.

Đưa pháp luật tới gần dân

.

Những phiên tòa lưu động tổ chức ở các địa phương thời gian qua được các thẩm phán đánh giá là kênh tuyên truyền pháp luật hiệu quả, tạo niềm tin trong nhân dân về an ninh trật tự, góp phần xây dựng chương trình “Thành phố 4 an” mà Đà Nẵng đang hướng đến. Các phiên tòa vừa thể hiện tính công khai trong quá trình xét xử cũng như mang tính hiệu quả trong giáo dục, tuyên truyền pháp luật, răn đe đối với những tội danh có thể xảy ra nhiều.

Một phiên tòa lưu động do TAND quận Sơn Trà tổ chức. (Ảnh TAND quận Sơn Trà cung cấp)
Một phiên tòa lưu động do TAND quận Sơn Trà tổ chức. (Ảnh TAND quận Sơn Trà cung cấp)

Những vụ án về mua bán, sử dụng, tàng trữ trái phép chất ma túy; những vụ án được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, người thực hiện manh động, cấu kết, cố ý gây thương tích; hay những vụ lừa đảo, trộm cắp mang tính chuyên nghiệp… đang có xu hướng được đẩy mạnh xét xử lưu động. Bởi tính cần thiết công khai trong xét xử và tính răn đe của pháp luật lên những ai có ý định hay hành vi phạm tội.

Ông Phùng Anh Dũng, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) quận Sơn Trà cho rằng, khi xét xử công khai, có nhiều người chứng kiến thì chắc chắn hiệu quả sẽ tốt hơn là xét xử ở tòa. Ví dụ như các vụ lừa đảo mua bán chung cư sẽ được tổ chức phiên tòa ngay tại các khu chung cư để người dân hiểu vấn đề mua bán chung cư trái phép sẽ nhận mức án như thế nào. Hay tội mua bán chất ma túy cũng sẽ nhận hình phạt tương ứng, vì hầu hết những vụ án khi đưa ra xét xử công khai đều không áp dụng hình phạt dưới khung.

TAND quận Sơn Trà đưa 20 vụ án ra xét xử lưu động trong năm 2016, 6 tháng đầu năm 2017 xét xử 18 vụ. Độ tuổi của các bị cáo ở vào khoảng 20-30, và khoảng 50% vụ án có liên quan đến ma túy. Trong gần 15 năm làm việc của mình, ông Dũng cho rằng, tính hiệu quả rõ nhất của các phiên tòa lưu động là khi tòa xử nghiêm thì tình hình tội phạm sẽ giảm xuống. Như các vụ án hình sự tính đến thời điểm hiện nay giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng quan điểm đó, ông Trần Quốc Cường, Phó Chánh án TAND quận Thanh Khê cho biết chính quyền địa phương dù có vất vả hơn khi cùng tổ chức những phiên tòa lưu động, nhưng bù lại, việc tuyên truyền pháp luật này giúp hoạt động tư pháp được gần dân hơn, để người dân hiểu rõ hơn tính răn đe của luật pháp đối với những tội danh xảy ra nhiều trong xã hội; tiến hành ở những nơi bị cáo thực hiện hành vi phạm tội.

Qua những vụ xét xử lưu động như thế này, tạo điều kiện thuận lợi để những người tham dự phiên tòa cũng như nhân dân tiếp cận với pháp luật, nâng cao trình độ nhận thức về pháp luật, tạo niềm tin của người dân vào đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trang bị cho người dân những kiến thức pháp luật cần thiết để tự bản thân họ tránh xa những hành vi vi phạm và giáo dục con em mình phải tuân theo pháp luật.

Ngoài người dân, các phiên tòa này còn triệu tập bắt buộc những đối tượng có tiền án, tiền sự, những người đã ra tù, những người buộc áp dụng biện pháp cai nghiện hoặc giáo dục tại địa phương, người có nhân thân xấu… tham dự phiên tòa nhằm cảnh tỉnh, cảnh báo cho họ.

Tính đến ngày 7-8-2017, TAND quận Thanh Khê đưa ra xét xử 28 vụ án lưu động/156 vụ án hình sự. Tính đến 30-9, sẽ có khoảng 35 vụ án được đưa ra xét xử công khai ở các khu dân cư, trụ sở UBND phường trên địa bàn.

Ông Trần Quốc Cường cho rằng, mỗi phiên tòa lưu động được tổ chức thành công cần công tác phối hợp chặt chẽ giữa tòa án và công an quận/huyện, các tổ dân phố, Mặt trận, các đoàn thể trong vận động bà con đến dự phiên tòa.

Vào những ngày tòa tổ chức xét xử (thường vào ngày cuối tuần), trung bình mỗi phiên tòa có hàng trăm lượt người theo dõi, tham dự. Chính quyền các địa phương cũng tạo điều kiện phát thanh trực tiếp để người dân sống xung quanh có thể vừa làm việc tại nhà, vừa theo dõi phiên tòa. “Ngoài tuyên truyền đến người dân về chấp hành pháp luật, những phiên tòa lưu động đã góp phần tuyên truyền hiệu quả chương trình “Thành phố 4 an” mà Đà Nẵng đang tích cực thực hiện”, ông Cường nhấn mạnh.

Theo các thẩm phán, việc chọn vụ án để tổ chức phiên tòa lưu động và rút kinh nghiệm cũng được chú trọng, căn cứ vào đặc điểm tình hình tội phạm ở địa phương để chọn những vụ án phù hợp. Đối với những người thực thi công lý, ngoài việc tuyên truyền pháp luật đến với người dân, thì việc tranh tụng tại phiên tòa phải luôn được thực hiện nghiêm túc, đúng các quy định của pháp luật, phải căn cứ vào chứng cứ tại phiên tòa và hồ sơ vụ án để đưa ra bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, nhận được sự đồng tình của dư luận.  

Thẩm phán Đoàn Văn Mạnh, Chánh văn phòng TAND thành phố Đà Nẵng cho biết, những phiên tòa lưu động, ngoài chức năng tuyên truyền pháp luật còn phòng chống, răn đe tội phạm; tập trung vào những vụ án nổi cộm, điển hình, công khai, chủ yếu trong lĩnh vực hình sự.

Với 160 vụ án được đem ra xét xử (37 vụ xét xử cấp thành phố, 123 vụ xét xử cấp quận, huyện) với 166 bị cáo trong năm 2016; 6 tháng đầu năm 2017 có 84 vụ án (102 bị cáo) đem ra xét xử lưu động, công khai ở các địa phương, thì cũng có hàng nghìn người dân được tiếp cận với bản án, mức án. Qua mỗi vụ án thì các luật, quy định dưới luật được tuyên truyền rộng rãi đến người dân, giúp họ hiểu đúng luật và sống trên tinh thần thượng tôn pháp luật, đó là điều mà một xã hội văn minh hướng đến.

HIỀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.