.

Cho đi là còn mãi

.

Dù khá bận rộn với công việc giảng dạy ở nhiều trung tâm khác nhau, lớp học miễn phí dành cho học sinh THPT của cô giáo Trần Thị Thùy Linh vẫn đều đặn diễn ra mỗi tuần hai buổi trong khuôn viên chùa An Sơn (quận Cẩm Lệ). Cô Linh bảo rằng, sống ở đời, cho đi là còn mãi, đặc biệt sự sẻ chia kiến thức cho thế hệ trẻ. Lớp học miễn phí ấy của cô vẫn luôn rộng mở để đón những học sinh (HS) khó khăn, ham học hỏi.

Cô giáo Linh (trái) với lớp học miễn phí trong sân chùa An Sơn. Ảnh: T..L
Cô giáo Linh (trái) với lớp học miễn phí trong sân chùa An Sơn. Ảnh: T..L

Sân chùa An Sơn (ở đường Nhơn Hòa 7, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) do  Hòa thượng Thích Bửu Thiện trụ trì tầm xế chiều thật yên tĩnh. Dưới tán đa già tỏa bóng mát rượi, cô Linh cùng các học trò miệt mài giải những đề bài tập môn Hóa. Ranh giới giữa cô trò được kéo gần lại như chị em cùng chia sẻ kiến thức cho nhau. Lớp học không cố định, tùy vào thời tiết để cô trò cùng di chuyển, khi thì dưới tán gốc đa, khi khác lại dưới gốc cây nhãn. Tấm bảng ở lớp cũng thật đặc biệt với vài tấm ván nhỏ ghép lại để ghi những công thức hóa học hay minh họa một dạng bài tập nào đó... Chỉ nhiệt huyết của cô giáo và khát vọng chinh phục tri thức của học trò thì vẫn luôn cháy bỏng.

Em Đoàn Sông Hạ, HS lớp 12, Trường THPT Thái Phiên (quận Thanh Khê) vui vẻ cho biết: “Em theo lớp học của cô Linh đến nay đã 3 tháng rồi. Ở lớp học em thấy rất thoải mái vì em vừa được học và luyện những dạng bài tập đã được cô cập nhật thường xuyên theo cấu trúc đề của Bộ GD&ĐT, cô giảng bài cũng rất dễ hiểu. Với lại cô khi nào cũng ân cần và thoải mái nên em không bị áp lực, việc học vì thế đạt hiệu quả hơn”. Em Thân Thị Diệu Quỳnh cũng đến từ Trường THPT Thái Phiên chia sẻ: “Thông qua bạn Hạ, em cũng vừa mới biết đến lớp học miễn phí này. Hôm nay là buổi đầu tiên em xin cô Linh vào lớp. Em hy vọng lớp được duy trì lâu dài để em có điều kiện ôn tập, bổ sung kiến thức để thi đại học”.

Lớp học miễn phí của cô Linh được mở từ tháng 7 đến nay. Mỗi tuần, tùy theo thời gian linh hoạt, trong hè được tổ chức 3 buổi mỗi tuần, vào năm học mới được rút lại 2 buổi. Một cô và 5 trò tùy nghi di tản trong sân chùa để trao đổi kiến thức cho nhau. Vào giờ giải lao, các trò lại nghe cô giáo chia sẻ về kinh nghiệm cuộc sống, trao đổi với nhau về ứng xử thường nhật với mọi người xung quanh, hiếu thảo với cha mẹ, chân thành với bạn bè, giúp đỡ những người khó khăn hơn mình.

Cô giáo Linh sinh ra trong gia đình có ba và nhiều người thân theo nghề giáo. Tốt nghiệp lớp 12, cô quyết định thi vào ngành sư phạm Hóa, Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng để theo đuổi đam mê nghề và cũng để đi tiếp chặng đường mà ba cô vốn trước đây từng là một nhà giáo vì sức khỏe đã phải bỏ dở dang. Ra trường, cô lại tiếp tục học thạc sĩ ngành Hóa hữu cơ với mong muốn tích lũy thêm nhiều kiến thức để truyền đạt cho các thế hệ học trò của mình.

Cô giáo Linh bộc bạch: “Dù cuộc sống bây giờ đã phát triển nhiều hơn trước, đời sống khá giả hơn nhưng đâu đó vẫn còn nhiều bạn học sinh nghèo không có điều kiện đi học thêm. Tâm nguyện của mình là muốn góp chút công sức và kiến thức mình đã tích lũy được giúp các bạn học sinh khó khăn có cơ hội được tiếp cận nhiều hơn với tri thức, làm bước đệm trước những kỳ thi quyết định cho tương lai của mình”. Cô Linh bảo rằng, mang đến cho học trò kiến thức, đổi lại các em gợi cho mình sống lại ký ức niềm vui tuổi học trò, tạo động lực để phấn đấu hơn cho tương lai. Một niềm vui khác là ở ngôi chùa này, cô trò nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ các sư thầy, nhất là Hòa thượng Thích Bửu Thiện. Đó không đơn thuần là sự hỗ trợ về không gian học tập mà còn được lắng nghe những bài học hay về đối nhân xử thế trong cuộc sống thường nhật, về những bài học giàu lòng nhân ái, yêu thương…

“Mở lớp học này, mình muốn chia sẻ kiến thức cho các em có nhiều hơn điều kiện và cơ hội tiếp cận tri thức, mong muốn lớp được phát triển nhân rộng, tạo nên ngôi nhà chung cho nhiều em học sinh, nhất là các em có điều kiện khó khăn đến học. Quan điểm của mình là làm được những gì giúp các bạn thì mình cố gắng làm, trong điều kiện có thể. Sự cho đi bao giờ cũng còn mãi. Và khi sự cho đi ấy tạo nên được hiệu ứng tích cực lan tỏa thì chính điều đó đã góp một phần vào xây dựng quê hương của mình giàu mạnh”, cô Linh nói.

THIÊN LAM
 

;
.
.
.
.
.