Ám ảnh "tia chớp" Trinh Đường

.

Ngồi giữa lòng phố xá Đà Nẵng tấp nập ồn ào mà chúng tôi lại có một chiều ngỡ như ở tận đẩu tận đâu của thời nào. Một trăm năm! Tưởng như còn nghe bé Trương Đình(*) khóc/ Khi chào đời trên nền cổ nhà này.

Nhà thơ Trinh Đường (1917 - 2001)
Nhà thơ Trinh Đường (1917 - 2001)

Giọng đọc thơ của nhà thơ Trần Phương Trà vừa hơi khàn lại vừa nhỏ nhẹ, ấy vậy mà tôi nghe ra dường như có sức vang hưởng tận đâu đó xa xôi vọng lại. Nhà thơ cầm bản thảo bài thơ viết đầy cả hai trang giấy học trò có tên là “Viết trên nền nhà cũ của Trinh Đường”, tay ông run run xúc động, mắt chừng như có ngấn nước, khi thì ông cắm cúi đọc lúc lại ngẩng lên trò chuyện hay giải thích một điều gì đó với tôi.

Đây là bài thơ Trần Phương Trà mới viết ngay trên cái nền nhà cũ gạch đá rêu xanh phủ đầy, nơi bạn ông - nhà thơ Trinh Đường một trăm năm trước đã cất tiếng khóc chào đời.

Những ngày đầu tháng Mười, từ Hà Nội, nhà thơ Trần Phương Trà vào Đà Nẵng, rồi đi thẳng một mạch về tận cái làng Phú Xuân Nam, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) để kịp dự kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Trinh Đường.

Năm nay Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam đã cùng Hội đồng Gia tộc Trương Văn có sáng kiến: nhân ngày giỗ nhà thơ Trinh Đường lần thứ 16 sẽ phối hợp tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ ngay tại quê nhà của ông tại nhà thờ tộc ở làng Phú Xuân Nam.

Cái nhóm Khuê Văn do nhà thơ Trinh Đường lúc sinh thời lập ra ở Hà Nội thuở nào, bây giờ ngoài Trần Phương Trà, còn những Võ Văn Trực, Vũ Đình Minh, Ngô Quân Miện, Nguyễn Thái Vận, cho đến cả về sau như Trần Lê Văn, Huy Cận... thì người an phận với hoàng hôn, kẻ đã hội ngộ nhau trong thế giới “hồn muôn năm cũ”. Bởi vậy sự hiện diện của nhà thơ Trần Phương Trà trong dịp kỷ niệm này không chỉ là cá nhân nhà thơ, mà ông còn mang theo cả hơi hướm của cái nhóm Khuê Văn ấm áp tình thơ tình bạn của một thời mộng tưởng, mê say những chuyến đi khắp mọi miền đất nước.

Nhà văn Vũ Bảo - người tự nhận mình là thành viên cuối cùng tham gia vào nhóm Khuê Văn, đã viết trong tập sách “Trinh Đường trọn đời vì thơ” như sau: “Tôi luôn coi anh Trinh Đường là một nhà thơ nuôi chí giang hồ. Anh lập nhóm Khuê Văn nhằm tạo điều kiện cho các anh em trẻ cùng được giang hồ với anh. Chúng tôi thường gọi vui nhóm Khuê Văn là Gánh văn Trinh Đường. Nguyễn Thái Vận còn suy tôn anh Trinh Đường là Trinh đoàn trưởng nhằm khẳng định vai trò thủ lĩnh của anh”.

Vậy đấy, hết Tây Nguyên cho đến Tây Bắc, vào đến cuối Cà Mau hay lên tận Lạng Sơn - Cao Bằng, lần lượt người này cho đến kẻ khác, nói theo kiểu Vũ Bảo là “đăng lính” vào nhóm Khuê Văn. Đi để dọc ngang sông núi, để mạch đời thấm đẫm vào từng bài thơ trang viết. Để, như Trinh Đường nói: Không làm một tia chớp.

Sống làm gì cho lâu. Nhà thơ Huy Cận nhận định về thơ Trinh Đường, rằng: Đọc thơ Trinh Đường đưa ta về những vấn đề lớn của sự sống, về cái xao động không bao giờ nguôi trong tâm trí chúng ta. Và Trinh Đường cứ thế hăm hở bao chuyến cùng Nam cuối Bắc.

Ông có là “tia chớp” hay không, thời gian sẽ lên tiếng, nhưng cái chất lửa nghệ sĩ trong thi sĩ thì quả không thể nào nguôi. Sau lưng tôi Trường Sơn/ Trước mặt tôi Cù Lao Én/ Tôi tựa vào mé biển/ Tỳ tay lên chân trời/... Ai ở trùng nơi tôi/ Đã về đâu xa ngái/ Những gì còn để lại/ Một sợi tóc bên gương/ Một chiếc bóng trên tường/ Một lá thư không gởi/ Một lời khuya tự thoại/ Một mộng ước không thành/... Ai gieo mùa hoa trái/ Lưu dấu son lại đời... (Quán trọ).

Nhà thơ Trinh Đường có để lại được bao “dấu son” cho đời thì lịch sử văn học sẽ chép hoặc có hoặc không. Nhưng điều này thì chắc chắn là có thật, thậm chí điều có thật ấy còn đẹp như một huyền thoại. Đấy là tình yêu ông dành cho thơ, trút hết máu xương vào thơ cho đến hơi thở cuối cùng. Những nhà thơ trưởng thành qua các cuộc chiến tranh ở vào thời ông đều ít nhiều mang ơn ông, xem Trinh Đường là “bà đỡ” cho những tác phẩm đầu tay của mình.

Nhóm Khuê Văn - Hà Nội: Hàng đầu từ trái qua là các nhà thơ:Trần Lê Văn, Trinh Đường và Huy Cận
Nhóm Khuê Văn - Hà Nội: Hàng đầu từ trái qua là các nhà thơ:Trần Lê Văn, Trinh Đường và Huy Cận

Hàng trăm bài viết của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình viết về Trinh Đường đã nói lên điều này: Trần Lê Văn - với “Người tình của thơ”, Nguyễn Thụy Kha - với “Trinh Đường - Người tử vì thơ”, Thanh Thảo - với “Trinh Đường hăm hở độc hành thơ”, Hoàng Hương Trang - với “Trinh Đường một đời vì thơ”, Huy Cận - với “Hai hành trình trong một cuộc hành trình của Trinh Đường”... Tất cả đều vun đắp nên một chân dung Trinh Đường nguyên mẫu như nhà thơ Trần Phương Trà chậm rãi nhỏ nhẹ đọc từng lời thơ cho tôi nghe: Là người yêu thơ nhất nước Việt Nam/ Trinh Đường tự nguyện vác cây thập tự giá/ Anh chẳng cần gì, dành cho thơ tất cả/ Rước vào mình mọi thử thách gian nan...

Đọc đến đoạn thơ này nhà thơ Trần Phương Trà ngừng lại, bỏ bản thảo bài thơ xuống bàn giọng ông ngùi ngùi kể lại những kỷ niệm về Trinh Đường với bao gian nan hệ lụy mà Trần Phương Trà đã từng là chứng nhân. Cho dù nhà thơ không nói ra đi nữa, tôi cũng đã phần nào hiểu được tính cách của một con người suốt đời khát khao một ý tưởng:  Không làm một tia chớp/ Sống làm gì cho lâu.

Đọc hồi ký “Chiều chiều” của Tô Hoài, đoạn viết về Trinh Đường, người ta sẽ hiểu ra khát vọng “tia chớp” của ông sẽ chẳng có gì là quá. Vâng, “tia chớp” ấy là ánh lửa từ một trái tim, là cõi thanh khí của thơ, là thế giới nhuốm màu thần giới (le monde divin). Và không chừng, bài thơ “Viết trên nền nhà cũ của Trinh Đường” của Trần Phương Trà trong buổi dự kỷ niệm trăm năm ngày sinh thi sĩ Trinh Đường, chính là tâm tình của cái quê chung “Khuê văn” được truyền sinh từ “tia chớp” của thế giới thần giới huyền nhiệm đó.

NGUYỄN  NHÃ TIÊN
(*) Trương Đình - tên của nhà thơ Trinh Đường

;
.
.
.
.
.