Nhân rộng mô hình an toàn thực phẩm

.

Thời gian qua, cùng với các cấp, ngành chức năng, các cấp Hội Phụ nữ từ thành phố đến cơ sở đã xây dựng nhiều mô hình, cách làm hay nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Qua đó, góp phần giải quyết hiệu quả những vấn đề nổi cộm về ATTP, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và sức khoẻ cho cộng đồng.

Góc chợ phiên nhỏ về thực phẩm sạch chiếm được tình cảm của chị em đi chợ ở Liên Chiểu.  (Ảnh do Hội LHPN quận Liên Chiểu cung cấp)
Góc chợ phiên nhỏ về thực phẩm sạch chiếm được tình cảm của chị em đi chợ ở Liên Chiểu. (Ảnh do Hội LHPN quận Liên Chiểu cung cấp)

Góc chợ của chị em

Hưởng ứng thực hiện VSATTP  trong chương trình “Thành phố 4 an” của Ban Thường vụ Thành ủy, từ đầu năm 2017, Hội LHPN quận Liên Chiểu (gọi tắt là Quận hội) đã phát động công trình thi đua cấp quận với mô hình “Góc chợ phiên - Thực phẩm tin cậy”.

Đây là góc chợ cung cấp hàng nông sản do 157 chị phụ nữ hiện đang trồng rau, củ, quả; chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy hải sản và sản xuất, chế biến thực phẩm trên địa bàn hoặc lấy từ vùng sản xuất rau đã qua kiểm duyệt. Bố trí được 5 góc tại 5 chợ, với tổng diện tích 53m2, cho 25 hộ tham gia buôn bán các mặt hàng: rau muống, rau lang, rau dền, măng tươi, trứng gà, trứng vịt, tôm, cá, chuối, ổi, chanh, cam, bưởi, mãng cầu, mè, nước rửa chén, lau nhà sinh học…

Chị Tài (trú phường Hòa Minh) tham gia mô hình Góc chợ phiên chia sẻ: Gia đình mình có khoảnh vườn rộng vài trăm mét vuông nên tận dụng để trồng sau sạch từ nhiều năm nay. Ban đầu là trồng cho gia đình, bà con ăn. Sau đó, hàng xóm láng giềng, các chị em hội viên phụ nữ cũng đến mua. Từ lúc có Góc chợ phiên này chị bán hơn chục ký rau vào sáng chủ nhật hàng tuần, với chủ yếu là rau diếp cá, cải, rau lang, rau thơm…, đảm bảo VSATTP.

Chị Dương Thị Mỹ Vinh, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Liên Chiểu cho biết, qua hơn 5 tháng hoạt động với 23 phiên chợ (trong đó góc chợ tại chợ Thủy Tú, Nam Ô hoạt động hằng ngày) đã bán được 3.870kg các loại thực phẩm, thu hút đông đảo hội viên phụ nữ và người dân đến mua, bước đầu góp phần đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm tin cậy, hợp vệ sinh cho hội viên phụ nữ và người dân trên địa bàn quận.

Hiện tại, Quận hội đang vận động kinh phí để hỗ trợ hội viên đóng 25 sạp và mái che cho các gian hàng tại các góc chợ. Trong thời gian tới, nếu mô hình tiếp tục mang lại hiệu quả khả quan, Quận hội sẽ nhân rộng mô hình đến tất cả các chợ trên địa bàn quận.

Tương tự với mô hình Góc chợ phiên của chị em quận Liên Chiểu, Hội LHPN quận Hải Châu xây dựng công trình thi đua: “Phụ nữ Hải Châu hành động vì sức khỏe cộng đồng”. Trong đó, mô hình “Điểm bán rau sạch gây quỹ hỗ trợ phụ nữ khó khăn” của chị em hội viên phụ nữ phường Hòa Thuận Tây tạo được sức hút lớn.

Nguồn rau sạch của mô hình được cung cấp từ một hội viên tiểu thương kinh doanh về rau, củ sạch lấy từ cơ sở sản xuất rau sạch tại thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang và các “vườn rau trên sân thượng” của các hội viên phụ nữ trên địa bàn phường.

Đây không đơn thuần là mô hình thi đua mà từ nguồn thu của việc bán rau sạch, Hội phụ nữ phường dùng để hỗ trợ phương tiện sinh kế cho 1 hộ phụ nữ cận nghèo nhằm góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn phường.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Thuận Tây cho biết, mô hình “Điểm bán rau sạch gây quỹ hỗ trợ phụ nữ khó khăn” là mô hình có nhiều ý nghĩa thiết thực và mang lại lợi ích cho chính cán bộ hội viên phụ nữ nên được chị em ủng hộ rất nhiệt tình và được chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện để phường hội duy trì hoạt động lâu dài, hiệu quả hơn. Từ đó, tạo thói quen cho người dân trong việc trồng, sử dụng và cả kinh doanh rau, củ, quả cũng như các thực phẩm sạch khác.

Giám sát chợ và các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố

Thực hiện Kế hoạch số 1066/KH-UBND, ngày 16-2-2017 của UBND thành phố về bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng năm 2017, Hội LHPN thành phố được giao trách nhiệm giám sát việc chấp hành pháp luật về ATTP đối với chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tuyến xã/phường trên địa bàn thành phố. Có thể thấy, từ ngày có sự chung tay của chị em, nhiều tuyến phố kinh doanh ăn uống đã đổi sắc.

Như tuyến phố Trưng Nhị (phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu) với hơn mười cửa hàng ăn uống, tuy diện tích nhỏ gọn nhưng đều được bài trí vô cùng sạch sẽ, bắt mắt. Tất cả bàn ghế, dụng cụ nấu bếp, muỗng, đũa... của các quán ăn đều sử dụng inox, bếp điện thay bếp than. Dọc khắp tuyến đường, nhà nào cũng có thùng rác đồng màu xanh lá cây đậm được in logo của phường. Tại các tủ bán đồ ăn đều có dán bảng “10 nguyên tắc chế biến thức ăn đảm bảo VSATTP”.

Chị Trương Thị Mộng Linh, chủ cửa hàng bán cháo dinh dưỡng chia sẻ: Để có được bộ mặt khang trang cho cả một tuyến phố buôn bán là điều không dễ dàng. Từ đầu năm nay, các chị được hỗ trợ vay vốn để nâng cấp, cải thiện mặt tiền hàng quán. Từ ngày những bộ bàn ghế nhựa thấp lè tè được thay thế bằng bàn ghế inox cao, sáng bóng, dụng cụ đựng thức ăn cũng được thay đổi toàn bộ..., khách hàng đến tuyến phố Trưng Nhị ngày một đông hơn. Chị em không những có thể cải thiện đời sống mà còn tự tin cung cấp cho người tiêu dùng những loại thực phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe.

Chị Lê Thị Thanh (chi hội trưởng chi hội phụ nữ 49, phường Hòa Thuận Tây) cho biết thêm: Từ đầu năm nay, Hội LHPN phường đã tổ chức phát tạp dề và tập huấn kiến thức về VSATTP cho 120 cơ sở buôn bán thức ăn đường phố. Riêng ở chi hội 49 là 15 mũ và tạp dề. Chị em hội viên thường xuyên kiểm tra, giám sát chéo đối với tất cả các cơ sở buôn bán tại khu dân cư của mình. Hiện tại, 100% các chủ kinh doanh đều cam kết thực hiện VSATTP bởi họ cũng nhận thấy rằng, nhờ sạch sẽ, khang trang mà doanh số bán hàng tăng lên.

Tại địa bàn phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, công tác giám sát VSATTP cũng được Hội phụ nữ phường thực hiện thường xuyên. Chị Ngô Thị Mỹ Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN phường cho biết, góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng “Thành phố 4 an”, Hội LHPN phường Thọ Quang đã tổ chức một điểm tuyên truyền VSATTP tại 3 chi hội và các hộ buôn bán tại chợ Chiều với 62 chị em tham dự. 

Phường hội cũng xây dựng kế hoạch và lập đoàn giám sát VSATTP 32 hộ kinh doanh thức ăn và hàng thực phẩm tại chợ Chiều và các hộ kinh doanh ven ngoài khu vực chợ Mai; 42 hộ kinh doanh thức ăn đường phố. Qua đợt giám sát, các chị cũng đã lồng ghép tuyên truyền cho các hộ buôn bán kiến thức cơ bản về đảm bảo VSATTP. Ngoài ra từ đầu năm nay, phường hội đã xây dựng kế hoạch giám sát cộng đồng và triển khai đến các hội viên để qua đó kêu gọi sự giám sát của toàn thể hội viên phụ nữ đối với các quán ăn đường phố và thông báo kịp thời khi phát hiện bất thường.

Công tác VSATTP được các cấp hội phụ nữ nỗ lực thực hiện, nhưng các chị cho rằng công tác giám sát chợ và các cơ sở kinh doanh ăn uống vẫn chưa thực sự hiệu quả do hình thức giám sát cộng đồng được thực hiện chủ yếu bằng việc quan sát bằng mắt thường nên chưa phát hiện những sai sót lớn, chưa tiếp xúc được với hồ sơ ATTP của cơ sở. Thêm vào đó, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố đa phần là tự phát, điều kiện tạm bợ, việc đảm bảo các điều kiện vệ sinh khó đầy đủ. Địa điểm kinh doanh luôn biến động; một số cơ sở kinh doanh vào ban đêm, người kinh doanh không phải dân địa phương, đa số có hoàn cảnh khó khăn, trình độ văn hóa thấp, thu nhập chủ yếu là kinh doanh thức ăn đường phố nên khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.