Mùa xuân và mùa hoa Hội An

.

Tôi đã từng thắc mắc tại sao mùa xuân là mùa khoe sắc? Cả vạn vật, cỏ cây và con người. Thì ra, tạo hóa ban mùa xuân cho vạn vật những thuộc tính tạo nên sự phát triển: “Xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàng”. Ngày xưa tôi cứ nghĩ mùa đông là “tàn”, nhưng nay thì khác, đông là “tàng”, là tiềm ẩn... Vạn vật cuộn mình lại, như hoa sen, không chết mà nén lại trong củ dưới đáy hồ, trong lớp bùn, đợi đến ngày vọt lên khoe sắc hương.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Lại nhớ về cái ngày xưa yêu mến ấy. Tại một làng quê, cách một dòng sông là phố cổ Hội An. Mùa xuân là mùa của hoa cỏ trong từng vườn nhà. Cái diệu vợi ngồng hoa cải, cái lúng liếng ngọn thì là, cái vàng tươi giàn hoa mướp, cái đỏ ngầu mồng gà, hồng, hàng vạn thọ dọc dài con đường nhỏ ra đến cổng, rồi nàng cúc, đồng tiền… cũng không chịu “thua chị, kém em”! Lúc bấy giờ, làng tôi cây mai cũng ít, nhà có, nhà không. Nhà tôi không trồng được hoa mai, vì diện tích nhỏ, chỉ dành cho rau cải, để có cái luộc, kho, muối thành dưa dành cho mùa đông, vì cả nhà với mười cái “tàu há mồm”. Vườn nhà không có mà chúng tôi lại không chịu thiếu cành hoa mai. Một kỷ niệm không bao giờ quên, dù đã nửa thế kỷ trôi qua. Lợi dụng đêm 30 Tết, trời tối, mọi người lo canh chừng nồi bánh tét, cậu em tôi lẻn qua nhà ông bác, cách đó vài ba cái vườn, bẻ mấy cành mai, khi đem về mới chưng hửng là không có bình để cắm. Tôi nảy ra “sáng kiến” đập vỡ cái miệng chai cho rộng để cắm vào. Ngày mồng hai, ông bác đến nhà chúc Tết. Tình huống bất ngờ, chúng tôi chưa kịp mang bình hoa đi giấu. Ông ngồi uống chè tươi và ăn mứt gừng. Sau khi chúc Tết xong, ông cười, rồi khen năm nay nhà tôi có bình hoa đẹp! Chúng tôi chẳng thốt được một lời! Ba tôi vừa cười, vừa đáp lễ, rồi nói: “Chúng nó làm chúng ta nhớ lại cái ngày xưa của mình…”. Thật không có câu biện hộ nào thông minh hơn! Cả hai ông cùng cười to, còn chúng tôi chẳng hiểu mô tê!

Ngày nay, nhiều làng xung quanh đô thị cổ Hội An đã trồng và phát triển các loài hoa và cây cảnh, trở thành một trong những nghề đem lại nhiều thu nhập cho người nông dân và làm đẹp thêm cho thành phố cổ. Các xã, phường: Cẩm Châu, Cẩm Hà, Thanh Hà, Tân An, Cẩm Phô, Cẩm Thanh… đã tham gia trồng. Ngoài các loài hoa đặc trưng, mai chậu tạo thế, quật chậu chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu từ sản xuất hoa cây cảnh trong mỗi dịp Tết. Hiện có vài chục loại hoa khác nhau với hàng trăm giống. Đa dạng và phong phú về chủng loại, được du nhập từ nhiều địa phương khác như: cúc, lily, lay ơn, mãn đình hồng, thủy tiên... Điều này cho thấy hoa, cây cảnh sản xuất ra được tiêu thụ tốt và thị trường đón nhận tích cực. Riêng các loại hoa: mai, mãn đình hồng, lily có lúc do thời tiết thất thường nên nở không đúng dịp Tết nên tỷ lệ tiêu thụ thấp. Muốn nâng cao hơn nữa tỷ lệ tiêu thụ/sản xuất, người làm vườn phải trang bị kiến thức từng loại cây trồng và thường xuyên theo dõi thời tiết để chủ động, có kế hoạch sản xuất hiệu quả, giảm sản lượng những loại cây cảnh mà thị trường có nhu cầu thấp, chất lượng chưa bảo đảm, tập trung đầu tư nâng cao chất lượng giá trị cây trồng, loại cây tiêu thụ tốt, giá bán cao, rủi ro thấp, nắm chắc kỹ thuật... để xây dựng kế hoạch và tổ chức sản xuất đạt kết quả cao.

Hoa cây cảnh ở những làng hoa Hội An ban đầu chưa được biết đến nhiều, thì nay xứ hoa Đà Lạt, các thị trường miền Trung: Đà Nẵng, Huế, Quảng Ngãi, Bình Định… đã trở thành bạn hàng của các làng hoa Hội An. Phải chăng, phù sa Thu Bồn đã tạo nên thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại hoa và sự sáng tạo, bàn tay tỉ mẩn con người xứ Quảng Nam đã hun đúc nên nghề trồng hoa Hội An, tạo thành một vành đai rực rỡ hoa vây quanh đô thị cổ. Mỗi xã, phường chuyên canh một số loại hoa cây cảnh: Cẩm Châu, Cẩm Thanh chuyên trồng hoa cúc, hoa loa kèn, hoa hải đường… Tân An, Cẩm Hà, Thanh Hà chuyên trồng cây quất. Trà Quế nổi tiếng với nghề trồng rau cũng xen canh trồng hoa phục vụ thị trường Tết, Cẩm Châu nổi tiếng với nghề trồng mai lấy giống từ Sa Đéc… Có lẽ, Quảng Nam là vùng đất có thời tiết khắc nghiệt, cây mai phải gồng mình chống đỡ, tạo ra những dáng, thế lạ rất lạ, được chăm sóc kỹ nên hoa to đều và nở rộ đúng vào ngày Tết, được khách hàng ưa chuộng.  Hiện nay, nhiều người trồng, chọn thêm loài xương rồng, bán được quanh năm, chịu đựng với thời tiết khắc nghiệt, dễ chăm bón và không sợ rớt giá, bán không được thì mang về lại cũng không sao.

Quả thật, nghề chơi cũng lắm công phu, chỉ với mỗi ba bốn giò lan, vài ba chậu kiểng trước nhà, mà sáng và chiều ta cũng tất bật chăm sóc. Nói chi đến người trồng hoa cây cảnh, cung cấp thú chơi cho bao nhiêu người, bao nhiêu nhà. Trừ những chủ vườn lớn có nhiều tiền để đầu tư lớn, chuyên canh, thuê mướn người làm, còn đa số người trồng đều là xen vụ, gối vụ, sử dụng thời gian nhàn rỗi, khi xong các công việc chính. Họ vừa trồng rồi tự mang ra chợ bán cho được giá, có tiền trang trải, đắp đổi cho ngày Tết được vui vẻ.

Năm nào, cho đến cận kề giờ giao thừa, không gian buổi chợ khuya ngày cuối năm vẫn tấp nập người mua, kẻ bán. Thói quen nhiều người “lần không ra” cũng muốn có được một cái Tết vui vẻ. Lại có nhiều kẻ “ăn không hết” chọn thời điểm gần giao thừa để mua hoa rẻ. Nhiều người không chịu được quá lỗ vốn, rất buồn rầu khi phải đập chậu, đổ đất, mang cây về để năm sau tiếp tục chăm sóc với hy vọng mới… Bức tranh ảm đạm này tồn tại trong nhiều năm qua. Mong sao những người có tiền, thích chơi hoa trong dịp Tết, có chút suy nghĩ về hoàn cảnh người bán, công sức bỏ ra của người trồng, hãy “rước” hoa sớm hơn, như là rước “phước lộc” về nhà, để người bán hoa, người trồng hoa được nhờ, không còn khung cảnh ảm đạm, buồn ở chợ hoa đêm trước giờ giao thừa.

Chùa Trường Sa. (Ảnh Internet)
Chùa Trường Sa. (Ảnh Internet)

Chuông chùa ở Trường Sa

Trường Sa vẳng tiếng chuông chùa
Tiếng chuông lảnh lót đêm mưa bồi hồi
Hòa cùng sóng biển không lời
Tiếng chuông như nhắn, như khơi nỗi niềm
Mưa Xuân biển đảo bình yên
Đảo xa gần gũi - yêu thêm chuông chùa.

Nguyễn Xuân Tư

HUỲNH VIẾT TƯ

;
.
.
.
.
.
.