.

Cây nêu, biểu tượng văn hóa của người Cơtu

.

Trong đời sống hằng ngày của người Cơ tu, cây nêu và bàn lễ luôn chiếm vị trí quan trọng, không chỉ thể hiện sự sinh sôi nẩy nở, là vật thiêng liêng kết nối với thần linh, ông bà, và chuyển tải khát vọng vươn tới cuộc sống ấm no, an lành, hạnh phúc mà còn là một sản phẩm mỹ thuật thể hiện tài nghệ trang trí, điêu khắc của nghệ nhân dân gian Cơ tu.

Cây nêu bà con Cơ tu thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang tại “Ngày hội trình diễn cây nêu và giao lưu văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam” tổ chức từ 11 đến 13-6-2017 tại huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: V.T.L
Cây nêu bà con Cơ tu thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang tại “Ngày hội trình diễn cây nêu và giao lưu văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam” tổ chức từ 11 đến 13-6-2017 tại huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: V.T.L

Ông Đinh Văn Nhom, trưởng thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng), cho biết: Cây nêu (x’nur) người Cơ tu hai xã Hòa Phú và Hòa Bắc, huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng) thường gọi là cột buộc trâu hiến tế mỗi khi làng tổ chức lễ hội, là vật thiêng liêng không thể thiếu trong đời sống hằng ngày, gắn liền với hoạt động nghi lễ trong các lễ hội truyền thống như: mừng lúa mới, cầu mưa, lập làng, đâm trâu hiến tế mừng đám cưới...

Theo mô tả của ông Nhom, cây nêu được trang trí thành 3 phần: đế, thân và ngọn. Phần đế và thân thường là một khúc gỗ to dài khoảng 4-5m. Phần ngọn là một ống lồ ô to để nối phần thân và ngọn, thường không trang trí họa tiết. Thông thường, cây nêu luôn được người Cơ tu trang trí với họa tiết, hoa văn, màu sắc gần gũi thiên nhiên và con người, bao giờ cũng được dựng vào buổi sáng sớm. Một cột x’nur dùng để cột con trâu được những người Cơ tu lớn tuổi, am hiểu phong tục-tập quán, có kinh nghiệm, thể hiện một cách tỉ mỉ và công phu. Cột x’nur được trang trí hoa văn với 4 màu chủ đạo là đen, trắng, đỏ, vàng, thể hiện tính thẩm mỹ và nghệ thuật điêu khắc truyền thống nguồn gốc dân tộc, cầu mong cho buôn làng Cơ tu luôn trường tồn...

Cách lễ hội khoảng một tháng, những thanh niên Cơ tu khỏe mạnh, khéo léo trong làng được hội đồng già làng tuyển chọn vào rừng đi tìm cây và lồ ô để làm cây nêu. Cây nêu cũng có thể từ cây chò mọc thẳng, không bị dây bò quấn hoặc bị kiến đục lỗ trên thân. Cây nêu, bàn lễ và cột buộc trâu của người Cơ tu là những cây tre và cây thân gỗ được những nghệ nhân dân gian Cơ tu trang trí, đặt tại nơi hành lễ, trước sân nhà làng. Ngoài ý nghĩa về mặt tâm linh, bàn lễ và cột buộc trâu còn có tác dụng như một điểm đánh dấu vị trí trọng tâm cho những người tham gia lễ hội.

Theo quan niệm của người Cơ tu, trong ý tưởng tạo hình, cột lễ là cách tái hiện dáng hình của Thần lúa (Yang Haro) hay hình ảnh của người phụ nữ Cơ tu trong điệu múa dá dá, họ đưa đôi tay lên trời là tỏ lòng cầu xin hạt lúa của thần linh. Cũng ngay giữa thân cột, người Cơ tu thường khắc chạm hình cái cối nằm đối xứng trên dưới. Đây là hình ảnh vừa mang biểu tượng của no ấm vừa mang ý nghĩa phồn thực. Trên đỉnh cột lễ là một đoạn tre được chẻ nhỏ tạo thành cái phễu ngửa lên trời, nơi chứa cái đuôi trâu hay con gà sống mà già làng ném lên trên sau khi kết thúc nghi thức hiến sinh (đâm trâu). Người Cơ tu xem đây như là một cái bàn thờ, nơi đón nhận sinh khí của đất trời, nơi thần linh tụ về hưởng thụ lễ vật và chứng giám các nghi lễ hiến sinh. Ngoài ra còn nhiều thứ dùng để trang trí phụ họa cho cột x’nur là 2 cây lồ ô cao vút, còn ngọn và lá ở 2 phía đối xứng, võng cong xuống gần chiếc phễu. Cùng với đó là các chùm tua rua như hoa và bông lúa, biểu trưng cho sự sinh sôi và phát triển.

Cây nêu, bàn lễ là một biểu tượng trung tâm của các hoạt động văn hóa cộng đồng của người Cơ tu. Xét về phương diện tinh thần, đây là chiếc cầu nối giữa thế giới con người và thế giới thần linh thông qua các nghi lễ cầu cúng - hiến tế. Còn về phương diện nghệ thuật, đây là một sản phẩm điêu khắc dân gian đã đạt đến đỉnh cao cả về nội dung cũng như hình thức.

Trải qua bao thế hệ, cây nêu đã in sâu vào trong tiềm thức người Cơ tu xưa Quảng. Hình tượng cây nêu không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, cầu mong các thành viên trong gia đình bình an, khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, có tác dụng như một trung tâm cho những người tham gia lễ hội mà còn thể hiện bàn tay khéo léo, óc sáng tạo của những nghệ nhân dân gian Cơ tu làm nên những bức tranh nghệ thuật sinh động, miêu tả cuộc sống hằng ngày của bà con người dân tộc thiểu số này.

Nguyễn Văn Sơn
 

;
.
.
.
.
.