.

Góp phần phát triển đô thị ngày một hiện đại, văn minh

.

Với vai trò là trung tâm kinh tế của cả nước, những năm gần đây, TP. Hồ Chí Minh chịu sức ép rất lớn về dân số và đô thị hóa. Hiện nay số người cư trú thường xuyên tại TP. Hồ Chí Minh (bao gồm những người có hộ khẩu chính thức và diện KT3), khoảng 13 triệu người, trong khi đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của TP. Hồ Chí Minh, theo Quy hoạch Xây dựng TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025 (nghĩa là tới khoảng thời gian này mới hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật như quy hoạch) chỉ đáp ứng cho khoảng 8 triệu người. Chính vì vậy, TP. Hồ Chí Minh phải đối mặt với sự quá tải trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt của hệ thống hạ tầng kỹ thuật từ giao thông, cấp thoát nước tới môi trường….

Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay.
Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay.

Là báo Đảng - cơ quan ngôn luận của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, báo SGGP luôn theo sát các diễn biến này trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị của thành phố. Báo SGGP đã kịp thời phản ánh những mặt làm được và góp ý cho những vấn đề chưa làm được. Hơn 10 năm nay, báo SGGP đã tổ chức nhiều chuyên trang về phát triển đô thị như Quy hoạch-Kiến trúc, An toàn Giao thông, Môi trường Đô thị, Thích ứng với biến đổi khí hậu… Những chuyên mục này cùng với các tin bài thời sự, đã chuyển tải nhiều thông tin về ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường, quy hoạch đô thị đến bạn đọc, đồng thời ghi nhận, chuyển tải các ý kiến của bạn đọc cũng như của các chuyên gia góp ý cho thành phố.

Không dừng lại ở các hoạt động trên mặt báo, báo SGGP còn tổ chức nhiều buổi hội thảo, tọa đàm, tập hợp ý kiến của các chuyên gia, hiến kế cho TP. Hồ Chí Minh xử lý các bất cập trong phát triển đô thị. Đơn cử, Hội thảo “Làm gì để vận tải công cộng trở thành phương tiện đi lại chính của người dân?”, Tọa đàm “Thực hiện quy hoạch để chống ùn tắc giao thông”, Giao lưu trực tuyến với bạn đọc “Giải đáp quy hoạch”, Tọa đàm “Xây dựng thành phố thông minh”, “Bảo vệ sông Đồng Nai”….  Báo còn phối hợp với các nhà tài trợ in hàng ngàn bản đồ xe buýt, phát miễn phí cho người dân; mua vé xe buýt tặng cho học sinh, sinh viên… để vận động người dân đi xe buýt.

Báo cũng đã tổ chức nhiều loạt bài, đặt ra nhiều vấn đề bất cập của thành phố trong phát triển đô thị như  “Đô thị phát triển lệch pha”,  “Giữ cho vỉa hè thông thoáng - mong rằng không là phong trào”,  “Chống ùn tắc giao thông cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất: Nan giải”,  “Tháo nút thắt ùn tắc cho khu vực Cát Lái”, “Chống ngập phải bắt đầu từ thực hiện nghiêm quy hoạch”…  Nhiều loạt bài về đô thị đã đoạt giải báo chí quốc gia và TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, hầu hết các thông tin được báo SGGP phản ánh đều được các cơ quan chức năng phản hồi và tiếp thu.

Nhiều phóng viên của báo đã xông xáo, lắng nghe ý kiến của người dân để có được những bài viết tâm huyết, đầy hơi thở của cuộc sống… Họ đi vào những khu vực bị quy hoạch treo hàng mấy chục năm - nơi người dân đối mặt với muôn vàn khó khăn do không được sửa chữa, xây nhà mới, để viết nên những phóng sự đậm chất dân sinh như ký sự ở những khu vực Bình Qưới - Thanh Đa (nơi bị quy hoạch treo gần 30 năm). Họ lội nước, ghi nhận tình hình ngập nước sau mỗi cơn mưa bất chấp nguy hiểm…

Hầu hết các vấn đề liên quan đến phát triển đô thị đều được báo SGGP phản ánh kịp thời. Những vấn đề đô thị liên quan đến đời sống người dân, các vấn đề dân sinh đều được ưu tiên đăng tải trên báo giấy và báo SGGP online nhằm góp thêm một tiếng nói cho TP. Hồ Chí Minh trong việc phát triển đô thị ngày một hiện đại, văn minh hơn.

 Nguyễn Thành Lợi

 Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng

;
.
.
.
.
.