.

Buồn, vui pháp đình

.

Có người ví tòa án như một sân ga, chứng kiến nhiều cuộc chia ly với đủ cung bậc nước mắt, khổ đau của khách đi tàu lẫn khách đưa tiễn. Có những cuộc đưa tiễn hẹn ngày trở về, cũng có những cuộc đưa tiễn là lần cuối gặp mặt. Mỗi hành khách có mặt nơi sân ga ấy là một câu chuyện cuộc đời khác biệt mà những người gắn bó với chốn pháp đình như là chứng nhân lặng lẽ gom nhặt về mình buồn, vui của nơi này.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tha thứ để vượt qua nỗi đau

Những câu chuyện, hình ảnh đẹp ở tòa là minh chứng sống động cho lòng vị tha khiến cho ai tình cờ chứng kiến, thêm củng cố niềm tin vào tình người và con đường quay về nẻo thiện của những người từng gây tội ác. Tha thứ là cách mà nhiều người đã lựa chọn để vượt qua nỗi đau và xua đi lòng thù hận. Tình người của họ đã xua đi sự nặng nề vốn có của chốn pháp đình, mở ra con đường hướng thiện cho những thân phận lầm lỗi.

Anh Nguyễn Phước Toán, Chánh Văn phòng Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân quận Thanh Khê có gần 14 năm gắn bó với ngành kiểm sát và thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử nhiều vụ án hình sự. Điều ấn tượng sâu sắc nhất trong ngần ấy thời gian làm nghề của anh không phải là những vụ án với các tình tiết dã man mà là sự bao dung của nhiều tấm lòng.

Anh kể, năm 2010, khi anh đang ăn cơm trưa tại cơ quan thì nhận được điện thoại của công an thông báo về một vụ tai nạn giao thông. Tiến hành điều tra, lực lượng chức năng phát hiện chị P.T.Đ.V (SN 1976) chở con nhỏ ngồi sau bị hai đối tượng giật dây chuyền. Khi va chạm xảy ra, nạn nhân được đưa vào bệnh viện cấp cứu, còn hai thanh niên bỏ xe lại hiện trường, chạy thoát. Từ vụ việc này, đường dây cướp giật và trộm cắp do 6 đối tượng thực hiện được triệt phá.

Sau khi bị cáo H.T.Tr (SN 1988), một trong hai đối tượng thực hiện hành vi cướp sợi dây chuyền của chị V., bị bắt, gia đình của Tr. có tìm gặp anh để xin nộp khoản tiền bồi thường. Đập vào mắt vị kiểm sát viên là một người mẹ khắc khổ với làn da sạm đen, vẫn còn mang đôi găng tay bốc gạch lấm lem và một người vợ gầy đét, tái xám ôm đứa con nhỏ chưa tròn một tuổi. Hai người phụ nữ với gương mặt đầy nỗi sợ hãi, rụt rè đứng co rúm vào nhau cùng tiếng khóc ngằn ngặt của đứa trẻ càng khắc họa sự nghèo khó của những phận người chênh vênh.

“Khi ấy, tôi tạo điều kiện cho họ trực tiếp gặp nạn nhân để gởi số tiền hơn 6,7 triệu đồng, trị giá của chiếc dây chuyền. Sau khi nhận số tiền đền bù, vài ngày sau, chị V. đã quyết định trao tặng lại toàn bộ khoản tiền ấy cho mẹ và vợ của bị cáo Tr. vì ám ảnh sự khốn khó của họ. Lòng nhân ái, vị tha của nạn nhân đã xoa dịu phần nào nỗi mặc cảm, đau khổ của người thân bị cáo. Điều ấy khiến tôi vô cùng cảm động…”, anh Toán tâm sự.

Khi tội ác ngày càng nhiều, thủ đoạn ngày càng man rợ thì những câu chuyện bàng bạc tình người trở thành đáng trân quý. Cũng vì vậy, luật sư Lê Hữu Phúc vẫn nhớ như in vụ án T.T.P (SN 1987, ngụ quận Thanh Khê) đổ xăng đốt chết người yêu cũ.  Cha của nạn nhân dù chưa nguôi nỗi đau mất con vẫn đối xử với P. bằng tấm lòng của một người cha. Ông không chỉ chạy đôn chạy đáo nhờ luật sư biện hộ giùm cho bị cáo mà còn hai lần lặn lội đến tòa để trình bày tấm lòng của mình với niềm hy vọng về một con đường sống cho P. “Đây là một điều hiếm hoi trong những vụ án hình sự vốn chất chứa nhiều oán hờn, thù hận. Nhờ lòng bao dung của ông, cánh cửa cuộc đời những tưởng đã khép chặt vĩnh viễn với P. nay lại một lần nữa được mở ra. Tòa phúc thẩm đã xem xét, tuyên giảm mức án tử hình xuống tù chung thân dành cho P…”, luật sư Lê Hữu Phúc xúc động.

Từng chứng kiến nhiều câu chuyện đẹp ở tòa án, nhà báo Nhâm Thân (báo Đời sống và Pháp luật) ấn tượng nhất với vụ án 4 thanh niên đánh anh P.Đ.L (SN 1984, quê Quảng Nam) tử vong chỉ vì nạn nhân ngăn cản các bị cáo hành hung người khác. Nhà báo Nhâm Thân khắc khoải: “Anh L. học rất giỏi, đoạt nhiều giải thưởng quốc gia và là một người con hiếu thảo. Bi kịch đổ ập xuống khi anh L. đang là sinh viên với những dự định còn dang dở. Bà nội của anh khi nghe tin cháu qua đời đã ốm liệt giường rồi cũng ra đi theo cháu.

Gia đình của anh L. rất giận, không gặp, không tiếp gia đình các bị cáo, không cho họ cơ hội sám hối giúp con cái. Hôm tòa xử, mẹ của anh L. ôm di ảnh con khóc nấc. Những người dự khán tham gia phiên tòa hôm ấy cứ nghĩ rằng cha mẹ của bị hại sẽ không thể tha thứ cho các bị cáo sau những mất mát quá lớn. Vậy nhưng, khi chứng kiến sự ăn năn của các bị cáo, cha mẹ của anh L. đã quyết định xin tòa giảm án cho những người đã tước đoạt sinh mạng của con mình. Nghe những lời nói chân tình trong nước mắt của họ, nhiều người đã khóc theo…”.

Đau đáu những nỗi niềm

Phía sau những con chữ khô khốc của bản án không chỉ có nước mắt của tình người mà còn có cả niềm trăn trở, tiếng thở dài đau đáu trước những phận người chênh vênh.

Luật sư Trần Cảnh An (Đoàn Luật sư Đà Nẵng), cho biết, hơn 40 năm gắn bó với nghề, ông ám ảnh nhất là một vụ án ly hôn của những ngày chập chững học nghề. “Người chồng, theo lời kể của người vợ, là một người vô cùng tàn nhẫn, thường xuyên bạo hành tinh thần, thể xác và cả tình dục. Khi không thể chịu nổi sự hành hạ của chồng, người vợ làm đơn xin ly hôn. Sau đó, người chồng tha thiết xin lỗi nên người vợ mềm lòng. Tuy nhiên, một thời gian sau, người chồng tiếp tục lặp lại hành vi tàn nhẫn với vợ. Hắn vờ làm một chén thuốc chuộc lỗi.

Cảm động trước tình cảm của chồng, người vợ run tay đón nhận và may mắn làm vỡ chén thuốc. Khi nhìn thấy thuốc sủi bọt ở nền nhà, người vợ sinh nghi và mang thuốc đi xét nghiệm. Kết quả cho thấy trong chén thuốc có độc. Bởi vì không có bằng chứng cụ thể nên người chồng không bị xử lý hình sự. Người vợ cuối cùng cũng ly hôn với người chồng này nhưng tôi vẫn không thể quên được câu chuyện đau lòng này…”, luật sư Trần Cảnh An chia sẻ.

Kiểm sát viên Nguyễn Phước Toán lại đặc biệt trăn trở với những người trẻ phạm tội nên thường dành nhiều thời gian trong phiên xử để phân tích và giúp bị cáo nhận ra lỗi lầm của mình. Trong số ấy, những trường hợp các bạn trẻ vô ý phạm tội càng khiến anh suy tư nhiều hơn, đơn cử như câu chuyện của bị cáo T.V.Q.

Bị cáo và bị hại trong vụ án, T.V.Q và N.V.L (cùng SN 1995), đều là sinh viên và là bạn thân. Trong thời gian nghỉ hè, Q. từ Bà Rịa - Vũng Tàu về Đà Nẵng thăm bạn. Một buổi chiều, L. bị đau chân nên nhờ Q. (không có giấy phép lái xe) chở giúp đi học. Bi kịch ập đến, Q. không làm chủ được tay lái, va chạm với ô-tô tải. Hậu quả, L. bị ô-tô cán qua người gây tử vong tại chỗ; Q. cũng bị cán qua phần ngực, bộ phận sinh dục, khung chậu, chân trái bị gãy 1/3 giữa xương đùi, mang thương tích với tỷ lệ 53%. Không tuân thủ quy định của pháp luật, Q. phải ra tòa và chịu trách nhiệm hình sự.

Cùng quan tâm đến những người trẻ, luật sư Đỗ Pháp lại đau đáu về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội. “Có những đứa trẻ phạm tội trong trường hợp đặc biệt là bị bạn bè rủ rê, không nhận thức được hậu quả của việc mình làm.

Nhưng cũng có những đứa trẻ ăn chơi lêu lổng rồi sa chân vào con đường phạm tội. Phía sau những đứa trẻ này đa phần là sự buông lỏng quản lý con cái của các bậc phụ huynh. Nhiều phụ huynh tất bật với công việc, nhiều cặp vợ chồng đổ vỡ hôn nhân nên không dành nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc con cái. Ngược lại, không ít phụ huynh thương yêu con quá mức thành ra nuông chiều con cũng khiến đứa trẻ dễ đi sai đường. Những vụ án này luôn là bài học đắt giá về sự giáo dục trẻ thơ đúng cách mà bất kỳ ai cũng cần suy ngẫm…”, luật sư Đỗ Pháp nói.

Trong khi đó, nhà báo Trang Trần (Báo Công an Đà Nẵng) lại nhói lòng với phận cút côi của trẻ thơ ở chốn pháp đình. “Bộ luật Tố tụng hình sự quy định những người dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được Tòa án triệu tập để xét hỏi. Vậy nhưng, nhiều đứa trẻ vẫn được người thân đưa đến tòa để được nhìn thấy cha hoặc mẹ đang phải chịu trách nhiệm hình sự. Có đứa trẻ khóc thét đòi cha, có đứa trẻ hồn nhiên chơi đùa, cũng có đứa trẻ co mình lại vì mặc cảm. Mỗi đứa trẻ là một câu chuyện nhưng câu chuyện nào cũng đong đầy nước mắt vì thiếu vắng tình thương của cha hoặc mẹ. Những phiên tòa ấy luôn để lại dư vị đắng chát trong tôi. Giá như trước khi phạm tội, những người làm cha mẹ nghĩ đến các con của mình sẽ là người gánh chịu nỗi đau, có lẽ cuộc đời sẽ bớt đi nhiều mảnh đời bất hạnh…”, nhà báo Trang Trần xúc động.

Có người ví tòa án như một sân ga tiễn đưa những chuyến tàu bởi nơi đây thường chứng kiến nhiều cuộc chia ly với đủ cung bậc nước mắt, khổ đau của khách đi tàu lẫn khách đưa tiễn. Có những cuộc đưa tiễn hẹn ngày trở về, cũng có những cuộc đưa tiễn là lần cuối gặp mặt. Mỗi hành khách có mặt nơi sân ga ấy là một câu chuyện cuộc đời khác biệt mà những người gắn bó với chốn pháp đình như là chứng nhân lặng lẽ gom nhặt về mình buồn, vui của nơi này…

NAM BÌNH

;
.
.
.
.
.