.
Nghĩ

Nỗi buồn sư phạm

Cách đây vài ba chục năm, trong giới học sinh, sinh viên không mấy ai không biết tới câu “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Câu nói có vần này phản ánh một phần thái độ chưa đúng của giới trẻ (và của cả dư luận xã hội nữa) lúc bấy giờ đối với nghề dạy học. Mặt khác, nó cũng phản ánh thực tế cuộc sống bấy giờ. Ấy là sự khó khăn, vất vả, là thu nhập, là đời sống còn thấp của đội ngũ giáo viên. Khác với nghề giáo, nhiều ngành nghề khác có sức hấp dẫn hơn đối với những người mới bước vào đời.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là việc thi vào trường sư phạm rất dễ dàng và sinh viên sư phạm đều có học lực yếu. Thuở ấy, số trường sư phạm không nhiều như bây giờ. Cả khu vực miền Trung chỉ có 3 trường đại học và vài trường trung cấp sư phạm. Mỗi ngành học (Văn, Sử, Địa, Toán, Lý, Hóa, Sinh) ở mỗi trường, mỗi năm cũng chỉ chiêu sinh vài ba lớp (với khoảng 100 sinh viên).

Sinh viên các trường đại học sư phạm được tuyển chọn chặt chẽ qua các kỳ thi do chính các trường sư phạm tổ chức. Điểm chuẩn vào trường cũng không thua kém gì các trường đại học khác. Từng nhiều năm dạy học ở trường đại học sư phạm, chúng tôi thấy rằng, đa phần sinh viên khi vào trường đã xác định được mục đích nghề nghiệp của mình. Họ yên tâm với nghề mà họ đã lựa chọn; lực học của sinh viên đều ở mức khá (chí ít cũng trung bình khá) trở lên. Nhiều em là học sinh của các trường chuyên, lớp chọn.

Chỉ số ít, vì những lý do này nọ mà họ phải thi vào trường sư phạm, thì chỉ sau mấy tuần học đầu tiên của năm thứ nhất thì họ cũng đã vui vẻ, chí thú với việc học hành để sau này có nghề mà sống, để làm được những công việc hữu ích cho đời.

Sinh viên các trường sư phạm những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, khi tốt nghiệp, tất cả đều được bổ nhiệm về các địa phương làm nghề dạy học.

Tuyển được sinh viên có học lực khá vào trường, sinh viên lại an tâm và nỗ lực học hành nên chất lượng đào tạo của các trường sư phạm rất khả quan. Sinh viên ra trường đảm nhiệm tốt các công việc của nghề dạy học, dù họ dạy ở thành thị hay nông thôn, ở miền xuôi hay miền ngược. Nhiều sinh viên sau dăm bảy năm ra trường đã trở thành các giáo viên giỏi, hoặc cán bộ quản lý từ cấp trường đến cấp huyện, cấp tỉnh. Nhiều giáo viên đã vượt qua bao nhiêu khó khăn để học thêm mới đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.

Nhìn lại những năm học trước đây và việc tuyển sinh vào các trường đại học sư phạm của năm học 2017-2018 này, chúng ta không khỏi giật mình và không khỏi băn khoăn lo ngại. Theo các phương tiện truyền thông, đầu vào ngành sư phạm rất thấp, đa số đều bằng điểm sàn, thậm chí có ngành điểm chuẩn chỉ là 3 điểm 3. Điều này không chỉ diễn ra ở một trường mà là hiện diện ở nhiều trường trên cả 3 miền.

Hiện thời, tỉnh, thành phố nào cũng có trường sư phạm. Trên 230 cơ sở (trường, viện) đào tạo giáo viên có trình độ đại học và trên đại học. Sinh viên ra trường thất nghiệp hàng vạn người và không dễ dàng gì khi cầm tấm bằng đại học đi xin việc làm. Đó là điều thật đáng buồn. Sinh viên đại học sư phạm trong 4 năm học vừa học các bộ môn khoa học cơ bản (tùy từng ngành) để nâng cao trình độ học vấn, vừa phải học và thực hành các phân môn nghiệp vụ sư phạm.

Sinh viên học lực yếu khi vào trường và không hứng thú gì với công việc học hành, tu dưỡng, rèn luyện thì khó mà hoàn thành tốt và đạt kết quả cao trong 4 năm làm sinh viên. Những sinh viên này ra trường, họ có được đi dạy thì cũng khó mà dạy hay, dạy giỏi được. Một số ít sinh viên yếu kém đã là điều không hay rồi. Nhiều sinh viên chỉ có học lực trung bình trở xuống thì là một mối nguy lớn cho các trường sư phạm và cho cả ngành giáo dục cả trước mắt lẫn lâu dài.

Nên chăng, cần cơ cấu lại hệ thống các trường sư phạm, đề ra tiêu chuẩn đúng mực cho công việc tuyển sinh và đừng để dôi thừa các sinh viên tốt nghiệp không có việc làm. Các trường sư phạm có trở thành các cơ sở đào tạo có chất lượng cao thì ngành giáo dục mới làm tốt chức năng và nhiệm vụ của mình.

TRẦN HOÀNG

;
.
.
.
.
.