.

Cái thú đi câu

.

Nhiều người lý giải rằng, người trẻ đi câu để xả hết những căng thẳng mệt nhọc sau một ngày làm việc vất vả. Người già đi câu cho đầu óc thư thái, kéo dài tuổi thọ. Một khi đã đam mê, thì dù trời nắng hay mưa, cứ đúng giờ là họ xách đồ nghề ra khỏi nhà.

Bất kể trời nắng hay mưa, ven bờ sông Hàn luôn đón những cần thủ kiên nhẫn thả cần. Ảnh: Q.T
Bất kể trời nắng hay mưa, ven bờ sông Hàn luôn đón những cần thủ kiên nhẫn thả cần. Ảnh: Q.T

Già, trẻ đều mê

“Ai chưa đi câu cá thì không thể hiểu vì sao chúng tôi lại mê như vậy. Có thể ngồi hàng giờ liền “chằm hăm” nhìn cần câu. Trời nắng thì che dù, mưa thì mặc áo mưa. Đi câu cả chục năm mà hễ con cá cắn câu là run, có khi rớt luôn cần”, ông Nguyễn Linh (trú đường Yên Bái, quận Hải Châu) chia sẻ về đam mê câu cá của bản thân như vậy.

Ở Đà Nẵng, chiều lại, dọc các cây cầu là địa điểm ưa thích của những người đi câu. Như ông Linh, bao nhiêu năm nay, cứ 1 giờ chiều là ông ra góc bờ tây sông Hàn thả câu, đến nhập nhoạng tối mới về. Ông bảo, ông đến với thú chơi này rất tình cờ, sau một lần thất bại trong làm ăn. Thời điểm đó, ông nhốt mình cả ngày trong nhà, đọc báo nhiều đến nỗi “báo không kịp ra cho mình đọc”.

Một lần, dạo bước trên đường Bạch Đằng, thấy người ta ngồi thong dong thả cần, vẻ thư thái, an nhiên, ông cũng về sắm cần đi câu, với tham vọng duy nhất là “giết” bớt thời gian rảnh. Giờ thì ông ghiền nó không dứt ra được. “Chiều nào tôi cũng ra bờ cầu này ngồi tĩnh tại. Nhờ đi câu mà đầu óc tôi được giải phóng. Ngồi trên bờ, xung quanh mênh mông, chờ đợi cá đớp mồi thấy lòng mình thanh thản. Mỗi buổi đi câu đều mang lại cho tôi cảm xúc riêng, sướng nhất là lúc cá cắn câu. Mà dễ chi được, một tháng “hung” lắm được 2-3 ngày câu được cá, nhưng dù ra về tay không thì tôi vẫn thấy vui”, ông nói.

Trước đây, khi nhắc đến câu cá người ta thường liên tưởng ngay đến thú vui tao nhã của những người trung niên hoặc bậc cao tuổi có nhiều thời gian rảnh rỗi... Ngày nay, đi câu cá đang trở thành thú vui, giải trí của nhiều người, không kể tuổi tác hay nghề nghiệp. Anh Trần Tùng (sinh năm 1989, trú đường Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu) bộc bạch, anh lớn lên ở khu vực Phước Mỹ, quận Sơn Trà-nơi trước đây có nhiều ao, ruộng. Từ nhỏ, mỗi mùa mưa là anh cùng tụi trẻ con trong xóm đi tát đìa, tát ao rộn ràng như đi đánh trận; rồi cả đi câu cá rô phi, cá lóc đồng. Sau này giải tỏa, đất ruộng mất đi, ao hồ cũng không còn nên thú vui ngày xưa tạm gác lại. Mới đây, qua mạng xã hội, anh tham gia vào các hội/nhóm câu cá Đà Nẵng và thú vui ngày xưa bùng phát trở lại. Anh nhận thấy, độ tuổi chơi “món” này ngày càng trẻ hóa.

“Theo mình, người câu phải thật sự yêu thích câu cá, không ngại vật dụng cồng kềnh, không sợ bẩn và đặc biệt là kiên trì chờ đợi, không quản đội nắng, dầm mưa, lê la suốt cả ngày với chiếc cần bên hồ câu. Kết quả có khi… bằng không, song không ai nản, sáng không câu được thì chiều hay ngày mai lại vác cần đi tiếp. Sản phẩm đem về có khi chỉ là bữa canh chua cá cho vợ, vợ khen cá tươi ngon là vui cả ngày”. Ông Mười (khu vực Nam Thọ, phường Thọ Quang) cho biết, những năm gần đây, chiếc ghe 30 CV của ông ngoài nhiệm vụ đánh bắt còn kiêm chở những nhóm bạn có nhu cầu ra gành Hào, mũi Nghê câu cá. Mỗi tháng, trung bình ông đi hơn chục chuyến. Một số bạn biển của ông bây giờ nhận thấy nhu cầu đến với thú chơi này ngày càng cao nên cũng “lục đục” cải hoán tàu bè, nhận chở khách đi câu.

Câu cá là cả nghệ thuật

Theo một số cần thủ lão luyện, hiện nay có 2 dạng câu, đó là câu truyền thống (hay còn gọi là câu ngâm, câu đáy) và câu cá thể thao. Câu truyền thống là hình thức dùng mồi thật để câu (thường ở ao, hồ, sông, suối), cần thủ thả cần xuống độ sâu 20 mét hoặc hơn để câu. Sản phẩm của hình thức này thường có trọng lượng nhỏ. Câu cá thể thao mới xuất hiện trong vài năm trở lại đây, là hình thức dùng mồi giả để “săn” cá. Mồi cũng có 2 loại. Một là mồi chạy nổi trên mặt nước và gây tiếng động, nhằm kích động cá ở tầng nước nổi. Hai là loại mồi được cần thủ thả âm dưới mặt nước và điều khiển giống như một loài cá bị thương đang trốn chạy, nhằm thu hút sự chú ý của các loài cá khác. Sản phẩm của hình thức câu cá thể thao thường là cá lớn, từ 2kg trở lên.

“Đi câu cần phải có nghề” là câu cửa miệng của dân câu. Theo các dân câu chuyên nghiệp ngày nay, muốn câu được cá, người đi câu cần hội đủ 3 yếu tố: kinh nghiệm, kỹ thuật và thiết bị. Dân câu chuyên nghiệp đều nằm lòng kinh nghiệm “chim chết vì ná, cá chết vì nước”, tức là dựa vào con nước để “săn” cá.

Theo anh Đinh Công Tuấn (sinh năm 1978, trú đường Yên Khê, quận Thanh Khê), một dân câu có tiếng ở Đà Nẵng thì không phải đi câu giờ nào cũng được cá. Cá chỉ đi ăn lúc con nước đổi dòng, thường vào ban đêm. Cá cũng có nhịp độ sinh học, giờ ăn tương tự con người, chưa đến giờ ăn, dù đồ ăn có ngon, hấp dẫn đến mấy cũng không dụ được cá. Những tay câu nghiệp dư không nắm được quy luật con nước, đi “khơi khơi” thì chỉ bắt được vài con cá khờ an ủi mà thôi.

Lúc mới bắt đầu đến với bộ môn câu cá, người ta thường tìm đến sông, hồ, ao-nơi có các loài cá lóc, trắm, rô phi sinh sống… Những loài cá này hiền hòa, tập tính ăn đơn điệu, dễ bị “bắt bài”. Chơi một thời gian, càng đam mê, chuyên nghiệp hơn, dân câu chuyển ra biển lớn. Cá biển là cá tự nhiên, tập tính hoang dã, hung dữ, kích thích sự chinh phục thiên nhiên của con người.

“Trong các dòng cá câu, cá bè quỵt là một trong những loài cá gây nhiều cảm xúc cho dân câu. Đây là dòng cá khỏe, có cấu tạo khung xương lớn, tập tính săn mồi bầy đàn, tấn công có tổ chức, di cư theo dòng hải lưu từ đại dương về. Đà Nẵng rất tự hào khi có dòng cá này (nhiều nhất là ở Cù lao Chàm, đảo Ngọc và quanh vịnh Đà Nẵng), phía Bắc hoàn toàn không có, phía Nam hiếm lắm mới gặp (chủ yếu ở biển Quy Nhơn).

Trọng lượng tối đa của loài cá này lên đến 40kg. Sau cá bè quỵt là cá hanh. Ngược lại với cá bè quỵt hung bạo, cá hanh là loài cá rất tinh ranh, sống ở vùng nước lợ, nấp trong các ghềnh đá. Để câu được loài cá này, đòi hỏi cần thủ phải có kỹ thuật cực tốt, sử dụng thiết bị cần cực nhẹ (thường là cần rút, đọt khoảng 1 ly) để tăng độ nhạy. Mỗi khi “dụ” được cá, cần thủ phải rê cần trên mặt nước, cá hanh nhảy theo, hình ảnh này được giới đi câu gọi hoa mỹ là “vũ điệu của cá” mà, chỉ những dân câu chuyên nghiệp mới biểu diễn được”, anh Tuấn chia sẻ.

Sau kinh nghiệm, kỹ thuật thì thiết bị (cần câu, máy…) đóng vai trò rất quan trọng trong sự thành bại của cần thủ. Theo tiết lộ của một cần thủ chuyên nghiệp, một bộ đồ nghề câu cá thể thao có giá đến vài chục triệu đồng. Anh này nói, cá biển thường là cá lớn, đòi hỏi thiết bị phải “nặng đô” mới giữ được cá, nếu không, khi cá đớp mồi, giật cần lên sẽ làm đứt dây, gãy cần. Hầu như những dân câu chuyên nghiệp đều sắm cho mình không chỉ một mà một vài bộ cần như vậy.

Theo chia sẻ của các cần thủ, câu cá là bộ môn giải trí lành mạnh, giúp rèn luyện sức khỏe. Khi đi câu, đòi hỏi cần thủ phải hoạt động liên tục trong phạm vi rộng mới săn được cá. Hơn nữa, càng đi câu, người ta càng yêu biển, càng có ý thức bảo vệ nguồn lợi tự nhiên. Anh Công Tuấn bộc bạch, trong những chuyến đi câu cùng bạn bè, nhóm anh đều kết hợp với việc thu dọn rác ven biển, dưới biển; nói không với việc mang bao ni-lông, chai nhựa lên ghe, tàu. Các anh cùng tìm hiểu và chia sẻ nhiều kinh nghiệm về bảo vệ giống cá tại địa phương (mùa nào thì nên câu loại cá nào), tránh khai thác kiểu tận diệt. Những anh em có cùng đam mê câu cá thể thao đều mong muốn bộ môn này được công nhận là một môn thể thao chính thống bởi những lợi ích mà nó mang lại.

Câu cá thể thao là bộ môn đã được các nước láng giềng Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Thái Lan… chơi từ rất lâu. Họ thành lập các hiệp hội về câu cá biển ngoài mục đích giao lưu, giải trí còn bảo vệ môi trường biển. Ở Đà Nẵng, câu cá thể thao phát triển muộn hơn,  nhưng đã có một số câu lạc bộ thành lập, ước tính số hội viên lên đến hàng ngàn người, tiêu biểu là CLB câu cá Đà Nẵng-Hội An, CLB câu cá Hải Vân, CLB Iso Đà Nẵng…

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.