.

Bám biển

.

Dù mỗi ngày trên biển phải đối diện với sóng to, gió dữ và rất nhiều những thử thách, hiểm nguy, song, ngư dân Đà Nẵng vẫn kiên cường bám biển, không ngừng chuyển đổi phương thức khai thác, để mưu sinh và giữ nghề biển truyền thống lâu đời của cha ông, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Niềm vui hiện lên nét mặt các thuyền viên của tàu cá ngư dân Lê Văn Thiên khi câu được cá lớn ở khơi xa.  (Ảnh nhân vật cung cấp)
Niềm vui hiện lên nét mặt các thuyền viên của tàu cá ngư dân Lê Văn Thiên khi câu được cá lớn ở khơi xa. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Chuyển đổi theo thời gian

Ngư dân Lê Văn Thiên (42 tuổi, tổ 21 phường Thuận Phước, quận Hải Châu) bắt đầu với nghề biển cách đây hơn 25 năm bằng chiếc thuyền nhỏ câu cá loanh quanh khu vực biển Thuận Phước đủ sống qua ngày. Đời sống độc thân khiến chàng ngư dân trẻ ngày ấy không nghĩ nhiều về cuộc sống có phần tạm bợ của bản thân. Mãi cho đến năm 1997, khi lập gia đình, rồi sinh con, gánh nặng cơm áo khiến Thiên không thể tiếp tục vô tư làm nghề kiểu được chăng hay chớ như trước.

Ngày sắm được con thuyền 20 CV thực sự là một “dấu ấn” đối với đôi vợ chồng trẻ. Nhưng rồi, nghề biển không thể giẫm chân tại chỗ. Chí thú làm ăn, vợ chồng anh Thiên tích góp, liên tục nâng cấp công suất tàu cá gia đình từ 20 CV lên 35, 56 CV... Cho đến năm 2014, vợ chồng anh đóng được tàu cá lớn có công suất 410 CV. Và đầu năm 2017, vợ chồng Thiên tiếp tục mạnh dạn vay vốn đóng mới và hạ thủy con tàu có công suất 830 CV để có những chuyến đi biển xa hơn, an toàn, hiệu quả hơn.

Hiện tại, ở phường Thuận Phước, cùng nghề câu cá rạn như anh Thiên cũng có một vài hộ. Tuy nhiên, câu ở khơi xa (từ 90-100 hải lý) với những loài cá mú, cá cam, cá khế... giá trị thì chỉ duy có gia đình anh Thiên. Nhờ hai con tàu có công suất lớn, những chuyến đi biển của vợ chồng Thiên đều đặn hơn, không chỉ đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình, trả lãi ngân hàng đều đặn mà còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục lao động trên địa bàn.

Chuyện bám biển, bám nghề của ngư dân Lê Văn Xin (50 tuổi, trú tổ 92, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) cũng khiến nhiều người nể phục. Với hai bàn tay trắng, sau mấy chục năm lặn lội với nghề, ông đã sắm được hai con tàu đánh bắt công suất lớn, được trang bị đầy đủ các thiết bị. Tuy nhiên, ông cho biết, nguồn cá tôm ngày càng khó, lao động làm biển ít kiên trì với nghề nên  việc có tàu lớn là chưa đủ. Việc chuyển đổi nghề, phương thức đánh bắt phù hợp với điều kiện thực tế khác nhau là yêu cầu bắt buộc với những chủ tàu bản lĩnh và tính toán làm ăn khoa học. Nhớ những năm 2000-2005, nghề lưới cản (hay còn gọi là lưới rê: đánh bắt các loại cá di chuyển ở tầng nổi) đã cho ông Xin những vụ mùa bội thu, bởi khi đó, nguồn tài nguyên còn dồi dào, lao động làm nghề biển cũng không có khó kiếm như bây giờ. Dù rất cố gắng, nhưng ông Xin cũng chỉ duy trì được nghề lưới cản đến cuối năm 2009 thì phải bỏ, để chuyển sang nghề chụp mực tiêu tốn ít lao động, cho năng suất cao. Và từ năm 2016, ngoài chụp mực, tàu câu cá 800 CV đưa lại nguồn thu đáng kể cho ông Xin, củng cố niềm tin bám biển cho những ngư dân đầy ý chí.

Chỉ có biển cuộc sống mới đầy ý nghĩa

Ngư dân Lê Hữu Thảo (trú tổ 87, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) theo nghề biển hơn 30 năm, nổi tiếng là người linh động trong việc chuyển đổi các phương thức đánh bắt để trụ với nghề biển: Từ câu mực, giã cào ven bờ, lưới chuồn, lưới cản cho đến lưới bùng nhùng tốn kém... Ông chủ của hai tàu khai thác hải sản công suất lớn (818 và 835 CV) cũng thừa nhận, nghề đi biển mỗi ngày mỗi khó. Có nhiều ngày, hai tàu của anh phải nằm chờ ở bến, như chuyến đi biển gần đây nhất, cũng chỉ vươn khơi được một tàu. Tuy nhiên, trong những thời điểm quyết định chuyển đổi phương thức đánh bắt hay bấm bụng đầu tư tiền tỷ với những con tàu khai thác công suất lớn, ông tâm niệm dù có khó khăn thế nào đi nữa anh cũng không rời biển. Bởi, chỉ có biển mới đem lại cuộc sống thực sự ý nghĩa đối với những ngư dân làm nghề “cha truyền con nối” như anh.

Theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng, hiện số lượng tàu cá trên địa bàn thành phố thu hẹp còn khoảng 2/3 so với trước, nhưng số tàu công suất lớn phục vụ đánh bắt xa bờ tăng lên nhiều. Nhất là sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 67) với nhiều chính sách khuyến khích phát triển thủy sản, cùng chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của thành phố hỗ trợ ngư dân đóng tàu mới công suất lớn, nhiều ngư dân đã quyết trở lại với biển.

Cũng theo ông Lĩnh, điều đáng mừng là hiện nay, ở Đà Nẵng đã xuất hiện nhiều ngư dân trẻ yêu biển, giàu tri thức, tinh thần học hỏi, mạnh dạn đầu tư. Như trường hợp các ngư dân Trần Văn Mười (phường Mân Thái, quận Sơn Trà), Lê Văn Sang (phường Thuận Phước, quận Hải Châu), Nguyễn Sương (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) đã mạnh dạn đóng những chiếc tàu vỏ thép trị giá 17, 18 tỷ đồng vừa khai thác thủy sản vừa là tàu hậu cần nghề cá, đang phát huy công năng sử dụng hơn 1 năm nay. Nhiều ngư dân không ngừng học hỏi kinh nghiệm đóng tàu, làm lưới đánh bắt của các nước có công nghệ đánh bắt thủy hải sản tiên tiến như Nhật Bản, Thái Lan... Tuy nhiên, theo ông Lĩnh, tất cả những điều này vẫn chỉ nói lên rằng, “kỹ nghệ” đánh bắt thủy hải sản hiện đại của Đà Nẵng vẫn đang trong giai đoạn manh nha. Tất cả dường như vẫn cần trải qua một cuộc quá độ, mà để đạt được sự thay đổi, kết quả như mong đợi, còn cần nhiều thời gian và yếu tố. Có thể thấy rằng, hiện Đà Nẵng vẫn chưa thể có những con tàu chuyên đánh bắt một loại cá, một loại hải sản... như những con tàu khai thác tiên tiến trên thế giới. Ngư dân Đà Nẵng chủ yếu đánh bắt, khai thác, chế biến theo kinh nghiệm, chứ chưa được đào tạo bài bản.

Bám trụ với nghề biển từ xưa đã khó, đến nay, cái khó, sự hiểm nguy còn tăng gấp bội. Khi mỗi chuyến đi biển như một lần “xuất trận”, đối đầu bao bất trắc hiểm nguy của thiên tai và nhân tai, để khai thác hải sản và góp phần giữ lấy vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

NGỌC DUNG

;
.
.
.
.
.