.

Lão ngư kể chuyện

.

Nghề biển hôm nay so với mươi năm về trước đã khác xa nhiều. Những lão ngư một thời vẫy vùng sóng nước nay lên bờ ngơi nghỉ, kinh nghiệm đi biển truyền lại cho các con. Những tập quán sinh hoạt, sản xuất bao đời của cha ông tuy mai một nhưng vẫn còn lắng trong tính cách, thói quen của người vùng biển…

Nghỉ nghề biển từ năm 2008, ông Ngô Văn Đưa vẫn thường ra biển chạm tay vào mạn thuyền, nhớ biển. Ảnh: Q.T
Nghỉ nghề biển từ năm 2008, ông Ngô Văn Đưa vẫn thường ra biển chạm tay vào mạn thuyền, nhớ biển. Ảnh: Q.T

Nhớ mùa cá tôm dồi dào

Ở tuổi 73, lão ngư Nguyễn Văn Nhứt (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) vẫn còn khỏe mạnh. Ông đã nghỉ nghề ngót 10 năm. Hồi đó, chỉ với một chiếc ghe nhỏ là hai vợ chồng, hoặc hai cha con ngồi chèo đi làm ăn. Ngư cụ thô sơ, thuyền chài nhỏ gọn nhưng lần nào ông cũng tìm được ổ cá thu, ổ mực… đem về. Mỗi mùa mành (mùa cá nục), đi một đêm ông kiếm về cả tấn cá. Có khi gặp được luồng cá lớn, thuyền nhỏ chở không hết, ông về gọi người trong làng ra đánh.

Theo ông Nhứt, hồi ấy mỗi thanh niên làng biển lớn lên chỉ tầm 16, 17 tuổi là đều “lận lưng” nhiều kinh nghiệm đi biển. Đó là cách nhìn theo con nước, luồng cá, sao trời, coi moống (cầu vồng-PV). “Khi ra biển ngư dân lấy điểm cao nhất của ngọn đồi hoặc núi nào đó ở đất liền làm “điểm chuẩn”.

Ra càng xa, điểm chuẩn ấy càng mờ nên chỉ nhìn được chóp núi. Canh một đường thẳng với điểm cao nhất, ngư dân sẽ biết cách chèo đến nơi mình cần đến. Không phải tất cả ngư dân đều dễ dàng canh điểm chuẩn và nhìn được luồng cá.

Thông thường, sẽ có một người đóng vai trò là người “coi biển”. Người này có khả năng nhìn thấy luồng cá và hô to để thuyền đến. Dù không phải lao động vất vả nhưng người này lại có công lớn nhất, cho nên được trả một công rưỡi, hơn bạn thuyền khác nửa công.

Còn nếu ra xa nữa, không còn nhìn thấy đất liền thì dựa vào vị trí các chòm sao, con nước để tìm nơi mình cần đến”, ông Nhứt nhớ lại. Hiện tại, ngư dân được Nhà nước hỗ trợ sắm thuyền to máy lớn, ra khơi tận ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, vịnh Bắc Bộ với những máy móc liên lạc, định vị, dò tìm… hiện đại. Vai trò người “coi biển” vì thế cũng không còn.

Theo một số lão ngư thì trên đất Đà Nẵng, vùng biển giàu có nhất, ngư dân đông đúc, say nghề nhất là làng biển Thọ Quang (quận Sơn Trà). Làng biển này, ngư dân làm đến 7, 8 nghề: lưới rùng, lưới đen, nghề mành, cắm rớ, câu mực, bủa lộng (gần bờ), bủa khơi (xa bờ)...  

Ông Nguyễn Dinh (67 tuổi, làng Nam Thọ, phường Thọ Quang) kể: Ngày xưa, chúng tôi dựa vào con nước, thức ăn của loài hải sản để biết nên bủa lộng hay bủa khơi. Mùa cá hố, cá khoai (tầm tháng 10-11 âm lịch) nếu xuất hiện nhiều ruốc thì bủa lộng, còn con nước chảy êm thì bủa khơi. Những tháng cuối của mùa đông là mùa te ruốc (giã ruốc).

Từ tháng Giêng đến tháng 6 là mùa cá nổi (các loại cá nục, ve, cơm…). Vui nhất là những đêm sáng trăng, những nhà làm rùng sẽ bủa lưới rùng. Đến khi kéo lưới là phụ nữ, thanh niên của làng ra phụ giúp. Mỗi bên lưới từ 10 đến 20 người. Cả làng cùng hò lôi đầy khí thế. Được mẻ cá đầy là hò reo mừng rỡ. Thật nhớ sao cái thời tôm cá dồi dào…

Đong đầy tình nghĩa xóm làng

Qua những làng chài khác nhau, gặp những lão ngư khác nhau và đọng lại trong những câu chuyện về làng biển là tình đoàn kết, bao bọc của những người cùng làm nghề. Già nửa đời người gắn bó với biển, ông Dinh bảo rằng, những lần ông gặp tai nạn trên biển nhiều vô kể nhưng may là có sự giúp đỡ của thuyền bạn nên đều tai qua nạn khỏi.

Ông còn nhớ như in lần đi biển năm 1982, thuyền ra được 1 hải lý, đang hăng say vì gặp luồng cá nục thì banh máy. Ông bơi thúng 500 mét đến một thuyền lạ nhờ giúp đỡ. Thuyền bạn đã giúp kéo thuyền ông vào bờ mà không lấy tiền công. Rồi có thời gian ông theo nghề mành, đi đêm dùng ánh sáng đèn để đánh cá. Nhưng đêm hôm đó, vừa chong đèn một lúc thì dây cua-roa đứt.

Ông một mình bơi ghe đến một thuyền gần đó. Họ vui vẻ cho mượn dây, mượn đèn. Đêm đó ông trúng đậm hơn 1 tấn cá cơm. Và còn vô số lần gặp gió bão giữa biển được thuyền bạn tiếp tế dầu, muối, gạo. Rồi chuyện ông gặp cá Ông cứu giúp ngư dân. Một đôi lần, thuyền ông cùng hàng chục ngư thuyền bị lật, khi thuyền sắp chìm, thì cá Ông xuất hiện, vẫy đuôi chỉ hướng, nâng đỡ cho bà con vào bờ. Dẫu trải qua dâu bể thời gian, nhiều kinh nghiệm, lề thói mai một thì sự giúp đỡ và niềm tin của người đi biển vào cá Ông là bất diệt.

Ông Ngô Văn Đưa (74 tuổi, lão ngư làng Nam Thọ) nhớ nhất đến kỷ niệm của nghề lưới đen. Ngày xưa, trong một làng biển thường có khoảng 3-5 nhà làm nghề lưới đen. Nghề này giờ rất dễ, chỉ cần mua thuốc nhuộm về nhuộm lưới là xong.

Thời đó, để có tấm lưới đen nhiêu khê lắm, cần sự giúp sức của rất nhiều người. Ông Đưa kể, người thì lên núi hái vỏ cây dẻ, về tới nơi phải có người đập vỏ, giã cho mịn, người gánh nước để ngâm vỏ. Sau khi nước ngả qua màu đen thì nhúng lưới vào ngâm. Những người già trong làng sẽ dùng chỉ từ vỏ cây đay để may lưới. Hơn chục người xúm lại, rộn ràng, í ới cả ngày mới được tấm lưới. Nhân lực một nhà làm không xuể. Thường nhà nào hôm nào làm lưới là nhà kế bên qua phụ giúp, tình nghĩa xóm làng đầy gắn bó.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.