Khi bệnh viện là nhà

.

Không ít người thỉnh thoảng đến “tạm trú” ở bệnh viện đôi ba tuần, có khi cả tháng trời. Cuộc đời gắn với máy móc, thuốc men các loại, họ chỉ còn biết “vịn” vào tấm lòng của thầy thuốc và sự thương yêu của người thân để có thể nhẹ nâng bước chân về phía trước.

Bà Huỳnh Thị Sừng (giữa) trong vòng tay chăm sóc của con dâu và kỹ thuật viên Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L
Bà Huỳnh Thị Sừng (giữa) trong vòng tay chăm sóc của con dâu và kỹ thuật viên Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng. Ảnh: V.T.L

Cặp đôi... không hoàn hảo

Rẽ trái từ phía nam cầu Vĩnh Điện, đi khoảng 1km theo đường bê-tông dọc theo bờ sông, ông Phạm Tuấn, trưởng thôn Tân Mỹ, xã Điện Minh, thị xã Điện Bàn, ra hiệu cho chúng tôi tạt vào một ngôi nhà nhỏ bên đường. Trong nhà, một cô gái đang lặt rau, thấy có khách, lật đật ôm rổ chạy vào phía sau. Trên chiếc giường nhỏ nơi góc nhà, một thanh niên đang ngồi cởi trần trước chiếc quạt điện quay vùn vụt, ngước nhìn chúng tôi bằng đôi mắt u buồn. Nhìn dáng người khẳng khiu, cánh tay sần sùi nổi những cục u, nước da ngả màu đen sạm của cậu, tôi đoán đây là nhân vật mình đang đi tìm: Lê Vĩnh Hoàng.

Một người đàn bà ra chào, giới thiệu tên Tuyết, Trịnh Thị Tuyết, mẹ của Hoàng. Khi con trai mặc xong áo ra ngồi bên, chị vừa sửa lại cổ áo, vừa nói như nói với chính mình: Bị bệnh này cơ địa nóng lắm, trời có mát cũng phải quạt cả ngày.

Cô gái lặt rau là em của Hoàng. “Rứt ruột sinh ra, rứa mà hai anh em đều bị câm điếc bẩm sinh - chị Tuyết buồn bã nói - cả hai bên nội ngoại không ai bị rứa hết, mấy anh em bên chồng tui ai cũng nói ào ào. Có người bảo, hay là do chồng tui đi bộ đội sang Campuchia gần 4 năm “dính” hóa chất chi đó nên chừ vừa bị nặng tai vừa để di chứng cho con?”.

Chồng chị, anh Lê Vĩnh Lợi (tên thường gọi là Một), xuất ngũ, về làm phụ hồ. 9 năm trước, khi Hoàng vừa tròn tuổi 18, anh mang con trai theo làm nghề, có khi lên tới mấy huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang của tỉnh Quảng Nam. Hoàng mấy lần cảm thấy buồn nôn, đau đầu, xỉu lên xỉu xuống, cứ nghĩ là do làm mệt quá mà ra vậy.

Được 3 năm, đến năm 2011, thấy con bị nặng quá, chị đưa con lên khám ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam (tiền thân là Trung tâm Y tế huyện Điện Bàn) nay thuộc phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn. Bác sĩ siêu âm hỏi con chị làm nghề chi. Chị cứ tình thiệt trả lời. Bác sĩ không tin, hỏi lần nữa thì chị cũng vẫn trả lời y vậy. Cuối cùng, bác sĩ nói như gắt: Con chị không có thận, hai trái thận teo riết ri thì răng mà làm phụ hồ được?!

Lần đầu tiên trong đời chị nghe nói “không có thận”, chẳng biết thế nào, đưa con ra Bệnh viện Đà Nẵng theo giấy chuyển viện. Tại Khoa Thận nhân tạo, BS Võ Quang Vinh khám một lát, nói với chị: Con chị bị suy thận giai đoạn cuối rồi. Nghe “giai đoạn cuối”, chị tưởng chừng như đất trời đang nghiêng ngả quanh mình, ngã khuỵu. Khi chị tỉnh, BS Vinh dặn dò: Hoàng bị teo hết 2 quả thận, chị cố gắng đưa cháu ra đây chạy thận cả đời.

Từ đó, 3 ngày mỗi tuần, không bỏ sót ngày nào, mẹ con chị đón xe buýt ra Đà Nẵng. Mấy lần Hoàng đang ngồi thì máu miệng máu mũi ra ào ào, kêu xe cấp cứu đưa đi. Hàng xóm ai cũng nói vậy là “đi luôn” rồi. Nhưng rồi trời đất thương tình, mấy lần đều quay về nhà được. Mỗi lần như thế, chị phải ở lại trên khu nhà nghỉ của bệnh viện để nuôi con cả tháng trời.

Hoàng đưa cánh tay mặt ra hiệu cho Trưởng thôn Phạm Tuấn xem những khối u, dấu vết tích tụ của gần một nghìn lần chạy thận trong 6 năm qua. Ông Tuấn giọng buồn buồn, gia đình chị Tuyết thuộc diện hộ nghèo, mỗi tháng 2 con khuyết tật được nhận bảo trợ xã hội trên 1 triệu đồng, chị nuôi người khuyết tật được nhận 270.000 đồng. Anh Lợi đi phụ hồ thời tiết mùa này thất thường nên làm bữa đực bữa cái, thu nhập bấp bênh. Bà con trong thôn tuy không khấm khá gì nhưng vẫn chia ngọt sẻ bùi với gia đình bất hạnh này những 6 năm qua, hai mẹ con như hình với bóng, mẹ làm “phiên dịch” cho con. Đó là một cặp đôi tuy không hoàn hảo về thể chất nhưng là một hình tượng rất cao đẹp về tình mẫu tử thiêng liêng.

Vơi nhẹ nỗi đau, đầy thêm hạnh phúc

Tóc bạc phơ, ánh mắt trông vẫn tinh anh, nhưng bà Huỳnh Thị Sừng, 75 tuổi, lừng khừng trả lời “tui không có con gái” khi nghe tôi hỏi “người này là con gái hay con dâu bác”. Người con dâu tên là Nguyễn Thị Mỹ, tỏ ý buồn buồn: Răng mẹ nói rứa, mẹ có 4 con gái mà. Không biết trong thâm tâm bà có nhận ra mình lẩn thẩn không, chỉ thấy bà ứa nước mắt.

Hôm bà phát bệnh, chị Mỹ bán lê-ghim ngoài chợ, nghe tin, bỏ cả đống hàng tất tả chạy đưa mẹ chồng từ thôn Bồ Bản 2 (xã Hòa Phong) đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Vang rồi chuyển Bệnh viện Đà Nẵng. Con cháu đứng ngoài rấm rứt khóc. BS chẩn đoán vỡ mạch máu não, hôn mê, liệt nửa người bên phải. Chuyển sang Khoa Nội tim mạch, bà 10 ngày liền nằm một chỗ, không nói được. Theo BS Trưởng khoa Huỳnh Đình Lai, đột quỵ do bệnh tim mạch (tai biến mạch máu não) là tình trạng não bị tổn thương khi mất đột ngột lưu lượng máu tới não do tắc mạch (nhồi máu não) hoặc vỡ mạch (xuất huyết não), dẫn tới giảm, mất chức năng hoặc chết các tế bào não, gây liệt, rối loạn ngôn ngữ, hôn mê, rối loạn trí nhớ… nguy hiểm nhất là có thể tử vong.

Khi đã tương đối ổn định, bà được chuyển về Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng để tiếp tục điều trị phục hồi di chứng tai biến mạch máu não. Tại đây, hiện có khoảng 80 bệnh nhân ở Khoa Cấp cứu – Dưỡng sinh – Phục hồi chức năng, đa số được chuyển từ Khoa Nội tim mạch – Bệnh viện Đà Nẵng về.
Lúc mới về đây, bà rất khó khăn trong vận động, không ai đỡ bà dậy nổi. Thêm nữa, bà còn mắc chứng rối loạn trí nhớ. Hồi mới vô, kỹ thuật viên Thu Vi hỏi: Con dâu đâu, ghế đâu; bà đưa hai ngón tay ra, vừa chỉ từng ngón vừa bập bẹ trả lời: Con dâu đây, ghế đây. Giờ thì bà đã nói rõ ràng, có thể đi một mình lên cầu thang, nhưng trí nhớ vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Chị Mỹ, theo hướng dẫn của kỹ thuật viên, dìu bà từng bước như tập trẻ con đi những bước chập chững đầu tiên trong đời. Gần 2 tháng lấy bệnh viện làm nhà, Bệnh viện Đà Nẵng 13 ngày, Bệnh viện Y học cổ truyền 41 ngày, chị bấm đốt tay, nói cứ nghĩ bà suốt đời nằm một chỗ, giờ đi đứng được, như phép lạ, không biết lấy chi đền ơn các y, bác sĩ ở đây.

BS.TS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng cho biết, ngoài chế độ dinh dưỡng, sự chăm sóc của người nhà, các bệnh nhân ở đây được chữa bệnh theo đông y - tây y kết hợp, vừa phục hồi chức năng theo sự hướng dẫn của bà Virginia Lockett, Giám đốc Tổ chức Steady Footsteps (Mỹ), một chuyên gia về vật lý trị liệu làm việc tại đây đã 7 năm nay.

Tình thương làm vơi nhẹ nỗi đau và đầy thêm hạnh phúc, đó là một “liệu pháp” giúp người bệnh mau lành bệnh hoặc yên lòng chữa trị đối với những căn bệnh phải “sống chung” với nó đến cuối đời. Cùng bệnh với bà Sừng có bà Phạm Thị Hồng, 69 tuổi, người Điện Hồng, được con trai làm công nhân ở Đà Nẵng chăm sóc. Chị Hà Thị Hồng Hạnh, 48 tuổi, trú phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, được người mẹ 75 tuổi từ thị trấn Vĩnh Điện bỏ ruộng đồng ra chăm con... Bà Hồng đã chập chững đi lại, chị Hồng thì có thể tự cột được tóc.

Chị Phan Thị Thanh Vân, điều dưỡng Khoa Thận nhân tạo – Bệnh viện Đà Nẵng, kể tôi nghe về bệnh nhân chạy thận Lê Tiến người Điện Bàn. Vợ ông ra nuôi chồng, không biết tìm việc chi để kiếm tiền trang trải, hôm đó ngồi ăn trong căng tin của bệnh viện, thấy thiếu người phục vụ, bà rụt rè hỏi xin một chân chạy bàn. Nghe bà kể hoàn cảnh, người phụ trách căng-tin nhận vào làm ngay. Thế là bệnh viện trở thành nhà của vợ chồng ông, tình yêu của vợ đã giúp ông “sống chung” với bệnh được gần 8 năm nay.

Trong chạy thận nhân tạo, nếu trung bình lọc máu định kỳ sẽ sống được từ 5 đến 10 năm, nhưng cũng có khá nhiều bệnh nhân kéo dài cuộc sống trên 10 năm, thậm chí đến 18 năm, như anh Lê Thanh Khiêm, nhà ở đường Trường Chinh, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ. Theo BS Vinh, có lẽ do người bệnh được phát hiện bệnh sớm, được chạy thận nhân tạo có chất lượng (máy móc hiện đại, nhân viên y tế lành nghề, chuyên môn vững…) và được người thân yêu thương hết mực...

BS Võ Quang Vinh, Phó khoa phụ trách Khoa Thận nhân tạo – Bệnh viện Đà Nẵng:

Khoa hiện tiếp nhận điều trị chạy thận nhân tạo chu kỳ cho gần 350 bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối, trong đó có 20 bệnh nhân phải thường xuyên nhập viện vì các biến chứng như: suy tim, tràn dịch màng phổi hoặc bụng, viêm phổi, cao huyết áp... Khoa hiện có gần 50 máy thận nhân tạo và 5 máy lọc thận thế hệ mới HDF-Online (ảnh) – thiết bị cao cấp nhất trong các dòng máy chạy thận nhân tạo hiện nay. Trong thời gian đến, BV cũng sẽ tiếp tục trang bị thêm máy thận mới hiện đại nhằm nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân ngày càng đông.

BS Huỳnh Đình Lai, Trưởng khoa Nội tim mạch – Bệnh viện Đà Nẵng:

Bệnh nhân bị suy tim điều trị ở khoa trung bình 150 người, cao điểm có lúc lên đến 200 người; 60% là người Đà Nẵng, số còn lại đến từ Quảng Nam, Quảng Ngãi. Khi ổn định, bệnh nhân sẽ được chuyển đến BV Điều dưỡng và Phục hồi chức năng thành phố Đà Nẵng (Tổ 26, đường Trường Sa, quận Ngũ Hành Sơn) hoặc Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng (số 9 Trần Thủ Độ, quận Cẩm Lệ), nếu nhẹ hơn sẽ cho về nhà điều trị suy tim duy trì bằng cách uống thuốc theo đơn. Trường hợp tái phát sẽ vô lại, nhiều bệnh nhân một năm vô viện 5-7 lần, coi BV như nhà của mình.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.