Ảo thuật đường phố

.

Khi thành phố lên đèn, những địa chỉ ăn uống ở Đà Nẵng bắt đầu đông khách thì cũng là lúc các chàng trai hành nghề “xiếc dạo” vào cuộc mưu sinh…

Để có cơ hội gần hơn với ảo thuật đường phố, Tuấn Anh còn tham gia các chương trình biểu diễn phục vụ cho trẻ em. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Để có cơ hội gần hơn với ảo thuật đường phố, Tuấn Anh còn tham gia các chương trình biểu diễn phục vụ cho trẻ em. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Buồn, vui chuyện nghề

Tầm 20 giờ, quán nhậu Bia Tô trên đường Nguyễn Tri Phương bắt đầu đông khách. Đang nói cười vui vẻ, bỗng tất cả đều đồng loạt hướng ánh nhìn về phía người thanh niên vừa cất tiếng “hê, hê” khá to. Khi thực khách còn ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra thì người thanh niên - trong trang phục của một nghệ sĩ đường phố - đã rút đồ nghề, qua vài cái búng tay đã tóm gọn chú chim bồ câu nằm đâu đó trong chiếc khăn tay mỏng. Tiếp đó, anh gấp đôi tờ báo, cầm chai nước lọc đổ hết vào đó rồi từ từ lật mở từng tờ. Từng tờ giấy vẫn khô ráo!... Cứ thế, anh chuyển từ tiết mục này sang tiết mục khác, thỉnh thoảng có vài tiếng vỗ tay vang lên. Nguyễn Văn Quốc (SN 1990), khá nổi tiếng trong giới hành nghề ảo thuật đường phố (ATĐP) tại Đà Nẵng thời gian qua. Thuần thục hơn 30 tiết mục, mỗi đêm, Quốc có thể kiếm được vài ba triệu đồng.

Qua sự giới thiệu của Quốc, chúng tôi tìm gặp anh Trần Văn Tân (quê Nghệ An), thường xuyên biểu diễn ở các quán nhậu trên đường Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa, cũng là một nhân vật được lòng nhiều thực khách. Ngoài những tiết mục như “biến” khăn trắng thành đen, “biến” giấy thành tiền, “biến” mất điếu thuốc trên tay khách thì Tân còn gây tò mò khi có thể đọc khá chính xác suy nghĩ của người khác. Tân cho biết, cái khó của nghề này là thực hiện dưới con mắt quan sát kỹ càng của khách, nên nếu có nghề, nhưng không đủ sự tự tin, thì cũng bằng không. Thậm chí, có khách sau khi ngà ngà say còn hoạnh họe, yêu cầu Tân diễn đi diễn lại một tiết mục để quan sát, tìm cách “bắt bài”. Tất nhiên Tân cũng đã lường trước những tình huống như thế này nên chưa bao giờ tự đẩy mình vào thế khó.

Không tự nhận là người có nhiều hoa tay, nhưng Tân nói bản thân luôn cảm ơn đôi bàn tay linh hoạt, dẻo dai đã giúp Tân có được nguồn thu nhập ổn định hằng đêm. Để nuôi nghề và nuôi mình, anh quan niệm cứ cố gắng hết mình, phục vụ khách những tiết mục đặc sắc, còn ai đó mua kẹo hay không là tùy tâm chứ mình không được chèo kéo. Do đó, với Tân, có đêm biểu diễn trước vài chục bàn khách nhưng không bán được một cây kẹo nào cũng là chuyện bình thường, nhưng có đêm, Tân bán được vài trăm cây kẹo, cộng thêm tiền “bo” cũng bỏ túi số tiền kha khá.

Được ví von là nghề “một vốn, bốn lời” nhưng không phải ai bước vào nghề ATĐP cũng kiếm được mức thu nhập ổn định. Như Nam (19 tuổi), người từng quyết định sẽ theo nghề ATĐP nhưng chưa đầy một tháng sau đành bỏ dở vì không thể trụ nổi. Bỏ nhiều công sức tập tành, kể cả việc hằng đêm đi theo quan sát, học hỏi cách Tân biểu diễn, nhưng đến khi nhập cuộc, Nam lại trở nên lúng túng để khách liên tục “bắt bài”, khiến anh đành bỏ cuộc. Thoáng chút ngại ngùng, Nam thú thật mình không có duyên với nghề này, dù bản thân rất thích.

Tại Đà Nẵng hiện có gần 10 người chuyên biểu diễn ảo thuật ở các quán ăn. Qua thời gian, họ đều tìm được những “quán ruột” cho mình, từ đó hình thành lộ trình đi diễn mỗi đêm. Sự thành công của mỗi người thể hiện qua cái duyên của họ đối với nghề, cũng như sự duyên dáng, tự tin khi biểu diễn khi khán giả chỉ ngồi cách mình chưa đầy 1 mét. Có không ít thanh niên hát dạo, bán kẹo kéo khi thấy nghề ảo thuật dễ kiếm tiền cũng muốn tập tành, “lấn sân” nhưng lực bất tòng tâm.

Sân chơi mới cho giới trẻ

Dù không phải ai cũng xem ATĐP là một nghề, nhưng vài năm trở lại đây, loại hình nghệ thuật này đã thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. Mới đây, anh Tuấn Anh, chủ Shop Ảo thuật Đà Nẵng nằm trên đường Tôn Thất Đạm đã đứng ra thành lập CLB Ảo thuật Đà Nẵng với mong muốn tạo ra sân chơi giải trí giữa các bạn trẻ có đam mê ảo thuật. Từ đó, sẽ tổ chức những buổi gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cũng như trao dồi kỹ năng, kỹ thuật biểu diễn cho các thành viên.

Sau gần 2 tháng thành lập, CLB Ảo thuật Đà Nẵng đã thu hút sự tham gia của gần 30 người. Lê Hoàng Ninh Khải, thành viên CLB Ảo thuật Đà Nẵng vốn là một nhân viên pha chế. Anh cho biết, nhờ đôi bàn tay nhuần nhuyễn các kỹ năng pha chế đã giúp anh nhanh chóng tiếp cận với những động tác khó trong ảo thuật. Nhờ đó, trong quá trình làm việc, thỉnh thoảng anh pha trò bằng các màn ảo thuật để mang lại tiếng cười cho bản thân và đồng nghiệp, giảm căng thẳng hiệu quả.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Shop Ảo thuật Đà Nẵng ngoài việc cung cấp các dụng cụ ảo thuật như đũa thần ra hoa, lông gà hóa dù, lông gà đổi màu, ấm trà không đáy, bình sữa tự cạn tự đầy, bột đông nước, bộ bài nhìn xuyên thấu…, ông chủ Tuấn Anh còn nhận dạy ảo thuật từ cơ bản đến nâng cao, nhận biểu diễn ảo thuật chuyên nghiệp. Tuấn Anh chia sẻ, việc kinh doanh đã cho anh nhận ra tại Đà Nẵng có khá nhiều bạn trẻ đam mê loại hình ATĐP. Họ đến với ảo thuật như một trò tiêu khiển, giải trí lúc rảnh rỗi hoặc để cộng thêm chút tài lẻ cho mình.

Đành rằng ATĐP vẫn là loại hình nghệ thuật chứa nhiều bí ẩn và mang lại cảm giác thú vị cho người xem nhưng có thể thấy, những tiết mục “xiếc dạo” đang được biểu diễn tại Đà Nẵng thời gian qua còn khá đơn điệu và trùng lắp nhau. Cũng theo Tuấn Anh, trò này không quá khó vì đã có dụng cụ kỹ thuật hỗ trợ, điều cần nhất là người thực hiện ảo thuật phải lanh tay lẹ mắt “đánh lừa” khán giả và phải thật sự tự tin, chuyên nghiệp khi biểu diễn. Sự chuyên nghiệp không chỉ thể hiện trong từng động tác, mà còn thể hiện ở sắc thái biểu cảm, cách diễn hài hước, chỉn chu…

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.