Còn mãi những câu chuyện kể

.

Nửa thế kỷ trôi qua, khi những hiện vật, tư liệu về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Đà Nẵng không còn nhiều thì việc mời các nhân chứng kể chuyện lịch sử cho thế hệ trẻ là một việc làm cần thiết.

Các nhân chứng lịch sử giao lưu với thế hệ trẻ huyện Hòa Vang.Ảnh: PHƯƠNG TẤN
Các nhân chứng lịch sử giao lưu với thế hệ trẻ huyện Hòa Vang.Ảnh: PHƯƠNG TẤN

Học lịch sử từ nhân chứng

Chương trình nghe nhân chứng kể chuyện về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Đà Nẵng do Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức vừa qua đã thu hút khá đông cho sinh viên trên địa bàn thành phố tham gia. Ông Huỳnh Ngọc Kim, Chủ tịch Hội Tù yêu nước quận Thanh Khê, một trong 5 anh em còn sót lại của K36 (R20) tấn công vào cơ quan đầu não của Mỹ, ngụy tại chiến trường Quảng Đà vẫn còn nguyên vẹn ký ức về trận đánh lúc ông tròn 22 tuổi. Ông như không kể về mình, mà kể về người đồng đội Phạm Mận.

Khi ấy, K36 được thành lập với nhiệm vụ đặc biệt, được huấn luyện trong vòng 4 tháng về chiến thuật. Đến chiều ngày 25-1 thì được lệnh đánh vào Sở chỉ huy Quân đoàn 1 của ngụy. Mồng Một Tết Mậu Thân, pháo binh ta bắn vào sân bay Nước Mặn…, báo hiệu giờ G bắt đầu thì lập tức 3 tiểu đội của K36 xung phong vào Sở chỉ huy Quân đoàn 1. Nhưng tường rào cao với thép gai, mảnh chai nhiều chưa ai vượt qua được. “Lúc đó anh Phạm Mận nói to: Các đồng chí đứng trên vai tôi mà nhảy vào! Rồi anh Mận tựa 2 tay vào tường, khom người xuống làm bệ cho chúng tôi đứng. Nhiều anh em qua đôi vai anh Mận đã vào được bên trong. Hồi đó, khi anh Phạm Mận nói với tôi rằng Kim ơi, nếu các đồng chí còn về được đơn vị thì nói với nhân dân rằng Phạm Mận đã hoàn thành nhiệm vụ. Lúc đó, tôi không hiểu gì cả. Đến năm 1977, con gái của anh Mận mới tìm ra tôi nhờ xác nhận để giải quyết chế độ liệt sĩ cho anh Mận. Vì anh là tình báo nhưng nhiều đồng chí cùng thời đã hy sinh, nên mãi đến khi tôi và một số người còn sống xác minh thì năm 1978, anh mới được giải quyết chế độ”, ông Huỳnh Ngọc Kim kể.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, cùng với Huế, Sài Gòn và các đô thị lớn ở miền Nam, Đà Nẵng đã chiến đấu với tinh thần bất khuất, kiên trung. Tuy nhiên, tư liệu về cuộc tiến công này hiện còn khá ít. Bà Ngô Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, để làm chương trình này, Bảo tàng cũng khá vất vả trong tìm nhân chứng và hiện vật lưu giữ tại bảo tàng không nhiều, chỉ có hai bức ảnh về cuộc chiến, trong đó có bức Kho xăng An Đồn của ngụy bị quân giải phóng pháo kích vào đêm Giao thừa Tết Mậu thân. Bà Hà Phương Lan, con gái bà Phụng Ký - tác giả bức ảnh này chia sẻ, để chụp được bức ảnh này, mẹ bà đã vác máy ảnh chạy lên sân thượng để quan sát và chụp lại khoảnh khắc Kho đạn An Đồn bùng cháy. Bức ảnh chụp trong màn đêm với những cột khói cao ngất.

Có thể nói, khi những hiện vật, tư liệu về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Đà Nẵng không còn nhiều thì việc mời các nhân chứng kể chuyện lịch sử cho thế hệ trẻ là một việc làm cần thiết. Em Hồ Phương Uyên (sinh viên năm nhất, Trường Đại học Duy Tân) nói: “Đây là lần đầu tiên em được nghe nhân chứng kể chuyện lịch sử, đặc biệt là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại nơi mình sinh ra và lớn lên. Sách giáo khoa nói không nhiều và không kỹ nên những buổi nói chuyện như thế này xúc động, dễ tiếp thu hơn. Em mong muốn có nhiều chương trình tương tự về lịch sử, truyền thống đấu tranh của dân tộc và của nhân dân Đà Nẵng nói riêng”.

Truyền lửa cho lớp trẻ

Trong khi đó, tại buổi giao lưu với gần 200 thanh niên huyện Hòa Vang với chủ đề “Một thời và mãi mãi” do Huyện Đoàn Hòa Vang phối hợp với Hội Tù yêu nước huyện diễn ra sáng 27-1 vừa qua, những cựu tù yêu nước bị địch bắt giam, tù đày sau Tết Mậu Thân 1968 lại truyền lửa cách mạng cho thế hệ trẻ bằng ý chí kiên trung của mình.

Trong dòng chảy ký ức, ông Đặng Văn Tráng (thôn Lệ Sơn Bắc, xã Hòa Tiến)-một trong số 19 cán bộ, chiến sĩ vượt ngục thành công tại nhà tù Phú Quốc không thể nào quên những tháng năm gian khổ, tàn khốc trong nhà tù được mệnh danh là địa ngục trần gian. Giữa năm 1968, ông bị địch bắt giam ở nhà tù Tam Kỳ rồi sau áp giải ra nhà tù Phú Quốc. Nhà tù Phú Quốc là mặt trận đấu tranh của cán bộ chiến sĩ dưới nhiều hình thức như tuyệt thực, hô khẩu hiệu, mổ bụng để gây sức ép. Bằng những thủ đoạn tra khảo tàn bạo như đóng đinh sắt vào các đầu ngón tay, dùng thanh gỗ kẹp các ngón tay, rồi trói tay chân chốc ngược người lên sàn nhà... nhưng với khí tiết một lòng theo Đảng, một lòng theo Bác Hồ và tinh thần kiên trung, bất khuất của người Cộng sản, ông đã không hé nửa lời. Giữa dòng chảy câu chuyện ấy, Thiếu úy Đặng Đình Dụng, cán bộ Đội An ninh Công an huyện Hòa Vang trăn trở bày tỏ: “Khi bị bắt giam tại nhà tù khắc nghiệt, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã vượt ngục, nhưng nếu vượt ngục không thành thì sự sống rất mong manh, thế sao các cô, chú vẫn nung nấu ý chí vượt ngục?”. Ông Đặng Văn Tráng khảng khái: “Người tù cộng sản xác định vượt ngục thành công là để gây dựng lại cơ sở cách mạng, cùng chiến sĩ, đồng bào đấu tranh, giải phóng dân tộc; còn bị giam cầm, tra tấn thì ít có hy vọng thực hiện lý tưởng của người cộng sản”.

Trưởng Ban liên lạc Tù yêu nước thiếu nhi Đà Lạt, ông Thái Bá Trọng, đã chia sẻ về cách thức đấu tranh mổ bụng của bản thân ông để gây sức ép tại nhà tù Đà Lạt. Đây là nhà tù có nhiều phương thức tra tấn tù nhân với thủ đoạn “tận dụng” thời tiết lạnh lẽo, cởi quần áo tù nhân và dùng nhiều dây kim loại đánh vào thân thể gây rớm máu, rồi lại trói chân tay kéo người dốc ngược lên trần nhà. Càng căm phẫn thủ đoạn tàn độc của bọn cai ngục, tinh thần đoàn kết, đùm bọc nhau của cán bộ chiến sĩ càng lên cao. Ông Thái Bá Trọng đã tự mình dùng dao lam rạch bụng nhiều lần để phản kháng các thủ đoạn tra khảo của cai ngục. Mổ bụng để không chết cũng là một nghệ thuật- ông Trọng chia sẻ với tuổi trẻ Hòa Vang. Ông cho biết, lúc đó, ngục trưởng phải thốt lên: “Tụi bây đừng tra tấn nữa, coi chừng bọn chúng mổ bụng chết hết bây giờ”. Anh Nguyễn Văn Thịnh, thôn Bắc An, xã Hòa Tiến điều gì thôi thúc người chiến sĩ cách mạng đấu tranh kiên quyết đến cùng như vậy, ông Trọng bình thản trả lời: “Khí tiết người cộng sản không gì có thể đè bẹp được”.

Những câu chuyện được kể từ nhân chứng sống, với sự khẳng định hùng hồn của những con người cách mạng kiên trung, đã truyền lửa cho thế hệ trẻ hôm nay…    

Hà Thu-Phương Tấn

;
.
.
.
.
.
.