.

Nỗi đau vô tận

.

Họ là nạn nhân, bị hại trong các vụ án. Bản án khép lại, các bị cáo đã nhận mức hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội của mình. Thế nhưng, cuộc đời của nạn nhân, bị hại cùng gia đình trong các vụ án đã không còn trọn vẹn.

Theo luật sư Lê Thị Hồng Thanh, bị hại trong các vụ án ấu dâm sẽ bị ám ảnh suốt cuộc đời.  Ảnh: Thanh Tân
Theo luật sư Lê Thị Hồng Thanh, bị hại trong các vụ án ấu dâm sẽ bị ám ảnh suốt cuộc đời. Ảnh: Thanh Tân

1. Chúng tôi không biết số phận cậu bé Lê Tấn Đ. (13 tuổi, trú tổ 22C, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) - người vừa bị thương nặng sau vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng cách đây mấy tháng rồi sẽ ra sao. Song, có một điều chắc chắn, việc phải cắt bỏ đôi chân khỏe mạnh, bình thường để thế vào một đôi chân giả, cuộc đời em kể từ giây phút đó đã bước sang một ranh giới khác. Có thể em sẽ bằng nghị lực để vượt lên mọi đau đớn, mặc cảm, sẽ sống tốt, nhưng cũng chỉ là một cuộc đời tốt nhất, đối với một người khuyết tật. Em hoàn toàn có thể làm nhiều hơn thế! Chưa kể, cha mẹ em, từ ngày em bị nạn liền rơi vào cảnh nợ nần khốn quẫn vì cảnh nghèo lại phải lo tiền chạy chữa dài ngày cho con. Và dù có gạt nỗi lo vật chất sang một bên, nỗi đau của người cha, người mẹ khi thấy đứa con mình giành tất cả yêu thương, trong phút chốc bị tước đi cuộc sống bình thường sẽ ám ảnh họ suốt cuộc đời còn lại, không gì có thể bù đắp, thay thế.

Tương tự, cuộc đời bình thường của cô bé K. H. (trú phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) cũng bị đánh cắp sau một vụ tai nạn giao thông hồi cuối năm ngoái. Trải qua đợt điều trị dài ngày, cô bé vẫn trong tình trạng hôn mê. Cậu bé Đ., cô bé H. chỉ là một trong rất nhiều trường hợp bị thương tật vĩnh viễn sau những vụ án tai nạn giao thông nhức nhối. Song, có lẽ, với những gia đình có thân nhân bị nạn trong những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, được sống như Đ. (dù không trọn vẹn) đã là điều may mắn. Những ngày này, dư luận Đà Nẵng không khỏi xót xa khi chàng tân sinh viên Đại học Bách khoa Đà Nẵng Mai Quốc Đ. (18 tuổi, trú đường Phạm Như Xương, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) cùng mẹ đã bị tước đi mạng sống chỉ vài giờ trước khi cậu kịp làm thủ tục nhập học. Cuộc đời, ước mơ chàng trai trẻ đành dang dở. Nỗi đau người ở lại không biết bao giờ mới nguôi.

2. Ai đã từng sinh ra những đứa con, chăm bẵm hình hài từ ngày thơ bé cho đến khi trưởng thành, mới thấu hiểu hết nỗi đau khôn tả của “người tóc bạc, tiễn kẻ đầu xanh”. Tại một phiên tòa xử lưu động tại huyện Hòa Vang cách đây chưa lâu, hình ảnh người mẹ mất con trong một vụ án giết người khiến chúng tôi không khỏi ám ảnh. K.N (17 tuổi, trú xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) - con gái người mẹ đáng thương ấy đã bị một kẻ “cuồng yêu” giết hại. Kẻ thủ ác dù sau đó đã bị lãnh mức án cao nhất là tử hình, song, suốt từ khi bắt đầu cho đến khi phiên tòa kết thúc, người phụ nữ mất con dường như không nghe, không thấy bất kỳ điều gì, bởi toàn tâm trí chị đã bị hình ảnh cô con gái đáng yêu choáng ngợp, miệng chị chỉ lẩm bẩm một câu không đầu không cuối: “Trả lại con cho mẹ! Trả lại con cho mẹ!...”.

Chuyện đã xảy ra gần 5 năm, song, ánh mắt của vợ chồng ông Trần Tâm (sinh năm 1965, trú thôn Cẩm Toại Trung, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) vẫn trĩu nặng nỗi buồn khi nhắc tới đứa con trai duy nhất Trần Văn T. xấu số. 5 năm trước, T. bị Ngô Truy L. (thôn Bầu Cầu, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) giết hại vì T. trót làm đám hỏi với người yêu cũ của L. L. sau đó cũng bị xử tử vì pháp luật không thể cho kẻ tước đi thứ quý giá nhất trong cuộc đời này là mạng sống của con người, dù có nhân danh tình yêu hay gì đi nữa. Nhìn khuôn mặt trẻ trung, tươi sáng của T. trên di ảnh khiến người đối diện không khỏi xót xa. “Dù là con một, song T. rất ngoan, hiền, hiếu thảo. Nó ra đi quá sớm, quá oan uổng, khi chưa biết hạnh phúc thực sự của lứa đôi là gì. Mất con, cuộc sống của vợ chồng tôi dường như vô nghĩa”, bà Nguyễn Thị Luận - mẹ của T. tức tưởi nói như chuyện vừa xảy ra hôm qua.

Những câu chuyện chúng tôi vừa kể chỉ là một trong rất nhiều vụ án giết người đau lòng. Lấy đi mạng sống của những đứa con ngoan, cướp đi người chồng, người cha, người mẹ, nguồn sống của nhiều gia đình, chính là tội ác của rất nhiều kẻ thủ ác điên cuồng hiện nay. Những cái chết oan uổng, những nỗi đau cứ nối dài dường như vô tận cho người ở lại...

3. Bàn về nỗi đau, những mất mát đối với bị hại và gia đình sau các vụ án, sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến nạn nhân của những vụ ấu dâm. Theo luật sư Lê Thị Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Hồng Thanh (82 Huy Cận), đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng, đó là “nỗi ám ảnh suốt cuộc đời”. Những vết trầy xước trên cơ thể, áo quần rách có thể lành lại, song, tâm hồn của những đứa trẻ không may là nạn nhân của những vụ ấu dâm sẽ bị thương tật vĩnh viễn. Theo luật sư Thanh, nạn nhân của những vụ ấu dâm lứa tuổi nào cũng có, nhưng thời gian gần đây, phổ biến ở độ tuổi từ 10 - 13, và bị hại không dưới 10 lần. Với chế độ dinh dưỡng hiện tại, những đứa trẻ chưa kịp trưởng thành về nhận thức, không kịp trang bị kỹ năng phòng vệ, nhưng lại sở hữu thân hình phổng phao, rất dễ trở thành “con mồi” trong mắt những kẻ dâm tặc, bệnh hoạn. Cũng theo luật sư Thanh, điều đáng nói, một số trường hợp thực tế hiện nay, nạn nhân chưa thực sự ý thức những tổn thương bản thân phải chịu, những hệ quả về sức khỏe, sinh sản trong tương lai, dễ dàng để kẻ ác dâm lợi dụng. Khi đó, nỗi đau lớn nhất thuộc về những bậc làm cha làm mẹ, khi biết cuộc đời con đã không còn trọn vẹn, khi chưa kịp bắt đầu.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.