Về câu thơ "Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan"

.

* Có người cho rằng câu thơ “Nợ tình chưa trả cho ai/ Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan” là nói về một chuyện tình bên Trung Hoa. Thế nhưng cũng có người bảo đó là chuyện tình giữa chàng Trương Chi và nàng Mỵ Châu của nước Việt. Xin cho hỏi, sự thật là thế nào? (Hoàng Ngọc Anh, Thanh Khê, Đà Nẵng).

Hình ảnh minh họa ca khúc “Khối tình Trương Chi” của nhạc sĩ Phạm Duy. (Ảnh chụp từ Internet)
Hình ảnh minh họa ca khúc “Khối tình Trương Chi” của nhạc sĩ Phạm Duy. (Ảnh chụp từ Internet)

- “Nợ tình chưa trả cho ai/ Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan” là hai câu 709 và 710 trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Theo cuốn Điển tích Truyện Kiều của Tử Quang Nguyễn (NXB Tổng hợp Đồng Tháp, 1997), hai câu thơ này xuất xứ từ hai chuyện, một của Trung Hoa, một của Việt Nam.

Bên Trung Hoa, ở vùng Trúc Giang xưa có một chàng lái buôn tên Quan Diệp Nhược yêu một thôn nữ tên Tần Thúy Hải. Họ Quan đi buôn xa, mỗi chuyến cả hàng tháng. Lần nào chàng cũng hẹn nàng ngày về và đều về đúng hẹn.

Mùa thu năm ấy, chàng đi buôn một chuyến cuối để lấy tiền cưới nàng, hẹn nàng ngày này tháng sau sẽ về. Ðến hẹn, chẳng thấy chàng đâu, nàng mỏi mắt trông chờ, năm tháng trôi qua mà chàng vẫn bặt tin tăm cá. Nàng đau đớn sống trong nỗi sầu thương mong nhớ rồi cuối cùng trút hơi thở trên giường bệnh.

Bấy giờ, theo tục ở địa phương, con gái tiết trinh chết được hỏa táng thi hài. Khi thân xác nàng thành tro, người ta thấy trái tim nàng không cháy mà đóng thành một khối long lanh như ngọc.

Quan Diệp Nhược bất ngờ trở về. Sở dĩ chàng sai hẹn vì giữa đường bị bọn cướp lấy cả tiền bạc, thuyền bè, phải lênh đênh phiêu bạt, lại lâm trọng bệnh phải nương náu ở một ngôi chùa, tưởng phải bỏ xương nơi đất khách.

Không gặp lại người yêu, chàng đau đớn vô cùng, tay nâng quả tim thành ngọc của nàng mà khóc nức nở. Lạ thay, nước mắt của chàng rỏ xuống ngọc thì ngọc dần dần tan ra, hòa theo giọt nước mắt của chàng.

Ở Việt Nam cũng có một chuyện tích tương tự.

Trương Chi làm nghề chèo đò, có giọng hát hay, lúc thâm trầm, khi lảnh lót. Chiều xuống trên sông, chàng lơi mái chèo, mơ màng cất tiếng hát. Tiếng hát vẳng đến dinh thự một quan tể tướng, làm con gái của quan là Mỵ Nương xao xuyến cõi lòng. Đêm đêm, nàng đứng tựa song cửa, lắng nghe tiếng hát đầy quyến rũ khiến nàng dậy lên lòng xuân phơi phới. Một mối tình đơn phương bắt đầu nảy nở, ngày một thắm thiết.

Những đêm vắng tiếng hát trên sông, Mỵ Nương đứng ngồi không yên, cảm thấy một nỗi nhớ nhung đè nặng trái tim mình. Nàng đổ bệnh, ngày một trầm trọng, không thuốc thang nào chữa được. Chỉ khi nghe tiếng hát ngoài sông vẳng đến thì bệnh nàng đỡ được đôi phần.

Biết con gái say mê tiếng hát của chàng chèo đò, quan tể tướng bất đắc dĩ cho người gọi Trương Chi đến, vì cho rằng chỉ có chàng mới chữa được bệnh của con mình.

Từ lâu nghe giọng hát mượt mà làm rung động lòng người, Mỵ Nương tưởng tượng người hát phải là một chàng trai khôi ngô tuấn tú. Khi trông thấy “người trong mộng” của mình chỉ là một anh chèo đò vai u thịt bắp, nước da đen đúa,... quá xấu người, Mỵ Nương chán nản, thất vọng nhưng bệnh lại dần khỏi hẳn.

Với Trương Chi, tưởng khi quan trên đòi đến sẽ được thành duyên cùng người ngọc. Không ngờ kết cục quá chán chường, tủi nhục, chàng cực kỳ đau đớn, uất ức thành bịnh nặng mà chết.

Ba năm sau cải táng, da thịt chàng đều tan rã, chỉ duy quả tim đông cứng lại thành viên ngọc rất đẹp. Có người đem dâng quả tim ngọc đó lên quan tể tướng. Thấy viên ngọc to và đẹp, quan cho tiện thành chén uống trà.

Mỵ Nương lấy chén ngọc rót nước uống. Vừa nâng chén lên thì thoáng thấy trong nước có bóng hình chàng chèo đò năm xưa cùng với tiếng hát văng vẳng đâu đây. Nàng đau đớn quá, ôm chén ngọc khóc nức nở. Nước mắt nàng rỏ xuống chén đến đâu, chén tan theo đến đấy.

Mối tình giữa Trương Chi và Mỵ Nương là một trong những chuyện tình lãng mạn, bi thương của Việt Nam. Hai nhạc sĩ hàng đầu của nước ta đều có tác phẩm từ mối tình “kết thúc không có hậu” này: Văn Cao với bài Trương Chi; Phạm Duy với bài Khối tình Trương Chi.

Ca từ của Khối tình Trương Chi có đoạn: Bao năm qua dần phai. Ai xui nên ngọc kia vấn vương nơi lâu đài. Tay dâng lên một khay. Tim anh Trương Chi là đây. Trong đêm khuya tiệc trà vui bóng gia đình ai. Rót nước vào, chợt thấy bóng ngư lang. Quanh chén trà, thuyền trôi theo tiếng đàn…

ĐNCT

;
.
.
.
.
.