Nghĩ

Rằng quê thì thật là quê!

.

Hồi nhỏ mới ra phố tôi thường bị mấy bạn cùng trang lứa gọi là “đồ nhà quê”! Tôi buồn lắm! Nhưng tôi lại có một kỷ niệm đẹp vào năm mẹ tôi mất và về yên nghỉ ở quê. Hằng tuần tôi đều đi viếng mộ mẹ với ít hoa quả mua ở chợ hoặc từ các vườn quê.

Ra chợ hay đi trong làng ai cũng biết bạn. Tình cảm người ở làng luôn chân thành. Do tôi làm hiếu sự, nên các chị ở chợ thường bán cho giá vốn hoặc nếu ở vườn, nhiều người không chịu lấy tiền, vì theo một ông cụ (tôi không tiện nêu tên): Họ sẽ ấm lòng nếu sau này con cháu họ cũng luôn nghĩ đến các đấng sinh thành mà thôi!

Sau này tôi quyết định về quê mua đất làm nhà cùng với mảnh vườn con con để tự tay trồng các loại rau quả đủ ăn tứ thời. Đây cũng là thời kỳ mà dư lượng kháng sinh, thuốc trừ sâu được phát hiện trong nhiều nguồn thực phẩm ở thành phố. Những quả cà xanh mượt, trái khổ qua no tròn, miếng thịt tươi hồng ngoài chợ luôn ẩn chứa trong đó những tai họa ngộ độc và một xuất xứ mù mờ!

Thế là cái gì người ta cũng thích kèm vào đó một chữ “QUÊ” cho an toàn. Gạo quê vẫn ngon hơn gạo Thái, mắm quê chắc là an toàn hơn mắm công nghiệp mua trong siêu thị. Rau quê, gà quê, thịt heo quê được dán thành bảng chữ trước những quán ăn đông khách.

Vợ bạn đi chợ mà nghe mời: “Chị ơi, mua giùm em mớ rau vườn quê trồng hay mớ tôm cá đánh lưới ở sông đầm quê đây!” thì không cần nhìn cũng mua ngay. Ngoài phố bây giờ có những xe máy bán hàng dạo, vẫn rao: “Bánh sạch (hoặc trái cây)… sản xuất (trồng) ở Đại Lộc, Duy Xuyên (hay một huyện nào đó) không hóa chất, không thuốc trừ sâu, phân hóa học đây!”, thì ắt là bán chạy, cho dù thực hư ra sao chưa ai biết! Còn những gánh mì quê từ Phú Chiêm mà bán với rau sống Trà Quế, Nồi Rang, Tân Mỹ, Bồng Lai… ở Đà Nẵng từ mờ sáng thì khỏi nói!

Vậy là “thằng nhà quê” mà bạn bè gọi tôi một cách khinh miệt hồi mới tản cư ra phố mấy chục năm trước của tôi cũng “lên giá” nhờ mảnh vườn con rau quả và mấy chú gà nuôi trong vườn. Bạn bè, đồng nghiệp ngoài phố thỉnh thoảng rủ nhau chủ nhật tạt về mảnh vườn quê. Hay thỉnh thoảng lại nhắn về “quê”: “Có món gì trong quê, cuối tuần ni nhớ mang ra một ít”. Mảnh vườn nhỏ thì làm sao cung ứng cho đủ nhu cầu người quen thân ở phố; nên lắm lúc rau trái trong vườn hàng xóm được tôi huy động thêm để đem ra phố, đủ cho sự tin cậy cho một nguồn hàng sạch.

Có cô giáo còn lên kế hoạch hè cho học sinh: Tổ chức các lớp dã ngoại và giao lưu với học sinh vùng nông thôn! Cô cho rằng để các cháu có dịp tung tăng kiểu “Ba mươi ngày nhảy nhót ở vùng quê”, hít thở khí trời chưa ô nhiễm và hiểu thêm nỗi nhọc nhằn của nhà nông!

Té ra, cái lối miệt thị quê mùa mà thế hệ tôi đón nhận với không ít mặc cảm ngày xưa, giờ đã là một sự tin cậy, cũng như tình cảm chân thành và mộc mạc của người dân quê!

Cuộc sống thật… vô thường là vậy!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.