Nghề bếp: Cung không đủ cầu

.

Khi hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ mát phát triển không ngừng theo ngành du lịch thì nhu cầu nhân sự trong lĩnh vực đầu bếp chưa bao giờ đủ. Số lượng đầu bếp được đào tạo bài bản đáp ứng yêu cầu chuyên môn của nhà tuyển dụng còn rất ít.

Học viên VAVC thực hành nghề bếp với thầy giáo – chuyên gia ẩm thực nước ngoài.
Học viên VAVC thực hành nghề bếp với thầy giáo – chuyên gia ẩm thực nước ngoài.

Ông Đặng Phúc Sinh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng (CĐ) Nghề Việt - Úc (Vietnamese Australian Vocational College - VAVC) nhận định: Để trở thành một đầu bếp giỏi, đủ chuyên môn, kỹ năng và bản lĩnh, cần trang bị cho mình những yếu tố căn bản như: Tiếng Anh chuyên ngành cho đầu bếp, tính thẩm mỹ, kỹ năng làm việc nhóm, óc sáng tạo,… đặc biệt không thể thiếu là sức khỏe bền bỉ, dẻo dai và tinh thần quyết tâm, ý chí cầu tiến.

Tay nghề + ngoại ngữ = việc làm

Những ngày này, chị Nguyễn Thị Điệp Nữ, Chef de Partie của khu nghỉ dưỡng 5 sao Hyatt Regency Danang Resort & Spa bận rộn hơn so với lúc trước. Chef de Partie là thuật ngữ tiếng Anh, nghĩa là bếp chính hoặc tổ trưởng của một tổ nấu ăn, chỉ xếp sau bếp phó. Trong nghề bếp, đây là một vị trí vô cùng quan trọng vì không chỉ phải quán xuyến tất cả công việc (như chuẩn bị món, nấu sốt, rồi ra món...) mà còn phải có kỹ năng rất tốt về nấu ăn, vệ sinh an toàn thực phẩm, tổ chức khu vực làm việc.

Những ngày thường, việc kiểm tra an toàn thực phẩm ở khu nghỉ dưỡng bên bờ biển Non Nước, quận Ngũ Hành Sơn này vốn đã khắt khe, thời gian chuẩn bị cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 lại càng khắt khe hơn - chị Nữ cho biết.

Chị phụ trách tiếp nhận các loại thực phẩm từ các đơn vị cung ứng, nếu không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng thì chị dứt khoát từ chối. Với các loại thực phẩm tươi sống như thịt, cá, nếu không đủ độ lạnh theo tiêu chuẩn quy định thì cũng không “có cửa” để vào. Ngay cả các loại thực phẩm, hàng hóa trong kho đều ghi tên nhãn mác, ngày tháng sử dụng rõ ràng, cụ thể.

Chị Nữ mê bếp núc từ nhỏ, đăng ký thi vào nghề bếp nhưng ba mẹ không đồng ý vì cho rằng nghề này không có tương lai, lại cực khổ, vất vả. Chị đậu cao đẳng nghề bếp, nhưng nghe tin VAVC (lúc đó còn là trường trung cấp) có dạy nghề bếp nên đăng ký đi học, được xếp vào khóa Trung cấp Bếp 03.

Năm 2008, chị tốt nghiệp loại giỏi, trước đó được trường cử đi thực tập 3 tháng ở The Nam Hải, nhưng mới một tháng đã được chính thức nhận vào làm ở khu nghỉ mát 5 sao này. Sau đó chị chuyển qua Vinpearl Đà Nẵng Resort làm bếp một thời gian, đến năm 2011 về Hyatt Danang làm Chef de Partie kiêm trợ lý thư ký bếp.

Chị nhớ lại: “Lúc mới đến The Nam Hải, nhờ có khả năng nói tiếng Anh tương đối trôi chảy nên em làm việc trực tiếp với hai sếp, một người Hà Lan, một người Thụy Sĩ. Có lẽ ngoài tay nghề thì kỹ năng ngoại ngữ đã giúp em nhanh chóng có được việc làm”.

Thông tin bài viết “Thêm 200.000 cử nhân thất nghiệp trong năm 2017” trên vietnamnet.vn ngày 13-2-2017 cho thấy hiện có khoảng hơn 100.000 cử nhân đang làm những công việc đơn giản, không yêu cầu bằng cấp; dự kiến trong năm 2017 sẽ có thêm gấp đôi số đó cử nhân thất nghiệp.

Thế nhưng, chỉ với tấm bằng trung cấp, Nguyễn Thị Điệp Nữ đã có được việc làm ổn định gần 10 năm rồi. Vấn đề không phải ở bằng cấp mà là biết chọn cho mình một nghề thích hợp xã hội đang cần, rất cần. Thực tế “bùng nổ” du lịch ở Đà Nẵng đã tạo nên sức hút mạnh mẽ cho nhân lực nhiều ngành nghề, đặc biệt là nghề đầu bếp.

Nghề bếp với ngành công nghiệp không khói

Ở Đà Nẵng, các cơ sở dạy kỹ thuật nấu ăn và chế biến thức uống chuyên nghiệp có thể đếm trên đầu ngón tay: Ngoài VAVC có Trường CĐ Nghề du lịch Đà Nẵng (số 68 Lê Đình Dương), Trường Dạy nghề Ẩm thực Netspace (số 3 Phan Thành Tài), Trung tâm Hướng nghiệp Á Âu (288 Điện Biên Phủ),...

Tháng 1-2013, VAVC đã được Bộ GD&ĐT nâng cấp lên cao đẳng nghề để mở rộng quy mô đào tạo, nhằm góp phần cung cấp đủ số lượng và chất lượng nhân lực đang thiếu hụt trầm trọng trong ngành “công nghiệp không khói” tại Đà Nẵng.

Trong 10 năm qua, gần 3.500 học viên VAVC ở các hệ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp ra trường. Hiệu trưởng Đặng Phúc Sinh cho biết, khắp các tỉnh, thành trên cả nước đều có học viên của VAVC làm việc trong các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng; đặc biệt tập trung đông nhất là tại Đà Nẵng và Hội An; trong đó có đầu bếp Lê Quang Trí (lớp Trung cấp Bếp 01) hiện là Chủ nhiệm CLB Đầu bếp chuyên nghiệp Đà Nẵng.

Trường Dạy nghề ẩm thực Netspace mới đi vào hoạt động ở Đà Nẵng hơn 4 năm nay. Theo Giám đốc Lý Tiên Sinh, trường đã đào tạo hàng trăm khóa học với hàng ngàn học viên, trong đó 70% tổng số học viên là đầu bếp. Đối với trước và trong sự kiện APEC 2017 lần này, trường cung ứng hàng trăm học viên cho các nhà hàng khách sạn, khu nghỉ mát hiện tại trên địa bàn Đà Nẵng.

Về nhân lực hiện nay của nghề đầu bếp cung ứng cho ngành du lịch Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng, ông Lý Tiên Sinh nhận xét:

“Chúng tôi thấy ngành Du lịch Việt Nam mỗi năm đều có những chiến lược thu hút khách du lịch, và thành phố Đà Nẵng cũng vậy. Du lịch ngày càng phát triển mạnh, du khách đến Đà Nẵng không chỉ vì những địa điểm đẹp mà còn vì những món ăn đặc sản hấp dẫn. Chính vì vậy, nguồn nhân lực của nghề bếp luôn sôi động, các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ mát liên tục cần tuyển dụng các bếp trưởng, phụ bếp chuyên nghiệp. Thế nhưng, nguồn cung ứng từ các trường dạy nghề bếp như chúng tôi, cứ đến “mùa du lịch”, nhất là APEC 2017, thì lượng cung không đủ cầu”.

Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 sắp diễn ra sẽ là cơ hội quảng bá cho nhiều ngành nghề của ngành “công nghiệp không khói”, đặc biệt là nghề đầu bếp – nghề làm nên những món ăn ngon về chất lượng và đẹp về hình thức.

Ở Đà Nẵng, với tốc độ phát triển nhanh hiện nay của các khu nghỉ mát, khách sạn dẫn đến tình trạng cung không đủ cầu; thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng, thái độ và kiến thức chuyên môn. Trong khi đó các cơ sở đào tạo nghề về du lịch mỗi năm chỉ cung cấp khoảng 600 người (chiếm khoảng 3/5 nhu cầu thực tế).

Hiện nay, hầu hết các đầu bếp chính trong các khu nghỉ dưỡng, khách sạn lớn (từ 4 sao trở lên) đa số đều là người nước ngoài. Thực trạng này là do một bộ phận các đầu bếp Việt chưa thực sự đáp ứng được trình độ chuyên môn, tay nghề cũng như sự nhạy bén, tính độc lập, sáng tạo trong môi trường làm việc hội nhập quốc tế. Vì vậy, các đầu bếp Việt Nam cần nhận thức và rèn luyện nhiều hơn nữa để nâng cao tay nghề và khẳng định khả năng của mình trên trường quốc tế”.

Ông Đặng Phúc Sinh, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Việt - Úc

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.