Nghĩ

Học hành và thành đạt

Từ khi nhận thông báo con trai đậu đại học với số điểm rất cao, chị vui lắm. Buổi chiều, như lệ thường, mấy người hàng phố lại túm tụm dưới gốc cây bàng trò chuyện. Chị không giấu niềm vui, khoe luôn thành tích nóng hổi của con. Tưởng mọi người sẽ xuýt xoa chia xẻ, nào ngờ… Úi giời, học giỏi sau này cũng chả nên cơm cháo gì đâu. Đấy cứ xem mấy đứa con nhà đầu phố kia kìa, đứa nào cũng đúp lên đúp xuống, thế mà bây giờ cũng đàng hoàng giám đốc, trưởng phó phòng ban. Mà xem cái thằng cu nhà chị ý, mắt lồi ra, lơ ngơ, sau này khó mà thành đạt…

Bị giội gáo nước lạnh, chị ỉu xìu, đành mấy câu gượng gạo rồi về. Vào nhà, chị than thở với chồng. Anh cười - kệ người ta, xã hội ý mà, mấy bà đấy cũng chỉ là nói dựa theo miệng thiên hạ thôi. Lần sau các bà ấy có nói, em nói lại thế này, sao các chị không cho con nghỉ học từ lớp 9, đi làm cho sớm thành đạt, còn trầy trật ôn luyện, thi vào THPT, đại học làm gì. Chị lại vui, ngẫm thấy chồng nói có lý.

Quả thực là không ít người thành đạt có điểm xuất phát thấp, họ phải vào đời sớm, nhưng đấy là do hoàn cảnh, “sự cố” cực chẳng đã. Và chính cuộc sống tự lập, bươn chải, nhiều va vấp ấy đã cho họ ý chí, kỹ năng sống để vươn lên. Ngược lại, cũng không ít những người học hành giỏi giang, bằng cấp cao nhưng ra đời không mấy thành công.

Giữa học vấn và thực tế phải chăng không chung một con đường? Xin thưa không hẳn thế, học luôn luôn là gốc của thành đạt. Dễ dàng nhận thấy, những người thành đạt không phải tự nhiên mà thành “ông nọ bà kia”; sau khi đứt gánh học hành, qua thời gian bươn chải, họ phải tự quyết tâm trở lại trường lớp. Ngược lại, nhiều học sinh sinh viên, ngoài học các môn thuộc chuyên ngành đào tạo cũng phải tự trau dồi vốn sống, tìm đến học các lớp kỹ năng “mềm” để tránh bỡ ngỡ sau này.  

Học phải đi đôi với hành, hành là cái đích của học, có vẻ ai cũng hiểu điều đó, nhưng thực hiện nó thì đa số chỉ chú trọng một vế học. Từ nhỏ con cái đã được quan tâm đầu tư học hành đến nơi đến chốn. Học ở trường, học thêm, nghỉ hè cũng vẫn học… tất cả là vì tương lai của cả gia đình. Nhìn những đứa trẻ ngày học mấy ca, đôi mắt mỏi mệt sau cặp kính cận nghĩ mà thương. Vì mục tiêu của bố mẹ, chúng đã bị sống “dị thường”. Hệ quả, lâu ngày không được vui chơi, nô đùa, vận động, nhiều em sống khép mình, sợ giao tiếp, thiếu hẳn sự năng động khi vào đời.

Học vấn, bằng cấp là quan trọng, cần thiết để có gốc rễ bền vững. Nhưng song song cùng nó phải có kiến thức, kỹ năng thực tế, may ra mới trọn vẹn: học hành thành đạt…

DU AN

;
.
.
.
.
.