Phương hay Thuốc quý

Kê huyết đằng Sơn Trà hay Thàn mát Nam Bộ

.

Kê huyết đằng là một vị thuốc hoạt huyết và bổ máu rất quen thuộc trong Đông y, thường được khai thác từ nhiều loài dây leo thân gỗ khác nhau nhưng có đặc điểm chung là khi cắt ra có chất nhựa tiết ra màu đỏ tươi như máu gà (kê huyết). Cách đây 6 năm, theo một nhóm đạo hữu ở chùa Hòa Nam đi tìm thuốc, tôi được giới thiệu một loài như vậy mọc hoang ở Sơn Trà.

“Kê huyết đằng Sơn Trà” hay Thàn mát Nam Bộ - Callerya cochinchinensis. Ảnh: P.C.T
“Kê huyết đằng Sơn Trà” hay Thàn mát Nam Bộ - Callerya cochinchinensis. Ảnh: P.C.T

Tuy nhiên, sau nhiều năm tra cứu, đối chiếu với tất cả các loài được ghi nhận làm “Kê huyết đằng” trong tài liệu của Viện Dược liệu và các tác giả Đỗ Tất Lợi, Võ Văn Chi… tôi vẫn chưa xác định được mẫu “Kê huyết đằng Sơn Trà” là loài nào.

Năm ngoái, thực hiện đề tài điều tra cây thuốc trên địa bàn Đà Nẵng, tiếp xúc với một vài chuyên gia trong Nam ngoài Bắc, tôi đem hình ảnh và mẫu cây thuốc này ra hỏi, nhưng cũng chỉ được gợi ý là thuộc chi Thàn mát lưỡng thể - Callerya.  

Đối chiếu với 5 loài Callerya đã ghi nhận làm thuốc trong Từ điển cây thuốc Việt Nam (bộ mới, 2012) và Danh lục cây thuốc Việt Nam (2016), vẫn không thấy loài tôi đang tìm.

Mới đây, nhận lời làm “mẫu” cho chuyên mục Tôi yêu Đà Nẵng trên báo Tuổi Trẻ, tôi đã tranh thủ “khoe” cái cây “tìm mãi chưa ra tên khoa học” này. Và cuối cùng thì điều cần đến cũng đã đến.

Liên hệ qua FB, một bạn trẻ học chuyên ngành hệ thống học và hình thái tiến hóa thực vật, thuộc thế hệ 9x nhưng đã sở hữu một bảng thành tích đáng gờm là tác giả 12 bài công báo trên SCI (Science Citation Index – Chỉ số Trích dẫn Khoa học), một chuyên khảo và 2 dự án Thực vật chí, đang công tác tại Phòng tiêu bản Quốc gia thuộc Viện Thực vật Bắc Kinh, qua so sánh với các tiêu bản chuẩn, đã định danh loài tôi cần tìm là Callerya cochinchinensis (Gagnep.) Schot, Blumea 39(1–2): 19 1994. Theo Thực vật chí Vân Nam loài này có 2 tên đồng nghĩa  là Millettia cochinchinensis Gagnep. (1913) và Millettia tsui Metc. (1940).

Đây là loài dây leo thân gỗ, 3 - 10m. Thân màu nâu đậm, có gợn rõ ràng, có lông xốp, không có những chấm nhỏ trên thân. 3 hoặc 5 lá chét; trục cuống lá 12 - 28cm, trong đó cuống lá chính 5 - 8cm; cuống lá chét không có phần phụ; bề mặt lá dạng ellip rộng đến ellip, kích thước (6-)10-18 x 5-8cm, khá dai, cả 2 mặt đều nhẵn và bóng, gân dạng lưới nổi bật, gốc lá tù đến hơi nhọn, đỉnh lá tròn với chóp hơi dài. Cụm hoa dạng chùm kép ở đỉnh cành, 15-18cm; nở hoa đều theo vòng, thường có lá ở gần cuống, có lông xốp màu nâu, mấu dày đặc. Kích thước hoa 1,5-2cm. Tràng màu vàng nhạt đến hơi đỏ hoặc tím, thuôn, mặt ngoài dày đặc lông mịn. Bầu 4-7 ô, có lông mịn, gốc bầu thuôn lại. Quả dạng đậu, hình ellip khi chứa 1 hạt, kích thước khoảng 5,5 x 4cm, thuôn dài khi có 2-3 hạt, kích thước khoảng 7 x 3cm, phồng lên ở vị trí có hạt, nhưng lại hẹp ở vị trí giữa các hạt, có lông mịn màu nâu, nhưng thường không đều, thuôn dần về phía cuống quả đến 5mm, đỉnh quả có móc cứng. Hạt 1-3, màu đen nâu, hình cầu bẹt đến cầu, kích thước 2 – 2,5 x 1 – 2,5cm. Mùa hoa từ tháng 7 đến tháng 9, mùa quả từ tháng 10 đến tháng 12.

Tra cứu tài liệu trong nước, trong Cây cỏ Việt Nam (tập 2, tr.899) và Danh lục các loài thực vât Việt Nam (tập 2,tr.760) loài này có tên Việt Nam là Lăng yên Nam Bộ, Thàn mát Nam Bộ, thường mọc ven và trong từng rậm thường xanh, dọc theo suối, ở độ cao tới 800m, phân bố từ miền Bắc tới Biên Hòa, trong đó có Đà Nẵng, nhưng chưa thấy tài liệu nào ghi nhận làm thuốc.

Tuy nhiên, theo các tài liệu Trung Quốc như Thực vật chí, Thực vật bậc cao mà tôi có đều có ghi nhận rễ và thân loài này làm thuốc, có tác dụng hành huyết bổ khí, chủ trị đau khớp do phong thấp, hoàn toàn phù hợp kinh nghiệm địa phương và tương tự vị thuốc Kê huyết đằng chúng tôi thường dùng.

Cám ơn người bạn trẻ đã giúp tôi định danh và mô tả cây thuốc mà hơn 6 năm nay cứ ám ảnh đè nặng tâm tư như câu ca “Chiều chiều mây phủ Sơn Trà...”.

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.