Giới thiệu sách

Anton Chekhov và sân khấu cuộc đời

.

Tôi luôn nghĩ, con người sáng tác và con người đời thường luôn là hai người khác nhau. Lẽ dĩ nhiên con người sáng tác và con người đời thường cũng sẽ là một người và ảnh hưởng qua lại khá lớn. Nhưng rõ ràng ở con người sáng tác, có cái gì đó luôn luôn cao thượng hơn, tinh chất hơn, lý tưởng hơn và thuần nhất hơn. Con người đời thường là một chuỗi những âm thanh ồn ào hỗn độn đa sắc, nhưng con người sáng tác là một giấc mơ.

Anton Chekhov - nhà văn của tầng lớp thành thị Nga, với con người sáng tác của ông - cái con người điềm đạm, giản dị, kiệm lời và luôn tỉnh táo. Có nhiều nhà phê bình nhận xét rằng văn Chekhov dịu dàng, trầm tư, u sầu, bi quan, lịch thiệp… hoặc lạnh lùng, tàn nhẫn, khắc nghiệt. Nhưng tôi đồ rằng những nhận xét đó thật hời hợt vì nó không chạm đến được cái hạt giống, cái trái tim nơi những truyện ngắn của nhà văn này.

Văn Chekhov đủ sự tỉnh táo và chính xác đến độ tinh tế, nhưng lại không lên đến mức sắc sảo, bén ngót, hay mai mỉa. Con người sáng tác của ông hẳn phải là một người điềm đạm, ôn hòa, tỉnh, hài hước một cách kín đáo nhưng lại nồng ấm tình thương. Văn của ông đẹp ở chỗ nó lơ lửng.

Nó hay không phải ở cốt truyện hay kỹ thuật diễn ngôn mà là ở những khoảng không giữa các con chữ, giữa các lời nói và hành động của nhân vật. Một câu chuyện luôn bắt đầu bằng những lời ngắn gọn. Kết thúc bằng những câu ngắn gọn. Nhưng câu chuyện thì không bao giờ hết.

Nó vẫn luôn tiếp diễn trong tâm trí người đọc. Nó là một dư âm, một âm vang, là những giai điệu còn đọng lại lơ lửng trong nhà hát khi dàn nhạc đã lui hết vào sau cánh gà hay là chuyển động của những bông tuyết vẫn lấp lánh trong ánh đèn đường, nơi khóe mắt bạn, khi tuyết đã ngừng rơi.

Nhân vật của Chekhov vì thế với tôi luôn quá thật. Như thể ông ngoắc họ lại, từ xó xỉnh nào đó giữa biển đời này, cho họ diễn một vài đoạn trên sân khấu, biến họ thành diễn viên, thông qua câu chữ của ông. Rồi sau đó, họ lại tiếp tục bước xuống sân khấu, lại đời thường, thông qua não qua óc người đọc.

Thế giới Chekhov không có kịch tính. Không có “lên voi xuống chó”. Không đau khổ quằn quại. Không trăn trở. Văn ông điềm tĩnh và khúc chiết. Luôn giữ một khoảng cách nhất định với chính những nhân vật của mình lẫn người đọc.

Nghĩa là họ làm sao ông viết vậy, không hướng dẫn, không giảng giải, không định hướng. Như một người ở ngoài lề, khách quan ghi lại tất cả. Có nhiều người cho rằng viết như thế thì ai chả viết được, chẳng khác gì cái máy photo hay quay phim, phản ánh thì dễ chứ định hướng mới khó. Nhưng tôi nghĩ những người đó có lẽ nên cầm bút thử viết cái gì đó một lần.

Họ sẽ hiểu rõ cái hấp lực của việc bản thân trở thành Chúa Trời thông qua ngòi bút họ đang cầm nó cám dỗ thế nào, và để tự cách ly chính cái tôi của mình ra khỏi câu chuyện là một điều khó khủng khiếp. Như thể Chekhov từ tốn gõ cửa nhà bạn, và bảo, hôm nay tôi mới thấy một chuyện này ngoài đường và tôi muốn kể cho cô.

Rồi ông kể, từ tốn, ngắn gọn, không lên giọng xuống giọng, không phán xét hay phê phán bất cứ nhân vật nào trong câu chuyện của mình. “Những gì tôi nhìn thấy là như vậy và cô muốn nghĩ gì về câu chuyện hay về những người đó, là quyền của cô”. Chekhov cho người đọc cái quyền tự do nhận định.

Cho họ đủ khoảng lặng một mình để suy nghĩ. Ở đó kín đáo lấp lánh một sự tôn trọng con người, tôn trọng sự tự do và độc lập, tôn trọng cuộc đời và mỗi số phận từ con người đến con vật. Mặt khác, dường như với những đặc điểm sáng tác này mà Chekhov chỉ thích hợp với thể tài truyện ngắn. Đó cũng là điểm hạn chế trong cuộc đời lao động nghệ thuật của ông. Chỉ có thể dừng lại ở truyện ngắn.

Chekhov muốn tách mình ra khỏi những gì ông thấy và ông viết, tức là muốn khách quan. Cảm giác như ông luôn cố tách những tình cảm cá nhân của bản thân ra, nhốt chúng lại, đôi lúc kiềm chế cảm xúc của mình lại ở mức thấp nhất, để mang lại cho người khác những gì gãy gọn, “lạnh lùng” và trung thực. Nhưng với ý muốn này thì Chekhov ạ, ông thất bại rồi.

Bởi vì nghe ông kể chuyện, cho dù câu chuyện hay nhân vật có được tự do hành động hay lời kể ngắn gọn thế nào chăng nữa, vẫn thấy quá rõ rằng lấp lánh đằng sau những con chữ là một đôi mắt ấm áp, đôi khi thoáng buồn, và một nụ cười hóm hỉnh phảng phất.

Đôi khi thông cảm, đôi khi chua chát, đôi khi động viên, đôi khi bất lực, đôi khi muốn cả đùa giỡn với người đọc. Những sắc thái ấy chuyển biến vô cùng vi tế, có khi còn có thể không cả tồn tại. Như việc co giãn kín đáo của cơ miệng. Nhưng trên hết, văn Chekhov không thể khách quan nổi, bởi với tôi nó không giấu được một trái tim quá nhiệt thành và hướng sáng với những hy vọng tha thiết đến khắc khoải.

Văn Chekhov không hề u buồn. Trái lại, nó sáng và trong. Ngay cả những khi ông kể những câu chuyện buồn nhất, u ám nhất, tù túng và ngột ngạt nhất, kết thúc vẫn là một dư âm nào đó của sự hy vọng. Một dư vang da diết vượt ra ngoài những con chữ. Một khao khát được nhìn thấy sự thay đổi, được nhìn thấy mặt trời mọc, được nhìn thấy mùa xuân, ẩn kín sau vẻ tĩnh lặng và điềm nhiên trước những nỗi đau khổ.

Trong một chiều đông, tôi ngồi yên lặng bên quyển sách “Truyện ngắn A. P. Chekhov” của NXB Hội Nhà văn (12-2011), nhìn Chekhov từ tốn kéo ra cái sân khấu cuộc đời đầy những nhân vật đứng ngồi từ một nước Nga xa xôi cách đây ba thế kỷ đến trước mặt mình, mà có lẽ sẽ còn mãi diễn những vở kịch rất quen, đến tận bây giờ và sau này đấy chăng?

TRIÊU NHAN

;
.
.
.
.
.