Tài nguyên cây thuốc Sơn Trà

.

Ngày 15-7-2017 tại Đà Nẵng, Viện Sinh thái học miền Nam và Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đồng tổ chức hội thảo “Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà”. Đại diện nhóm nghiên cứu đề tài Đánh giá thực trạng cây thuốc trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát triển (2015-2017), PGS.TS Nguyễn Tập đã có báo cáo về sự phong phú của nguồn tài nguyên cây thuốc trong hệ thực vật rừng ở khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (KBTTNST).

PGS.TS Nguyễn Tập báo cáo kết quả điều tra cây thuốc Sơn Trà trong hội thảo khoa học nhân ngày Đa dạng sinh học 22-5-2017 tại  Đà Nẵng. Ảnh: P.C.T
PGS.TS Nguyễn Tập báo cáo kết quả điều tra cây thuốc Sơn Trà trong hội thảo khoa học nhân ngày Đa dạng sinh học 22-5-2017 tại Đà Nẵng. Ảnh: P.C.T

Qua gần 2 năm thực hiện, trích xuất kết quả thu thập, nhóm nghiên cứu bước đầu ghi nhận ở KBTTNST có 329 loài cây thuốc, thuộc 253 chi, 108 họ của 5 ngành thực vật bậc cao có mạch. Trong đó có trên 50 loài được coi là mới, bổ sung thêm cho các kết quả điều tra về khu hệ thực vật ở đây.

So với kết quả nghiên cứu khu hệ thực vật ở KBTTNST của Đinh Thị Phương Anh và cộng sự (1997) cho thấy, số loài cây làm thuốc có tỷ lệ ≈ 33,40 % (329/985 loài); số chi có cây thuốc ≈ 52,38 % (253/483 chi) và số họ có cây thuốc là ≈ 75,52 % (108/143 họ).

Với một diện tích trên dưới 4.000ha của KBTTNST, bước đầu đã ghi nhận được tới 329 loài cây thuốc. Xét về thành phần loài, điều đó cho thấy, nguồn tài nguyên này ở đây là khá phong phú và đa dạng.
Theo thống kê, các cây thuốc ở đây được sử dụng để điều trị khoảng gần 20 nhóm bệnh thường bị mắc phải, như:

Cảm sốt, cảm lạnh, nhức đầu; bệnh ngoài da, mụn nhọt, dị ứng; bệnh về xương khớp, bại liệt; bệnh về gan, mật, đường tiêu hóa; bệnh về thận và đường tiết niệu; bệnh về đường hô hấp; bệnh về tim mạch, huyết áp và một số bệnh đặc trưng ở phụ nữ, trẻ em…

Nhiều loài được coi là những vị thuốc nam quen thuộc và gần như không thể thiếu, đối với các thầy thuốc YHCT ở Đà Nẵng như: Cam thảo dây, Cà gai leo, Chè dung, Dây chiều, Dây gắm, Hoàng đằng, Lá khôi, Ngấy hương, Thiên môn, Thổ phục linh, Tơ xanh, Dạ cẩm,… Nguồn cây thuốc mọc tự nhiên ở KBTTNST rõ ràng là một kho tàng dự trữ  “thuốc nam” phong phú của thành phố hiện nay.

Về dạng sống, cây thuốc ở KBTTNST bao gồm hết thảy các dạng cây, từ cây thân gỗ đến cây bụi, cây thân thảo (sống 1 năm và nhiều năm) và dạng dây leo (nhỏ và dây leo gỗ). Ngoài ra, về phân bố, các loài cây thuốc ở đây còn hiện diện trong hết thảy các hệ sinh thái ở khu Bảo tồn. Bên cạnh đó, do hiệu ứng của công tác quản lý bảo vệ, một số quần thể cây thuốc có giá trị kinh tế và sử dụng cao vẫn còn gần như nguyên trạng, với số lượng cá thể phong phú, như: Sói rừng, Lá khôi, Hoàng đằng... Vài loài còn quan sát thấy có kích thước cá thể khổng lồ (Dây gắm, Ngũ gia bì chân chim leo,...).

Trong tổng số 329 loài cây thuốc đã biết ở KBTTNST, đã ghi nhận được 8 loài nằm trong diện quản lý, bảo tồn ở Việt Nam. Cụ thể: Hoàng đằng - Fibraurea tinctoria; Tuế sơn trà - Cycas inermis; Vàng đắng - Coscinium fenestratum; Vù hương - Cinnamomum parthenoxylon; Lá khôi - Ardisia gigantifolia; Thạch tầm - Ludisia discolor; Trầm hương - Aquilaria crassna; Vù hương - Cinnamomum parthenoxylon và Gai chống - Tribulus terrestris.

Đặc biệt lưu ý rằng, trong số các loài được ưu tiên bảo tồn, có 3 loài (Hoàng đằng, Lá khôi và Tuế sơn trà) - mà tình trạng quần thể của chúng, gần như còn nguyên trạng. Đây là thực tế hiếm thấy trong các quần hệ rừng khác ở nước ta hiện nay.

Căn cứ vào kết quả điều tra nghiên cứu và tình hình thực tế ở KBTTNST, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp, nhằm góp phần bảo tồn nguồn cây thuốc, đi đôi với khai thác lợi ích một cách bền vững. Đó là bảo tồn tại chỗ (in situ) song song với bảo tồn chuyển vị (ex situ) các loài cây thuốc quý, hiếm hiện có tại KBTTNST; lồng ghép trong các tour du lịch sinh thái, để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho khách du lịch về giá trị và yêu cầu cần bảo tồn nguồn tài nguyên cây thuốc. Ngoài ra cũng đưa ra trồng thêm (ngoài khu bảo tồn) một số loài cây thuốc có nhu cầu sử dụng cao, như Lá khôi, Sói rừng, Bách bộ, Bách bệnh...

Hy vọng rằng, cùng với sự hiện diện của Voọc chà vá chân nâu và quần thể động vật, sự phong phú của nguồn tài nguyên cây thuốc trong hệ thực vật rừng ở KBTTNST, sẽ góp phần tôn vinh thêm về giá trị đa dạng sinh học của khu Bảo tồn. Hơn thế nữa, sự phong phú của nguồn tài nguyên này lại nằm trong lòng thành phố Đà Nẵng hiện đại, đây cũng là nét độc đáo, hiếm gặp ở bất cứ đô thị lớn nào ở nước ta và trên thế giới.

ĐẶNG NGỌC PHÁI

;
.
.
.
.
.