.
TRUYỆN NGẮN

Tìm người

.

Vợ nhớ kỹ, đêm đó chồng bị đắm nên ngủ đuối; như thói quen của những lần đuối, chồng nghiến răng rạo rạo như nhai nước đá. Tiếng nghiến lúc thấp lúc cao, áp cả tiếng gió lòn vào vách lá. Âm thanh quen như ru, mặc kệ tiếng động bên tai, vợ ngon lành chui vào giấc ngủ. Đến lúc gà gáy hồi đầu thì chồng lật đật ngồi dậy vén mùng. Trong cơn say ngủ, vợ không ngồi dậy hỏi xem chồng đi đâu giờ này? Vợ biết, chồng là người lịch sự đến mức dễ dàng làm người khác phát quạu. Có lúc nửa đêm giật mình, chồng quay sang ôm vợ, nói thì thào: “Em, anh đi xí”. Thói quen chồng là vậy nên vợ không bủa ý nghi ngờ khi chồng bước ra khỏi mùng, mặc dù suy cho cùng thì hành động ấy đã manh nha một sự bất thường chút chút. Ý nghĩ, “Mọi khi đi là xin phép mà, sao nay im ru vậy?” bị cơn say ngủ nhấn chìm.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Đến lúc vợ dậy thì thấy chồng đã đi, không về. Đôi dép lào mòn đế, ố vàng khô rang nằm im ru dưới chõng. Bình thường chồng đâu như vậy. Chồng đi đâu cũng mang dép không rời chân. Đến nỗi bước lên sàn nhà bên vợ mà cũng mang dép; đi được mấy bước nghe tiếng chân lẹp bẹp lẹp bẹp, nhìn xuống chân mới biết mình bị hố; giật mình lật đật chạy ra trước nhà bỏ dép ra, như con nít. Sau này chồng vẫn hay bị thói quen mang dép bám theo đuôi, rầy rà. Chồng hay cười xòa: “Nhỏ lớn quen vậy rồi, bỏ không được”. Ban đầu thấy hơi kỳ kỳ, nhưng sau thì dần quen. Mỗi lần nghĩ chồng không mang dép là vợ thấy chồng ngồ ngộ, “Không mang dép thì không phải chồng”. Nỗi ám ảnh đó in sâu trong đầu vợ. Có đêm, đụng chân chồng, vợ bỗng giật mình hỏi: “Ủa, đôi dép anh đâu?”.

Còn trong lúc này thì, vợ nghe như ai đó nói với chính mình; lòng vang lên tiếng, đôi dép luôn úp sát vào lòng bàn chân của chồng nằm đây, mà chồng đi nơi đâu. Ý nghĩ ấy ngờ ngợ, nhưng có vẻ chỉ đủ làm vợ thấy hơi là lạ mà thôi. Đến lúc bước ra khỏi phòng, gọi: “Anh ơi, ú u”... Gọi đến lần thứ ba thì vợ mới thật sự thấy, “lạ thiệt”. Nhà mình bình thường đâu bặt tiếng à, ờ, ừ như vậy.

Vợ bước ra khỏi phòng thì đuôi mắt bị cái nón kết của chồng ngoắc lại. Cái nón bạc màu mà lúc nào bước ra khỏi nhà chồng cũng đều đội theo; nó vẫn còn treo nơi móc đinh đóng trên cây cột cái của nhà. Chồng kể, hồi nhỏ má sinh chồng thiếu tháng, nên da đầu chồng mỏng như lá lúa. Bởi vậy từ hồi nhỏ xíu, lúc nào ra khỏi nhà má cũng đội nón cho chồng. Lớn lên, mỗi lần đi đâu quên đội nón là bị ăn đòn no đít; không những vậy, mà khi về còn bị sốt li bì, nằm mấy ngày chỉ vì quên đội nón. Vậy nên chồng luôn nhớ đội nón khi ra khỏi nhà; sự nhớ ấy còn khắc ghi sâu đậm trong đầu chồng hơn là nhớ tên của vợ. Từ lúc biết chồng, đến lúc theo chồng về làm dâu đến nay, vợ chưa bao giờ nghe ai réo chồng cái câu: “Ê, sao không đội nón, mậy”. Mà giờ câu nói ấy như cái phao bị nhận chìm, đang dâng dâng lên trong cổ họng của vợ; khi cái nón của chồng treo nơi vách nhà, như nghênh mặt với vợ: “Tao đây”. Vợ thấy rõ ràng là không ổn. Bình thường chồng đâu như vậy.

Nhưng ý nghĩ ấy cũng bị lấp lại bởi một ý nghĩ khác: “Ngàn lần nhớ thì cũng có một lần quên, chắc chồng chợt nhớ cái xuồng chiều qua quên cuộc dây, giật mình thấy nó trôi đi, liền thức dậy chạy lẹ ra bến sông tìm lại. Lúc đi vội quá quên mang dép và đội nón… Ban đêm mà, đội nón chi”. Nghĩ vậy nên vợ thấy lòng bình thường. Vợ không chừa trong bụng mình bất kỳ một nghi ngợi nào cả. Vợ ra sau bếp nhúm lửa, đun ấm nước sôi cho chồng uống trà. Thường ngày vợ sẽ vừa đun nước, vừa cằn nhằn: “Anh bỏ hút thuốc đi nha, miệng hôi rình. Bớt uống trà lại, uống riết chưn răng vàng khè nhìn kỳ quá”. Sau đó thì đi châm trà rồi ra nhìn khói thuốc, khói trà bay bay, mặc sức mà tưởng tượng. Lúc lửa bém cháy, vợ cằn nhằn vài câu như thường lệ thì chợt giật mình phát hiện chồng không có nhà, mình nói chuyện mình ên sao ta? Vợ im lặng không nghĩ ngợi, không nói gì như ném những nghi ngại về sự bất thường vào ông táo. Có lẽ nhờ vậy mà lửa bém cháy đượm, nồi nước không lâu đã réo sôi.

Cũng như những ý nghĩ bị yểu mạng khi vừa mới sinh ra. Nắng sớm chưa lên đầy đã bị mây đen nuốt trọng. Cơn mưa chớp lấy mặt trời đem cất giấu đâu mất, hạt mưa ào ào đổ như tức tưởi chuyện gì. Mấy đứa nhỏ nhìn mưa rồi bất chợt thấy cảnh này hơi lạ. Cảnh thiếu hình ảnh người đàn ông chạy tới chạy lui hứng nước dột mưa. Tụi nhỏ liền nhanh tay nhanh chân chạy tìm thau nồi đặt ở những chỗ cha thường hay đặt. Lúc đó vợ đứng sựng người vì cảnh ấy không quen mắt. Đáng lý hành động ấy phải là của chồng, người chạy sốt vó trong mưa phải là chồng, chứ đâu phải là mấy đứa nhỏ. Không có chồng, khung cảnh có phần là lạ. Mấy đứa nhỏ cũng thấy lạ, nhưng mưa làm tụi nó sốt ruột. Nhớ bình thường thì cha hay làm sao, tụi nó làm y vậy. Trong khi vợ thì đứng như chết trân, nhìn: “Cảnh ấy không quen, không quen”. Đến lúc tiếng réo: “Má, mưa kìa, sao đứng đó” thì vợ mới giật mình quơ nhanh mấy cái nùi dẻ để vào trong thau; cái đó vợ nhớ chồng hay làm vậy nên vợ làm theo, chứ vợ cũng không biết rằng để vậy cho nước mưa rơi xuống đụng đáy đừng văng tứ tung. Cho đến lúc này, vợ mới biết, chồng làm vậy là có nguyên do.

Mưa còn rả rích thì trời tối dần, lúc xem đồng hồ vợ mới biết chiều đã dần sụp tối. Nhìn nồi cơm thừa ra bốn chén, vợ thấy có gì đó trống trơn. Mọi khi trong bữa ăn, chồng hay chang nước mắm mặn chát cả chén cơm, vợ thì trừng trừng: “Ăn mặn quá, hồi ra đồng khát nước cho coi”; mà lần nào vợ cũng rót nước mắm nhiều, cho chồng. Nay chén nước nắm còn y nguyên, vợ thấy lòng mình mặn chát; vợ thấy bất an. Mọi khi đi đâu xa xôi cách trở mưa gió đến mấy chồng cũng lặn lội về. Vậy mà sao nay cả ngày rồi không thấy chồng đâu. Cảnh không quen, vợ thấy nỗi nhớ chồng lần đầu hiện lên rõ nét đến vậy.

Đêm đến rất sớm, mà đêm dài lê thê. Vợ nằm quay qua, quay lại vẫn không sao chui vào giấc ngủ được. Hơi chồng trong gối, trong mền còn đó, mà tiếng nghiến răng thì im lặng đến khiếp sợ. Đáng lý hôm nay vợ sẽ kể tiếp cho chồng nghe về bộ phim Hàn mà đêm qua vợ kể dang dở thì chồng nghiến răng rạo rạo. Hôm qua tới đoạn thằng nam chính là người chồng lý tưởng, hút thuốc như ống khói tàu, vợ rầy một lần là bỏ ngay. Mà nam chính ấy lúc nào cũng bóng mượt đầu tóc, quần áo có miếng bụi, “Trời ơi, vợ thần tượng anh đó gì đâu?”. Đang nhớ lại chuyện kể đêm qua, vợ chợt nhớ, chuyện mới kể có nhiêu thôi à, đáng lý hôm nay vợ sẽ kể cho chồng nghe về nhân vật nữ chính, là vợ nam chính đó. Vợ thảng thốt, ý nghĩ “hôm nay sẽ kể…” kẹo đặc lại, hoang mang. Và sau đó là vợ nằm nhắm mắt mà cứ lăn lộn suốt, không thể nào ngủ được. Tiếng nghiến răng thì không ở bên tai, cảm giác cái tay sờ sờ bờ lưng cũng đâu mất biệt. Chắc do vậy mà gió đêm nay lạnh hơn, gió như muốn thét.

Vợ thức sớm, mấy đứa nhỏ hỏi: “Cha đâu má?”. Vợ không biết phải nói sao cho tụi nhỏ an lòng. Hồi lâu không thấy trả lời, tụi nhỏ hỏi lại: “Má, cha đâu má?”. Lúc đó vợ thấy mình không lên tiếng thì không được. Ráng lắm mới nặn ra một câu cho tụi nhỏ yên lòng. Mà thấy như không phải là mình nữa; mình thì đâu có bịa chuyện nói dối con rằng “Cha đi công chuyện mần ăn”. Sau mấy chữ trả lời cho con. Vợ thấy như mình mắc nghẹn một nỗi lo lắng và ngờ ngợ. Cố nói ra lời mà thấy như xé mất miếng da trên gương mặt mình quăng đi.

Vợ bắt đầu sợ khi trời đứng bóng mà vẫn không thấy chồng. Vợ chạy quanh hỏi hàng xóm, rồi đi về nhà ba má chồng hỏi. Đáp lại sự lo sợ, người ta trả cho vợ một cái lắc đầu và mấy câu lạnh lùng: “Đâu nhớ kỹ coi, đêm đó có làm gì cho chồng giận hông mà chồng bỏ đi nước một vậy?”. Vợ bắt đầu làm một cuộc truy lùng những tấm thời gian nằm xếp lớp lên nhau. Dỡ mỗi tấm thời gian lên, thấy khoảng cách của chúng như đọng nước mưa, hít khít vào nhau, ướt nhẹp, hai mặt hoen gỉ như tấm tôn lâu ngày bị sét. Càng dỡ lại thời gian, vợ thấy mình như càng đi sâu vào một cái hang ký ức; cái hang tăm tối, không đèn, vô thanh và lạnh lẽo. Vợ nghe từ trong bụng có tiếng vọng lên hỏi mình: “Vùng mình vừa bước qua đây mà, sao lạnh lẽo, trống trơn và xa lạ vậy?”. Sau khi đi hết những ngõ ngách của mấy ngày qua, vợ thấy chồng vẫn bình thường, không một dấu hiệu lạ nào kể từ trước lúc mùng được vén lên, chồng nhẹ nhàng bước đi. Và mất hút.

Ngày thứ tư kể từ ngày chồng đi, nhà chồng bắt đầu xôn xao như rúng động. Sự truy lùng vùng ký ức được mở rộng ra. Cha má và mấy anh em của chồng bắt đầu vừa lo sợ vừa cố nhớ coi gần đây có làm gì để chồng buồn giận hay không? Rồi cái vòng tròn cuộc truy lùng ấy rộng ra đến cả xóm, mọi người hỏi nhau: “Thằng Năm Nón Kết nó mắc nợ nần ai hông mà nó bỏ xứ đi mất? Thằng Năm Nón Kết có đẩy mắt đưa tình với ai không mà nó bỏ vợ theo người ta…”. Những giả thuyết được đặt ra đầy trong từng gương mặt. Cuộc truy lùng đến nát nhừ hết cánh đồng ký ức, thì cũng lượm được mấy dấu vết cho là căn nguyên mà Năm Nón Kết bỏ nhà đi.

Người ta gom về đưa cho vợ, kêu vợ ghép lại coi có thành câu chuyện hay không. Vợ ngồi nghe mớ chi tiết như nuốt những miếng miểng sành vào trong bụng. Vợ hỏi lòng, với mớ miểng này, làm sao ghép lại thành tấm tranh toàn cảnh, mà cảnh cuối là chồng bước chân ra khỏi tranh, và biến mất? Bởi không ghép được nên những miếng miểng ấy cứ lộn trào, găm vào lòng vợ, nhói đau: “Nghe nói thằng Năm Nón Kết có lần nhìn con Lài Nón Lá; ánh nhìn như đưa tình cùng nụ cười ẻo lả, lạ lắm. Chắc nó đi theo…”.

Vợ sụp đổ đôi phần, nhưng lấy lại bình tĩnh ngay khi chợt nhớ: “Chồng mình không có máu gái gú trong người”. Vợ biết đến từng đường tơ kẻ tóc của chồng, những ngõ ngách ấy không hề giấu một chút mầm bội bạc. Nhưng chị Mười Hai trong xóm với kinh nghiệm xài chồng hao như Năm Nón Kết ăn nước mắm, phán rằng: “Đừng tin đàn ông, bình thường thì nó vậy, nhưng đụng cơn thì biết đâu? Biết đâu? Tao thì nghi lắm”.

Vợ lại đâm ra nghi ngại, khi ngày thứ hai mươi tám vẫn không thấy chồng về; những cuộc tìm kiếm đều vô vọng. Vợ biết, chồng không chết (linh cảm vợ nói vậy); chồng chỉ đi đâu đó thôi. “Mà đi đâu đó, là đi đâu?” - Câu hỏi nói ra nhẹ hều mà không sao thôi dấy lên trong lòng vợ. Như nó bị núi đè, chỉ ngoe nguẩy khều cho nhột nhói chơi. Chứ không thoát ra chạy mất được, như chồng.

Bữa đi cấy lúa, lòng vợ sầu mênh mông, gió đông vùn vụt thổi. Nghe mấy bà cấy cùng kể chuyện trong phim Hàn. Nghe xong, thấy chồng bỏ mình đi là có lý quá đi chứ. Không như vợ người ta, vợ không biết dọn dẹp mặt mày đầu tóc; không như vợ người ta, vợ không biết nói năng ngọt ngào; không như vợ người ta, vợ không biết xài xà bông mùi gì cho chồng ôm ngửi hít hà khen tấm tắc. Vợ thấy khoảng cách của mình và chồng mỗi lúc mỗi xa, hy vọng chồng trở về lụi tàn dần trên từng cọng tóc cháy hôi đến bờ vai áo vá. Và câu, “Chồng đương không bỏ vợ đi” trở nên vô lý vô cùng.

Vợ trở về nhà, đập ống heo, lấy mớ tiền đi ngay ra chợ. Ghé mấy sạp đồ, vợ hỏi coi: “Bộ nào em bận coi đẹp nhứt, em mua”. Rồi ghé mấy tiệm tóc làm lại cái đầu sao cho thiệt là mốt. Lúc về vẫn không quên ghé chỗ bán mỹ phẩm mua tất tật đủ thứ kem dầu, son phấn, nước hoa.

Chiều, vợ về tới đầu xóm, người trong xóm ngã ngửa. Có người ghẹo hỏi: “Ai đây?”. Lúc còn độ trăm mét tới nhà thì tụi nhỏ đã ngửi ra cái mùi thơm gì mà lạ hoắc. Đến lúc thấy mẹ mình rồi mà tụi nhỏ vẫn hoang mang, “mẹ mình hôm nay lạ vậy?”. Tin đồn tới tai cha má chồng, cả nhà chồng tức tốc chạy qua. Ngó vợ chăm chăm, cả nhà chồng chưng hửng không nói được nên lời. Vợ nói với cha má: “Cha má yên tâm, lần này con làm vầy, chồng con sẽ trở về, không bỏ con đi nữa đâu”.

Lời vợ nói linh nghiệm hơn là cô hồn đồng trinh chết oan sau bụi chuối; chồng về ngay trong đêm. Chồng nhìn vợ, mắt mở to hết cỡ, câu nói nghẹn lại ở họng, trợn trợn như nuốt cùi cóc. Vợ thấy chồng về, chạy bán sống bán chết đến ôm, khóc như mưa: “Em biết, em biết rồi anh cũng về với em. Em khờ em dại sao thì anh nói, em nghe em sửa. Có đâu anh bỏ đi làm em đau vất đau vả mấy tháng trời”. Vợ ôm cứng ngắc, chồng muốn nghẹt thở; khịt khịt mũi mấy lần vì mùi vợ lạ quá trời. Chồng đẩy vợ ra: “Em có thiệt là Kim Tuyến hay không?”. Vợ chưng hửng: “Em nè, chớ ai?”. Chồng lắc đầu, vợ nói: “Kim Tuyến của Năm Nón Kết thiệt mà, anh không nhận ra sao?”. Chồng ngờ ngợ… Vợ thấy vậy liền kéo chồng vào buồng. Nhào vào chồng dí cắn cái dái tai tòn teng, hai bàn tay bắt đầu hoạt động. Chồng bật dậy: “Đúng rồi, đúng rồi, đúng là Kim Tuyến rồi”.

Nhưng vào đêm, cũng ngay lúc gà vừa gáy đầu hôm chồng lục đục thu dọn đồ đạc vào cái vỏ thiệt to. Chồng nói với vợ, giọng lạnh tanh: “Tui đi. Không biết đi đâu, cũng không biết chừng nào về. Ở nhà ráng giữ gìn sức khỏe. Tụi nhỏ nếu lo không nổi thì gửi tụi nó qua nhà nội. Đi thiệt à”. Vợ không hiểu vì sao. Đúng là chồng, đi đâu cũng có lời tạm biệt, nói năng dặn dò rõ ràng: Đi đâu, nào về, dặn vợ, dặn con. Nhưng lần này câu tạm biệt làm vợ nghe như uống mấy câu nói ấy mà ngộp thở. Vợ hỏi chồng trong nghẹn ngào: “Anh ơi, anh đừng bỏ em, sao vậy anh, sao vậy anh? Em có gì không ưng thì anh cứ nói, em sửa đổi mà”. Chồng quay ngang: “Bình thường cô đâu như vậy?”. Nhưng bình thường là sao? Theo định nghĩa của chồng, có phải bình thường là thường lệ và bình an. Cảnh đó có vợ hôi sình, móng chân bị nước ăn thấy gớm, tóc thì hôi mùi khen khét khói bếp và cháy nắng ngả màu, da thì đen thui, mặt thì tàn nhang lại còn thêm nhiều vết nám, nói năng không dịu dàng, ngủ ngáy như máy dầu mắc nghẹn...

- Chồng, cảnh đó là bình thường sao?

Chồng đáp trả rằng: “Tui đi thử một lần coi ra sao?”. Sau câu nói ấy là một quãng dài im lặng. Bình thường thì chồng là người hiểu vợ. Bình thường thì chồng đâu chê vợ đen - hôi - xấu - chán  bao giờ. Không biết bình thường rồi chồng có đi nữa hay không?

Nghi lắm…

LÊ QUANG TRẠNG

;
.
.
.
.
.