Để có một mùa hoa Tết

.

Chỉ còn non một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán. Trên khắp các cánh đồng hoa, người trồng hoa đang tất bật với những công đoạn cuối cùng. Gương mặt ai nấy đều tràn trề hy vọng sẽ đón một mùa xuân bội thu.

Bà Nhàn khấp khởi hy vọng về một mùa hoa xuân Mậu Tuất bội thu. Ảnh: Q.T
Bà Nhàn khấp khởi hy vọng về một mùa hoa xuân Mậu Tuất bội thu. Ảnh: Q.T

Khấp khởi hy vọng

Về làng hoa Nhơn Thọ (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) những ngày này, hương hoa vương vất trong gió từ dọc đường vào thôn. Trên mỗi khoảnh đất đều tất bật người ra, vào chăm sóc hoa, bất kể giờ giấc. Làng hoa Nhơn Thọ có nhiều chủng loại, chiếm đa số là cúc đại đóa, vạn thọ. Những bông cúc hé nụ vàng rực đã được người dân xuống giống từ giữa tháng 8 Âm lịch. Trước khi xuống giống phải chuẩn bị các chậu vô đất sẵn để gieo giống. Nghe nói, vụ hoa Tết năm ngoái, làng hoa Nhơn Thọ thất thu. Hàng trăm chậu đất từ năm cũ được giữ lại để dùng trong năm nay. Nhìn hàng cúc vàng đã hé nụ, cộng thêm tiết trời Đà Nẵng được dự đoán sẽ lạnh đến ngày cận Tết dễ thấy niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt những người nông dân quanh năm “đánh bạc với thời tiết”.

Giữa trưa, bà Bùi Thị Nhàn (thôn Tân Hạnh, xã Hòa Phước) cần mẫn bên từng chậu hoa. Bà nâng niu, xem xét kỹ từng cánh hoa, cái lá. Cả vườn cúc đại đóa 300 chậu này do mình bà Nhàn chăm sóc, từ khi cây cúc còn là cây con được chuyển giống từ Đà Lạt về đến khi cây vươn mình cao quá nửa thân người. Vừa vặt những chiếc lá úa vàng, bà Nhàn vừa nói: “Nghề chăm hoa không mấy nặng nhọc nhưng đòi hỏi mình phải cần cù, luôn tay luôn chân. Ngày nào cũng phải tưới nước, phân bón định kỳ tuần 1 lần. Nếu cây có bệnh thì hằng tuần phải bơm rầy, nếu không thì nửa tháng mới bơm rầy/lần. Tôi nghe đài dự báo năm nay lạnh kéo dài nên tôi cắt điện sớm để cây trổ bông. Việc thắp điện để hãm cúc đóng nụ, trổ bông sớm. Từ khi gieo cây xuống đất là phải chong điện. Đến khi hoa được 3 tháng tuổi là cắt, không dùng điện để cúc phát triển tự do, lấy sức đơm búp, để hoa nở đúng dịp Tết”.

Nhiều năm nay, một số người dân Hòa Phước đã lấy nghề trồng hoa Tết làm thu nhập chính. Cứ đến một vụ mới, người trồng hoa lại ăn, ngủ cùng hoa. Cả làng hoa với gần 20 người trồng, trong đó, 9 người trồng hoa Tết. Thức khuya, dậy sớm, suốt ngày có mặt ngoài vườn hoa chăm bẳm, tỉa tót. Nếu gặp năm thắng lợi thì khoản lợi nhuận dành dụm để lo con cái ăn học, phần chi phí sắm sửa cho gia đình ngày Tết, một phần để lại tái gieo trồng vụ sau. Gặp năm thời tiết khắc nghiệt, sâu bệnh coi như bao công sức đổ sông đổ biển. Thế nhưng, để có một mùa hoa Tết bội thu không phải là chuyện dễ dàng. Nhìn hàng cúc nhà bà Nhàn và những hộ xung quanh, dễ thấy năm nay cúc ra hoa rất đẹp nhưng cây thấp chứ không được cao như mọi năm. Bà Nhàn giải thích: “Năm nay cúc đẹp nhưng lại thấp do mùa lạnh kéo dài, ít ánh nắng. Chúng tôi khá lo cúc sẽ rớt một vài giá vì tâm lý người dân thích cây vươn cao, khỏe, báo hiệu một năm mới tràn trề nhựa sống. Dù vậy, năm nay, hoa nở đều, đẹp cũng gỡ gạc lại ít nhiều”.

Rời làng Nhơn Thọ, chúng tôi ngược về vườn hoa sát chân núi Sơn Trà (thuộc địa phận tổ 37, phường Thọ Quang) của ông Hoàng Văn Quy. Khác với vẻ đẹp vàng rực, thơm ngát của những vườn hoa lớn, vườn hoa của ông Quy khiêm tốn dựa vào núi, chỉ vỏn vẹn vài ba chục mét vuông, trồng chủ yếu hoa vạn thọ. Đây cũng là năm đầu tiên ông Quy thử nghiệm trồng vạn thọ bán Tết. Hơn 300 gốc vạn thọ được ông gieo từ đầu tháng 10 âm lịch, đến 20 tháng Chạp cho hoa vào chậu. Vườn hoa nhà ông ở sát chân núi, chịu nhiều gió, sương muối nên chỉ cần lơ đễnh là dễ mất trắng. Chỉ còn vài hôm nữa là đến Tết Nguyên đán, 3 hàng vạn thọ đã cho ra những bông hoa to, đẹp, đúng với ý nguyện của người chăm bón. “Trước đây tôi chỉ biết trồng rau. Từ ngày được Hội Nông dân phường động viên, tôi thử nghiệm mua mấy gói giống hoa vạn thọ về trồng. Dòng hoa này rất dễ bị rầy, sâu nên đòi hỏi người chăm phải cẩn trọng, thường xuyên theo dõi để xử lý thuốc kịp thời. Tôi chẳng biết gì về kinh nghiệm trồng hoa nên mọi việc đều hỏi các chủ vườn có kinh nghiệm chỉ lại. Họ bày gì, thấy họ làm gì mình làm theo. Đến thời điểm này, thấy vạn thọ phát triển bình thường, tôi mừng lắm. Nếu như Tết này, tôi bán được hết đám vạn thọ kia thì sẽ có được gần 3 triệu đồng sắm Tết. Đó là số tiền rất lớn với một người thuộc hộ nghèo như tôi”, ông chia sẻ.

Kỳ công chăm mai

Mùa xuân Mậu Tuất đang đến thật gần, cũng là lúc các chủ vườn mai tất bật với các công việc chăm sóc mai chuẩn bị đón xuân. Dạo một vòng quanh một số vườn mai trên địa bàn phường Hòa Quý, Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn), Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ)… không khí bán mua đã bắt đầu rục rịch. Các chủ vườn mai có kinh nghiệm nhận định, tiết trời năm nay đang khá thuận lợi cho mai ra hoa và nở đúng dịp Tết. Tuy vậy, nhiều người vẫn phải vừa làm, vừa ngó chừng thời tiết. Không như các loài hoa chưng khác, việc chăm mai không quá khó khăn nhưng để mai nở hoa đúng độ thì phụ thuộc rất nhiều vào khí hậu, đất đai, độ ẩm và thời tiết. Trong đó, thời tiết vẫn là yếu tố quyết định. Những người trồng mai ngoài nắm rõ các kỹ thuật cắt cành, uốn cành, tạo dáng, tuốt lá đúng vụ… thì việc theo dõi dự báo thời tiết hằng ngày là việc phải làm.

Tiết trời Đà Nẵng được dự đoán sẽ lạnh đến sát Tết Nguyên đán. Những nụ mai vẫn còn đang e ấp trong cái lạnh. Người trồng mai hy vọng, chỉ cần giáp Tết nắng ấm lên vài ngày, hoa mai sẽ bung nở. Theo nhiều chủ vườn, giá mai năm nay sẽ không biến động nhiều so với mọi năm. Tuy nhiên, giá mỗi gốc mai thì vô chừng, có gốc 5-7 triệu đồng; nhưng với những gốc mai cổ, thế đẹp, lạ thì hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng. Anh Trần Văn Thương (chủ vườn mai ở khu nam cầu Tiên Sơn, quận Ngũ Hành Sơn) cho hay, vườn nhà anh có hơn 100 gốc mai. Trong đó có 4-5 gốc mai độc, tuổi đời 30 - 40 năm. Những gốc mai này được chăm sóc rất kỹ. Trong chậu trồng các cây này thường được bố trí thêm những cây cối, phụ kiện tạo nên vẻ đẹp sang trọng cho cây mai. Để tạo ra được một cây mai có thế đẹp, lạ anh phải mất cả chục năm tạo dáng cây từ khi còn non. Tạo ra được cây mai đẹp, anh còn đặt tên cho nó. Không chỉ vậy, khi gặp được người khách “phải lòng” cây mai quý, họ sẽ đặt cho cây một cái tên khác, thường là theo phong thủy, hợp với họ và gia đình.

Với công sức chăm bẵm cả năm trời, người trồng mai hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của thời tiết. Nhìn những gốc mai trở mình trong gió, anh Thương trầm ngâm: “Với người trồng hoa, địa lợi, nhân hòa cũng không bằng thiên thời. Thời tiết là yếu tố quyết định thời điểm hoa trổ bông, hoa đẹp hay xấu. Trong chục năm làm nghề, không ít năm tôi khóc ròng vì công sức đổ sông đổ biển. Dù vậy, tôi vẫn bám trụ với nghề trồng hoa này, quyết không chịu thua. Chỉ biết hy vọng và chờ đợi thôi”.

Quỳnh Trang

;
.
.
.
.
.
.