Giữ cho nghề giáo mãi thanh cao

.

Thanh cao là đòi hỏi tất yếu của toàn xã hội đối với phẩm chất nhà giáo, là sự kỳ vọng chính đáng của bậc làm cha làm mẹ đối với những người dạy dỗ và góp phần hình thành nhân cách cho con cái họ. Đòi hỏi ấy, sự kỳ vọng ấy đã trở thành truyền thống của dân tộc tự ngàn xưa và sẽ luôn là truyền thống của dân tộc cho đến tận ngàn sau. Thế nhưng thời buổi này, giữ cho nghề giáo mãi thanh cao là điều không hề đơn giản từ cả hai phía: cộng đồng xã hội và bản thân nhà giáo.

Một tiết học của cô trò Trường THPT Trần Phú. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH HÒA
Một tiết học của cô trò Trường THPT Trần Phú. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH HÒA

Đối với cộng đồng xã hội, quy mô giáo dục ngày càng phát triển - nhà nhà đi học, người người đi học, rồi hình thức giảng dạy/ cung cấp tri thức ngày càng đa dạng - ngày nay có thể vẫn học hành bài bản, vẫn thực sự tiếp thu tri thức mà không phải đến trường, không cần gặp thầy, dẫn đến nhà trường/ nhà giáo không còn là nơi/ là người độc quyền cung cấp tri thức cho thiên hạ, từ đó dường như nghề giáo/ nhà giáo ngày càng mất đi vị trí độc tôn như nghề giáo/ nhà giáo xưa kia. Đương nhiên vị trí độc tôn hay không độc tôn cũng không hoàn toàn quyết định đến mức độ tôn kính của người đời đối với sự thanh cao của nghề giáo/ nhà giáo.

Thời buổi nào thì sự thanh cao của nghề giáo/ nhà giáo cũng đều được thể hiện qua tài năng sư phạm. Dân gian xưa luôn hết lời ca ngợi những người làm nghề dạy học: Không thầy đố mầy làm nên, Nhất tự vi sư bán tự vi sư/ Một chữ là thầy nửa chữ cũng là thầy, Trọng thầy mới được làm thầy, Mồng một tết cha mồng ba tết thầy… nhưng cũng chính dân gian xưa vẫn thường nặng lời phê phán những người dạy học thiếu tài năng sư phạm, chẳng hạn như qua truyện cổ dân gian Tam đại con gà chê trách thầy đồ dốt đến mức không biết chữ Kê/Gà trong sách Tam thiên tự…

Suy đến cùng thì trong nhãn quan của người xưa, thầy đồ dốt đến mức không biết chữ Kê/Gà trong sách Tam thiên tự không phải vì quá đần độn mà cái chính là do bản thân anh ta không chịu học hành đến nơi đến chốn để có khả năng dạy một biết mười. Bằng chứng là khi ông phụ huynh nông dân đang cuốc đất ngoài vườn, nghe tiếng con đọc ra rả câu thầy dạy: dủ dỉ là con dù dì, đã ngạc nhiên bỏ cuốc chạy vào, giở sách ra xem và lên tiếng trách thầy rằng kê là gà mà sao thầy lại dạy thành dủ dỉ là con dù dì, thầy đồ vội nhanh trí “vụng chèo khéo chống”: Tôi vẫn biết ấy là chữ kê, mà kê nghĩa là gà, nhưng tôi dạy thế là dạy cháu biết đến tận tam đại con gà kia. Thấy ông phụ huynh nông dân ngơ ngác không hiểu, thầy đồ bèn giải thích: Thế này nhé! Dủ dỉ là con dù dì, dù dì là chị con công, con công là ông con gà! Chẳng tam đại là gì! Đúng là thích kiểu gì giải kiểu ấy!

Như vậy muốn giữ cho nghề giáo mãi thanh cao, cộng đồng xã hội cần tạo điều kiện để những người sắp làm nghề dạy học trong tương lai có thể được đào tạo nghề nghiệp một cách hiệu quả nhất, nhằm có được học vấn uyên thâm, từ đó mà có tài năng sư phạm vững vàng. Ai muốn làm nghề dạy học mà bản thân không chịu học hành đến nơi đến chốn thì chắc sẽ không bao giờ được đứng trên bục giảng nếu như xã hội có cơ chế sàng lọc hữu hiệu trong quá trình đào tạo sư phạm, nhưng quan trọng hơn là cộng đồng xã hội phải không ngừng đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm nhằm ngày càng có nhiều nhà giáo có khả năng dạy một biết mười đứng trên bục giảng, xứng tầm với phẩm chất thanh cao của nghề nghiệp. Điều đáng lo ngại là qua tuyển sinh hằng năm, điểm “đầu vào” của sinh viên các trường sư phạm chưa cao như mong đợi, thậm chí có nơi có lúc còn rất thấp. Chính thực trạng này làm cho việc giữ cho nghề giáo mãi thanh cao ngày càng trở nên khó khả thi.

Sự thanh cao của nghề giáo/ nhà giáo còn được thể hiện qua đạo đức sư phạm. Một nhà giáo thanh cao trước hết phải là tấm gương mẫu mực về nhân cách. Thầy Chu Văn An được môn sinh và hậu thế tôn kính như một nhân cách lớn. Đại Việt Sử ký toàn thư chép rằng học trò ông như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát đã đỗ đại khoa, làm quan lớn trong triều - tương đương chức thủ tướng hiện nay - mà “khi đến thăm thầy thì lạy hỏi ở dưới giường, được nói chuyện với thầy vài câu rồi đi xa thì lấy làm mừng lắm. Kẻ nào xấu thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la hét không cho vào. Ông là người trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị, lẫm liệt đáng sợ đến như vậy đấy”. Điều cần suy ngẫm ở đây là nhà giáo Chu Văn An sẽ khó tỏa sáng nhân cách của một người thầy nếu không có những quan-chức-học-trò biết tôn sư trọng đạo khi đang nắm giữ đỉnh cao quyền lực xã hội như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát… Thiếu những quan-chức-học-trò biết tôn sư trọng đạo đáng ngưỡng mộ như vậy, và rộng hơn là thiếu những quan-chức-phụ-huynh biết tự mình tôn sư trọng đạo và nêu gương tôn sư trọng đạo cho con em, đó cũng là nguyên nhân khiến việc giữ cho nghề giáo mãi thanh cao ngày càng trở nên không đơn giản.

Đối với bản thân nhà giáo, dẫu cũng nên khiêm tốn để không tự cho rằng nghề mình thanh cao hơn các nghề nghiệp khác, nhưng không thể không nhận thức sâu sắc rằng thanh cao chính là đòi hỏi của toàn xã hội đối với phẩm chất nhà giáo, là sự kỳ vọng của bậc làm cha làm mẹ đối với những người dạy dỗ và góp phần hình thành nhân cách cho con cái họ. Nếu không như vậy thì vừa thiếu động lực phấn đấu có đủ tài năng sư phạm để có thể dạy chữ vừa thiếu động lực phấn đấu có đủ đạo đức sư phạm để có thể dạy người. Còn nhớ trong bài thơ của Phan Bội Châu viếng thầy là cụ Cử Nguyễn Thức Tự có câu: Kinh sư dị đắc - Nhân sư nan tầm (Thầy dạy chữ nghĩa dễ kiếm - Thầy dạy làm người khó tìm). Như vậy là cụ Phan xứ Nghệ cố tình phân biệt hai người thầy giáo: kinh sư - thầy dạy chữ với nhân sư - thầy dạy người và đánh giá cao thầy dạy người. Tuy nhiên chắc Phan Bội Châu không đối lập theo kiểu loại trừ giữa kinh sư với nhân sư, cho nên có lẽ nan tầm - khó tìm nhất là một thầy giáo vừa là kinh sư vừa là nhân sư, vừa giỏi dạy chữ vừa giỏi dạy người, đúng hơn là biết dạy người qua dạy chữ và quan trọng hơn là qua chính nhân cách của mình.

Rõ ràng muốn giữ cho nghề giáo mãi thanh cao, bản thân những người làm nghề dạy học phải không ngừng tu dưỡng đạo đức nhà giáo và nâng cao trình độ sư phạm, trở thành tấm gương sáng về nhân cách cho học sinh noi theo. Người làm nghề dạy học cần ra sức phấn đấu trở thành nhà giáo ưu tú, và hơn thế nữa ra sức phấn đấu trở thành nhà giáo nhân dân - những danh hiệu vinh dự nghề nghiệp mà xã hội đang dùng để tôn vinh người dạy học - nhưng trước hết người làm nghề dạy học cần không ngừng phấn đấu để làm tròn chức phận của những nhà giáo, để xứng đáng với danh hiệu nhà giáo bình thường thôi nhưng không hề kém phần cao quý. Trong nhận thức hiện nay của xã hội, nhà giáo là người yêu nghề, yêu trẻ, có năng lực dạy học đủ sức đảm đương nhiệm vụ; nhà giáo là người không cam chịu đói nghèo, biết kiếm sống thậm chí biết làm giàu bằng sức lao động chân chính và tài năng sư phạm của mình; đồng thời cũng là người quyết không để đồng tiền làm tổn thương nhân cách và lương tâm nhà giáo, không để đồng tiền làm mất đi niềm tôn kính của thế hệ trẻ và của toàn xã hội dành cho nghề dạy học. Đó cũng là hình dung của xã hội và yêu cầu tự thân của nghề giáo về một nhà giáo thanh cao.

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.