Nhàu và Nhàu rừng

.

Cách đây hơn mười năm, khi cơn bão kinh doanh truyền tiêu đa cấp tràn vào nước ta, có một sản phẩm nước trái cây nước ngoài được thổi phồng là “thần dược trị bá bịnh”, từng làm mưa làm gió trên thị trường với giá bán đến 700.000 - 800.000 đồng một chai 750ml. Một bệnh nhân đã đem sản phẩm này cho tôi xem, thì ra là nước ép quả cây Nhàu, tên khoa học Morinda citrifolia L., thuộc họ Cà phê – Rubiaceae, vốn mọc hoang và được trồng khá phổ biến ở nước ta.

Nhàu - Morinda citrifolia (ảnh trái) và Nhàu rừng - Morinda longissima. Ảnh: P.C.T
Nhàu - Morinda citrifolia (ảnh trái) và Nhàu rừng - Morinda longissima. Ảnh: P.C.T

Nhàu còn gọi Nhàu ta, Nhàu lớn, là cây gỗ nhỡ, thân cành nhẵn, cành non có 4 cạnh rõ. Lá mọc đối, hình bầu dục rộng, ít khi bầu dục thuôn, có góc ở gốc, có mũi nhọn ngắn, nhọn hoặc tù ở chóp, dài 12-30cm, rộng 6-15cm, bóng loáng, dạng màng. Hoa trắng, hợp thành đầu, đường kính 2-4cm. Quả nạc, gồm nhiều quả mọng nhỏ, màu vàng lục nhạt, bóng, dính với nhau, chứa mỗi cái 2 hạch có 1 hạt. Hạt có phôi nhũ cứng.

Nhàu là loài thường gặp mọc hoang ở nhiều nơi, cũng được trồng khá phổ biến ở Việt Nam. Còn có ở Ấn Độ, Mianma, các nước nhiệt đới châu Á và Australia.

Để làm thuốc người ta thường dùng rễ, quả, lá và vỏ cây. Có thể thu hái các bộ phận của cây quanh năm. Rễ và quả thường được sử dụng nhiều nhất, phơi hay sấy khô, các bộ phận khác dùng tươi.
Phân tích thành phần hóa học cho thấy: Rễ chứa glucosid anthraquinonic gọi là morindin, có tinh thể màu vàng cam tan trong nước sôi. Còn có một hỗn hợp anthraglucosid như damnacantal, chất l-metoxyrubiazin, chất morindon và chất l-oxy-2,3-dimetoxy-anthraquinon. Lá cũng chứa chất morindin.

Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam, rễ cây Nhàu có tác dụng nhuận tràng nhẹ và kéo dài, lợi tiểu nhẹ, làm êm dịu thần kinh trên thần kinh giao cảm, hạ huyết áp. Quả cũng có tính nhuận tràng và lợi tiểu. Lá có tác dụng làm tăng lực và hạ sốt, làm dịu và điều kinh.

Rễ Nhàu được dùng chữa cao huyết áp, chữa nhức mỏi tay chân và đau lưng, sài uốn ván. Nhân dân thường dùng rễ để nhuộm đỏ vải lụa. Lá Nhàu dùng chữa lỵ, ỉa chảy, cảm sốt. Lá nhàu non nấu canh với lươn, thịt bò bồi bổ cho người vừa lành bệnh, người bị suy nhược cơ thể rất hiệu quả, nhanh hồi phục sức khỏe. Dùng ngoài giã đắp làm lành vết thương, vết loét làm chóng lên da non. Dịch lá được dùng đắp trị bệnh viêm khớp gây đau nhức. Vỏ nấu nước dùng cho phụ nữ sau khi sinh uống bổ. Quả Nhàu chấm với muối ăn làm dễ tiêu hoá, còn dùng làm thuốc điều kinh, trị băng huyết, bạch đới. Quả nướng chín ăn chữa kiết lỵ, ho hen, cảm, dùng tốt cho người bị bệnh đái đường và phù thũng. Liều dùng: quả và rễ 30-40g; lá 8-10g.

Đơn thuốc:

1. Chữa huyết áp cao: Dùng 30-40g rễ Nhàu sắc uống hàng ngày thay Chè, sau 15 ngày sẽ thấy kết quả, sau đó dùng bớt liều, uống liên tục vài tháng thì huyết áp ổn định. Có thể nấu thành cao, hoặc thái nhỏ, sao vàng ngâm rượu uống.

2. Trị đau lưng, nhức mỏi chân tay: Rễ Nhàu hay quả Nhàu non, thái miếng, ngâm rượu uống dần, ngày uống một chén con.

3. Bồi bổ sức khỏe, điều hòa huyết áp, tăng cường khả năng miễn dịch, phục hồi các tế bào bị thương tổn suy yếu, chống viêm nhiễm, giảm đau nhức mệt mỏi cơ thể: Lấy quả nhàu gần chín rửa sạch, để ráo, xắt lát, trộn theo tỷ lệ 1kg nhàu với 3 lạng đường cát, sau 15 ngày ép lấy nước uống dần, mỗi bữa ăn chừng hai ly nhỏ.

Xin nói thêm, ngoài loài Nhàu nói trên, chúng tôi đã điều tra tại Đà Nẵng còn có phân bố loài Nhàu rừng, còn gọi là Nhó đông, tên khoa học Morinda longissima Y.Z. Ruan, mọc hoang rải rác trong rừng thường xanh thứ sinh ở Hòa Khương, Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Bắc.

Theo kinh nghiệm một số thầy thuốc nam địa phương, thường dùng Nhàu rừng thay thế Nhàu ta chữa bệnh thấp khớp, cao huyết áp. Ngoài ra, theo một thành viên trong đoàn điều tra là PGS.TS Nguyễn Tập ở Viện Dược liệu, cho biết đồng bào Thái, Mường ở các tỉnh Tây Bắc thường sử dụng rễ Nhàu rừng làm thuốc chữa bệnh viêm gan. Công dụng này được nghiên cứu chứng minh bởi một luận án tiến sĩ Dược học từ năm 2005. Hy vọng các thầy thuốc ở Đà Nẵng sẽ bổ sung kinh nghiệm ứng dụng này.

PHAN CÔNG TUẤN

;
.
.
.
.
.