.

Trở lại chuyện trưng bày tranh giả

.

Hơn một năm trước, ngày 19-7-2016, Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã gửi lời xin lỗi đến công chúng vì đã chấp thuận để triển lãm “Những bức tranh từ châu Âu trở về” diễn ra tại bảo tàng khi các thông tin chưa đủ tính xác thực. 15 bức tranh thuộc bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung không phải là bản vẽ do tác giả đứng tên thực hiện, 2  bức tranh mạo danh chữ ký tác giả. Bảo tàng tạm giữ tất cả 17 bức tranh này để phục vụ công tác điều tra. Sau một năm, ngày 11-8 vừa qua, tờ New York Times trở lại vấn đề này trên bảng tin chính qua bài viết khá chi tiết về “Tranh giả tràn ngập ở thị trường mỹ thuật Việt Nam” của phóng viên Richard C. Paddock. Bài viết thông tin chính xác kỹ lưỡng và cẩn trọng từ nhiều nguồn về thực trạng thị trường tranh giả Việt Nam.

Vợ chồng họa sĩ Thành Chương (phải) cùng nhà báo Mỹ của tờ The New York Times, Richard C.Paddock. Ảnh: ĐẠI VIỆT
Vợ chồng họa sĩ Thành Chương (phải) cùng nhà báo Mỹ của tờ The New York Times, Richard C.Paddock. Ảnh: ĐẠI VIỆT

Richard C. Paddock nhắc lại sự bức xúc của họa sĩ Thành Chương khi phát hiện bức tranh “vốn là của mình” lại ký tên của họa sĩ Tạ Tỵ (1921-2004) ở phòng triển lãm nói trên. Phát hiện của họa sĩ Thành Chương đã đặt ra một vụ bê bối làm rung chuyển thế giới nghệ thuật Việt Nam và làm nổi bật một sự thật đáng xấu hổ.

Bức “Người ăn xin trẻ tuổi” của Bartolomé Murillo, vẽ năm 1650 (trái) và bức “Giấc mơ ngày sắp đến” ký tên Tô Ngọc Vân vẽ khoảng năm 1940 đã bị chuyên gia mỹ thuật Việt Nam phát hiện chép và giả mạo chữ ký.
Bức “Người ăn xin trẻ tuổi” của Bartolomé Murillo, vẽ năm 1650 (trái) và bức “Giấc mơ ngày sắp đến” ký tên Tô Ngọc Vân vẽ khoảng năm 1940 đã bị chuyên gia mỹ thuật Việt Nam phát hiện chép và giả mạo chữ ký.

Trước đó, ông Jean-François Hubert (người được cho là cựu chuyên gia cao cấp về nghệ thuật Việt Nam và châu Á của hãng đấu giá Christie’s Hong Kong và cũng là người bán bộ sưu tập cho ông Vũ Xuân Chung) gửi cho một tờ báo Việt Nam tấm ảnh chụp họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân đứng trước bức tranh Trừu tượng có chữ ký của Tạ Tỵ với chú thích: “Tấm ảnh được chụp ở Hà Nội năm 1972”. Tấm ảnh này sau đó được xác định là “giả mạo”.

Để đối phó với sự chỉ trích và dư luận qua bức tranh “giả tên” Tạ Tỵ trong triển lãm tác phẩm “Những bức tranh từ châu Âu trở về”, ông Hubert “trình làng” một bức ảnh mà ông nói đã được trao cho ông vào năm 1972. Trong ảnh, hình bức tranh này treo trong một căn phòng bên cạnh có mặt những nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam. Ông nói bức tranh này được người con trai trong nhóm đó trao lại. Nhưng đến khi “bức ảnh gốc” xuất hiện mới hay rằng bức ảnh mà ông Hubert đưa ra đã ghép nối “bức tranh ký tên Tạ Tỵ” một cách vụng về.

Ảnh trên: Jean-François Hubert, chuyên gia nghệ thuật của Christie’s, trình bày bức ảnh có bức tranh “Ký tên Tạ Tỵ” bên trên những nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam. Ảnh dưới: Bức ảnh gốc: không có bức tranh ở trên
Ảnh trên: Jean-François Hubert, chuyên gia nghệ thuật của Christie’s, trình bày bức ảnh có bức tranh “Ký tên Tạ Tỵ” bên trên những nghệ sĩ nổi tiếng Việt Nam. Ảnh dưới: Bức ảnh gốc: không có bức tranh ở trên

Hãng Christie và ông Hubert gần đây đã bị ràng buộc với một sự kiện khác. Trong cuốn sách bán đấu giá của ông Hubert, Christie cho hay bức tranh “Giấc mơ ngày sắp đến” là một tác phẩm “gây cảm tình và xúc động”, tác giả là một trong những họa sĩ danh giá nhất nhì của đất nước, ông Tô Ngọc Vân, người được đánh giá là một trong những họa sĩ vĩ đại nhất của Việt Nam. Christie đã bán bức tranh này cho một người mua không nêu danh tính với giá khoảng 45.000 USD. Nhưng các chuyên gia nghệ thuật Việt Nam cho biết bức tranh này thực sự là một bản sao của “The Young Beggar” (Người ăn xin trẻ tuổi) của nghệ sĩ Tây Ban Nha Bartolomé Esteban Murillo được vẽ vào năm 1650, hiện nó đang treo ở Bảo tàng Louvre, Paris. Con trai của ông Vân, ông Tô Ngọc Thành, một họa sĩ thành danh, đã cho rằng bức tranh này là giả mạo tên cha mình. Ông nói: “Tôi có thể nói với bạn 100% đó không phải là bức tranh của cha tôi”.

Nghệ thuật Việt Nam đang đặc biệt được chú ý ở các cuộc đấu giá quốc tế. Vào tháng 4, bức họa sơn dầu vào cuối những năm 1930 của họa sĩ Lê Phổ đã bán được gần 1,2 triệu USD tại cuộc đấu giá của Sotheby ở Hồng Kông, phá vỡ kỷ lục 844.000 USD của một bức tranh khác trong năm 2014. Tuy nhiên, “việc giả mạo tranh vẫn là một trong những thách thức lớn nhất đối với thị trường nghệ thuật Việt Nam”, như Suzanne Lecht, một người Mỹ, chủ nhân phòng tranh Art Vietnam Gallery tại Hà Nội cho biết.

HOÀNG ĐẶNG (theo New York Times)

;
.
.
.
.
.