"Chiến sĩ khởi nghĩa" Phan Duy Nhân với Tết Mậu Thân 1968

Trong sự kiện Tết Mậu Thân 1968 tại Đà Nẵng, đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị được thể hiện rất rõ nét. Riêng về mũi đấu tranh chính trị, có một nhân vật lịch sử tiêu biểu - đó là nhà thơ Nguyễn Chính (Phan Duy Nhân).

Tặng hoa sen thay cho lời hứa chiến thắng

Về việc tham gia Tết Mậu Thân 1968 của nhà thơ Phan Duy Nhân, nguyên Bí thư Đặc Khu ủy Quảng Đà Trần Thận cho biết: Phan Duy Nhân là một trong số cán bộ được Hồ Nghinh tin cậy, cho phép đột nhập nội thành trước, giao cho anh nhiệm vụ nặng nề mà không nhiều người làm được là “ra công khai”.

Nguyên Ủy viên Ban Tuyên huấn Quảng Đà Nguyễn Đình An cho biết về Phan Duy Nhân trong thời điểm này: Do bị lộ trong cuộc đấu tranh 76 ngày nhân dân làm chủ thành phố xuân hè năm 1966, Phan Duy Nhân phải nhảy núi, anh trở thành một cán bộ của Thành ủy Đà Nẵng. Anh có lẽ là người được truyền đạt đầy đủ và sâu sắc nhất chủ trương tổng công kích, tổng khởi nghĩa, không chỉ qua các cuộc hội nghị cùng với nhiều ngành mà anh Trương Chí Cương, anh Hồ Nghinh, nhiều đồng chí lãnh đạo khác đã trực tiếp trao đổi, giao nhiệm vụ cụ thể cho anh. Anh sẽ trở về thành phố mà anh yêu thương trong một sứ mệnh đặc biệt, chưa bao giờ anh nghĩ tới và hình dung nổi. Anh sẽ trở về Đà Nẵng nơi anh có người vợ trẻ và đứa con gái đầu lòng chưa được 2 tuổi, anh có bà mẹ suốt đời vất vả nuôi thương anh. Nhưng những gì thân thiết vô cùng và riêng tư ấy như chìm lắng, như mờ đi bởi lúc này nhiệm vụ mà Đảng giao cho anh không chỉ là hệ trọng mà còn rất thiêng liêng.

Và cái đẹp về chí khí tráng sĩ Phan Duy Nhân được biểu hiện rất cụ thể khi phát hiện gần ngôi nhà nơi mình vừa nhận chỉ thị trước khi vào thành phố để châm một ngòi pháo “nổi dậy, xuống đường”, là một cái ao tươi hồng mấy đóa hoa sen. Phan Duy Nhân lội xuống hái và tặng đồng chí Hồ Nghinh, đó là một món quà đặc biệt thay cho lời hứa, lời thề trước lúc lên đường - nhất định ta sẽ hoàn thành nhiệm vụ, mặc dù có thể không bao giờ trở về.

Về tinh thần chiến thắng cho trận Tết năm ấy, trong bài hồi ký của mình, chiến sĩ khởi nghĩa Phan Duy Nhân thể hiện rất rõ nhưng với sự khiêm tốn vốn có: “Cuối năm 1967, cùng các địa phương khác, Đặc Khu ủy Quảng Đà chủ trương phối hợp đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị, xây dựng lực lượng cơ sở cách mạng ở các thành thị và vùng giáp ranh. Đà Nẵng được xác định là một chiến trường trọng điểm. Tôi lại được điều về nội thành hoạt động bí mật. Ngày 8-12-1967, từ Lệ Bắc (Điện Bàn), tôi nhận nhiệm vụ trở lại Đà Nẵng. Thường vụ Khu ủy 5 phổ biến chủ trương chuẩn bị tiến tới tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Đồng chí Trương Chí Cương nắm chặt hai vai tôi và nói: “Tiễn cậu đi lần này, mình nhớ hồi mình còn trẻ nhận nhiệm vụ lên đường chuẩn bị khởi nghĩa làm Cách mạng Tháng Tám”. Tôi xúc động run người, phấn chấn nghĩ chắc đã gần ngày chiến thắng.

Giờ lịch sử đã điểm!

Kịch bản Tết Mậu Thân tại Đà Nẵng là khi tiếng súng công kích nổ, từ một số phường - cơ sở của ta cùng nhiều bà con chí cốt ở nông thôn đã ém sẵn; từ một số khu phố có đông lực lượng tài xế, thợ máy, tiểu thương đã dày dạn trong tranh đấu, các cuộc nổi dậy nhỏ sẽ nổ ra. Cùng lúc, các đội quân đấu tranh chính trị từ các vùng ven sẽ rầm rập tiến vào thành.

Trong khí thế đó, Phan Duy Nhân đến gặp đồng chí Hà Kỳ Ngộ và Trần Thận để xin ý kiến về phương án nổi dậy của mình - được suy nghĩ rất kỹ kể từ khi vào nội thành để tìm hiểu tình hình thực tế. Đó là trực tiếp chịu trách nhiệm phát động nổi dậy tại chùa Tỉnh Hội - điểm nổi dậy ở trung tâm thành phố. Lúc này, Phan Duy Nhân nghĩ: “Mình xuất hiện công khai trước công chúng ở sân chùa đúng sáng mồng Một Tết phải thật đàng hoàng, quần là thẳng nếp, áo sơ-mi trắng”. Và với gương mặt trẻ trung sáng láng, đôi kính cận đầy của thanh niên trí thức đã hiên ngang đứng giữa sân chùa Tỉnh Hội vào đúng giờ đã định.

Về giờ phút lịch sử này, Phan Duy Nhân cho biết: “Chiều 30 Tết Mậu Thân 1968, Thường vụ Đặc Khu  ủy Quảng Đà bí mật vào tới nội thành, làm việc tập thể ngay tại mặt trận. Tôi được phổ biến cuộc Tổng tiến công, tổng nổi dậy sẽ tiến hành đồng loạt, sau giao thừa đến sáng mồng Một Tết (tức ngày 30-1-1968), và được phân công khi cần thiết thì ra công khai trực tiếp chỉ huy ở trung tâm thành phố. Lúc 3 giờ sáng, đại pháo của ta nã vào sân bay quân sự Đà Nẵng của Mỹ - chính quyền Sài Gòn. Lập tức, quân giải phóng xuất kích đánh vào Quân đoàn 1 Sài Gòn và lực lượng đấu tranh chính trị của đồng bào ta tập trung ở xã Hòa Hải làm lễ tuyên thệ trước chân dung Bác Hồ “thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” rồi băng qua lửa đạn, vượt sông Hàn, tiến công vào thành phố. Trong nội thành, điểm tập trung lực lượng nổi dậy là chùa Tỉnh Hội Phật giáo. Tôi được lệnh đến điểm tập trung để ra công khai chỉ huy. Lúc đó, ở sân chùa Tỉnh Hội, đồng bào tập trung khá đông. Tôi cầm loa kêu gọi ủng hộ và phối hợp hành động với quân giải phóng đang tiến vào thành phố. Tôi tuyên bố: “Giờ lịch sử đã điểm! Nhân dân toàn miền Nam đang nổi dậy tổng công kích, tổng khởi nghĩa! Đồng bào hãy vùng lên đánh đuổi xâm lược Mỹ, lật đổ ngụy quyền tay sai Sài Gòn, giải phóng đất nước, xây dựng cuộc đời mới”. Nhiều cán bộ đã được bố trí trong quần chúng cũng kêu gọi, phát động. Từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945, lời hiệu triệu khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân một lần nữa lại vang dội trên đô thị cảng trung dũng kiên cường.

Đồng bào hãy tiếp tục vùng lên khởi nghĩa!

Lúc bấy giờ, những người có mặt ở sân chùa (ngoài số anh em ta đã biết kịch bản) ngạc nhiên. Có nhiều người nhận ra đây là Phan Chánh Dinh - một thầy giáo khá thân quen với đông đảo giáo chức học sinh Đà Nẵng, Vĩnh Điện, Hội An; đây là Phan Duy Nhân - tác giả của nhiều bài thơ đầy tâm huyết về đất nước và tuổi trẻ. Có thể nói, Phan Duy Nhân đã trở thành biểu tượng, là động lực của lời hiệu triệu nổi dậy của đồng bào Đà Nẵng trong Tết Mậu Thân này. Theo ông Trần Thận, “hưởng ứng lời tuyên bố của Phan Duy Nhân, một số cán bộ hợp pháp được bố trí làm nòng cốt như Hoàng Nguyên, Hoàng Nam, Phan Quang Minh, Ngô Minh Hà... hô vang khẩu hiệu kêu gọi nổi dậy, tạo nên khí thế sôi sục, bừng bừng”.

Tuy nhiên, rất nhanh chóng, những chiếc xe quân cảnh kéo đến, những toán cảnh sát dã chiến và bộ binh súng lăm lăm trong tay nhảy xuống dàn hàng ngang tiến thẳng vào đoàn người lúc này đã từ sân chùa đang tiến ra đường Ông Ích Khiêm, mở đầu cuộc xuống đường. Đoàn dự kiến sẽ đi tới chợ Cồn, vừa đi vừa thu nạp thêm lực lượng nổi dậy rồi tiến về hướng Tòa Thị chính.

Chính Phan Duy Nhân cho biết: “Khi địch kéo đến, chúng tôi trực diện thuyết phục binh lính, một số binh sĩ chùn lại. Nhưng tên chỉ huy ra lệnh nổ súng. Tôi bị địch bắn gãy chân trái. Bọn cảnh sát xông đến bắt. Tôi vẫn tiếp tục hô khẩu hiệu “đả đảo đế quốc Mỹ xâm lược” và kêu gọi: Tôi bị thương, nhưng đồng bào hãy tiếp tục nổi dậy khởi nghĩa. Cách mạng nhất định thắng lợi. Việt Nam hòa bình độc lập dân chủ thống nhất muôn năm”.

Theo ông Nguyễn Đình An, trong giây phút giằng co ấy, khi chúng kéo anh (Phan Duy Nhân) như kéo một cái xác lên xe. Một nữ sinh áo dài trắng ào ra níu giữ anh lại. Cô ấy là Minh Hà. Bọn địch lôi cô ra chĩa súng vào ngực rồi bắt luôn cô. Bị đánh tối tăm mặt mũi, anh vẫn còn nhận ra trong đám đông có anh Hồ Nghinh với bộ âu phục ngày Tết, vẫn là đôi mắt chan chứa yêu thương nhìn anh đau đớn. Anh không lo cho mình, anh vô cùng lo cho đồng chí lãnh đạo mà anh xem như người cha, người anh thân yêu, liệu có bị bắt như mình hay không.

Và trong giây phút này của kẻ hào kiệt - Phan Duy Nhân, nổi lên ý nghĩ đã đến lúc chắc chắn phải hy sinh, phải chết cho xứng đáng! Phan Duy Nhân thoáng nghĩ đến vợ và con gái đầu… Rồi nhớ gương ông Nguyễn Tri Phương bị thương nhịn ăn chịu chết để bảo toàn khí tiết, anh Hoàng Văn Thụ làm thơ trước khi ra pháp trường, chị Minh Khai bí mật gửi con mới sinh cho cơ sở, lẫm liệt hy sinh trước mũi súng quân thù. Khi ấy, lòng Phan Duy Nhân dịu đi, thanh thản lạ thường, cảm thấy yên tâm “tuẫn nghĩa”, sẵn sàng chấp nhận cái chết, cốt sao trọn vẹn với cách mạng, giữ gìn danh tiết cho vợ con. Và thực tế sau đó, Phan Duy Nhân bị bắt và giam ở nhiều nhà ngục, từ Kho Đạn, Gia Long, Thanh Bình rồi Côn Đảo cho đến ngày giải phóng.

Mặc dù cuộc nổi dậy không đạt như trong kế hoạch, nhưng với lời tuyên bố và nhắn nhủ được phát ra vào sáng mồng Một Tết Mậu Thân 1968, chiến sĩ khởi nghĩa Phan Duy Nhân đã góp phần to lớn có tính biểu tượng trong việc cổ vũ, khẳng định niềm tin, ý chí chiến thắng cho phong trào cách mạng đô thị Đà Nẵng năm 1968 và những năm tiếp theo cho đến ngày giải phóng thành phố năm 1975.

Võ Hà

;
.
.
.
.
.
.