Chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân: Cần hỗ trợ và nhân rộng

.

Hiện nay, ngoài Bệnh viện (BV) Ung bướu Đà Nẵng, vấn đề chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân (BN) chưa đưa vào điều kiện bắt buộc ở các BV, trừ một số khoa bệnh đặc thù, trong khi quá trình chăm sóc (thuốc men, tinh thần, môi trường xung quanh BN…) sẽ giúp thuyên giảm bệnh rất lớn. Các bác sĩ chỉ ra rằng, đối với BN ung thư hay AIDS, được chăm sóc giảm nhẹ ngay từ khi mới phát hiện bệnh mang lại yếu tố thành công rất lớn trong công tác chữa trị.

Nâng cao chất lượng sống cho người bệnh

Hai năm gần đây, những ngày thứ bảy hoặc chủ nhật của tuần cuối tháng là những “ngày hội” của BN khoa Ung bướu, BV Đà Nẵng. Các cô, chú tay mang bình chuyền nước, có người đội cái mũ mềm dù đang ở trong nhà bởi mái tóc rụng hết sau đợt xạ trị, ngồi dưới vỗ tay, bắt nhịp theo “ca sĩ” đang hát trên sân khấu. Lên biểu diễn là bác sĩ, điều dưỡng và rất nhiều BN, có khi cả người nhà của họ. Hoạt động văn nghệ này được khoa Ung bướu và các bạn đoàn viên thanh niên BV Đà Nẵng tổ chức. Vào ngày lễ, Tết thì các bạn đến tận giường bệnh tặng quà. Trong phòng bệnh được gắn thêm loa để BN có thể nghe nhạc… Những liệu pháp tinh thần trên nhằm động viên BN cố gắng tích cực hơn trong quá trình điều trị; hay khoa đề nghị thân nhân người bệnh giúp đỡ nhau, giúp đỡ BN cùng phòng, thăm hỏi động viên nhau thường xuyên… ThS, BS Lê Quốc Tuấn, Trưởng khoa Ung bướu cho hay, những hoạt động chăm sóc giảm nhẹ cho hơn 100 BN (con số đang điều trị hiện nay) được thực hiện ngay khi BN nhập viện. Đó là việc BS, điều dưỡng, hộ lý, kỹ thuật viên tạo hình ảnh thân thiện, tác phong cởi mở trong quá trình chăm sóc BN; quản lý triệu chứng cho người bệnh qua phác đồ giúp giảm đau, giảm triệu chứng và liên quan đến các biến chứng của bệnh; thăm khám, giải thích, tư vấn kỹ cho BN cũng như người nhà.

“Với những người lớn tuổi mắc bệnh về cơ xương khớp, thì việc mỗi năm ghé khoa Đông y, BV Đà Nẵng vài lần là chuyện thường”, BS Trưởng khoa Đông y Nguyễn Hoàng Phương nói vui. Đặc điểm BN lớn tuổi thích điều trị bằng phương pháp Đông y cũng là điều kiện để khoa có thể chăm sóc BN một cách tích cực; nhất là với những người mắc bệnh dạ dày hay đi kèm bệnh về khớp, bởi thế mạnh của đông y là điều chỉnh hàn nhiệt cơ thể, cân bằng âm dương. Theo ghi nhận của khoa, người mắc bệnh lý ngày càng trẻ hóa (với những người làm công việc văn phòng hay bị tai nạn), các bệnh về thần kinh (não, liệt nửa người), bệnh ở các chi và cơ, xương, khớp. Với phương pháp điều trị không dùng thuốc (hoặc dùng thuốc hạn chế) thì những phương pháp như điện châm, điện xung, dùng đèn hồng ngoại, lazer châm/chiếu vào huyệt, nhu châm (giúp giảm đau và dùng cho bệnh hen, viêm mũi dị ứng). BN trước khi ra viện được hướng dẫn tập các bài tập dưỡng sinh… đều là cách giúp chăm sóc giảm nhẹ rất nhiều cho người bệnh mà khoa Đông y đang áp dụng.

Khá nhiều BN được chỉ định đến khoa Đông y điều trị như là một cách được chăm sóc tiến đến phục hồi các chức năng trong cơ thể. Bằng phương pháp châm cứu, hiện nay đông y có thể phục hồi về mặt thẩm mỹ cho BN sụp mi, liệt cả mặt, điều trị bí tiểu, châm cứu phục hồi cho người phải thông ống dạ dày hay người bị tai biến gây liệt nửa người…

Với người bệnh, bất kể bệnh tật nào mang phải đều cần được điều trị kịp thời và cần nghỉ ngơi để phục hồi. Chăm sóc giảm nhẹ là một yếu tố tối cần thiết đối với tất cả các bệnh, người bệnh. Riêng yếu tố tinh thần đôi khi cũng quan trọng hơn cả thuốc men. Rất nhiều căn bệnh ngoài ung thư như cao huyết áp, tim mạch, một số bệnh người già mắc phải nếu được hỗ trợ về mặt tinh thần thì người bệnh “sống chung với bệnh” một cách ổn định. Như nhiều người nói “suy nghĩ cũng có thể sinh bệnh”. Nên một môi trường sống hiền hòa, có thuốc men hỗ trợ, được người thân và những người xung quanh hiểu, tôn trọng và yêu thương, với người bệnh lúc đó bệnh tật chỉ là thứ yếu. Đà Nẵng đã có bệnh nhân nhiễm HIV 20 năm, vẫn sống và làm việc một cách bình thường, là minh chứng cho thấy nếu được chăm sóc, hỗ trợ, thì AIDS cũng là “chuyện nhỏ” để người bệnh sống chung.

Chăm sóc cho người bệnh tại nhà là một nhu cầu của BN và gia đình, nhưng trên thực tế ở Đà Nẵng vẫn chưa triển khai được, kể cả ở khoa Ung bướu BV Đà Nẵng hay khoa Đông y và một số khoa khác, vì không đủ chuyên môn, con người. Trong đó cũng phải kể đến yếu tố nhiều gia đình và người bệnh chưa chú trọng vấn đề BS gia đình, nếu có bệnh là đổ xô đến BV. Ngoài ra vấn đề dự phòng chưa được coi trọng nên nhiều bệnh phát hiện trễ, BN nhập viện khi bệnh đã diễn tiến nặng khiến các BV quá tải cả giường bệnh lẫn con người, công việc… Nên hiện nay chỉ có BN AIDS được triển khai chăm sóc tại nhà ổn định, bài bản.

Các phương pháp châm cứu giúp chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ở khoa Đông y, Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: H.N
Các phương pháp châm cứu giúp chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ở khoa Đông y, Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: H.N

Giúp  bệnh nhân AIDS vượt qua khủng hoảng

Được thành lập từ tháng 8-2011 (có quyết định năm 2013), nhóm chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại nhà trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện có 15 thành viên thực hiện việc chăm sóc, hỗ trợ toàn diện người nhiễm HIV/AIDS tại gia đình và cộng đồng. Công việc hằng ngày của nhóm là hướng dẫn, chăm sóc những người nhiễm HIV, tạo sự thân thiện, cởi mở, dần xóa bỏ sự kỳ thị và phân biệt đối xử của cộng đồng đối với người có HIV. Đồng thời cung cấp cho người thân của người nhiễm HIV những kiến thức, kỹ năng cần thiết để chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm trong suốt quá trình điều trị, tư vấn về phòng ngừa lây nhiễm HIV sang người khác. Từ năm 2015, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Đà Nẵng tiến hành hỗ trợ thẻ BHYT cũng giúp giảm một phần gánh nặng cho người bệnh.

Anh A., một cộng tác viên của nhóm cho biết anh mắc bệnh nhiều năm mới được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) suốt 12 năm qua, nên rất hiểu tâm lý những người mới mắc bệnh. Hầu như ai cũng bị suy sụp tinh thần. Từ kinh nghiệm bản thân, anh A. tiếp cận người mới mắc bệnh khi anh được phân công hỗ trợ người bệnh tại BV Da liễu Đà Nẵng. Rất nhiều người thu mình lại, không muốn tiếp xúc. Anh A. phải giới thiệu mình cũng là BN, mình được uống thuốc và được hỗ trợ như thế nào để có sức khỏe như ngày hôm nay. “Mưa dầm thấm lâu”, anh cho rằng nếu tinh thần không được giải tỏa thì có thể người ta không chết vì bệnh mà chết vì suy sụp, và khi đã vượt qua khủng hoảng ban đầu, mỗi người bệnh sẽ được các anh và BS tư vấn để giảm nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Hoạt động của nhóm đã giúp cho những người bệnh cảm thấy được an ủi, vững tin vào cuộc sống. Anh A. bảo, như việc mình nhận thuốc và đem tới nhà cho BN nằm tại nhà thôi, cũng thấy đời mình vui lại, dù rằng, các thành viên trong nhóm chỉ được nhận 350.000 đồng/người/tháng, đôi khi không đủ tiền xăng xe.

Tính đến cuối tháng 6-2017, ở Đà Nẵng có 1.170 người nhiễm HIV, trong đó có 727 người còn sống và 402 người trong số đó được điều trị bằng thuốc ARV. Thuốc đã giúp nâng cao thể trạng, kéo dài sự sống và đặc biệt là điều trị dự phòng giúp nhiều người có sức khỏe tốt, công tác chăm sóc giảm nhẹ hiện nay không còn nặng nề so với trước đây do người nhiễm giảm các bệnh nhiễm trùng cơ hội và dự phòng cho người khác. Như vậy thì mục tiêu đặt ra của Tổ chức Y tế thế giới đến năm 2030 sẽ thanh toán bệnh AIDS có thể thực hiện được trên toàn cầu (HIV là một virus mà con người có thể sống chung như các bệnh cao huyết áp, tiểu đường…).

Hỗ trợ chăm sóc tinh thần, thẩm mỹ cho bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Đà Nẵng.Ảnh: H.N
Hỗ trợ chăm sóc tinh thần, thẩm mỹ cho bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Đà Nẵng.Ảnh: H.N

Thông báo tin xấu là một nghệ thuật

Người ta cho rằng thông báo tin xấu là cả một nghệ thuật, đặc biệt là cho những người mắc trọng bệnh. Và thông báo tin xấu là một yếu tố cơ bản trong chăm sóc giảm nhẹ. Khi mà một người đau hoặc có dấu hiệu của các cơn đau, phải đến bệnh viện hoặc nhập viện kiểm tra, điều trị, thì đó hẳn là một tin không vui với nhiều người khi bị bệnh tật “hỏi thăm”. Chưa hết, nhiều người thân và BN cho biết đôi khi họ nghe những câu thông báo trước thời gian sống chết, khiến nhiều người mất phương hướng, suy sụp và chết nhanh hơn thời gian dự đoán…

Thực tế là không có quy định nào về việc thông báo tin xấu cho BN hay người thân. ThS, BS Lê Quốc Tuấn cho biết, ban đầu các BS phải đánh giá BN, xem tình huống để đoán BN sẽ chịu được “áp lực” chừng nào và cung cấp thông tin vừa đủ. Phải qua quá trình xét nghiệm, mất 7-10 ngày, lúc đó mới chẩn đoán xác định và tiên lượng bệnh. BS quyết định sẽ không giấu BN vì sợ BN mơ hồ, hoang mang. Nội dung thông báo vì thế cần rõ ràng. Và sau đó BS vừa điều trị vừa động viên, chăm sóc tinh thần cho BN. “Đa số BN có trạng thái trầm cảm, chúng tôi phải làm sao cho họ có động cơ, mục tiêu vì phương pháp điều trị đang ngày càng tốt hơn, phương tiện, thuốc men cũng ngày một tốt hơn”, BS Tuấn cho biết.

Chị Huỳnh Thị Hồng Ngọc, nhân viên giám sát, tư vấn, thuộc Phòng Tư vấn xét nghiệm tình nguyện HIV, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, sau khi trả kết quả xét nghiệm là tiến hành tư vấn, hỗ trợ tinh thần cho người bệnh. Trước đây việc xét nghiệm kéo dài đến 7 ngày, nhiều người bỏ không nhận kết quả. Từ năm 2015, kết quả xét nghiệm rút ngắn chỉ còn 1 giờ giúp nhân viên tư vấn đưa ra các kế hoạch để người bệnh giảm nguy cơ lây bệnh cho người thân, gia đình và cộng đồng. Kết quả xét nghiệm cho người nào sẽ trả cho người đó, khuyến khích/thương lượng với BN việc tiết lộ thông tin và chuyển tiếp thông tin cho bạn tình hoặc bạn chích chung (với người dùng ma túy). Và sau đó là một quá trình giúp BN giải tỏa tâm lý. Tư vấn uống thuốc đầy đủ ngay sau khi có kết quả xét nghiệm và các chế độ bảo trợ xã hội khác như BHYT, chuyển tuyến khi điều trị bệnh…

Theo ThS Nguyễn Thị Quảng Trị, Hội trưởng Hội Điều dưỡng TP. Đà Nẵng, về việc triển khai Quyết định 3483/QĐ-BYT ngày 15-9-2006 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn chăm sóc giảm nhẹ đối với người bệnh ung thư và AIDS”. Trong năm 2016, Đà Nẵng triển khai những công tác sau: cử 5 bác sĩ tham gia tập huấn chăm sóc giảm nhẹ tại TP. Hồ Chí Minh. Theo Đề án Bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh, sắp tới sẽ mở lớp tập huấn chăm sóc giảm nhẹ cho 50 bác sĩ và 50 điều dưỡng tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.

Trong năm 2017, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng sẽ mở lớp chăm sóc giảm nhẹ cho đối tượng là bác sĩ và điều dưỡng. Hằng năm, Sở Y tế tổ chức 2 lớp tập huấn chăm sóc giảm nhẹ cho bác sĩ, điều dưỡng công tác tại Bệnh viện Ung bướu và khoa Ung bướu, khoa Nội các bệnh viện Trung tâm Y tế quận/huyện kinh phí của Dự án phòng chống ung thư thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia y tế - dân số.

Hiện nay, Đà Nẵng chưa triển khai công tác chăm sóc giảm nhẹ tại tuyến quận/huyện và phần lớn bệnh nhân có chỉ định chăm sóc giảm nhẹ tập trung điều trị tại Bệnh viện Ung bướu.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.