Trang sách chép chuyện xưa

.

Những trang sách sẽ còn mãi với thời gian, lưu dấu những câu chuyện, những giá trị văn hóa dân gian quý giá về đất và người xứ Quảng nói chung, Đà Nẵng nói riêng...

Các hội viên Hội Văn nghệ dân gian như ông Võ Văn Hòe (trái), ông Hoàng Hương Việt (phải) luôn đau đáu với những công trình văn hóa dân gian Quảng Nam-Đà Nẵng. Ảnh: T.T
Các hội viên Hội Văn nghệ dân gian như ông Võ Văn Hòe (trái), ông Hoàng Hương Việt (phải) luôn đau đáu với những công trình văn hóa dân gian Quảng Nam-Đà Nẵng. Ảnh: T.T

Quảng Nam-Đà Nẵng dù đã chia tách đơn vị hành chính cách đây hơn 20 năm, song, trong dòng chảy văn hóa, hai địa phương vẫn tuy hai mà một, như bao người đã nói: “Chia tỉnh chứ không chia tình”; nhất là với mảng văn hóa dân gian, càng khó tách bạch rạch ròi. Chính vì thế, những công trình nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian về Đà Nẵng ngày nay vẫn thường được đặt trong “xứ Quảng” yêu thương!

Nếu lấy mốc 1997 - khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương để hệ thống những công trình/tác phẩm nghiên cứu văn hóa dân gian về dải đất đầu biển cuối sông này, trong chiều sâu văn hóa xứ Quảng, trước hết, phải kể đến công trình Tổng tập Văn hóa - Văn nghệ dân gian đất Quảng (xuất bản năm 2010), gồm 5 tập (mỗi tập trên dưới 700 trang), khái quát 5 nội dung rất lớn: Ca dao - dân ca đất Quảng; Truyện kể dân gian đất Quảng; Tập tục, lễ hội đất Quảng; Văn hóa ẩm thực đất Quảng; Ngành nghề và làng nghề truyền thống đất Quảng. Tuyển tập do các hội viên Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng dày công nghiên cứu, biên soạn từ năm 2005-2010 (các tác giả: Hoàng Hương Việt - Bùi Văn Tiếng chủ biên).

1. Nói về công trình Tổng tập Văn hóa - Văn nghệ dân gian đất Quảng mà bản thân mình góp mặt, ông Hoàng Hương Việt, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng khẳng định, hiện hiếm có địa phương nào làm được công trình nghiên cứu văn hóa dân gian bài bản, công phu như thế.

Trong quá trình thực hiện bộ sách, các tác giả gặp không ít khó khăn, song, những cứ liệu văn hóa dân gian ngồn ngộn từ đời sống cứ thôi thúc. “Vốn văn hóa dân gian các vùng miền khắp Quảng Nam-Đà Nẵng quá đẹp và giàu có. Nếu không nhanh chóng ghi lại, chúng tôi sợ sẽ mất đi mãi mãi. Dẫu biết rằng, trong cái vô cùng vô tận của văn hóa nói chung, văn hóa dân gian nói riêng, công trình của chúng tôi cũng chỉ có thể làm được chừng mực nào đó. Nhưng hãy tin rằng, những gì được viết ra là cả quá trình tâm huyết “gạn đục khơi trong” của các tác giả”, ông Việt bồi hồi.

Quả vậy, chỉ đơn cử tập 1 dày cộp - Ca dao - dân ca đất Quảng, lần giở từng trang nội dung được sắp xếp tầng bậc khoa học, chỉn chu, có thể thấy những người biên soạn đã tốn bao tâm sức như thế nào. Tập sách vừa khái quát những đặc tính chung của ca dao - dân ca Quảng Nam-Đà Nẵng, vừa tỉ mỉ đi sâu tâm tình của người Quảng qua những câu ca dao - dân ca từ khi họ là “lưu dân” vừa đặt chân đến mảnh đất mới “Đàng Trong” với bao lạ lẫm, âu lo:

“Ra đi thì sự đã liều/ Mưa mai không biết, nắng chiều nào hay” hay “Tới đây sông nước lạ lùng/ Con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kiêng”... Rồi hệ thống những câu ca về đời sống lao động sản xuất, tình yêu đôi lứa, về thân phận người phụ nữ... Không liệt kê một cách nhàm chán, các đặc tính của ngôn ngữ ca dao - dân ca đất Quảng cũng được tập sách hệ thống, phân tích, phẩm bình, lý giải đầy thuyết phục. Chẳng hạn, cũng như tiếng nói, tính cách người Quảng - sự thô mộc là một đặc tính của ca dao - dân ca nơi đây. Song, nhờ thô mộc mà thành đặc sắc.

Cả cái máu “hay cãi” cũng ngấm vào ca dao - dân ca. Vậy mà, khi chữ nghĩa, người Quảng cũng rất chi là “chữ nghĩa”: “Thương nhau trường đoạn đoạn trường/ Lụy lưu lưu lụy dạ dường kim châm” (trích Lý thương nhau). Có thể thấy, chỉ một câu lục bát mười bốn chữ nhưng đa phần dùng yếu tố Hán - Việt. Không chữ nghĩa làm sao viết được như thế!

Cũng theo ông Hoàng Hương Việt, bên cạnh nghiên cứu đầy đủ, chuyên sâu, nhiều mặt đời sống văn hóa dân gian người dân đồng bằng, đa số, một trong những thành công của Tổng tập Văn hóa - Văn nghệ dân gian đất Quảng là đã lần đầu tiên hệ thống hóa một cách đầy đủ một mảng nội dung rất lớn, rất đặc sắc là truyện kể dân gian các dân tộc thiểu số đã và đang sinh sống trên khắp Quảng Nam - Đà Nẵng. Những giai thoại, truyền thuyết, cổ tích của các dân tộc Cơ tu, Xơ đăng, Cor, T’ riêng, dân tộc Ve, Bnông... được dịch với hai ngôn ngữ Việt - Anh thực sự là kho tư liệu quý giá với những ai hững thú với mảng văn hóa dân gian này.

2. Ngoài công trình Tổng tập Văn hóa - Văn nghệ dân gian đất Quảng, cuộc nghiên cứu, tìm tòi lưu giữ bằng những trang sách của những người tâm huyết văn hóa dân gian Quảng Nam-Đà Nẵng từ trước đến nay chưa bao giờ ngừng lại. Bằng chứng là hàng loạt tác phẩm, sách nghiên cứu chung và riêng Đà Nẵng vẫn đều đặn ra mắt, dẫu đôi khi chỉ trong âm thầm.

Đó là Bài chòi xứ Quảng (Đinh Thị Hựu), Giai thoại đất Quảng (Hoàng Hương Việt), Tập tục lễ hội theo một vòng đời; Tết xứ Quảng (Võ Văn Hòe), Chuyện xưa xứ Quảng (Phạm Hữu Đăng Đạt), Sắc bùa Quảng Nam (Phạm Hữu Đăng Đạt), Tiếng địa phương trong ca dao đất Quảng (Đinh Thị Hựu)... Đặc biệt, dù còn khá khiêm tốn, song, sự có mặt của các tác phẩm nghiên cứu cụ thể các địa phương, vùng miền Đà Nẵng cho thấy, văn hóa Đà Nẵng trong dòng chảy xứ Quảng vẫn có những nét riêng với loạt sách: Văn hóa dân gian Hòa Vang; Địa chí văn hóa dân gian làng Phong Lệ; Nét đặc sắc văn hóa dân gian làng Phước Thuận; Địa danh Đà Nẵng (2 tập) của tác giả  Võ Văn Hòe và Từ ngữ nghề biển của ngư dân Đà Nẵng (Đinh Thị Trang).

Một điều dễ thấy, Chủ tịch Hội văn nghệ dân gian Đà Nẵng Võ Văn Hòe chính là tác giả của nhiều tác phẩm viết riêng về Đà Nẵng nhất. Các tập sách về Đà Nẵng của ông Hòe phần lớn đều được xuất bản từ năm 2005 đến nay (gần nhất là cuốn Địa danh Đà Nẵng - tập 2, 2015), song, phần tư liệu đều được ông sưu tầm từ những năm 1985-1986 (khi còn là sinh viên khoa Văn – Trường Đại học Sư phạm Huế).

“Cũng may quá trình điền dã, lấy tư liệu được kết nối từ hơn 30 năm đến nay, để đến bây giờ có lẽ không làm nổi, vì dấu tích đời sống dân gian các địa phương hầu hết đã phai mờ”, ông Hòe trải lòng. Chia sẻ về tác phẩm tâm đắc về văn hóa dân gian Đà Nẵng, ông nói mỗi tác phẩm đều mang giá trị riêng và đều được ông thực hiện với tất cả tâm huyết.

Song, hài lòng nhất có lẽ là cuốn Văn hóa dân gian Hòa Vang (xuất bản 2008). Cuốn sách ghi lại những câu chuyện dân gian Hòa Vang từ thời Minh Mạng cho đến nay, trong đó bao hàm cả câu chuyện của Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ ngày nay (ngày trước thuộc Hòa Vang). Hai nội dung lớn của tập sách là những chuyện kể dân gian và làng nghề truyền thống. Sự tích núi Thạch Bồ, Ngũ Hành Sơn, sự tích cây thuốc lá; những câu chuyện về Ông Ích Khiêm, Ông Ích Đường; làng nghề nước mắm Nam Ô, guốc mộc Xuân Dương, đá Non Nước, thuốc lá Cẩm Lệ, chiếu Yến Nê, nón La Bông... được nhắc kể sinh động.

Những công trình văn hóa dân gian chúng tôi vừa nhắc kể trên phần lớn đều đạt các giải thưởng cao của thành phố, của Liên hiệp các hội Văn học- Nghệ thuật Trung ương. Song, theo ông Hòe, giải thưởng không phải là tất cả vì “chúng tôi xác định công việc nghiên cứu là thầm lặng, đặc biệt với mảng văn hóa văn nghệ dân gian thì càng thầm lặng hơn”.

Vì vậy, vẫn chưa kể hết ra đây những công trình, những đóng góp của những người tâm huyết với vốn quý dân gian để lại. Chỉ biết rằng, họ không mệt mỏi khi thấu hiểu ý nghĩa công việc bản thân đang làm. Nghỉ hưu, nhiều năm nay, ông Hòe vẫn tận tâm với công tác Hội.

Ở tuổi 83, ông Hoàng Hương Việt vẫn đều đặn ít nhất mỗi năm ra một cuốn sách về văn nghệ dân gian. Dù thiếu thốn nhiều bề, những hội viên hội văn nghệ dân gian vẫn âm thầm làm phần việc của mình, liên tục nghiên cứu, đều đặn ra sách. Họ cho biết, sắp ra mắt tập sách Văn hóa dân gian miền biển Đà Nẵng. Bởi, chỉ những trang sách mới có khả năng lưu dấu những câu chuyện, những giá trị văn hóa dân gian quý giá mãi mãi...

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.