Trồng lúa Nhật Bản ở các nước châu Á

.

Các nông dân trồng lúa ở Nhật Bản mạo hiểm đầu tư vào nhiều vùng ở châu Á khi trồng giống lúa của nước mình. Sự mạo hiểm đó xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ của các nhà hàng Nhật Bản ngày càng nhiều ở châu Á.

Các nông dân Nhật Bản kết hợp với người dân bản xứ để áp dụng chuyên môn trồng lúa nhằm phát triển thương hiệu gạo. Xu hướng hợp tác đó giúp cho người Việt Nam có thể dùng gạo Nhật Bản với giá thấp hơn rất nhiều so với nhập khẩu.

Hồi giữa tháng 11-2017, nhà hàng Nhật Bản, Ofukuro Tei ở Hà Nội đã bán gạo trồng tại Việt Nam nhưng được phát triển bởi công ty Ajichi Farm. Ba loại gạo Akisakari, Koshihikari và Hanaechizen bán ra với giá 4,41 USD mỗi bao 2kg; tức thấp hơn một nửa so với loại nhập khẩu.

Gạo Nhật Bản được bán tại nhà hàng Ofukuro Tei ở Hà Nội.
Gạo Nhật Bản được bán tại nhà hàng Ofukuro Tei ở Hà Nội.

Công ty Ajichi Farm thử nghiệm trồng trọt hồi năm ngoái ở Nam Định. Do nhiệt độ cao hơn Nhật Bản nên công ty quyết định trồng lúa hai vụ xuân hè và hè thu. Giám đốc điều hành của Ajichi Farm là Takenori Ito thăm các cánh đồng mỗi tháng một lần để bảo đảm công tác quản lý nghiêm ngặt về đất đai và công nghệ canh tác.

Công ty cũng cho các nhà quản lý người Việt Nam sang thăm cánh đồng lúa ở Fukui. Ajichi Farm đã tăng diện tích từ 1,5ha lên 10ha và bán sản phẩm ngay tại Việt Nam. “Chúng tôi muốn khai thác thị trường Việt Nam bằng cách sử dụng sức mạnh thương hiệu gạo Nhật Bản. Công ty đặt mục tiêu sản xuất 10.000 tấn mỗi năm và doanh thu 2 tỷ yen”, ông Takenori Ito nói.

Thực phẩm Nhật Bản ngày càng phổ biến ở nhiều nước châu Á, có khoảng 69.300 nhà hàng Nhật Bản khắp châu Á trong năm 2017, tăng 50% so với năm 2015. Đó là động lực cho các công ty, tập đoàn nông nghiệp tăng sản lượng gạo ở các nước châu Á khác.

Chẳng hạn như ở Đông Nam Á không có loại gạo có hàm lượng protein thấp dành riêng cho bệnh nhân đau thận. Chính vì thế, một loại gạo có hàm lượng protein thấp mang tên Echigo được trồng ở một khu công nghiệp gần thủ đô Manila của Philippines.

Giám đốc điều hành của Công ty Biotech Japan là Kiyosada Egawa được điều chuyển tới Philippines để giám sát trồng lúa gạo Echigo. “Có nhiều người châu Á bị bệnh thận nên rất cần hạn chế lượng đạm nhưng lại không có loại gạo như Echigo. Do đó, nhu cầu tiêu dùng loại gạo của chúng tôi tăng nhanh”, ông Egawa nói.

Công ty buôn bán gạo Ask có trụ sở tại Yamagata ký hợp đồng với nông dân Ấn Độ để trồng lúa. Công ty Yamazaki Rice ở gần Tokyo hợp tác với một tập đoàn nông nghiệp Trung Quốc trồng lúa quy mô lớn từ đầu năm nay.

Công ty Forica Foods ở Niigata dự kiến ​​hợp tác với một công ty địa phương ở Thái Lan vào tháng 4 tới để trồng gạo có hàm lượng protein thấp. Ông Ito nhìn nhận: “Phần còn lại của châu Á có tiềm năng tiêu thụ gạo và bột gạo Nhật Bản rất lớn”. Chính vì thế, việc hợp tác trồng trọt ngay tại các nước giúp giá thành giảm là thuận lợi rất lớn để khuyếch trương các thương hiệu gạo Nhật Bản.

ANH THƯ (Theo Nikkei)

;
.
.
.
.
.
.