.

Bám sát quy hoạch, tuyên truyền đúng định hướng về phát triển đô thị

.

Cũng như các đô thị lớn ở nước ta nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng, để phát triển bền vững, công tác quy hoạch, phát triển đô thị luôn là vấn đề được thành phố đặc biệt quan tâm. Trong những năm qua, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Báo Hải Phòng đóng góp vai trò quan trọng trong tuyên truyền về công tác quy hoạch, phát triển đô thị, đó cũng là những vấn đề mà hội thảo hôm nay đề cập tới.

Đô thị Hải Phòng có lịch sử phát triển hơn 120 năm. Ngay từ thời kỳ thuộc Pháp, Hải Phòng đã là một thành phố được quy hoạch, xây dựng với quy mô đô thị lớn. Thành phố có hệ thống đường đô thị, trong đó, được lắp đặt hệ thống cấp nước, thoát nước, điện chiếu sáng. Đô thị Hải Phòng phân chia thành các khu chức năng riêng biệt bao gồm: các khu ở tập trung, khu vực sản xuất tập trung với các nhà máy, xưởng sản xuất lớn, khu hành chính của chính quyền và có các công trình công cộng như : Nhà hát thành phố và quảng trường, bệnh viện, trường học, rạp chiếu bóng... Cảng giao thương với quốc tế được xây dựng hoàn thiện bao gồm hệ thống cầu cảng, hệ thống kho tàng và hệ thống đèn dẫn đường cho tàu thuyền trên biển và sông…

Trong những năm gần đây, tốc độ phát triển đô thị của Hải Phòng khá nhanh, chỉ tính từ năm 2002 đến nay, quy mô và không gian đô thị của thành phố không ngừng được mở rộng, diện tích tăng 4,7 lần (từ 7.359ha lên 34.289ha); dân số đô thị tăng 1,5 lần (từ 590.200 người lên 926.000 người); phát triển thêm 3 quận mới là Hải An, Dương Kinh và Đồ Sơn, với 21 phường; tỷ lệ đô thị hóa gấp 1,4 lần trung bình toàn quốc (trung bình toàn quốc 33,4%).

Có thể nói, phát triển đô thị Hải Phòng đang rất “nóng”, với mặt tích cực là thành phố nhanh chóng “mọc” lên nhiều công trình mới, quy mô lớn, hiện đại. Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác, quá trình đô thị hóa nhanh, thành phố đang phải đối mặt với các vấn đề quá tải về hạ tầng kỹ thuật, ô nhiễm môi trường, giao thông tắc nghẽn, điều kiện sống và sức khỏe cộng đồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội. Đáng chú ý, công tác tổ chức triển khai và quản lý phát triển đô thị chưa thực sự hiệu quả, dẫn đến tình trạng quy hoạch theo kiểu “xôi đỗ”, có hiện tượng dự án “nắn” quy hoạch, phá vỡ quy hoạch tại các “lõi” đô thị như khu vực 3 quận cũ (Hồng Bàng, Lê Chân và Ngô Quyền)…, điều này cho thấy có vấn đề quy hoạch chưa tiến kịp yêu cầu đô thị hóa.

Xác định những vấn đề đặt ra của quá trình đô thị hóa, đặc biệt là công tác quy hoạch với phát triển đô thị, để tuyên truyền hiệu quả cao các vấn đề trên, trong những năm qua, Báo Hải Phòng bám sát các chủ trương, chính sách về quy hoạch phát triển đô thị. Trong đó, bám sát chỉ đạo của Nghị quyết 32 và Kết luận 72 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; cùng các chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố. Cụ thể,  Báo Hải Phòng xây dựng đề cương tuyên truyền trên các ấn phẩm: báo ngày, báo tuần và báo điện tử. Đề cương được xây dựng từ phòng, Ban Biên tập góp ý thống nhất để phóng viên và các phòng thực hiện. Cụ thể: đưa tin thời sự bám sát sự kiện công bố quy hoạch, triển khai quy hoạch, giải phóng mặt bằng các dự án (triển khai theo quy hoạch), xử lý các vi phạm quy hoạch…

Xây dựng và triển khai các trang chuyên đề về quy hoạch - xây dựng. Các trang chuyên đề định kỳ 1 số/tuần; cùng với đó là các loạt bài. Theo đó, tổ chức đội ngũ phóng viên, có phóng viên chuyên trách và nhóm phóng viên.

Thiết bị phục vụ tuyên truyền: đa phương tiện (máy tính, máy ảnh, ca-mê-ra…)

Công tác tuyên truyền được được cụ thể hóa, chẳng hạn đối với những quy hoạch lớn, Báo Hải Phòng tập trung thực hiện ngay từ khâu lập báo cáo quy hoạch, lấy ý kiến vào đồ án quy hoạch, giới thiệu quy hoạch (khi đã được phê duyệt) góp phần tạo ra dư luận, hướng dẫn dư luận để thực hiện đạt hiệu quả cao. Quy hoạch được phê duyệt nhận được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Phần lớn các quy hoạch đã chú trọng sự phù hợp giữa quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch xây dựng với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy sự phát triển của thành phố và khu vực, góp phần nâng cao chất lượng quy hoạch.

Một trong những quy hoạch được đánh giá cao thời gian gần đây đó là Quy hoạch Vùng duyên hải Bắc Bộ do Viện Quy hoạch Hải Phòng được chọn là đơn vị nghiên cứu, lập quy hoạch và đã được phê duyệt, công bố.

Quy hoạch này gồm 5 tỉnh, thành phố gồm : Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Hải Phòng. Quy hoạch trên được đánh giá cao, bởi đây là các địa phương liên quan đến chiến lược biển Việt Nam ở phía Bắc, đặc biệt là chiến lược 2 hành lang, một vành đai kinh tế với nước bạn Trung Quốc. Quan trọng hơn, đây là vùng có ý nghĩa phát triển kinh tế biển rất lớn, có quan hệ mật thiết với quy hoạch vùng kinh tế Bắc Bộ cũng như Vùng Thủ đô Hà Nội, đồng thời có địa thế, vị trí địa lý, phát triển kinh tế xã hội có quan hệ tới toàn bộ phía Bắc.

Đặc biệt là Quyết định số 1448/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành về điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Việc điều chỉnh này hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của thành phố, bởi thời gian Hải Phòng xuất hiện nhiều yếu tố mới, trong đó có nhiều động lực mới phát triển thành phố như: xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; đường cao tốc ven biển; Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải… thực hiện Quyết định này, hàng loạt các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị, quy hoạch quận, huyện, đô thị vệ tinh được lập, điều chỉnh hoạch các quận, huyện được điều chỉnh đáp ứng yêu cầu của một đô thị loại 1 trung tâm cấp quốc gia.

Theo Quyết định trên, trung tâm hành chính - chính trị mới thành phố được bố trí tại Khu đô thị mới Bắc sông Cấm. Cuối tháng 8 vừa qua, các công trình hạ tầng kỹ thuật tại Khu đô thị Bắc sông Cấm đã khởi công (trước đó, vào đầu tháng 1 năm nay, cầu Hoàng Văn Thụ - một trong những công trình thuộc hạ tầng kỹ thuật của khu đô thị Bắc sông Cấm đã xây dựng và sẽ hoàn thành vào giữa năm 2018 sẽ nối liền đô thị mới với đô thị cũ). Trung tâm hành chính - chính trị mới của thành phố cũng sẽ khởi công vào giữa năm 2018.

Việc xây dựng đô thị mới Bắc sông Cấm chính là hiện thực hóa điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm phát triển mở rộng thành phố về phía Bắc. Nhiều khu đô thị mới đang hình thành tại các quận, huyện và một số khu vực dự kiến phát triển quận mới như các khu đô thị : Bến Rừng, An Dương, Our City, Vinhomes Imperia, PG An Đồng. Hàng loạt hạ tầng khung kỹ thuật chiến lược của thành phố được đầu tư. Cụ thể, đường bộ, có nhiều công trình đã và đang triển khai như: đường ô-tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, cầu Tân Vũ-Lạch Huyện, cầu Bạch Đằng, đường quốc lộ ven biển, nâng cấp quốc lộ 10, quốc lộ 37 (nối Thái Bình-Hải Phòng-Hải Dương). Đáng chú ý, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi hoàn thành đưa vào sử dụng gồm: nhà ga, sân đỗ, đường lăn, đường cất hạ cánh. Về đường biển, hệ thống cảng ven sông Cấm, Nam Triệu, Lạch Huyện... với các cảng Chùa Vẽ, Đình Vũ, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện đã và đang được nâng cấp. Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đang được lập. Giao thông đô thị được tăng cường, với dự án đường trục đô thị thực hiện bằng vốn ODA Nhật Bản; nâng cấp mở rộng đường trục Khu công nghiệp (KCN) Đình Vũ; đường phía Tây Nam KCN Đình Vũ, đường Ngô Gia Tự, đang hoàn thiện đường Tân Vũ-Lạch Huyện…

Tuy vậy, đô thị Hải Phòng mới phát triển theo chiều rộng mà chưa tập trung phát triển theo chiều sâu, thiếu đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, trong khi thành phố đang thực hiện Điều chỉnh QH chung thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1448/2009/QĐ-TTg. Bám sát chủ trương, nghị quyết của Chính phủ, đặc biệt thực hiện Nghị quyết 32/NQ-TW và Kết luận 72/KL-TW của Bộ Chính trị, Hải Phòng đang thực hiện xây dựng thành phố hướng tới mục tiêu phát triển đô thị Hải Phòng thành thành phố Cảng xanh; xây dựng đô thị thông minh… Đồng thời, việc ban hành Quy chế quản lý QH, kiến trúc đô thị chung thành phố, nhằm giải quyết những vấn đề bức thiết trong phát triển đô thị đặt ra.  Đây là những giải pháp giúp Hải Phòng phát triển bền vững, có bản sắc và thân thiện với môi trường, nâng sức cạnh tranh của thành phố lên cao.

Là báo Đảng địa phương, những năm qua, Báo Hải Phòng đã vào cuộc với các ngành, thành phố, địa phương “gỡ” các điểm nóng bằng những bài viết sát thực, rõ chủ trương, quan điểm, giúp nhân dân hiểu và ủng hộ chủ trương chung. Chẳng hạn từ thông tin “Hải Phòng dành 1.000 tỷ đồng xây dựng trung tâm hành chính - chính trị”, Báo Hải Phòng có các bài viết, trong đó lấy ý kiến của các chuyên gia, các cơ quan chuyên môn khẳng định, nguồn kinh phí gần 10.000 tỷ nói trên là xây dựng hạ tầng kỹ thuật của một khu đô thị mới, quy mô hàng nghìn ha và đã có quyết định đầu tư của Chính phủ và có lộ trình cụ thể. Thực tế điều này đã được hiện thực bằng việc triển khai các công trình hạ tầng kỹ thuật KĐT Bắc sông Cấm trong năm nay. Thông tin đầy đủ giúp cho việc triển khai dự án nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân.

 Lê Trọng Nghĩa

Tổng Biên tập Báo Hải Phòng

;
.
.
.
.
.