Trò chơi dân gian

.

Trò chơi dân gian (TCDG) đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân nước Việt. Những TCDG này luôn được lưu giữ trong ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ người Việt cộng cư dọc miền duyên hải Đà Nẵng với các trò chơi đậm tính đặc trưng của vùng biển như: thi bơi biển, đua thuyền trên cát, lắc thúng, đan lưới, chạy tiếp sức trên bãi biển hay thi gánh cá…

Thi lắc thúng trên biển ở Đà Nẵng.Ảnh: V.T.B
Thi lắc thúng trên biển ở Đà Nẵng.Ảnh: V.T.B

Nét đẹp văn hóa truyền thống

Có thể nói, các bậc tiền bối của cư dân vùng đất này đã sáng tạo ra nhiều TCDG cùng với những sinh hoạt dân gian khác, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng và độc đáo của văn hóa truyền thống dân tộc. Các trò chơi thường được tổ chức, phục dựng nghiêm túc, diễn ra trong khuôn khổ các lễ hội dân gian hoặc hiện đại, tạo nên nét đặc trưng tiêu biểu, làm khởi sắc đời sống văn hóa tinh thần của cư dân Đà Nẵng. Trong đó, một bộ phận của TCDG là đồng dao, cùng hát trong lúc vui chơi, nhằm thỏa mãn tính hiếu động và nhu cầu phát triển tâm - sinh lý tuổi thơ, đồng thời nội dung câu hát giúp các em hiểu biết thêm về thiên nhiên, xã hội.

Trẻ em Đà Nẵng xưa cứ hồn nhiên lớn lên cùng những trò chơi dân dã rất có ý nghĩa trong quá trình vừa chơi vừa học, để dần dần vun dắp tâm hồn trẻ thơ và hình thành nhân cách sống khi trưởng thành. Bên cạnh các trò chơi đồng dao trẻ thơ, còn có các trò chơi dành cho người lớn được tổ chức với hình thức các cuộc thi đậm tính cách đặc trưng của cư dân Đà Nẵng nhằm khích lệ người chơi tham gia. Trong các lễ hội dù tính chất dân gian hay hiện đại, cùng với phần lễ thì phần hội luôn thu hút sự tham gia đông đảo của người dân địa phương và du khách đến từ mọi miền đất nước, do các trò chơi khá phong phú, tạo hứng khởi cho người chơi và người xem. Ngoài việc khuyến khích rèn luyện sức khỏe, còn thể hiện sự thông minh, khôn khéo của người chơi, gắn kết tình nghĩa xóm làng, nâng cao tinh thần cộng cảm của người dân xứ Quảng.  

Có những trò chơi đạt tới trình độ nghệ thuật cao, là tiền thân của các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống sau này. Trong đó, TCDG hô bài chòi cũng là khởi đầu cho loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo là kịch hát bài chòi. Có trò chơi chỉ mô tả các sinh hoạt đời thường của ngư dân như trò chơi gánh cá trên biển, miêu tả cuộc sống hằng ngày của cư dân ven biển: đàn ông đánh cá, phụ nữ chuyển đưa cá từ tàu về bến đi tiêu thụ tại các điểm bán cá sỉ, lẻ hoặc dọc ven bãi biển với các hải sản tươi ngon: tôm, cua, cá, mực... Ở trò chơi này, các thành viên tham gia chia thành từng đôi, vừa gánh vừa chạy thi với nhau. Nếu không có cá thì thay bằng những bao cát tượng trưng, nặng hàng chục kg… Thông qua các TCDG, mọi người cũng có thể hiểu hơn về cuộc sống sinh hoạt đặc trưng, tiêu biểu nhất đang diễn ra trên vùng đất mình sinh sống.

TCDG dành cho trẻ em thường bắt nguồn từ những bài đồng dao, một thể loại văn vần ngắn gọn, truyền miệng của trẻ thơ luôn gắn liền với trò chơi đậm tính tượng hình khá độc đáo của dân tộc. Đó là những bài ca có nhịp điệu đơn giản gieo vần tự do, có thể ngắn dài tùy theo tính chất của trò chơi hoặc lặp đi lặp lại không dứt, diễn ra như một bức tranh sinh động của cuộc sống. Những đàn trẻ nối đuôi nhau chơi trò rồng rắn lên mây, những em bé tay đong đưa, chân xắn cao quần nhảy lò cò, những quảy cá gánh uyển chuyển, những chiếc thuyền thúng nhẹ nhàng, chông chênh lướt sóng… như đưa nét đẹp văn hóa dân gian Đà Nẵng đến khắp năm châu, bốn biển.

Không để lãng quên

Trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra quá mạnh mẽ với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ làm mất dần không gian của trò chơi truyền thống và thay vào đó là các trò chơi điện tử vô cùng hiện đại, trẻ em không còn yêu thích các trò kéo co, nhảy dây, ô ăn quan, rồng rắn lên mây… nữa mà say mê lao vào các trò chơi giải trí trên mạng Internet như trò chơi trực tuyến…. Các trò chơi truyền thống của Việt Nam dần dần bị lãng quên, mai một, ngay cả ở vùng nông thôn.

TCDG dần dà chỉ còn là hoài niệm không phải vì nó cũ kỹ và kém thu hút mà chủ yếu là do chưa được lưu tâm phục hồi và phát huy trong cuộc sống hiện đại. Lớp người đi trước, tuổi ấu thơ và thời niên thiếu được vui chơi các TCDG nay đã là những bậc trung, cao niên, còn lớp trẻ, nhất là thanh thiếu nhi rất hiếm khi được tiếp xúc với TCDG, có nhiều em khi được hỏi đến, không khỏi ngỡ ngàng và không hình dung nổi trò chơi đó diễn ra như thế nào.

Những năm gần đây tại thành phố Đà Nẵng, TCDG lại được phục hồi tại các lễ hội, các cấp thẩm quyền cũng bắt đầu chú ý đến việc tổ chức các TCDG, nhà trường được khuyến khích tổ chức các TCDG mang tính giáo dục truyền thống tốt đẹp của ông bà xưa trong hoạt động ngoài trời, trong giờ sinh hoạt ngoại khóa, nhiều đơn vị sản xuất đồ chơi truyền thống cho trẻ thơ thay thế dần đồ chơi ngoại nhập và đạt được kết quả tích cực… Một khi TCDG được thường xuyên tổ chức thì nét đẹp văn hóa truyền thống này sẽ không bị mai một và chìm khuất vào quá khứ.

Thực tế cho thấy mọi lứa tuổi, nhất là trẻ em đều vui thích. Việc đầu tư TCDG không tốn nhiều chi phí. Đối với từng trò chơi chỉ cần cung cấp các vật dụng đơn giản như thi kéo co thì cần sợi dây, thi bịt mắt bắt dê thì cần chiếc khăn... Các trò chơi càng mang tính thi thố thì càng thu hút nhiều người tham gia và đông đảo người xem cổ động, hưởng ứng. Việc khôi phục lại các TCDG trên toàn thành phố Đà Nẵng, ở khu vực trung tâm đô thị như Hải Châu, khu ngoại ô như Cẩm Lệ, Hòa Vang, vùng ven biển như Liên Chiểu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn là nhu cầu hết sức cần thiết để sinh hoạt văn hóa cộng đồng phát triển hài hòa trong thời kỳ hội nhập, trong đó đặc trưng văn hóa truyền thống của Đà Nẵng lại được lan tỏa và phát triển rộng rãi đến mọi lứa tuổi.

Đối với vùng ven Đà Nẵng, trong các lễ hội như lễ cúng lăng ông, lễ cầu an, cầu ngư, lễ hội đình làng, văn hóa biển, chương trình Điểm hẹn mùa hè.., ngoài phần lễ, phần hội cũng được tổ chức tốt với những TCDG đa dạng, phong phú thu hút người dân mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi tham gia, như các trò chơi: vừa đi vừa nấu cơm, đập om, bịp mắt bắt dê, kéo co, ô ăn quan (ông làng), thi bơi biển, đua thuyền trên cát, lắc thúng, đan lưới, chạy tiếp sức trên bãi biển hay thi gánh cá…

Điều đáng mừng là hiện nay trong các giờ giải lao giữa các tiết học hay ngày hội văn hóa dân gian, các em thỉnh thoảng vẫn chơi các TCDG như: lò cò, ô ăn quan (ô làng), trốn tìm, chuyền thẻ, bắn bi… Điều này minh chứng rằng việc khôi phục và phát triển các TCDG là hết sức cần thiết, các trò chơi này không tốn kém nhiều về tài chính, song có ý nghĩa sâu sắc đối với xã hội. Các trò chơi không chỉ giúp cho người chơi rèn luyện thể chất, sự khéo léo và sức bền bỉ, chịu đựng mà còn góp phần giáo dục về tinh thần kỷ luật, tính tập thể, ý chí, khát vọng vươn lên giành chiến thắng.

Trong những thăng trầm suốt chiều dài lịch sử dân tộc, TCDG là cốt cách, là truyền thống tạo nên nét đẹp sâu sắc của văn hóa. Khi đã trưởng thành, TCDG là ký ức êm đềm gắn bó với những tháng ngày trẻ thơ hồn nhiên, trong sáng. Chính những giá trị văn hóa truyền thống ấy mới tạo nên nền tảng, nguồn gốc cho sự phát triển bền vững, trường tồn.

VĂN THU BÍCH

;
.
.
.
.
.