.

Từ tiếng loa truyền thanh xã

.

Hệ thống đài truyền thanh cơ sở trên địa bàn huyện Hòa Vang vẫn là kênh thông tin hữu ích với người dân nông thôn. Những thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình kinh tế-xã hội của địa phương, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đến với người dân đều nhờ hệ thống này.

Đội ngũ người làm truyền thanh xã rất tâm huyết và mong muốn được khôi phục chức danh cán bộ truyền thanh.
Đội ngũ người làm truyền thanh xã rất tâm huyết và mong muốn được khôi phục chức danh cán bộ truyền thanh.

Gắn bó mật thiết với đời sống người dân

Ông Đặng Công Hoàng (68 tuổi, thôn Lệ Sơn Nam, xã Hòa Tiến) chia sẻ: dù bận việc nhưng tôi vẫn theo dõi các chương trình phát thanh từ hệ thống loa truyền thanh xã. Mỗi tuần, đài xã có 2 chương trình riêng thông tin ngắn gọn các sự vụ diễn ra trên địa bàn, mỗi chương trình kéo dài 15 phút. Đặc biệt trong thời gian xã xây dựng NTM, Đài Truyền thanh xã thường xuyên phát tin, bài tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM, giải thích cặn kẽ, động viên, cổ vũ người dân giúp lộ trình xây dựng NTM của xã Hòa Tiến diễn ra khá thuận lợi, về đích sớm.

Tại thôn 5 xã Hòa Khương, 4 giờ sáng hằng ngày, gần 50 người trong Câu lạc bộ Dưỡng sinh đến nhà văn hóa để tập luyện. Hết thời gian tập thì quây quần tại nhà văn hóa xã để nghe chương trình thời sự được phát từ loa xã. Ông Nguyễn Thập (nguyên cán bộ truyền thanh xã Hòa Khương, nay là cán bộ văn hóa-thể thao xã) chia sẻ: Mỗi ngày, sau chương trình thời sự từ Trung ương là đến chương trình của địa phương. Từ thông báo treo cờ ngày lễ đến lịch thi đấu thể thao, thậm chí, người dân mất trâu, bò cũng đến nhờ đài xã thông báo. Nhờ chiếc loa công cộng này mà nguồn tin đến với người dân phong phú, kịp thời, sát thực.

Ông Hồ Sỹ Cừ, Trưởng Đài Truyền thanh-Truyền hình huyện Hòa Vang cho rằng: Đối với nông dân lao động, hằng ngày tất bật với việc đồng áng nên không có thời gian rảnh xem ti-vi. Nhờ đài truyền thanh, người dân có thể vừa ra đồng gặt lúa, chăn bò hoặc ở nhà nấu cơm, quét nhà… vừa nắm bắt tin tức thời sự, những thông tin chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương. Chúng tôi cố gắng xử lý thông tin đơn giản để người dân nắm bắt dễ dàng hơn. Đơn cử, khi tuyên truyền về Luật Đất đai mới, nếu đài địa phương chỉ tiếp sóng chương trình này từ Trung ương hoặc đài huyện thì sẽ không thu hút được sự chú ý. Người dân chỉ quan tâm đến những điều khoản đất đai có liên quan mật thiết đến đời sống của họ. Điều đó đòi hỏi cán bộ truyền thanh xã phải “bóc tách” những điều khoản trong luật sát thực nhất với tình hình kinh tế xã hội của địa phương thì mới đạt được hiệu quả tuyên truyền.

Những thời điểm “nóng” như mùa gặt, mùa tựu trường, khám tuyển hoặc tiễn quân nhân lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự, đặc biệt là mùa bão lũ… chiếc loa công cộng ở xã càng phát huy được tác dụng. Ông Phạm Điệp, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Tiến (cựu cán bộ truyền thanh xã) phân tích: Thực tế trên địa bàn huyện Hòa Vang hiện nay đang xuất hiện tình trạng “ly hương mà không ly nông”, tức là người dân vẫn giữ ruộng đất nông nghiệp nhưng sau khi gieo mùa thì để đó, xuống nội thành làm ăn. Đàn ông đi làm thợ, phụ nữ thì buôn bán. Sự gắn bó với làng xóm, thôn xã không còn đậm đà như ngày trước. Trước mỗi buổi họp thôn, dù trưởng thôn đi quanh mời nhưng “đắt” lắm cũng chỉ khoảng 20-30 hộ tham dự (mỗi thôn trung bình gần 300 hộ), chủ yếu là cán bộ, đảng viên, người dân rất ít. Như vậy, những đường lối, chủ trương, chính sách mới, làm sao người dân nắm nếu không phát qua loa truyền thanh?

“Hãy cho Hòa Vang một cơ chế riêng”

Đài Truyền thanh cơ sở đã và đang từng bước khẳng định được tính ưu việt của nó so với các công cụ truyền thông khác tại địa bàn Hòa Vang. Tuy vậy, theo Nghị quyết 133/2015/NQ-HĐND (có hiệu lực từ 1-1-2016) về sắp xếp, nâng cao chất lượng người hoạt động không chuyên trách phường, xã trên địa bàn thành phố, chức danh cán bộ truyền thanh phường/xã không còn nữa mà phải kiêm nhiệm (thường là cán bộ văn hóa-thể thao kiêm truyền thanh). Theo ông Hồ Sỹ Cừ, từ ngày bãi bỏ chức danh này, cán bộ truyền thanh xã cũng không còn mặn mà, chính xác là không còn thời gian chăm lo cho công tác truyền thanh. Việc không có người phụ trách khiến hiện nay, một số đài xã “tê liệt”, máy móc lâu ngày không ai đụng đến bám đầy bụi, thậm chí hư hỏng. “Có thời gian, điện thoại của tôi “cháy máy” vì người dân gọi liên tục để hỏi tại sao không thấy loa của xã phát tin… Nhiều nhất là người dân ở hai thôn Tà Lang, Giàn Bí rất cần thông tin liên quan đến quyền lợi, chế độ chính sách cho người dân tộc. Thực tế là đài truyền thanh xã rất tiện lợi. Mùa mưa bão cúp điện, dân mù tịt thông tin. Lúc đó chỉ có đài xã hoạt động được vì chỉ cần giật máy nổ lên là phát đi thông tin cho dân biết. Nếu bỏ đi đài xã thì thực sự rất tiếc”, ông Cừ bày tỏ.

Gắn bó với công tác truyền thanh xã từ những năm 1986, ông Phạm Điệp rất hiểu tầm quan trọng của đài truyền thanh xã. Thông tin từ những chiếc loa công cộng này là cầu nối giữa người dân và chính quyền. Ông Bùi Nam Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang khẳng định: Với địa bàn rộng, thưa như Hòa Vang hiện nay, sử dụng loa phát đi tin tức là phương tiện phù hợp nhất. Huyện cũng đã có kiến nghị đến Sở Nội vụ việc cho Hòa Vang một cơ chế riêng về chức danh người phụ trách truyền thanh; bởi người làm truyền thanh xã phải làm “3 trong 1” (lấy tin, đọc tin, kỹ thuật nên rất khó có người có thể kiêm nhiệm). Hy vọng sắp tới sẽ giải được bài toán này để những chủ trương, chính sách, pháp luật được truyền tải đến người dân một cách kịp thời, hiệu quả.

HẢI ÂU

;
.
.
.
.
.