Sổ làng qua tám đời vua

.

Tại nhà ông Dương Văn Dục, cư dân thôn Tịch Đông, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, hiện còn lưu nhiều văn bản chữ Nho có “niên đại” từ năm 1940 trở về trước, trải dài từ thời Gia Long đến thời Bảo Đại, thể hiện nhiều mặt sinh hoạt của một ngôi làng cụ thể ở vùng ven sông Tam Kỳ thời phong kiến.

Ông Dương Văn Dục giới thiệu bộ tư liệu ở thôn Tịch Đông, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.Ảnh: P.B
Ông Dương Văn Dục giới thiệu bộ tư liệu ở thôn Tịch Đông, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.Ảnh: P.B

Sổ bộ xưa nhất tìm thấy trong bộ tư liệu nói trên được lập vào ngày 14 tháng 12 năm Bính Dần - 1806 (niên hiệu Gia Long thứ 5). Qua văn bản này có thể biết được hai chi tiết: (1) thôn Tịch Đông đầu thời Gia Long có tên là Tịch An Đông phường, phường này thuộc tổng Ngọc Sơn, tổng này lại lệ vào một đơn vị hành chính lớn hơn là “thuộc Chu Tượng”, thuộc (bấy giờ tương đương đơn vị huyện) này lệ vào phủ Thăng Hoa - là phủ phía nam tỉnh Quảng Nam; (2) Nội dung của sổ bộ thuế nói trên liệt kê các hạng dân, số tiền thuế mà từng người cụ thể phải nạp trong từng hạng. Qua đó biết sự phân chia thành phần dân cư chính thức để đóng thuế hoặc miễn nạp thuế của phường gồm Tráng hạng, Quân hạng, Dân phụ, Bất cụ, Phế hạng, Thỉnh sai các hạng, Lính phụ, Lão nhiêu, Nhiêu tật - đó là chưa kể người có tên trong lần làm sổ trước, sau đó đã chết cũng được kê vào Tử hạng

Một sổ bộ xưa khác được lập ngày 12 tháng 2 âm lịch năm Gia Long thứ 7 (1804) có ghi 12 tên dân đinh của làng đi lính - trong đó có mấy người đóng quân ở rất xa (lưu thú). Ở phía bắc họ làm lính ở các nơi như: trấn Sơn Tây (Nguyễn Văn Tường thuộc “Tiền quân hậu đồn tinh binh tải vũ nhất đội”), Bắc Thành - Hà Nội (Nguyễn Văn Bạch, Nguyễn Văn Phái thuộc “Tiền quân hậu vệ đội Cai đội phụng suất”), trấn Thanh Hóa (Huỳnh Công Quán lĩnh chức Ngũ trưởng thuộc quân số của “Tả doanh Thần vệ”). Ở phía nam có Huỳnh Văn Văn đóng quân ở thành Gia Định với tên đơn vị quân ngũ được ghi là “Trung quân tả đồn Chấn Hùng vệ - lưu thú Gia Định trấn”. Qua chi tiết này, có thể biết, vào đầu thời Gia Long, vẫn còn nhiều dân đinh ở các làng miền Trung đi lính vẫn chưa được giải ngũ sau khi cuộc chiến giữa Nguyễn Ánh với Tây Sơn chấm dứt và vẫn còn đóng quân ở những đơn vị hết sức xa xôi từ Nam đến Bắc.

Sổ bộ năm 1804 nêu trên vẫn còn ghi địa hiệu là “Thăng Hoa phủ, Chu Tượng thuộc, Ngọc Sơn tổng, Tịch An Đông phường”. Phường này đã được mô tả khá rõ trong Địa bạ của triều Nguyễn lập cuối thời Gia Long với đông tây tứ cận y như vị trí của Tịch An Đông xã được ghi nhận trong cuốn sổ bộ của xã lập năm Minh Mệnh thứ 7 (ngày 29-10-1826) và bản khai nạp thuế của lý trưởng xã này vào thời điểm  năm Minh Mệnh thứ 17 (ngày 29-10-1836). Như vậy, đến khoảng trước tháng 10 năm 1826, “phường” đã đổi thành “xã” nhưng tên tổng, thuộc và phủ vẫn giữ nguyên như cũ.

Đến năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), địa hiệu của xã này được ghi như sau: “Thăng Hoa phủ, Quế Sơn huyện, Ngọc Sơn tổng, Tịch An Đông xã”. Đây là một căn cứ quan trọng để biết thời điểm chấm dứt của các “thuộc” - tên đơn vị hành chính trung gian giữa phủ và tổng; vốn đã được sử dụng từ thời các chúa Nguyễn trước đó - như Liêm hộ thuộc, Chu tượng thuộc, Hà bạc thuộc… Đây cũng là một căn cứ quan trọng để biết việc phân chia địa giới hành chính cuối thời Minh Mệnh ở Nam Quảng Nam rất khác so với việc phân chia địa giới hành chính có sự can thiệp của người Pháp vào đầu thế kỷ XX.

Sổ bộ của xã năm Thiệu Trị thứ 5 lập ngày 29-4 năm Ất Tỵ (1845) cho biết ngoài các hạng dân được kê như các thời trước còn có một hạng đặc biệt. Đó là những người trong xã được tuyển vào phục vụ tại “Kiên Chu tượng cục” thuộc đội Kiên Chu - một đội thuyền quan trọng giữ việc tuần tra bờ biển của tỉnh Quảng Nam - trực thuộc Vệ Quảng Nam Hữu Thủy. Kiên Chu tượng cục có lẽ là một tổ chức (cục) tập hợp các người thợ (tượng) chuyên đóng và sửa chữa tàu thuyền. Tên của tượng cục này đã được nhắc sơ lược trong các văn bản thời Gia Long và Minh Mệnh đã nêu trên; nhưng chỉ đến cuốn sổ bộ thời Thiệu Trị này, tên tuổi cụ thể của các người thợ ở xã Tịch An Đông phục vụ trong các đội thuyền vùng biển tỉnh Quảng Nam mới được nhắc đến - trong đó ghi cả chức vụ và niên canh (số tuổi đang có); ví dụ như ông Nguyễn Văn Tráng được ghi là Đội trưởng đội số Sáu của Vệ Quảng Nam Hữu Thủy, tuổi Kỷ Mùi, vào năm lập sổ bộ này đã “tứ thập thất tuế” (47 tuổi).

Các chi tiết trong cuốn sổ năm Thiệu Trị thứ 5 được lặp lại khá nguyên vẹn trong cuốn sổ năm Thiệu Trị thứ 6 lập ngày 29-10 năm Bính Ngọ (1846); cũng đóng dấu xác nhận của Quảng Nam Bố chính sứ ty. Qua đó, có thể biết các Ty Bố chính của các địa phương thời Nguyễn có nhiệm vụ khảo sát tình hình dân binh (mà sử gọi là duyệt tuyển) để lập sổ đinh nhằm phục vụ việc trưng binh, việc sưu dịch, việc thuế má và nhiều việc khác. Hai cuốn sổ bộ nói trên được ghi là lập theo lệnh của “Thự Nam Ngãi tuần phủ Ngụy”. Tra trong sách Đại Nam thực lục, được biết vị “thự tuần phủ Ngụy” đó là ông Ngụy Khắc Tuần - nguyên Bố chính Hưng Hóa được vua Thiệu Trị cử vào làm quyền phụ trách tuần phủ (thự) ở hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi vào tháng Giêng năm 1843; đến tháng 5 năm 1846 mới được cử làm Tuần phủ chính thức của hai tỉnh này.

Ở Tịch Đông, còn lưu 5 văn bản lập vào các năm từ 1870 đến 1874 trong đó cuốn sổ bộ lập vào ngày 30-10-1870 (Kỷ Tỵ - Tự Đức thứ 23) chứa đựng nhiều chi tiết rất đáng được tham khảo. Đầu tiên là địa hiệu: Các văn bản này đều ghi xã Tịch An Đông trực thuộc tổng Ngọc Sơn, huyện Quế Sơn, phủ Thăng Bình; (qua đó có thể biết, đến thời Tự Đức, tên phủ Thăng Hoa xưa đã đổi thành phủ Thăng Bình). Thứ đến là danh sách người trong xã tham gia “Kiên Chu tượng cục”: danh sách này chỉ có 11 người - ít hơn danh sách ở sổ bộ các triều vua trước. Số lượng lính thợ đóng thuyền (chu tượng binh) không nhiều đó cho thấy, vào thời Tự Đức, việc huy động dân cư ở các làng chuyên đóng thuyền (Chu tượng) vùng nam Quảng Nam đã nhẹ nhàng hơn.

Còn tìm thấy trong Bộ tư liệu ở nhà ông Dương Văn Dục các cuốn sổ liên quan đến nhiều mặt sinh hoạt của làng qua các đời vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại (từ văn bản lập năm Thành Thái thứ 8 (1896) đến văn bản lập năm Bảo Đại thứ 13 (1938). Qua đó, có thể biết, đến đầu thế kỷ XX, địa hiệu của “làng đóng thuyền” này đã thay đổi và được ghi là “Tam Kỳ phủ, Hà Đông huyện, An Hòa tổng, Tịch An Đông xã”. Cùng với sự thay đổi ấy, các hoạt động có liên quan đến “Chu tượng” cũng không còn thấy ghi nhận. Mọi sinh hoạt, giao dịch thể hiện trong các văn bản còn lại cho thấy nghề nghiệp chính của cư dân xã/làng Tịch An Đông (sau đổi là Tịch Đông - văn bản ngày 14-5 năm Mậu Dần 1938) là nông nghiệp.

PHÚ BÌNH

;
.
.
.
.
.