Toàn cầu hóa quần vợt

.

ATP World Tour Final đang diễn ra tại thủ đô London (Anh) là giải đấu cuối cùng giành cho những tay vợt nam hàng đầu thế giới cuối cùng trong năm 2017. Quần vợt thế giới kết thúc năm thi đấu với nhiều điểm đáng nhớ: hai lão tướng Rafael Nadal và Roger Federer trở lại top đầu, các tay vợt kỳ cựu như Andy Murray, Novak Djokovic chấn thương triền miên, trong lúc các tay vợt hứa hẹn như Zverez, Cilic… chưa đủ sức lật đổ; các giải đấu ở châu Á bắt đầu được chú ý nhiều hơn.

Ngôi sao Roger Federer. Ảnh: Internet
Ngôi sao Roger Federer. Ảnh: Internet

Tờ Sport Illustrated (Mỹ) viết rằng: “Quần vợt không có tham vọng là “môn thể thao vua” hay “môn thể thao được hâm mộ nhất thế giới” như bóng đá. Quyền lực trong thế giới quần vợt đã thay đổi rất nhiều. Đó là dấu hiệu của quá trình toàn cầu hóa của môn banh nỉ”. Người Úc từng thống trị quần vợt thế giới ở thập niên 1960 khi vô địch 32/40 Grand Slam nhưng họ đã chưa từng thắng một lần kể từ khi Lleyton Hewitt vô địch Wimbledon năm 2002 cho tới nay. Từ năm 1974 tới năm 1999 có tới 16/26 tay vợt số một thế giới là người Mỹ nhưng hiện tại chỉ có duy nhất một người Mỹ nằm trong top 10 là Jack Sock (thứ 9). Các giải đấu cũng đã thay đổi nhiều. Năm 1997 có tới 29 giải đấu diễn ra trên đất Mỹ thì nay chỉ còn lại 14; bỏ đi một số giải như Hilton Head, Scottsdale, Chicago… Trong khi đó, các giải đấu ở Chennai (Ấn Độ), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Thiên Tân (Trung Quốc)…mọc lên. Các tay vợt mời HLV “xuyên biên giới” nhiều hơn. Serena Williams từng có 1 HLV người Pháp vì muốn biết thêm về phong cách làm việc và suy nghĩ của “người ngoài”. Andy Murray từng thuê một cựu tay vợt nữ làm HLV cho mình…

Công nghệ cũng là thứ góp phần giúp cho quần vợt toàn cầu hóa tốt hơn. Người hâm mộ dễ dàng tiếp cận tay vợt “thần tượng” của mình. Các tay vợt cũng dễ dàng trở thành thương hiệu toàn cầu hơn trước. Chẳng hạn như Rafael Nadal chỉ có thể chơi 3 giải đấu tại Mỹ và 2 giải tại châu Á trong một năm nhưng anh ta có thể sử dụng mạng xã hội để kết nối với các người hâm mộ trên toàn thế giới xuyên suốt cả năm. Hệ thống giải đấu ATP Tour có tới 1,3 triệu người theo dõi trên Twitter nhưng riêng Nadal có tới gần 15 triệu người theo dõi tài khoản trên mạng xã hội của mình.

Roger Federer có số lượng người theo dõi trên mạng xã hội vượt xa ATP Tour. Federer là người Thụy Sĩ, sống ở Dubai, nói lưu loát nhiều thứ tiếng, có một quỹ từ thiện giành cho người châu Phi, HLV là người Croatia, người đại diện là người Mỹ. Federer là một trong những người sáng lập ra giải đấu Laver Cup. Tay vợt 36 tuổi này chính là ví dụ rõ ràng nhất cho quá trình toàn cầu hóa trong môn quần vợt.

TỊNH BẢO

;
.
.
.
.
.