc tế.

Cuộc thi Mobile Hackathon được ra mắt trong khuôn khổ sự kiện DevFest 2016 do GDG MienTrung tổ chức, thu hút sự tham dự của hơn 100 người yêu lập trình tại Đà Nẵng. Ảnh: K.N
Cuộc thi Mobile Hackathon được ra mắt trong khuôn khổ sự kiện DevFest 2016 do GDG MienTrung tổ chức, thu hút sự tham dự của hơn 100 người yêu lập trình tại Đà Nẵng. Ảnh: K.N

8 giờ sáng chủ nhật ở một quán cà-phê trên đường Nguyễn Tri Phương (quận Thanh Khê), gần 30 bạn trẻ quây quần để chia sẻ và tìm hiểu về Internet vạn vật (IoT – mạng lưới các thiết bị kết nối Internet, có khả năng truyền tải thông tin qua một mạng duy nhất mà không cần tương tác trực tiếp). Có người đang là học sinh, sinh viên, có người đã đi làm, có người thậm chí đang là “sếp” ở một số công ty CNTT trên địa bàn thành phố. Giữa họ có một điểm chung lớn: niềm yêu thích công nghệ.

Buổi “hội thảo” này do Techsoup.vn – một cộng đồng CNTT chưa tròn 1 “tuổi” tại Đà Nẵng tổ chức. Chương trình bao gồm phần chia sẻ của các diễn giả là những người đang theo đuổi các dự án IoT ngay tại Đà Nẵng và một cuộc thi “mini”, trong đó người chơi được hướng dẫn cách triển khai một ứng dụng IoT đơn giản, tự chia nhóm, lên ý tưởng và thực hiện ý tưởng của mình. Ba giờ đồng hồ trôi qua nhanh chóng. Mãi đến giờ ra về, nhiều khán giả vẫn còn nán lại “hỏi thăm” anh Nguyễn Hoài Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Vi mạch Đà Nẵng, về những dự án IoT đậm nét địa phương phục vụ mục tiêu thành phố thông minh của Đà Nẵng.

Vừa thu dọn đồ dùng từ buổi “hội thảo”, Nguyễn Hữu Trình (SN 1992), người sáng lập Techsoup.vn vừa nói: Cũng là “dân” CNTT, mình hiểu các bạn đang khát khao có được những cộng đồng chia sẻ kiến thức trong ngành nhiều như thế nào. Đăng ký tham dự sự kiện thì chỉ có 25 người, vậy mà sáng nay mọi người đến đông tới mức không đủ ghế, phải ngồi trên sàn nhà... Bắt đầu từ giữa năm 2016, Techsoup.vn đã tổ chức những buổi “hội thảo” miễn phí đánh trúng tâm lý và nhu cầu của những người đang hoạt động trong lĩnh vực CNTT trên thành phố. “Buổi đầu tiên, mình dùng chính nhu cầu của bản thân để làm chủ đề, và thế là buổi trò chuyện “Tiếng Anh – chìa khóa thành công của lập trình viên” ra đời,” Trình chia sẻ.

Sau gần một năm hoạt động, Techsoup.vn đã có tiếng vang trong cộng đồng CNTT tại Đà Nẵng. Diễn giả trong những buổi trò chuyện có khi là chính thầy cô giáo cũ của Trình tại khoa CNTT, Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), có khi lại là những chuyên gia công nghệ mà người sáng lập viên này “kéo về” được từ những sự kiện khác được tổ chức tại Đà Nẵng.

Cùng ý tưởng tạo sân chơi cho “dân” CNTT, năm 2015, Nguyễn Thị Phương Nhi (SN 1991) đã sáng lập Google Developers Group (GDG) MienTrung (Cộng đồng những người yêu công nghệ ở khu vực miền Trung), một thành viên của “gia đình” GDG Việt Nam. Nhi cho biết, đây là dự án cộng đồng của Google nhằm giới thiệu các công nghệ mới đến người dân trên toàn thế giới. Khi về Đà Nẵng, GDG MienTrung tìm cách “địa phương hóa” để trở nên phù hợp nhất với “dân” CNTT thành phố.

Cuối năm 2016, cuộc thi Mobile Hackathon (lập trình trên điện thoại di động) lần đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng. Hơn 100 thí sinh là những lập trình viên, kỹ sư phần mềm, kỹ sư thiết kế… có hơn 30 giờ làm việc liên tục để biến các ý tưởng thành 19 ứng dụng trên điện thoại di động. Nhiều thí sinh cho biết, đây là lần đầu “dân” lập trình có cơ hội được ăn, nghỉ và làm việc cùng nhau. Trước đó, tại Đà Nẵng cũng đã có một số sân chơi lập trình nhưng thường chỉ dành cho một nhóm đối tượng nhất định như sinh viên hay kỹ sư của công ty công nghệ lớn.

Năm 2016 chứng kiến sự ra mắt lần đầu của một số sự kiện quy tụ cộng đồng CNTT tại Đà Nẵng. Cũng được “hoài thai” từ GDG MienTrung, “Women Tech Maker 2016” trở thành nơi giao lưu của các nữ kỹ sư thành công trong và ngoài nước. Ngay từ số đầu tiên, sự kiện đã thu hút gần 200 sinh viên, trong đó có nhiều bạn nữ yêu công nghệ.

Đầu tháng 7 tới, GDG MienTrung sẽ tổ chức Google I/O Extended MienTrung – một sự kiện bên lề của Google I/O (một hội nghị thường niên do Google tổ chức dành cho các lập trình viên tại Mỹ). Phương Nhi cho biết, sự kiện này nhằm mang kiến thức và các sản phẩm đột phá đã được Google giới thiệu tại Google I/O 2017 đến gần hơn với cộng đồng CNTT Đà Nẵng. “Mình hy vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều sân chơi chung cho “dân” CNTT, giúp họ giao lưu, học hỏi, chia sẻ và kết nối. Để đừng ai nghĩ rằng CNTT là chỉ biết máy tính, lập trình khô khan cả.”

KHANG NINH

;
.
.
.
.
.