Chia sẻ thực phẩm sạch

.

Ban đầu là chọn cho nhà mình dùng, chủ yếu là thực phẩm, nông sản ở quê có nguồn gốc rõ ràng, sạch, sau thấy có nhiều người quan tâm đến thực phẩm sạch, nhiều chị đưa hàng lên trang facebook cá nhân rồi trở thành “đại lý” cung cấp luôn thực phẩm, mùa nào thức ấy. Cách làm này diễn ra ở khắp các thành phố lớn nhỏ khắp cả nước, riêng Đà Nẵng có cả chục địa chỉ kinh doanh như vậy.

Mỗi tuần, chị Liên bán từ 50-60 lít nước mắm cho khách hàng của mình qua facebook. Ảnh: H.N
Mỗi tuần, chị Liên bán từ 50-60 lít nước mắm cho khách hàng của mình qua facebook. Ảnh: H.N

Nhờ “lợi thế sân nhà”

Khoảng 3 năm trở lại đây, từ nhu cầu được sử dụng thực phẩm sạch của người thành thị khiến nguồn hàng có xuất xứ từ các miền quê ngày càng nhiều ở các chợ lớn, nhỏ trong thành phố. Từ cá, tôm sông, gà quê, rau quê, đến chanh, cam, ổi… đều được người bán giới thiệu hàng quê.

Đúng là hàng từ quê thật, vì người bán từ nơi khác đến, mẫu mã hàng hóa chẳng lấy gì làm đẹp (tiêu chí mà nhiều người đánh giá là ít có sự can thiệp của hóa chất làm rau củ tươi, xanh mướt). Nhưng hàng bán ở chợ gọi là hàng quê thì người dùng cũng không biết xuất xứ rõ ràng, vì có người cho rằng, chính ở quê thì có hiện tượng luống rau trồng cho nhà ăn khác hẳn rau bán ra chợ, nên bà nội trợ vẫn không thể nào yên tâm.

Thế là những chị em được nhận đồ ăn ở quê gửi vào, từ gạo, thịt, đến rau củ, do bố mẹ ở quê trồng được, trở nên “có đẳng cấp” hơn hẳn những gia đình trong xóm. Bởi thực phẩm được cung cấp từ chính người thân thì không còn lo về nguồn gốc xuất xứ, lại có phần ngon hơn đồ ăn mua từ chợ do rau củ không “dính” hóa chất nên để được lâu hơn.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hà (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) có ba mẹ quê ở huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, bảo: Tuần nào chị hoặc chồng cũng ra bến xe lấy đồ ăn ngoài quê gửi vào. Rau, củ thì ông ngoại trồng, còn thịt thì phải dặn những nhà cùng xóm nuôi heo sạch (cho ăn rau, cám gạo, tuyệt đối không ăn các loại bột có sẵn và thức ăn tăng trọng) lúc nào họ mổ thì mình chia phần; gà, vịt cũng mua ở quê. Đợt nào rau ít quá thì chị mua ở siêu thị, rau củ có xuất xứ rõ ràng.

Chị Nguyễn Thị Lệ (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho biết, khoảng 2-3 năm nay chị không còn mua thịt heo hay rau quả ở chợ, “thỉnh thoảng kẹt quá thì mua thịt ở người quen, chị ấy bán thịt heo lấy ở quê ra, nhưng mình vẫn không yên tâm lắm. May là ở gần nhà có một chị chuyên bán thịt heo lấy từ một đơn vị quân đội, nuôi bằng rau, cơm, nên dù có đắt hơn chợ một chút mình vẫn mua”. Hầu hết những người mua hàng ở chợ đều chọn mua ở hàng quen, chọn cá lưới do ngư dân đánh gần bờ chứ không dám ăn cá to sợ tàu đi xa lâu ngày ướp đá lạnh thì chất lượng cá giảm, hay như năm ngoái nhiều chị chỉ dám mua cá sông do sợ cá biển ô nhiễm từ sự cố Formosa…

Quan tâm đến thực phẩm sạch, trước hết các bà nội trợ nghĩ sáng nay mua gì và ở đâu để tốt cho sức khỏe, tránh các tác hại từ các hóa chất độc hại đến từ môi trường nuôi trồng hay chất bảo quản do con người tạo ra. Cho đến việc tìm hiểu về nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm, nhờ đó nhiều chị em, chủ yếu là giới công chức, tuổi từ trên 20 cho đến dưới 50 quan tâm nhiều hơn đến thực phẩm sạch (khảo sát sơ bộ này có từ khách hàng của các bạn bán hàng qua facebook-PV).

Chị Vũ Thị Nhị Hường (fb Huong M…) cho biết, chị bán nhiều thủy hải sản do nhà mình có tàu đánh bắt ở Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) và thu mua thêm hải sản vùng nước ngọt, nước lợ tại tỉnh Quảng Nam (chủ yếu), một ít lấy từ các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên.

“Mình nghĩ mình ăn như thế nào thì bán cho người dùng thế đó, và bán trên facebook nên cũng chủ yếu là người quen, bạn bè. Nên những mặt hàng của mình phải đảm bảo đạt kích thước cho phép, có chất lượng tốt và thời gian từ khi đánh bắt và chuyển tới tay người tiêu dùng ngắn để đảm bảo độ tươi ngon nhất nhưng chỉ bằng biện pháp bảo quản tự nhiên”.

Chị Nguyễn Thị Liên (fb Phuonglien N…) cho biết quê mình ở huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, bố mẹ có 10ha đất trồng cam, chanh và một vài thứ quả khác nên chị bán cam dùm bố mẹ gần 6 năm nay, chủ yếu bán cho đồng nghiệp, người quen, và chỉ mới đưa các sản phẩm lên facebook giới thiệu rộng rãi hơn 3 năm nhưng đã có đến hơn 1.000 khách hàng thường xuyên.

Cửa hàng trực tuyến

“Ban đầu mình nghĩ không buôn bán làm gì, thực phẩm sạch chỉ để gia đình ăn. Nhưng đồ ăn ở quê gửi vào nhiều nên đôi khi mình chia cho mấy chị em ở cơ quan, mọi người ăn thấy ngon, lại biết là hàng sạch nên gửi tiền nhờ mua dùm. Có người còn mua làm quà gửi nội, ngoại. Mình bán ít thôi, chủ yếu là nông sản ở quê, đến mùa mới có, và không chỉ thực phẩm cho đồng nghiệp, mình còn bán cho rất nhiều khách hàng khác trên mạng nữa”, chị Thu Nga, một người bán hàng trên mạng cho biết.

Vì là hàng nông sản theo mùa nên trang facebook với phần bán hàng của chị Nga không chuyên nghiệp lắm, bù lại chị có nhiều đơn hàng gửi đi Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, bán các mặt hàng như tiêu đen, bột sắn dây, tinh bột nghệ, cam Hải Lăng, nước mắm sản xuất thủ công.   

Chị Nguyễn Thị Liên cho biết, với 10ha trồng cam, chanh của bố mẹ, như năm ngoái chị bán được 35 tấn cam. “Mùa này là mùa chanh đào, ban ngày đi làm, buổi tối em ở nhà gọt chanh ngâm mật ong cho khách đặt. Gần như quanh năm lúc nào cũng bán hàng, nhận được phản hồi ưng ý của khách hàng là vui nhất. Rồi tranh thủ ngoài giờ làm thì đi giao hàng, miễn phí ship nên em xem như lấy công làm lãi là chính. Hết bán chanh, ổi, thì sẽ sang mùa cam, quýt.

Bố mẹ đang trồng thử nghiệm giống cam cho thu hoạch sau vụ Tết và cả mùa hè, trồng thêm bơ nên sắp tới em sẽ có hàng quanh năm. Hơn một năm nay em có thêm mặt hàng nước mắm do dì của chồng ở Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) làm, năm ngoái khách hàng đặt hơn 1.000 lít…”, chị Liên cho hay. 

Hơn 1.000 khách hàng thường xuyên sau 3 năm bán hàng rộng rãi, chị Liên chia sẻ là mình đã giúp bố mẹ tăng thêm 40% giá trị mặt hàng nếu so với chỉ bán ở quê: “Bán hàng qua facebook giúp mình tranh thủ thời gian chuyển hàng, lượng khách cũng nhiều lên nhờ kết bạn, nhờ người này giới thiệu cho người kia và tìm kiếm khách hàng cũng dễ dàng hơn”.

Chị Nhị Hường thì cho rằng, mình bán nhiều mặt hàng tươi sống nên khâu kiểm soát luôn được thực hiện ít nhất 2-3 lần trước khi tới tay người tiêu dùng. Tiêu chí của chị là sản phẩm nguồn gốc sạch, lành, bảo quản tự nhiên, khi tới tay khách hàng vẫn đảm bảo tươi, ngon.

“Việc phải liên lạc với nhiều nguồn nguyên liệu đầu vào từ những nơi gốc tự nhiên, cộng với thực hiện bảo quản theo cách tự nhiên và an toàn nhất luôn là áp lực lớn đối với bán hàng online. Nhưng khi đã quản lý tốt đội ngũ thu gom và kiểm soát thì khâu bán hàng online chưa bao giờ là nặng cả. Lợi thế bán hàng online là tiết kiệm chi phí, chi phí quản lý, linh hoạt thời gian, kết nối với khách hàng 24/24. Và với động lực là lời khen của khách hàng, lời khen của gia đình là động lực cho em tiếp tục con đường của mình”, chị Hường cho biết.

Cả chị Liên và chị Nhị Hường đều mong muốn, nếu có điều kiện sau này sẽ mở cửa hàng bán thực phẩm sạch. Do nguồn cung hiện nay chưa lớn, vì các mặt hàng tự nhiên luôn có giới hạn, theo mùa nên đối tượng khách hàng của các chị vẫn chủ yếu là trên facebook. Nếu số lượng người tiêu dùng quan tâm đếm thực phẩm sạch nhiều hơn, chắc chắn những địa chỉ bán hàng, những cửa hàng thực phẩm an toàn sẽ xuất hiện ngày một nhiều cho các chị em nội trợ lựa chọn.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.