.

Xây dựng văn hóa giao thông

.

Khi bàn về văn hóa giao thông, nhiều người cho rằng giao thông ở Đà Nẵng “vẫn chấp nhận được”, tức là chưa có nhiều cảnh ùn tắc, chưa đến mức mạnh ai nấy đi. Đó là bởi người ta so sánh với chuyện giao thông lộn xộn ở một số thành phố lớn khác. Nhưng không thể đi so sánh với cái thấp hơn mình, mà nên xây dựng một mô hình giao thông an toàn, văn minh, bắt đầu từ giáo dục và ý thức để trở thành văn hóa giao thông.

Quận Đoàn Hải Châu tổ chức Ngày hội tuyên truyền văn hóa giao thông.Ảnh: H.N
Quận Đoàn Hải Châu tổ chức Ngày hội tuyên truyền văn hóa giao thông.Ảnh: H.N

Ra đường thấy chuyện bất bình…

Qua câu chuyện mà nhiều người chia sẻ trên trang Facebook “Cảnh sát giao thông Công an thành phố Đà Nẵng” hay trong quá trình tham gia giao thông trên đường, mới thấy dù hạ tầng giao thông có được cải thiện rất nhiều, mà ý thức của người đi đường kém thì chuyện tai nạn rình rập hay xảy ra là điều dễ hiểu.

Như ngày 9-9 mới đây, quản trị của trang Facebook đã đăng một status (trạng thái) với dòng chữ “Tâm sự đáng suy nghĩ của 1 lái xe!” kể chuyện một người lái xe tải giao hàng trước khi rẽ phải vào đường Phan Anh ở ngã tư Phan Đăng Lưu (quận Hải Châu), đã bật xi-nhan và quan sát gương chiếu hậu thì bất ngờ một cô gái đi xe đạp điện lao đến. Người lái xe phanh hết cỡ, chiếc xe đạp điện chỉ cách gương chiếu hậu khoảng 3-4cm nữa là chạm.

Người lái xe viết: “Trước đó lúc đi ở đoạn Nguyễn Hữu Thọ, tôi thấy cô bé đó chạy rất nhanh, ở làn ô-tô và xe máy. Trong khi tôi bấm còi inh ỏi xin đường (thì cô) vẫn thản nhiên chạy và lách. Nếu hôm nay tôi không phanh kịp, cô bé đó có thể đã nằm dưới bánh xe của tôi… Tôi viết trên đây tôi muốn gửi đến các vị phụ huynh có con đang sử dụng xe đạp điện đi học hằng ngày:

Xin hãy dạy con mình đi như thế nào là đúng, đi làn đường nào, được và không được vượt ra sao, không nên chạy song song và cố vượt lên xe lớn... Và rất nhiều cái nữa. Xin các vị đã mua xe thì hãy dạy con. Chứ đừng mua xe rồi để con đi khi không biết luật như thế nào. Hoặc các vị đừng có mua mà hãy tự chở con mình đi. Chớ làm vậy tài xế chúng tôi không có lỗi thành ra cũng mang tội giết người đấy ạ”.

Cô Nguyễn Thị Ng. (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) đến giờ vẫn còn run khi chạy xe máy ra đường một mình, sau vụ tai nạn xảy đến với cô vào năm 2009. Cô Ng. kể hôm đó lúc cô đang đi trên cầu Trần Thị Lý từ hướng Ngũ Hành Sơn qua quận Hải Châu, đã bị một thanh niên tông vào xe từ phía sau.

Cú tông mạnh khiến cô bị gãy chân, gãy xương chậu, phải mổ sắp xương, nằm viện gần cả năm trời mới đi lại được. Hay mới đây, chị Quỳnh Linh, phóng viên DRT đang đi qua ngã tư Nguyễn Chí Thanh-Lê Duẩn thì có 2 xe máy vượt đèn đỏ chạy qua trước mặt. “Nếu chú đi xe máy đằng sau không bấm còi để cảnh báo, bạn mình không ré lên, mình không kịp đi chậm lại thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Hai chiếc xe máy kia, một chở theo một nữ, một đi một mình không buồn ngoái lại xem chuyện chi có thể xảy ra, cứ thế vọt thẳng và mình đoán có khả năng vượt tiếp hàng loạt đèn đỏ phía trước”, chị Linh tâm sự.

Kiểu đi đường bất chấp người khác cùng tham gia giao thông, sử dụng còi inh ỏi, đánh võng lạng lách, tạt ngang đầu xe… diễn ra hằng ngày, hằng giờ trên nhiều tuyến đường khiến người đi đường bức xúc, lo sợ đang diễn ra ngày một nhiều ở Đà Nẵng.

Những năm gần đây, lượng xe, lượng người tăng lên thì cũng gia tăng nhiều tình huống bất an trên đường. Lực lượng chức năng hầu như chỉ xử phạt những lỗi cơ bản như vượt đèn đỏ, lái xe sau khi uống rượu bia…, còn những hành vi như lạng lách, chạy ẩu, rẽ không xi-nhan… thì dễ bỏ qua.

Văn hóa giao thông không phải là chuyện một sớm một chiều mà có, nó được hình thành qua quá trình giáo dục, từ tinh thần trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khi tham gia giao thông. Việc Đà Nẵng xây dựng chủ đề “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, “Thành phố 4 an”… cũng là nhằm hình thành nên nét văn hóa giao thông cho thành phố an bình, đáng sống…

Xử lý vi phạm đi đôi với tuyên truyền

Từ ngày 1-11-2016, Cảnh sát giao thông Đà Nẵng bắt đầu xử phạt qua camera trên đường Cách mạng Tháng Tám. Đến 16-1-2017, đơn vị tiếp tục xử phạt nguội tại 9 nút giao thông, giúp cơ quan chức năng quản lý tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố, góp phần nâng cao ý thức chấp hành cho người tham gia giao thông.

Ngoài ra, trang Facebook “Cảnh sát giao thông CATP Đà Nẵng” được lập tháng 12-2016, đến nay có gần 20.000 thành viên. Ngày 15-6 vừa qua, Phòng CSGT Công an thành phố Đà Nẵng vừa công khai lên mạng xã hội Facebook danh sách các phương tiện vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố từ ngày 1-11-2016 đến 20-8-2017, thông qua hệ thống camera giám sát.

Theo đó có 6.475 lượt phương tiện vi phạm. Các phương tiện vi phạm đều mắc một trong 2 lỗi gồm: chạy quá tốc độ quy định và không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. Hơn một nửa các phương tiện vi phạm giao thông công bố đợt này khi đang lưu thông trên tuyến đường Cách mạng Tháng Tám, ngoài ra còn rơi vào một số tuyến đường khác như Nguyễn Văn Linh, Hồ Xuân Hương…

Ngoài việc thông báo theo quy định, Phòng CSGT công khai thông báo vào thứ tư hằng tuần các biển kiểm soát phương tiện vi phạm qua hệ thống camera trên trang Facebook này tại địa chỉ https://www.facebook.com/groups/129222367470578/.

Thiếu tá Thái Anh Tuấn, Đội trưởng đội tuyên truyền-điều tra giải quyết tai nạn giao thông và xử lý tai nạn, Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, chế tài xử phạt cao nhất hiện nay là theo Nghị định 46/NĐ-CP, và công tác xử lý của lực lượng CSGT rất kiên quyết, đặc biệt là những trường hợp vi phạm nghiêm trọng; việc thực hiện các chuyên đề cũng rất mạnh mẽ.

Con số khoảng 300 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ bị xử phạt mỗi tuần của lực lượng CSGT Đà Nẵng cho thấy việc xử phạt vẫn là biện pháp xử lý mang lại hiệu quả cho sự an toàn của người đi đường.

 “Tuy nhiên, đôi khi chúng tôi không nặng về xử phạt, nhất là những trường hợp vô tình vi phạm, nhất là những người ngoại tỉnh, mà chúng tôi nhắc nhở, tuyên truyền để thay đổi hành vi. Do đó việc xử lý vừa mang tính răn đe, giáo dục, vừa linh hoạt, mềm dẻo; công tác tuyên truyền cũng được chú trọng”, Thiếu tá Thái Anh Tuấn cho hay.

Trong gần một tháng qua, Phòng CSGT phối hợp với Hội LHPN thành phố tuyên truyền ở các phường, xã về an toàn giao thông. Bà Phạm Thị Kim Bảng, Trưởng ban Gia đình-xã hội, Hội LHPN thành phố cho biết, bên cạnh những buổi tuyên truyền, những lớp tập huấn về an toàn giao thông, Hội còn lồng ghép phát động phong trào “Phụ nữ Đà Nẵng cử chỉ đẹp, nếp sống văn minh”, thực hiện không vượt đèn đỏ, đội mũ bảo hiểm cho mình và cho con, đi đúng làn đường, hiểu các biển báo.

“Sau hơn 2 năm triển khai bán mũ bảo hiểm giá rẻ, các chị đã mua gần 6.000 mũ (chương trình trợ giá mũ bảo hiểm kết thúc năm 2016) và sau cuộc vận động đội mũ bảo hiểm cho con thì một cuộc khảo sát cho thấy có khoảng 95% trẻ em đến trường có mũ bảo hiểm. Điều đó cho thấy việc tuyên truyền trong các cấp hội có hiệu quả nhất định”, chị Bảng phân tích.

Chị Hồ Thị Lai, Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang cũng cho rằng, việc tuyên truyền Luật Giao thông ở trong các chị em sẽ có hiệu quả gấp 2-3 lần, bởi các chị sẽ là người truyền đạt kiến thức cho chồng, con, anh em trong gia đình. Ngoài ra, các tiểu phẩm về an toàn giao thông mà các chi hội phụ nữ chuẩn bị trong những hội thi, ngày hội văn hóa cũng mang hiệu quả nhất định, vì nó đề cập đến những tình huống cụ thể trong tham gia giao thông.

“Làm thế nào để thay đổi ý thức khi tham gia giao thông trong đoàn viên thanh niên” cũng là điều trăn trở của những bạn làm công tác tuyên truyền này ở các cấp cơ sở Đoàn. Anh Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Quận Đoàn Hải Châu cho rằng, công tác tuyên truyền ý thức giao thông, văn hóa giao thông phải bắt đầu từ các em học sinh tiểu học, chứ không phải chờ các em lớn lên, chủ động tham gia giao thông mới tuyên truyền, từ đó mới hình thành ý thức, kỹ năng cho các em.

Và sắp tới, Quận Đoàn sẽ tổ chức Ngày hội văn hóa giao thông lần 2 (lần 1 được tổ chức vào tháng 4-2016 tại khu vực phía tây cầu Rồng), xây dựng các tình huống giao thông thực tế để những bạn trẻ tham gia ngày hội hiểu hơn việc tham gia giao thông, xây dựng ý thức, văn hóa khi đi đường…   

Bên cạnh đó, hiện nay, tại các khu dân cư, các tộc họ ở huyện Hòa Vang đều xây dựng quy ước, kêu gọi sự nhường nhịn khi tham gia giao thông, đó là cả văn hóa ứng xử trên đường phố. Từ đó góp phần hình thành nên nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.